Trẻ Việt ở Séc: Hội nhập có dễ dàng?

Trẻ em Việt và trẻ em Tây, ảnh: 4zscheb.cz.

Sau những vấn đề về mưu sinh của thế hệ đầu tiên thì cuộc sống của người Việt tại đây đang xuất hiện nhiều câu hỏi mới khi con cái họ dần trưởng thành và đang tìm kiếm một chỗ đứng trong xã hội Séc.

Tương lai có lẽ không tệ
Đi họp phụ huynh cho con trai, chị Thu được cô giáo chủ nhiệm đặc biệt giữ lại sau buổi họp để bày tỏ sự hài lòng với con trai chị, cháu đã đạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác truyện, kịch và diễn thuyết của toàn khối. Chị Thu cảm thấy tự hào vì dẫu không phải người Séc nhưng cháu đã không hề thua kém các bạn trong việc phát triển tư duy ngôn ngữ.
Sang Séc cũng đã lâu và rất quan tâm tới tương lai của con cái, chị Thu phải thừa nhận một điều là việc hội nhập vào xã hội Séc vốn không hề dễ dàng chút nào, kể cả đối với các cháu sinh ra và lớn lên nơi đây. Rất nhiều cháu tốt nghiệp đại học ra trường nhưng không thể tìm được một công việc phù hợp trong các công ty Séc hoặc đôi khi được nhận vào làm việc nhưng lại đành dứt áo ra đi vì cảm thấy bị cô lập trong môi trường toàn ... Tây.
Có một thực tế là bất kỳ ông bố bà mẹ Việt nào cũng mong muốn con mình vừa thông thạo tiếng Séc lại phải vừa giỏi tiếng Việt, vừa biết cư xử tốt với các bạn Tây ở trường lại phải giữ được những truyền thống của người Việt trong gia đình. Kết quả là các cháu đều trở thành những diễn viên tài năng để có thể sắm nhiều vai kịch ... Chị Thu nhận ra điều khiên cưỡng này khi quan sát các cháu đang nói chuyện với bạn Tây mà đột nhiên xuất hiện mẹ là dường như cháu lại biến thành người khác. Mặc dù con chị có thể nói tiếng Việt khá tốt nhưng chị vẫn cảm thấy cháu thực sự thoải mái khi giao tiếp bằng tiếng Séc. Có nhiều người nói với chị: “Kệ, phải bắt nó nói tiếng Việt cho quen đi“, nhưng chị biết ngôn ngữ chỉ đóng vai trò truyền tải suy nghĩ chứ trong thâm tâm con trai chị đã lựa chọn Séc là quê hương của mình rồi. Vậy làm sao để giúp nó hội nhập tốt vào xã hội nơi đây?
Trẻ em Việt Nam hay tụ tập cùng nhau, ảnh: iDnes.
Trẻ em Việt Nam hay tụ tập cùng nhau, ảnh: iDnes.
Sự việc không đơn giản
Các cháu học sinh người Việt tuy đi học trường Tây nhưng khi lớn lên lại thích co cụm giao tiếp trong cộng đồng Việt. Đây được xem như một yếu điểm trong việc khuyến khích các cháu hội nhập. Người Việt vốn rất thích gìn giữ truyền thống nhưng một sự thật hiển nhiên là khi đã mặc áo the, khăn xếp thì chỉ có thể hát quan họ chứ không thể nhảy đầm. Một đứa trẻ muốn hòa nhập vào xã hội Tây thì phải có cách tư duy của tây, ít nhất phải hiểu và cảm thụ được nền văn hóa của Tây, có vậy mới không bị lạc lõng trong xã hội Tây.
Ông anh họ chị Thu có quầy ngay nhà ga chính Brno nên luôn nắm rõ tình hình bọn trẻ con Việt nơi đây. Anh kể có nhiều cháu sáng ra xách ba lô ra khỏi nhà nhưng không đến trường mà tụ tập với một số trẻ Việt khác cùng rong chơi tới chiều mới về nhà. Bố mẹ bận bán hàng nên không biết, cứ tưởng con mình vẫn tới trường đều đều, ai ngờ ... Anh còn kể có một cháu bỏ học sớm quá nên ủy ban gửi giấy mời bố mẹ ra làm việc (theo đúng luật của Séc, trẻ em phải đi học tới năm 15 tuổi và hoàn thành ít nhất chương trình tiểu học – základní). Bà mẹ luôn mang cô con gái theo làm phiên dịch liền hỏi:
- Họ nói gì vậy con?
- Dạ, bà ấy hỏi là tại sao không đi học? Con nói là tại khó quá.
- Như vậy là xong hả?
-Vâng ạ.
Cha mẹ người Việt có nên quan tâm đến con cái hơn, ảnh: radio.cz.
Cha mẹ người Việt có nên quan tâm hơn đến con cái, ảnh: radio.cz.
Hai mẹ con ra về được một thời gian thì bà mẹ nhận được giấy phạt vì đã không chăm sóc con đàng hoàng. Tá hỏa đi hỏi phiên dịch “xịn“ thì mới biết là đã vi phạm luật mà không biết.
Người Việt vốn rất thương con nên không muốn con cái chịu cực khổ. Nhưng nếu không học hành đàng hoàng thì liệu tương lai của chúng sẽ ra sao khi mà phần lớn các cháu thế hệ F2 này không có một chút khái niệm gì về buôn bán, kinh doanh?
Câu chuyện trên thật tức cười nhưng cũng nói lên một thực trạng là khá nhiều bậc phụ huynh Việt ở Séc đang giao phó hoàn toàn trách nhiệm dạy dỗ cho nhà trường. Có nhiều người lý giải vì họ quá bận bịu với việc buôn bán hàng ngày và cũng không biết nhiều tiếng để mà dạy dỗ, kèm cặp. Đó đúng là lý do nhưng dùng nó để bào chữa cho việc không quan tâm đến con cái thì rõ là cách thỏa hiệp dễ dãi với bản thân.
Mong mỏi cho con cái có cuộc sống tốt hơn, nhiều người đã cày ngày cày đêm nhưng nếu họ không ý thức một cách rõ ràng trách nhiệm của bản thân trong việc góp phần đào tạo những công dân tốt cho xã hội thì sự hi sinh của họ rất dễ trở thành công cốc khi con cái họ không được chăm sóc đến nơi đến chốn.
Người Việt sang đây ngoài việc mưu cầu một cuộc sống khấm khá hơn còn mang một ước vọng vươn lên trong xã hội. Tuy có rất nhiều cháu đạt thành tích tốt trong học tập nhưng điều đó không nói lên sức học trung bình của toàn thể các cháu trong các trường học của Séc. Thực chất làm việc trong các công ty lớn của Séc vẫn có rất ít sự có mặt của người Việt. Có lẽ đã đến lúc các “tập đoàn bán lẻ potraviny“ phải nhìn lại bản thân và đầu tư dài hơi hơn trong công cuộc hòa nhập vào xã hội Séc.
Các cháu luôn được khích lệ bằng văn hóa bằng khen, ảnh: ČTK.
Các cháu luôn được khích lệ bằng văn hóa bằng khen, ảnh: ČTK.
Việc các gia đình để con cái tự lo chuyện học hành theo chị Thu không chỉ có nguyên nhân bận rộn hay “tiếng ít“ mà thực ra người Việt luôn “tự kỷ ám thị“ rằng mình chẳng kém ai, con đẻ ra ở Tây là có thể bằng Tây... , thành tích con cái họ lúc nào chả được tuyên dương trước cộng đồng trong những dịp lễ tết. Chính cái tư tưởng “mặc nhiên“ này mà nhiều khi các vị không chịu hiểu cho con cái đã phải gánh những áp lực như thế nào khi phải đương nhiên giỏi, đương nhiên xuất sắc. Và khi không thể đạt được những thành tích đó, việc các cháu co cụm để rong chơi hay chán học cũng không khó hiểu và nhiều khi cũng phải xem lại trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Nếu đã lo cho tương lai của các cháu thì cũng nên lo tới đầu tới đũa. Ngạn ngữ có câu: “Cho cần câu hơn cho con cá“, thay vì việc lao động quần quật để tích lũy cho con, nên chăng hãy quan tâm tới việc dạy dỗ các cháu đàng hoàng để chúng có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.
–Nguồn: vietinfo.eu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình