Giải mã hiện tượng não người bị cấy ký ức giả

Nhiều người đôi khi nhớ về cùng một sự kiện rất khác nhau do ký ức có thể thay đổi. Con người có thể bị cấy ký ức giả, hoặc do não tự tạo ra những ký ức không thật. Tuy nhiên, việc não bộ đôi khi tự tạo ra ký ức giả không hẳn là tiêu cực, theo Science Alert.
Elizabeth F. Loftus, giáo sư tâm lý học nhận thức và ký ức con người, thực hiện các nghiên cứu cho thấy ký ức có thể bị bóp méo.
Trong một nghiên cứu, người tham gia được xem những video mô phỏng các vụ tai nạn hoặc phạm tội. Các nhà khoa học sau đó khiến họ tin rằng chiếc xe trong vụ tai nạn chạy qua một biển báo dừng lại thay vì biển báo nhường đường, hoặc tên trộm có tóc xoăn thay vì tóc thẳng.
"Việc bóp méo ký ức về những chi tiết mà người xem thực sự nhìn thấy được thực hiện khá dễ dàng bằng cách cung cấp cho họ những thông tin gợi nhắc", Loftus cho biết.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục đặt ra câu hỏi, liệu có thể cấy ký ức hoàn toàn giả vào não người về những chuyện chưa từng xảy ra hay không. Kết quả là điều này hoàn toàn khả thi.
Người bình thường có thể được cấy ký ức về những sự kiện chưa từng diễn ra. Ảnh: Business Insider.
Người bình thường có thể được cấy ký ức về những sự kiện chưa từng diễn ra. Ảnh:Business Insider.
Loftus và một số nhà nghiên cứu khác, trong đó có Julia Shaw, cấy thành công ký ức mới vào não người bình thường. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học khiến 70% người tham gia tin rằng mình đã phạm tội như ăn trộm hay hành hung chỉ bằng các kỹ thuật lấy ký ức trong những cuộc thẩm vấn.
Họa sĩ  nổi tiếng Salvador Dali từng nói: "Khác biệt giữa ký ức giả và ký ức thật cũng giống như với đá quý, những viên giả lúc nào trông cũng thật nhất, rực rỡ nhất". Điều này có thể giúp giải thích tại sao con người nhanh chóng tin vào những ký ức giả.
Khái niệm về bóp méo ký ức xuất hiện hơn 100 năm trước, khi nhà tâm lý Hugo Münsterberg viết trên tạp chí Times về trường hợp một phụ nữ tử vong ở Chicago. Con trai của một người nông dân bị buộc tội giết người. Sau khi bị cảnh sát thẩm vấn, anh ta thừa nhận mình đã sát hại người phụ nữ dù bản thân có chứng cớ ngoại phạm.
Anh ta sẵn sàng thú tội và kể đi kể lại sự việc, mỗi lần lại chi tiết hơn. Câu chuyện ngày càng trở nên mâu thuẫn và vô lý. Tuy nhiên, chàng trai cuối cùng vẫn bị kết tội và xử tử. Münsterberg cho rằng anh ta đã vô thức tự dựng lên câu chuyện sau khi cảnh sát thẩm vấn.
Những lời nhận tội sai có thể xảy ra khi bị tra hỏi quyết liệt. Có thể nạn nhân thực sự tin rằng họ đã phạm tội, hoặc họ chỉ muốn kết thúc tình trạng bị thẩm vấn. Loftus cho biết, trừ khi có lý do để nghi ngờ ký ức của ai đó bị bóp méo, không có cách nào biết chắc người này đang kể lại một ký ức giả nếu chỉ lắng nghe.
Một số người có thể nhận tội sai do ký ức giả. Ảnh: Undark. 
Một số người có thể nhận tội sai do ký ức giả. Ảnh: Undark. 
Các nhà khoa học thần kinh từng tiến hành quét não những người có ký ức giả và thật để tìm ra điểm khác biệt. Trong một nghiên cứu của Đại học Daegu, Hàn Quốc, 11 người tham gia đọc một danh sách gồm nhiều từ xếp theo từng nhóm khác nhau, ví dụ như "động vật chăn nuôi".
Sau đó, nhóm nghiên cứu hỏi họ xem một số từ nhất định có nằm trong danh sách ban đầu không, đồng thời sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng để phát hiện thay đổi trong lưu thông máu đến các vùng não.
Khi những người tham gia tự tin vào câu trả lời của mình và nói đúng, lưu thông máu đến hồi hải mã tăng. Hồi hải mã là vùng não quan trọng trong việc lưu giữ thông tin và hình thành ký ức. Nếu họ tỏ ra chắc chắn nhưng lại trả lời sai, số trường hợp này chiếm khoảng 20%, lưu thông máu đến vùng não trán và đỉnh lại tăng. Đây là khu vực gắn với cảm giác quen thuộc.
Có một giả thuyết giải thích tại sao não lại xuất hiện những ký ức giả gọi là "giả thuyết theo dấu mơ hồ" do các nhà nghiên cứu Charles Brainerd và Valerie F. Reyna đưa ra. Đây cũng là giả thuyết đầu tiên giải thích mô hình Deese-Roediger-McDermott (DRM).
Theo mô hình DRM, người tham gia được cung cấp một danh sách các từ liên quan đến nhau như giường, ngủ, mệt mỏi, mơ, ngáp, sau đó phải nhắc lại nhiều từ nhất có thể. Họ bắt đầu liệt kê những từ liên quan như ngủ trưa hay chợp mắt, trong khi chúng không thuộc danh sách ban đầu.
"Mọi người nhắc lại những từ không nằm trong danh sách và tỏ ra rất chắc chắn. Đó là ký ức giả", Reyna cho biết.
Ký ức giả khiến mọi người nhớ về những sự kiện chưa từng xảy ra. Ảnh: ABC News.
Ký ức giả khiến mọi người nhớ về những sự kiện chưa từng xảy ra. Ảnh: ABC News.
Theo giả thuyết theo dấu mơ hồ, có hai loại ký ức là ký ức nguyên văn và ký ức ý chính. Ký ức nguyên văn là khi con người nhớ chính xác những chuyện xảy ra một cách chi tiết, trong khi ký ức ý chính là những hình dung mơ hồ về sự việc trong quá khứ.
"Khi trưởng thành và già đi, chúng ta phụ thuộc nhiều vào ký ức ý chính hơn là nhớ nguyên văn", Reyna nói. Ký ức ý chính ảnh hưởng nhiều hơn khi nhớ lại một sự kiện đã xảy ra trước đó một khoảng thời gian dài.
Giả thuyết theo dấu mơ hồ dự đoán chính xác ảnh hưởng của tuổi tác đến ký ức, gọi là "hiệu ứng phát triển ngược". Khi trưởng thành, ký ức nguyên văn sẽ phát triển, người ta có thể kể lại các sự kiện chi tiết hơn, nhưng đồng thời ký ức ý chính cũng phát triển. "Điều này nghĩa là nếu bù trừ tất cả những ký ức đúng và ký ức sai thì tỷ lệ nhớ chính xác của trẻ em sẽ cao hơn người lớn", Reyna giải thích.
Trên thực tế, dù ai cũng tạo ra ký ức giả ở mức độ nào đó nhưng mọi người vẫn xoay sở tốt, Reyna nhận định. Xét theo quan điểm tiến hóa, thậm chí việc dựa vào ký ức ý chính còn mang lại một số lợi ích.
Ký ức ý chính có thể giúp con người đưa ra những lựa chọn an toàn hơn. Ảnh: 123Gamble.
Ký ức ý chính có thể giúp con người đưa ra những lựa chọn an toàn hơn. Ảnh:123Gamble.
Nghiên cứu của Reyna cho thấy, ký ức ý chính giúp con người đưa ra những quyết định có lợi hơn khi đứng trước rủi ro.
Nghịch lý Allais đặt ra tình huống, người tham gia được quyền lựa chọn giữa ván cược A với tỷ lệ 100% trúng một triệu USD và ván cược B với tỷ lệ 89% trúng một triệu USD, 10% trúng 5 triệu USD và 1% không được gì.
Trên quan điểm kinh tế, nếu tính toán theo công thức, bạn nên chọn B để có khả năng nhận được nhiều tiền nhất. Tuy nhiên, thực tế phần lớn mọi người lại chọn A để chắc chắn mang về một triệu USD.
"Phần lớn mọi người cho rằng nhận một khoản tiền lớn thì tốt hơn là gặp rủi ro chẳng được gì cả, đó là do ký ức ý chính. Ký ức ý chính và xu hướng lựa chọn theo cách này tăng lên khi trưởng thành. Vấn đề không phải là tối đa hóa số tiền mà là nhìn vào những khả năng chắc chắn", Reyna giải thích.
Thay vì cho rằng ký ức không hoàn hảo là ảnh hưởng tiêu cực của tuổi tác, mọi người hãy nghĩ nó có thể giúp chúng ta đưa ra những quyết định an toàn, đầy đủ thông tin hơn, Reyna nhận xét. Ký ức ý chính cũng là một cách thể hiện não người có khả năng thích ứng tốt với xung quanh.
Thu Thả

Vì sao người thông minh lại khó có được hạnh phúc?

Nguồn:http://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vi-sao-nguoi-thong-minh-lai-kho-co-duoc-hanh-phuc-20180403152403259.htm
Chỉ số IQ cao cũng giống như một con dao hai lưỡi. Bên cạnh việc giúp con người trở nên giỏi giang, dễ dàng giải quyết mọi vấn đề và hoàn thành nhiệm vụ, sự thông minh đôi khi lại khiến chúng ta khó có được hạnh phúc thực sự.

Những người với chỉ số IQ cao thường cố gắng phân tích sâu gần như toàn bộ mọi sự việc xảy ra với họ. Thói quen này không chỉ dừng lại ở việc giúp họ nắm bắt được tình hình, mà đôi khi lại như một con dao hai lưỡi. Cụ thể, khi biết quá rõ về một điều gì đó, họ cũng sẽ hiểu được những rủi ro mà nó có thể mang lại. Kết quả của việc này là người thông minh sẽ thường bị stress, rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và lưỡng lự khi đưa ra hành động của mình.
Một người thông mình thường rất cầu toàn. Cụ thể, họ sẽ muốn hoàn thành tất cả mọi việc một cách thật hoàn hảo. Bên cạnh đó, dựa trên tiêu chuẩn của bản thân, họ cũng sẽ nhìn thế giới một cách “lý tưởng hóa”. Chính vì hai đặc tính trên, theo nhà tâm lý học Martin Seligman, những người có IQ cao sẽ ít khi hài lòng với bản thân hay cảm thấy hạnh phúc, từ những thành tích mà mình đạt được. Cùng với đó, thế giới mà họ sống cũng luôn đem lại những điều thất vọng, bởi nó không hề hoàn hảo như cách mà họ “áp đặt” cho nó.
Theo các nghiên cứu của giới khoa học, những mối quan hệ xã hội thường mang đến cho người có IQ cao cảm giác lạc lõng và cả nỗi buồn. Kết quả này đến từ việc người thông minh, trong một cuộc trò chuyện, thường hay chia sẻ về những chủ đề mang tính thời sự hoặc cả những thứ mà cần phải có sự hiểu biết mới có thể đối đáp. Vì vậy, dường như chỉ có rất ít người bạn có thể trò chuyện cùng họ. Trong khi đó, đa số mọi người sẽ rơi vào tình trạng lúng túng và khó có thể hiểu những điều mà họ đang đề cập tới.
Một nhóm các nhà khoa học người Canada đã từng đi đến kết luận: “Những người thông minh thường nghiêm trọng hóa các vấn đề xảy ra với họ”. Thật vậy, với thói quen hay suy nghĩ đã ăn sâu vào máu, bất cứ mọi rắc rối, vấn đề nhỏ nhặt nào cũng sẽ khiến họ suy đi tính lại rất nhiều lần. Điều này vô tình khiến họ tự phóng đại hậu quả mà vấn đề đó mang lại. Từ đó, đẩy những người có IQ cao rơi vào tình trạng stress thường xuyên.
Trí thông minh vượt trội thường sẽ khiến con người ưa thích cảm giác được ở một mình, và tự thỏa mãn với các kế hoạch cũng như niềm đam mê của bản thân. Thậm chí, việc phải tiếp xúc với bạn bè, người thân thường xuyên cũng khiến họ có cảm giác khó chịu, không thoải mái. Kết quả của việc này là những người có IQ cao thường tự cô lập mình với tập thể. Và khi cần một người để tâm sự hoặc chia sẻ cảm xúc, hầu như sẽ không có ai ở bên cạnh họ.
Thảo Vy