Không cho bảo lãnh người ăn xin

Trung tâm Hỗ trợ xã hội hay trại tập trung ?
TT - Theo quyết định của UBND TP.HCM, người lang thang ăn xin bị đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM nhưng nếu xác định được nơi cư trú sẽ chuyển về địa phương. Thế nhưng thực tế lại khác.
Nhiều trường hợp gia đình đến bảo lãnh, trung tâm này hẹn sau ba tháng mới giải quyết.
Chị T.D. và chị Trần Thị Ngọc N. (thứ nhất và thứ hai từ phải qua) tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội sáng 28-2 - Ảnh: N.Triều
Ngày 26-2, một nhóm bạn khiếm thị gồm bảy người từ Gò Dầu (Tây Ninh) đi xe đò xuống khu vực trước chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP.HCM) bán vé số. Trong thời gian này, cơ quan chức năng địa phương tổ chức tập trung những người lang thang ăn xin và nhóm bạn khiếm thị này cũng bị chuyển vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP vì có tham gia ăn xin.
Từ không thể đến có thể cho bảo lãnh
Trong số những người bị tập trung về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP có chị Trần Thị Ngọc N., 27 tuổi. Biết tin, ngày 27-2 ông Trần Văn Thuận - cha chị N. - mang theo đơn bảo lãnh có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú cùng giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu gia đình đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP bảo lãnh cho con nhưng bà Lê Thị Thanh Thanh (trưởng phòng hồ sơ) từ chối cho bảo lãnh.
Theo bà Thanh, những trường hợp hồ sơ từ công an chuyển sang thể hiện là “ăn xin” thì phải lưu giữ, sau ba tháng mới cho người nhà bảo lãnh. Việc này trung tâm thực hiện theo quyết định 88 ngày 6-11-2009 của UBND TP, ông Thuận muốn khiếu nại thì liên hệ Công an xã Tân Hiệp. Ông Thuận trình bày chồng chị N. cũng bị khiếm thị, con gái mới 5 tuổi và đề nghị được gặp lãnh đạo trung tâm để xin bảo lãnh hoặc chí ít là gặp mặt để thăm chị N. nhưng cũng bị từ chối.
Trong số những người khiếm thị bị tập trung có chị T.D. bị bệnh thận, cứ cách ngày phải chạy thận nhân tạo.
Sáng 28-2, tại buổi làm việc với ông Nguyễn Trung Trực - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP, chị N. thừa nhận sau khi bán hết vé số đã nán lại trước chùa Hoằng Pháp và được rủ rê ăn xin. Một số người khiếm thị cùng nhóm chưa bán hết vé số cũng bị rủ rê và có ngửa tay xin tiền khách đi chùa nên cũng bị lập biên bản đưa về trung tâm. Sau khi nghe gia đình chị N. tha thiết xin bảo lãnh cho con, ông Trực đồng ý nhưng đề nghị phải bổ sung giấy kết hôn của chị N., khai sinh của con gái chị N., giấy xác nhận chồng chị N. cũng bị khiếm thị để bổ sung hồ sơ đề nghị giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP quyết định cho bảo lãnh trước thời hạn.
Riêng trường hợp chị T.D., ông Trực cho hay không được nhân viên báo chị T.D. bị bệnh thận. Sau khi biết thông tin này và kiểm tra xác định chị T.D. phải chạy thận nhân tạo từ nhiều năm nay, ông Trực nói trường hợp chị T.D. nếu gia đình xin bảo lãnh cũng sẽ được cho về trước thời hạn. Một đôi vợ chồng khiếm thị khác là ông Dương Chí T. (42 tuổi) và bà Nguyễn Thị P. (37 tuổi) có hai con còn nhỏ nên nếu gia đình làm đơn trình bày rõ hoàn cảnh, có giấy tờ chứng minh cũng có thể được bảo lãnh về - ông Trực nói.
Làm sai quy định của TP
Tuy nhiên, ông Trực cho rằng việc cho gia đình bảo lãnh những trường hợp trên là giải quyết linh động chứ theo quy định của UBND TP, những trường hợp ăn xin nếu bị đưa vào trung tâm lần đầu thì phải sau ba tháng mới được bảo lãnh cho về. Ông Trực trưng ra các cơ sở pháp lý gồm quyết định 104 ngày 27-6-2003, quyết định 183 ngày 26-12-2006 và quyết định 88 ngày 6-11-2009 của UBND TP.HCM về quản lý người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP.
Trong đó, quyết định 183 (là văn bản sửa đổi bổ sung quyết định 104) quy định người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng sau khi bị tập trung về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP sẽ được phân loại để giải quyết theo ba nhóm: 1. Đưa về địa phương nơi cư trú đối với người xác định được địa chỉ cư trú. 2. Đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội những người bị tâm thần, người già cô đơn, người tàn tật, người chưa thành niên không còn thân nhân, không nơi nương tựa hoặc bị ngược đãi, trẻ em bị lạm dụng sức lao động. 3. Giới thiệu việc làm và vận động người còn trong độ tuổi lao động đến làm việc tại các cơ sở sản xuất, đến các vùng kinh tế mới.
Riêng quyết định 88 chỉ áp dụng đối với những trường hợp đã có quyết định đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội sau khi phân loại ban đầu, tức chỉ áp dụng cho các đối tượng thuộc nhóm thứ hai nói trên.
Theo các quyết định trên đây, trường hợp người lang thang, ăn xin nếu bị đưa về trung tâm và trong giai đoạn phân loại hồ sơ (tối đa 15 ngày) mà xác định được nơi cư trú, có thân nhân thì phải giải quyết cho về địa phương. Như vậy, trường hợp chị N., chị T.D. đã xác định được địa chỉ cư trú, có người thân đến bảo lãnh mà Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP không giải quyết cho về là làm sai quy định của TP. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Trực vẫn khẳng định trung tâm làm đúng quy định của TP.
Nếu xác định được nơi cư trú phải cho về địa phương
Ông Lê Trọng Sang, phó giám đốc thường trực Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhìn nhận nếu áp dụng quyết định 88 của UBND TP cho tất cả các trường hợp người ăn xin như giải thích của ông Nguyễn Trung Trực thì không ổn, vì quyết định 88 không thay thế, không phủ định quyết định 183 của UBND TP. Theo ông Sang, phải áp dụng quy định “đưa về địa phương nơi cư trú đối với người xác định được địa chỉ cư trú” theo quyết định 183, chứ không phải cứ đã tập trung về trung tâm thì sau ba tháng mới được bảo lãnh theo quyết định 88.
NGUYỄN TRIỀU

Bookmark and Share

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình