112 Khương thượng Hà nội * ĐT: 0438538337 * * Mobile: 0912445252 * * Sửa chữa, mua bán, trao đổi máy giặt, tủ lạnh, điều hòa; vỏ, lồng máy giặt và linh kiện điện lạnh
Chương Bẩy: Tâm Lý
I. TUỔI THIẾU NIÊN
II. TÌNH CẢM
Biết mình cảm xúc ra sao
Biết tại sao lại cảm xúc như vậy
Hiểu biết rõ ràng về điều tin tưởng
Hai Thí Dụ.
1. Thay Đổi
2. Lo Lắng
I. TUỔI THIẾU NIÊN
Tuổi thiếu niên có đầy thử thách cho bất cứ trẻ nào. Cơ thể em thay đổi, cách suy nghĩ thay đổi vì nay em có thể suy nghĩ rộng hơn và trừu tượng hơn, đời sống xã hội cũng thay đổi vì quen biết nhiều người mới và bạn mới. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành, em phải bỏ đi cách xử sự của trẻ nhỏ và học làm người lớn. Xã hội đòi hỏi nhiều hơn nơi em, và nhận ra được những dấu hiệu trong cách tương tác là điều quan trọng để được chấp nhận trong cộng đồng. Vì không hiểu những điều này, trẻ tự kỷ dễ bị lợi dụng và bị áp lực của bạn bè. Bởi mọi loại bệnh tự kỷ đều có ảnh hưởng tới sự phát triển khả năng giao tiếp của trẻ, ý kiến chung cho rằng đa số thiếu niên tự kỷ từ trung bình tới nặng thường tỏ ra không quan tâm hay thiết tha gì tới ai khác. Các em có thể hoàn toàn không ý thức sự hiện diện của bạn, hoặc tỏ ra dửng dưng khi bạn tìm cách tương tác; với trẻ có chứng tự kỷ nhẹ, việc giao tiếp tùy thuộc phần lớn vào tri thức và sự tránh né của em.
Cha mẹ để ý là trẻ tự kỷ thích chơi với trẻ nhỏ hơn em, hoặc với người lớn hơn là chơi với bạn đồng tuổi. Giải thích đưa ra nói rằng thường khi, tương tác với bạn đồng tuổi gây ra nhiều lo lắng hơn là với ai nhỏ hơn hoặc lớn hơn. Trẻ nhỏ dễ chơi vì em dễ dàng chấp nhận thiếu niên tự kỷ lớn tuổi hơn em, và không có ý chỉ trích, vì vậy thiếu niên tự kỷ thấy an toàn khi chơi với trẻ nhỏ. Chơi với người lớn hơn, như thiếu niên lớn hơn hay người trưởng thành, cũng an toàn vì nhiều phần là họ thông cảm hơn và bao dung hơn. Xét ra tuổi thiếu niên khó khăn cho mọi trẻ, nhưng đặc biệt khó khăn hơn cho trẻ tự kỷ và Asperger.
Dầu vậy, cũng có thiếu niên tự kỷ thích tiếp xúc với người khác bất kể tuổi tác, nhưng em lại hăm hở một cách vụng về vì quá thẳng thắn, không tế nhị. Tùy theo mức ý thức của em về khuyết tật của mình mà em thành công hay không trong việc giao tiếp; nếu không ý thức những điểm yếu của mình và biết những luật bất thành văn trong phép giao tiếp, em có thể khiến người khác nghĩ là em chán ngấy (chỉ nói về một đề tài), thô lỗ, xúc phạm họ (nói quá thẳng). Thiếu niên có thể không nhận ra lời chỉ trích tế nhị, chọc ghẹo, mỉa mai. Khi em bắt đầu hiểu nhiều hơn thì có hai việc xẩy ra, một là em chịu khó học để nhận ra những dấu hiệu, ý nghĩa trong việc tiếp xúc chuyện trò, điều mà ai cũng biết
một cách tự nhiên không cần phải dạy; hai là em cảm nhận mình khác với người chung quanh, thấy mất mát.
Giải thích thì đa số trẻ tự kỷ bắt đầu nhận ra trong tuổi thiếu niên là mình không hoàn toàn giống người khác. Khi em hiểu được những khó khăn của mình trong việc giao tiếp so với bạn đồng tuổi, biết mình không bình thường, thì em phải đối phó với sự mất mát cảm thấy trong lòng. Diễn trình này đi qua những chặng sau:
- Tức giận
- Chối bỏ
- Sầu não
- Chấp nhận, và
- Thích nghi.
Chuyện hay thấy là thiếu niên không tuần tự trải qua chặng nọ rồi kia, mà em lộ ra chặng này hay kia vào mỗi lúc khác nhau. Đây là diễn trình rất đau khổ cho trẻ cũng như cho cha mẹ, họ có thể làm như không có gì đáng nói để tránh sự đau khổ, nhưng thái độ ấy không được khuyến khích. Khi trẻ thấy cha mẹ can đảm và mạnh dạn nhìn nhận sự thực, ôn tồn và thực tế, em sẽ cảm thấy tự nhiên đủ để nói về sự tức giận và bực bội của mình. Sự cởi mở này giúp em chịu chấp nhận và tập thích nghi hơn. Sau đây là vài đề nghị đưa ra giúp cha mẹ trong giai đoạn này:
– Bạn không cần nêu ra vấn đề, nhưng khi con đề cập tới việc mình khác người, hãy chăm chú lắng nghe và kiên nhẫn.
– Đừng tìm cách đổi đề tài trừ phi con muốn đổi.
– Đừng làm nhẹ bớt, coi thường các khó khăn của con, mà cũng đừng để em phóng đại. Cho con những nhận xét thực tế như chấp nhận con có điểm yếu, mà cùng lúc nhắc tới những ưu điểm, năng khiếu của trẻ.
– Trong lứa tuổi này trẻ thích độc lập, muốn tách xa cha mẹ nên có khi trẻ sẽ bác bỏ đề nghị hợp lý của bạn. Hãy cho con có thời gian suy nghĩ về ý kiến bạn đưa ra, và nếu cần thì xếp đặt cho con gặp người khác như chuyên viên tâm lý ở trường, thầy cô, chú bác hoặc ai mà em tin tưởng để nói chuyện. Có trẻ chấp nhận lời những người này hơn lời bố mẹ, vì đôi khi bộc bạch tâm tình với người lạ là chuyện dễ làm hơn là với người thân.
Cha mẹ cũng nên biết qua những triệu chứng của trầm cảm, sầu não:
- Thường tỏ ra buồn rầu.
- Dễ bực bội, dễ giận vì cớ không đâu khiến gia đình phải rón rén, thận trọng nói chuyện khi có mặt em.
- Không ngủ được, nửa khuya thức dậy và khó ngủ trở lại.
- Than phiền là lúc nào cũng mệt, và muốn ngủ ban ngày.
- Ăn ít đi hay nhiều hơn bình thường,
- Hạ mình xuống, cho là mình ngu ngốc.
- Nói rằng em ghét cuộc sống, không ai thương em.
- Không còn ham thích chuyện bình thường làm em vui vẻ.
- Tránh họp mặt với gia đình, từ chối không dự vào sinh hoạt nhóm.
Hiểu được tư tưởng, cảm xúc và hành vi của thiếu niên với chứng tự kỷ là bước đầu cần thiết để giúp em thoát được giai đoạn khó khăn này.
Phản ứng khác đối với sự mất mát là em làm ngược lại. Thay vì thấy sầu não, chán chường em có thể chấp nhận đặc tính tự kỷ của mình và tiếp xúc với trẻ khác cũng tự kỷ, chỉ dẫn cho bạn trong lớp về khuyết tật này, mở trang web nói về tự kỷ với mục đích là khiến người khác hiểu nhiều hơn về tật. Bạn có thể giúp con bằng cách khuyến khích em,
cho em phương tiện như tìm tài liệu, tìm nhóm tương trợ hoặc nhóm thiếu niên để em gia nhập, tiếp xúc với các tổ chức như hội Tự Kỷ các nơi.
II. TÌNH CẢM
Đa số chúng ta dễ dàng giúp trẻ nhỏ khi em biểu lộ tình cảm sôi động như khóc òa, dậm chân la hét, sụ mặt giận dữ, và trẻ nhỏ hân hoan khi được cha mẹ quan tâm, trợ lực; nhưng chuyện thay đổi trong tuổi thiếu niên. Chẳng những tình cảm sâu đậm hơn và cũng mạnh mẽ hơn bội phần, mà thiếu niên đôi khi còn muốn giữ kín sự lo lắng của mình vì ý muốn độc lập, không muốn nói về cảm xúc bởi nay đã có ý thức rõ ràng về tính riêng tư, và cũng có lẽ do em chưa biết rõ mình cảm thấy gì, muốn gì khi trong lòng hoang mang với bao cảm xúc của tuổi thiếu niên. Đối với câu hỏi 'Tôi có thể làm gì cho tình cảm của con ?' thì không có câu trả lời đúng hay sai, mà điều cần làm là hợp tác với con và lắng nghe. Có năm điểm để nói về mặt này:
● Biết mình cảm xúc ra sao.
Tuổi thiếu niên mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ, xa lạ. Một số thật ra là cảm xúc có sẵn từ trước nhưng nay chúng hòa lẫn với nhau thành tổng hợp lạ lùng, như sự thán phục tài năng của bạn thân lại đi kèm với lòng ganh tỵ, khi bạn được ưa chuộng và có nhiều người khác phái lưu ý, hoặc tình thương và sự ràng buộc với cha mẹ có đó bên cạnh thôi thúc muốn độc lập, tự do hơn. Bởi thế em cảm thấy hoang mang không biết mình đang có cảm xúc gì.
Đối với trẻ tự kỷ, việc nhận biết cảm xúc bị khó khăn thêm do việc em không có ý thức rõ rệt vị trí của cơ thể mình ở đâu trong không gian, không biết cảm xúc từ đâu mà tới. Có nhận xét là trẻ có ý thức yếu kém như vậy về cơ thể thường cũng có cảm nhận không rõ rệt về trí não mình, em có thể không biết mình cảm thấy chuyện chi. Hoặc nếu em biết là mình có cảm nhận một điều gì, em lại không có chữ để gọi tên nó. Khi khác thì em có thể bận rộn với chuyện khác và không để ý phản ứng tình cảm của mình. Cũng có thiếu niên thấy bực bội với cảm xúc, em không thấy, sờ chạm hay đo lường được trạng thái này nên thấy khó mà nghĩ về nó, đừng nói tới chuyện đặt tên cho cảm xúc. Em hỏi 'Nói dài dòng về cảm xúc để chi vậy ?' Ta đưa ra dưới đây vài cách thức nhưng xin nhớ rằng mỗi trẻ sẽ phản ứng khác nhau, và bạn phải tìm cách nào hợp nhất cho con mình.
○ Thiếu niên sẽ nhìn ra được tình cảm dễ hơn nếu tiếp xúc thường xuyên với ai nhận biết và nói lên cảm xúc của họ, thí dụ như người trong gia đình hoặc bạn học trong lớp. Tuy nhiên, không nhất thiết người ta phải biểu lộ mạnh mẽ tình cảm ấy vì cường độ của nó có thể làm em bị hoang mang, bối rối không biết cách đối phó; em không nối kết được phản ứng với nguyên do sinh ra nó. Thế thì cách tốt nhất là chúng ta nói về tình cảm thay vì biểu lộ nó:
- Trời, mẹ bực hết sức !
- Ba muốn điên luôn, sửa hoài mà máy vẫn không chạy.
- Cô thấy lo về bà ngoại, bà ho mấy bữa nay.
Có cha mẹ ngần ngại không muốn lộ ra cảm xúc, vì sợ rằng con bị choáng váng do tình cảm sâu đậm. Quả thực em không biết cách chống đỡ khi đối đầu với tình cảm trào
dâng ào ạt không bị ngăn trở; nhưng khi tình cảm được biểu lộ vừa phải, có kiểm soát thì thiếu niên đối phó được và lại còn tò mò, thích thú, như có em đề nghị mình làm trọng tài khi ba mẹ cãi nhau, vì theo em ba mẹ không biết giữ bình tĩnh còn em thì vẫn thản nhiên suy nghĩ !
○ Giúp con tự ý thức và điều chỉnh, cách này áp dụng cho thiếu niên không ý thức được trí não mình. Ta mô tả cho con hay tư thế của em ra sao, để trẻ nối kết nó với cảm xúc, có nghĩa tư thế của thân hình là phản ảnh của cảm xúc trong lòng. Thí dụ cha mẹ nói:
- Mặt con chù ụ, không nói tiếng nào, con có chuyện gì buồn không ?
Gia đình có thể ghi lại một bảng về cảm xúc và dấu hiệu tương ứng để giúp con nhận ra tình cảm trong lòng:
Đi đứng mau lẹ, cười to = Vui vẻ hoặc phấn khởi
Rụt vai = Căng thẳng, lo âu
Nói mau, răng cắn chặt = Bực bội, tức tối
Nằm vật ra không nói = Buồn, xuống tinh thần
Đỏ mặt, lớn tiếng = Giận và giận thêm
Khi thiếu niên quen với nhận xét của người khác về các dấu hiệu bên ngoài của cảm xúc, em bắt đầu gọi tên cảm xúc của mình, và rồi liên kết tình trạng trong người với cảm xúc:
- Tay con rung, con thấy lo lắng.
- Đầu con nóng bừng, con tức điên lên.
○ Bước kế là khi con biết nói về cảm xúc của mình, đó là tiến bộ rất đáng mừng tuy vậy xin chớ vội vàng giải quyết chuyện cho con. Điều quan trọng nhất trong lúc này là lắng nghe, chỉ làm thinh nghe con mà không phải là lúc gạt bỏ cảm nhận, lên lớp, hoặc coi nhẹ nó. Thay vào đó ta chú tâm vào điều con nói, giúp con mô tả thêm về cảm xúc:
- Chà, rung tay mà có rung luôn toàn thân không ?
- Tức lắm hay tức vừa vừa thôi ?
Cảm xúc có thể làm ta sợ hãi, lo lắng thí dụ như con tỏ ra giận dữ, thiếu lễ độ, hoặc chán nản, rầu rĩ. Khi nghe như vậy thì phản ứng đầu tiên của cha mẹ là muốn giải quyết ngay tức khắc, tuy nhiên chuyện quan trọng hơn thế là lắng nghe kỹ thiếu niên nói điều chi. Khi hiểu rõ rồi ta mới áp dụng những cách để giải quyết vấn đề.
● Biết tại sao lại cảm xúc như vậy.
Nhiều trẻ có thể nhận ra cảm xúc của mình nhưng không hiểu lý do có nó. Đó là vì em không để ý tâm tình của mình ra sao khi có cảm xúc nổi lên, mà cho dù có để ý em cũng không nối kết được cảm xúc với kinh nghiệm tương tự đã có, một phần vì ký ức chất chứa những chuyện riêng rẽ và không biết đãi lọc chúng để tổng quát hóa. Việc hiểu được tình cảm tùy thuộc vào khả năng nối kết ấy, nhưng người tự kỷ thường bị bù đầu do có quá nhiều kích thích trong môi trường, lo lắng với chuyện xung quanh và không để ý tới tâm trạng của mình.
Nếu biết rõ lý do khiến con có cảm xúc, ta cũng không nên khẳng định, nói chắc như bắp:
- Con thấy như vậy là tại vì ...
- Con sẽ hết (giận, lo, buồn ...) nếu con ...
Điều cần là cho con thấy ta muốn có sự hợp tác, vậy sau khi lắng nghe kỹ, thấy con tỏ ý muốn biết ý kiến của mình thì cha mẹ có thể nói:
- Ba nghĩ con cảm thấy như vậy vì ...
Mặt khác nếu con không muốn nghe thì đừng nói, chờ khi khác thuận tiện hơn. Cha mẹ có thể hỏi tại sao phải rón rén, gượng nhẹ như thế khi đã biết rõ vấn đề. Chuyên gia tâm lý giải thích rằng ta muốn cho con thấy đây là sự hợp tác mà không phải là sự cưỡng chế áp đặt, cha mẹ muốn con xem xét ý kiến đưa ra và không bắt buộc phải chấp nhận mọi điều. Hỏi ý con còn là một cách cho thiếu niên thấy rằng không ai có hết mọi câu trả lời về tình cảm.
Khi không biết lý do thì làm việc chung với con để truy ra, kêu con mô tả về cảm giác, liên lạc tỏ ý (có khả năng diễn tả cảm xúc hay không), xem có ý thức về cảm xúc chăng. Nếu cần thì viết, vẽ ra giấy làm sự việc cụ thể hơn. Ghi ra bất cứ sự thay đổi hay gây căng thẳng nào, vì sự chuyển tiếp và việc không tiên liệu được có thể gây xáo trộn cho nhiều trẻ. Cho dù bạn nghĩ mình tìm ra được lý do, tuổi thiếu niên muốn độc lập làm con không sẵn sàng chấp nhận ý kiến của cha mẹ. Yếu kém về khả năng tổng quát hóa, không biết liên kết chuyện bây giờ với kinh nghiệm trước kia có thể làm con không nhận ra bài học chung. Mục đích của chúng ta không phải là đi tới việc gọi tên được cảm xúc, mà mục đích là dạy thiếu niên cách giải quyết vấn đề về tình cảm.
○ Diễn tả với đúng người theo đúng cách.
Làm được chuyện này là điều rất khó cho người tự kỷ vì kỹ năng đòi hỏi nhiều điều mà em không thông như hiểu được tâm trạng của mình, hiểu được trí người khác, có chữ để diễn tả, làm chủ cảm xúc mà không để nó lấn át mình. Thiếu niên có thể tỏ ra lúng túng, vụng về, nên cha mẹ cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng. Hướng dẫn phải có sắp xếp kỹ vì thiếu niên sẽ mau lẹ tựa vào đó để sinh ra thông lệ, có thể đúng có thể sai, cho tương lai. Nói tóm tắt là ta muốn tránh có vấn đề mai sau vậy cách thức đề nghị là:
− Chỉ dẫn cách diễn tả một số cảm xúc, ghi ra bảng cho con thấy để bạn khỏi tốn thì giờ nhắc lại cũng như khi cần thì bảng có sẵn đó, nhắc nhở con.
− Làm cho thiếu niên thấy nói giọng nhã nhặn hoặc cử chỉ không có vẻ hăm dọa là sao; cũng làm cho thấy những cách biểu lộ sai mà con không nên có. Giúp con tập và thưởng cho dù hành vi chưa hoàn toàn như ý:
- Lúc trước khi giận thì con la lớn, nói bậy; lần này con nói giọng ôn tồn hơn, hay lắm.
Bạn cũng hãy hỏi con cách biểu lộ nào làm thiếu niên thấy thoải mái hơn, và đừng ngạc nhiên khi con cho hay la hét, nổi xung làm trẻ xả ra nhiều hơn và thấy dễ chịu hơn. Hãy thảo luận cách nào cho ra kết quả và cách nào không, và xin nhớ đừng làm chuyện này trong lúc có sự bộc lộ cảm xúc mà chờ lúc yên tĩnh thì tốt hơn.
○ Đối phó với cảm xúc để nó không chế ngự đời mình và ảnh hưởng hành vi.
Thiếu niên tự kỷ có những cảm xúc y như các trẻ khác, nhưng em thường thiếu cách đối phó để làm chủ cảm xúc và giữ cho hành vi trong mức chấp nhận được. Em đối phó cũng thiếu hiệu quả do không có đủ kinh nghiệm trong việc hiểu và làm chủ cảm xúc, và
khi không có bạn để trò chuyện xả sự căng thẳng, không có nhiều sở thích mà chỉ giới hạn một vài thú vui, em cũng không có chỗ để giải tỏa khích động trong lòng.
Tâm lý của trẻ trong giai đoạn này là rất riêng tư, không muốn thố lộ nhiều và có ai xen lấn vào chuyện của em. Vì vậy em 'không cần' cha mẹ hay thầy cô giúp đỡ. Muốn thắng được tâm lý này, trước tiên người lớn cần nhìn nhận tâm tình của em, và vạch cho thấy cách đối phó của em thiếu hiệu quả:
- Ba biết con muốn giải quyết chuyện theo cách của mình, nhưng mấy ngày rồi mà con không bớt lo lắng ...
Ta vẫn cần sự hợp tác của thiếu niên để tìm cách giải quyết. Vài phương thức đề nghị là:
− Giúp con tránh lối suy nghĩ khủng hoảng, tập cho trẻ nhìn tình trạng bớt sự thái quá. Thay vì nói 'Ai cũng biết' thì nói 'Tom và Mike biết chuyện rồi'.
−Tìm xem sở thích của con có thể giúp làm dịu em xuống hoặc tăng cường niềm tin. Nếu con thích nghe nhạc thì có những bài hát làm con thoải mái và cảm thấy phấn chấn hơn.
− Cách đối phó có thể dài hạn hay ngắn hạn. Thở hơi sâu, đếm chậm rãi từ 1 đến 10 có thể làm giảm sự bực tức đủ lâu để hướng sang chuyện khác. Về lâu về dài thì tìm một hoạt động sáng tạo như vẽ, đọc sách. Phương pháp nữa là vận động như chạy bộ, bơi nhiều vòng mỗi khi chán nản; người tự kỷ nói bơi lội chẳng những làm họ trầm tĩnh lại mà còn cho cảm giác là họ có khả năng, nghĩ rằng nếu bơi được 1 km thì việc gì họ làm cũng được !
− Giúp thiếu niên học cách tự kiểm và thưởng cho mình, như tự nói:
- Đang quạu đây, nhưng nếu kềm được cảm xúc thì tới trưa mình sẽ uống Coke và ăn khoai chiên.
− Làm gương một cách giải quyết là trò chuyện để xả sự căng thẳng, và khuyến khích con làm theo. Kế đó thưởng cho con mỗi lần có cố gắng cho dù chưa làm đúng, từ từ bạn sẽ chỉ cho con hoàn thiện.
− Xem xét hành vi của con, tập cho con hành vi đối phó. Chỉ dẫn rõ ràng hành vi nào nên có trong trường hợp nào, viết chuyện hay vẽ hình cho con thấy và nhớ, và cũng dạy về hệ quả bất lợi của một hành vi nào. Thí dụ khi Rebecca càu nhàu mãi một chuyện, ba xử rằng
- Để cả nhà nghe con lầu bầu hoài thì không hay, hoặc là con đừng nói nữa và ngồi coi truyền hình với gia đình, hoặc con đi vô phòng.
− Khi con có đối phó vụng về thì không nên trừng phạt, thay vào đó dạy cách có hiệu ứng; làm vậy cho ra kết quả tốt đẹp hơn. Người ta nhận thấy phương thức nào về hành vi cho hỗ trợ tích cực thì giúp được nhiều hơn. Nó tìm hiểu điều gì cần thay đổi trong môi trường, kỹ năng nào cần dạy, và phải có nỗ lực gì khác để trẻ có thể đối phó được và xử sự hợp lý. Việc phân tích hành vi gồm những phần sau:
- Định nghĩa hành vi, mô tả nó xẩy ra thường như thế nào, sâu đậm ra sao, kéo dài bao lâu, đột ngột xẩy ra hay từ từ ?
- Khung cảnh của hành vi, chuyện xẩy ra hay không xẩy ra hồi nào.
- Xẩy ra ở đâu, với ai ?
- Cảm quan và tình cảm của em ra sao ?
- Chuyện gì xẩy ra ngay trước đó, ngay sau đó ?
- Có gì gây căng thẳng và khiến nó chất chứa, ảnh hưởng tới hành vi ?
- Hệ quả tích cực và tiêu cực ngay sau đó là gì, sau một thời gian dài là gì ?
- Có cách nào thay thế ? Sở thích nào có thể biến đổi để thay cho tật ?
● Có hiểu biết rõ ràng về những giá trị mình tin tưởng.
Tuổi thiếu niên là giai đoạn làm thử nhiều chuyện để tạo cá tính của mình. Sự tạo tác này là lý do em bị áp lực phải hòa theo chúng bạn như có y phục, đầu tóc, trang sức giống nhau, và tranh luận với người lớn về nhiều chuyện. Em sẽ thử kiểu thời trang, tư tưởng, cách ăn nói, cảm xúc và chọn lựa cách nào hợp / không hợp với mình; thiếu niên muốn biết chuyện gì hay lẫn chuyện không hay, viện cớ là phải thử mới biết và ẩn đằng sau các thử nghiệm này là việc đi tìm cách sống, tức tìm giải đáp cho câu hỏi:
- Tôi phải làm, suy nghĩ và cảm xúc ra sao cho đúng ?
Có trẻ tự kỷ ý thức về cá tính của mình vào đúng lúc, trong khi nhiều trẻ khác chỉ có ý niệm mù mờ; cách xử sự cho trường hợp sau là để yên sự việc cho tới khi nào vấn đề xẩy ra. Với trường hợp đầu, hãy nhớ lại tuổi thiếu niên của chính bạn, bạn cảm thấy gì khi cha mẹ đặt ra luật mà bạn phải theo, khi không đồng ý với cha mẹ về chuyện mà bạn thấy rất là quan trọng như thời trang, âm nhạc ? Như những đề nghị trước, cách dạy con hữu hiệu là sao cho con hợp tác với bạn. Chỉ dẫn trong phần dưới đây gồm có hai phần, cho người lớn và cho thiếu niên.
○ Thái Độ nên có cho Cha Mẹ.
Vài cách đối đầu mà cha mẹ sử dụng là:
– Đừng phiền lòng với lời con nói, dù bất cứ chuyện gì.
– Xin chăm chú lắng nghe, có thể con nói đúng một điểm nào đó.
– Đừng nghĩ rằng hành vi nào cũng là do chứng tự kỷ mà ra, đôi khi nó có thể là thái độ bình thường của tuổi thiếu niên.
– Chớ vội kết luận. Con có thể tỏ ý thích ai xâm mình, xỏ môi và mặc quần áo te tua, nhưng nó không có nghĩa là thiếu niên cũng sẽ bắt chước làm y vậy. Tương tự thì đừng quá khe khắt về bạn của con, y phục, âm nhạc, sở thích, xu hướng chính trị, vì lẽ giản dị là con sẽ điếc không nghe biện luận của cha mẹ.
– Quan sát bạn của trẻ, lắng nghe các em nói gì, cách chúng đối phó, nghĩ gì về chính mình.
– Nếu được hỏi ý kiến thì trình bầy quan điểm của mình một cách giản dị và rõ ràng hết sức mình. Nếu con thích và hỏi tới thì đưa ra lý do hỗ trợ quan điểm của mình.
– Nói chuyện với cha mẹ khác có con đồng tuổi, hỏi xem trẻ bình thường thích và không thích chuyện chi.
– Đừng quá lo lắng khi con chọn hành vi khác đời, chứng tự kỷ thường khiến người ta khác với bình thường về mặt này hay mặt kia, nhưng cho dù vậy thiếu niên vẫn có thể sống vui vẻ, lành mạnh và hữu ích trong xã hội.
○ Cách áp dụng cho Thiếu Niên.
– Giúp con thấy trọn vấn đề, rằng con là cá nhân phức tạp có những ưu và khuyết điểm như mọi ai khác. Lấy mình làm gương, chứng tỏ mình cũng giống vậy và có cá tính phức tạp.
– Dạy con tự tin nơi mình, dựa vào chuyện thực tế bằng không trẻ sẽ chán. Hãy chỉ cho con tự nói 'Mình không giỏi (đá banh) nhưng mình giỏi (nhạc)' và 'Hễ làm xong bài tập toán thì trưa sẽ rảnh để muốn chơi gì thì chơi.'
– Khi con nói về cảm xúc thì lắng nghe, lắng nghe và nghe kỹ.
– Khuyến khích con nói về các giá trị, thế nào là đúng hay sai, xử sự ra sao là đúng trong một cảnh ngộ ?
– Giảng giải về hệ quả lâu dài khi chịu làm việc gì mà có rủi ro, giúp con nhận ra những hành vi có nhiều rủi ro.
● Hai Thí Dụ.
1. Thay Đổi
Người tự kỷ thường gặp khó khăn khi có thay đổi, tuy nhiên thay đổi là chuyện không tránh được trong đời. Chuyện hay thấy là một thay đổi nhỏ xem ra không đáng kể lại có thể gây ra nhiều vấn đề cho người tự kỷ hơn là chuyện thực sự đáng kể, thí dụ như thân nhân qua đời xem ra không gây ảnh hưởng tức khắc nào. Sau đây là những điều bạn có thể làm để hỗ trợ người tự kỷ khi có thay đổi.
○ Chuẩn bị cho sự thay đổi.
Người tự kỷ thích sống trong môi trường quen thuộc có thông lệ và quy củ, vậy khi bạn biết là sắp có thay đổi gì thì khởi sự chuẩn bị cho họ. Nó có nghĩa là cha mẹ hay người chăm sóc cần khởi động để tìm xem khi nào có sự thay đổi, nó có liên quan đến chuyện gì hay sẽ sinh ra những việc chi. Thí dụ bạn biết là trường có thay đổi về giờ học thể dục thì bạn cần nói chuyện với nhà trường, hỏi cho rõ ràng khi nào có thay đổi, chuyện gì sẽ xẩy ra.
Nếu trẻ tự kỷ sắp sang nhà mới, thì chuyện quan trọng là bạn chuẩn bị sẵn vài điều mà bạn biết là con gặp khó khăn, và lo lắng. Chuyện quan trọng là cho có sẵn những phương tiện liên lạc tỏ ý, nếu em quen dùng hình thì có hình cho em sử dụng, và ta nên dẫn con đi thăm chỗ mới nhiều lần, để em quen với môi trường xa lạ. Chụp hình những ai sẽ can dự vào, và làm một cuốn sách gồm có hình chụp và tờ thông tin mà em có thể xem lại trước khi có thay đổi, để làm giảm lo lắng.
○ Dùng hình.
Hình có thể giúp giải thích cho người tự kỷ hay là chuyện gì đang xẩy ra, cho họ hiểu và tăng cường cho điều bạn nói. Nếu sự thay đổi diễn ra trong một thời gian dài, bạn cần giải thích nhiều lần là có chuyện gì, dùng chữ giản dị, và cho thiếu niên có giờ để diễn giải điều bạn nói. Hình cũng có thể dùng để cho người tự kỷ thấy kết quả của một số việc.
Giả dụ gia đình của trẻ tự kỷ đi nghỉ hè, đưa cho em xem hình phi cơ có thể làm em ngần ngại, lo lắng vì không thấy sự liên hệ của chiếc phi cơ với việc đi xa. Nay nếu bạn cho em thấy các hình của toàn cảnh, kể luôn của hình của nơi mà gia đình sắp đi, thì em sẽ hiểu trọn vấn đề hơn. Rồi đảo ngược lại thứ tự của băng hình vừa nói để cho thấy là chuyến trở về. Hãy đánh dấu trên lịch ngày nào thì có thay đổi, khuyến khích con đếm dần từng ngày cho đến khi có chuyện xẩy ra. Khi tới ngày thì thời biểu bằng hình có thể dùng để giải thích chính xác chuyện sẽ diễn ra sao.
○ Đối phó với lo lắng.
Nếu bạn lo ngại là người tự kỷ có thể hóa ra lo ngại lạ lùng về sự thay đổi thì hãy xem chắc là bạn có cho họ cơ hội để đặt câu hỏi, làm giảm bớt nỗi lo ngại về sự thay đổi. Bạn
có thể đưa con cuốn tập để vẽ hay viết những điều gì mà em lo ngại, giải thích lợi ích của sự thay đổi, thí dụ như dọn sang nhà mới rộng hơn, hoặc cả nhà sắp đi chơi xa.
Dành thì giờ dạy con về kỹ thuật tạo thoải mái để đối phó với sự lo lắng trước khi có thay đổi. Hãy soạn ra cách hóa giải lo lắng, hoặc dùng cách viết chuyện để giải thích em phải làm gì nếu thấy lo lắng. Nếu bạn có thể thấy là con tỏ ra lo lắng lúc trước hay trong khi có sự thay đổi, thì nhắc con dùng bất cứ kỹ thuật nào mà bạn đang tập cho thiếu niên.
Một số người tự kỷ bị trục trặc về cảm quan và sẽ hóa ra lo lắng vì có mùi, tiếng ồn và ánh sáng trong môi trường lạ. Để giúp con đối phó được với chuyện này, hãy cho con mang theo mùi làm trấn an con như hương hoa mà con quen thuộc khi đến một chỗ mới; nếu con nhậy cảm với ánh sáng thì cho đeo kính, và nếu tiếng ồn làm khó chịu thì dùng nút bịt tai, những điều này có thể giúp phần nào.
○ Trong lúc có thay đổi.
Khi thay đổi diễn ra, hãy có những vật quen thuộc ở gần em và xem chắc là bạn giải thích rõ ràng với con để không tạo thêm căng thẳng hay hoang mang. Khi đưa ra chỉ dẫn riêng biệt nào cho người tự kỷ, ta đừng dùng cử chỉ hoặc có nét mặt biến đổi luôn vì những điều này làm họ chia trí và không chú tâm vào lời của bạn; chỉ dùng lời nói làm họ sắp xếp lời bạn hiệu quả hơn, và nhớ cho con có đủ thì giờ để diễn giải chuyện bạn nói với con.
Dùng hình và thời biểu bằng hình để con biết đang có chuyện gì; sau đó nếu có thể thì giữ thông lệ y như trước đó, và khen dồi con cùng hỗ trợ con trong việc đối phó với sự thay đổi. Khi thay đổi là do đổi trường hoặc đổi dịch vụ, bạn nên có liên lạc thường xuyên với nhân viên làm việc với con, để xem sự tiến bộ của trẻ ra sao. Nếu cần thì xếp đặt để có buổi họp với họ.
Cuối cùng, điểm cần nhớ là người tự kỷ có thể gặp khó khăn khi có thay đổi, nó có thể cần thì giờ để điều chỉnh nên không chừng bạn sẽ để ý thấy có vài vấn đề lúc ban đầu. Hy vọng là nếu thiếu niên được chuẩn bị kỹ về thay đổi, và bạn giữ cho sự việc có qui củ càng nhiều càng tốt thì sự thích ứng sẽ diễn ra mau hơn.
Ba Trường Hợp
○ Đi nghỉ hè chơi xa.
Joe 14 tuổi và có chứng tự kỷ. Em cùng với gia đình sắp đi nghỉ hè nên mẹ giải thích trước đó một tháng để chuẩn bị cho em. Mẹ cùng với con làm một cuốn tập về chuyến đi này, cắt nghĩa chuyện gì sẽ xẩy ra khi đi xa, gồm có việc ra phi trường, có những điều gì phải làm ở phi trường rồi lên phi cơ; họ sẽ đi tới đâu và sẽ ở khách sạn nào. Mẹ đánh dấu trên lịch những ngày sẽ đi xa, còn Joe đếm từng ngày tới lúc được nghỉ bằng cách gạch chéo mỗi ngày trên lịch.
Mẹ gọi cho hãng hàng không và giải thích là Joe có chứng tự kỷ. Họ mới đề nghị bà gửi cho nhân viên thông tin về khuyết tật này. Tới ngày giờ lên phi cơ, mẹ Joe dùng thời biểu bằng hình để giải thích rõ ràng là sự việc diễn tiến ra sao, và kêu em mang một túi đựng những món em thích lên phi cơ. Trong suốt thời gian đi nghỉ hè, gia đình em tiếp tục dùng thời biểu bằng hình cho mỗi ngày cho Joe.
○ Ly Dị.
Sue 11 tuổi và có hội chứng Asperger. Ba mẹ em quyết định là hai người ly dị nhau, sau hai tháng tới ba em sẽ dọn ra ngoài còn Sue ở với mẹ trong tuần, và mỗi hai tuần thì
tới thăm ba. Mẹ giải thích cho em rõ ly dị nghĩa là sao, bà dùng phương pháp viết chuyện để làm vậy và nhấn mạnh sự kiện là cha mẹ vẫn thương em hết sức. Bà cắt nghĩa cho con gái biết là Sue đi thăm ba vào cuối tuần, và đánh dấu trên lịch ngày ba của em sẽ dọn ra khỏi nhà.
Khi ba em đã tìm được chỗ ở rồi, ông dẫn Sue tới xem nhà mới vài lần. Ba chỉ cho Sue thấy căn phòng mà Sue sẽ ngủ mỗi lần tới ở với ba, và cho con dự vào việc trang hoàng căn phòng. Ông đề nghị là Sue mang tới nhà vài món đồ chơi của em và sách, đặt trong căn phòng mới này. Hai cha con chụp hình căn nhà mới của ông, và làm một cuốn tập về nhà mới của ba.
Khi ba dọn ra ngoài rồi, mẹ của Sue tiếp tục giữ thông lệ của em được bình thường tới hết mức có thể được; bà thấy con có vẻ hoang mang nên tìm cách làm vài chuyện cùng với con. Sue hay hỏi 'Ba có còn thương con không ?', mẹ mới trấn an rằng ba vẫn thương em, và cùng với em viết chuyện để giải thích về ly dị và về khi nào thì em đến thăm ba. Sue làm dấu trên lịch ngày nào em sẽ tới thăm ba, và mở xem cuốn tập về nhà mới của ba.
Tới ngày đi thăm ba, hai mẹ con dùng thời biểu bằng hình để cho biết em sẽ làm những việc gì trong ngày; ba tiếp tục dùng thời biểu này khi Sue tới ở nhà với ông, và ông cũng đánh dấu trên lịch ngày mà em sẽ về nhà với mẹ. Ba kêu Sue gạch chéo từng ngày để cho mẹ thấy khi Sue quay về nhà mẹ.
○ Dọn Vào Chỗ Mới.
Zack 20 tuổi và có chứng tự kỷ, hai tháng nữa thì anh sẽ dọn vào một chỗ mới. Trước đó ba mẹ Zack tới thăm nơi này và nói chuyện với nhân viên ở đấy, họ cho biết anh cần những gì, và cho hay những vấn đề gì về hành vi mà anh đã có khi trước, cùng phương thức mà các nhân viên hồi đó đã làm, thành công trong việc giải quyết vấn đề. Cha mẹ cho nhân viên xem thời biểu bằng hình và quyển sách PECS mà anh dùng, ông bà yêu cầu cho đặt sách này vào chỗ cho Zack khi nào anh tới ở, và cũng hỏi về những chuyện mà Zack sẽ dự phần trong chỗ này.
Cha mẹ quyết định mang Zack tới chỗ ở mới này vài lần trước khi anh dọn vô, cho anh có thì giờ gặp nhân viên nơi ấy, chụp hình những người này và căn phòng sẽ dành cho anh. Zack cùng với cha mẹ làm cuốn sách về chỗ ở mới, đặt vô sách hình của nhân viên và căn phòng của anh, và những sinh hoạt anh sẽ tham gia. Ông bà thường nhắc về điều này, nói chuyện với Zack trong mấy tuần trước ngày có sự thay đổi; họ cũng đánh dấu trên lịch khi nào có thay đổi, và kêu Zack gạch bỏ mỗi ngày cho tới khi việc xẩy ra. Cha mẹ giải thích cho con hay phải làm gì khi cảm thấy lo lắng trong lúc có thay đổi, và nói rõ là hai người sẽ tới thăm anh vào cuối tuần. Họ xem chắc là Zack có thể mang theo những vật quen thuộc tới chỗ ở này.
2. Lo Lắng
Có một số gợi ý là người có chứng Asperger dễ bị lo lắng và sầu não. Điều này có lý phần nào khi ta nhớ lại thiếu niên bị kích thích về nhiều giác quan, không có phương tiện bầy tỏ ý mình hữu hiệu (không biết nói, không có chữ, không hiểu cảm xúc trong lòng). Những đòi hỏi hằng ngày về cách giao tiếp, về tri thức sao cho có đáp ứng thích hợp có thể dẫn tới sự lo lắng và sầu não; cho một số em việc bị kích thích quá độ sinh ra giận dữ và hành vi bực tức.
Ta hy vọng là chương trình can thiệp sớm càng ngày càng được áp dụng cho trẻ tự kỷ sẽ làm giảm rủi ro có khó khăn về tình cảm. Dầu vậy, khó mà một mình chương trình
này sẽ loại trừ được hết sự lo lắng, chán chường và giận dữ, nên cha mẹ và thầy cô cần biết để đối phó.
Đôi khi khó phân biệt được triệu chứng nào thuộc về tự kỷ và cái nào thuộc về những vấn đề tình cảm khác. Nếu nghi ngờ không biết chắc thì xin nói chuyện với các chuyên viên y tế. Một số triệu chứng cho biết cần đi gặp chuyên viên để hỏi ý là:
- Buồn rầu hoặc tâm tư lo lắng.
- Thấy bực bội nhiều hơn hoặc có thay đổi tâm tính bất ngờ.
- Có thái độ vô vọng, bất lực.
- Có hành động tự hại thân hoặc ý nghĩ phá hoại.
- Không còn ưa thích chuyện say mê trước kia.
- Càng lúc càng sợ hãi muốn tránh tình trạng mà trước đây em làm chủ được.
- Không chịu đi học, điểm trong lớp giảm xuống.
- Hay quên, không để ý.
- Than về triệu chứng của cơ thể như đau bụng, nhức đầu, đau nhức trên thân thể.
- Thay đổi trong đời sống hằng ngày của thiếu niên, như ăn, ngủ, mức năng lực.
- Dễ có tranh chấp quyền lợi.
Nghiên cứu thấy là nhiều người tự kỷ có sợ hãi và lo lắng quá độ đối với các khung cảnh trong xã hội; hơn nữa sự lo lắng này ngăn cản hiệu năng của họ y như cách lo lắng quá mức làm ngăn cản sự thành đạt của lực sĩ, vũ viên hay ai nói trước công chúng. Tệ hơn nữa thì nó có thể dẫn tới việc tránh né hoàn toàn những giao tiếp, tạo ra tình trạng là bị cô lập không có tương giao, và thiếu kỹ năng giao tiếp dễ đưa tới hệ quả là bị lo lắng khi có tiếp xúc.
Ngược lại sự lo lắng khi phải tiếp xúc ngoài xã hội có thể can dự vào việc có kỹ năng thấp về giao tiếp. gười ta thấy ai có kỹ năng giao tiếp kém thì bạn bè có cảm tưởng bất lợi về họ, khiến họ tránh né và rút lui nơi chỗ đông người; mà làm vậy thì họ giới hạn cơ hội tiếp xúc để học kỹ năng tương tác, và do đó bị thiếu sót kỹ năng.
Đây là vòng luẩn quẩn ta nên phá bỏ, cha mẹ, nhân viên nhà trường và chuyên viên làm việc với thiếu niên cần để ý xem trẻ có lo lắng, thay đổi tâm tính bất thường hay không và soạn ra chương trình can thiệp. Một cách để biết là quan sát xem có triệu chứng về thể chất như tay run rẩy, tim đập mau hơn; hoặc triệu chứng về tri thức như sợ hãi và lo lắng quá độ bởi tâm lý cho ảnh hưởng tới hành vi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình