Asperger 18-1-2016


Hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao (Asperger Syndrome/HFA) là gì?

đăng 11:10, 28 thg 7, 2013 bởi Đào Linh [ đã cập nhật 23:53, 6 thg 2, 2015 ]












Viện rối loạn thần kinh và đột quị quốc gia (National Institute of Neurological Disorders and Stroke – NINDS), một phân nhánh của Viện y tế quốc gia (National Institute of Health), định nghĩa hội chứng Asperger như sau:
Những lề thói hoặc nghi thức lặp đi lặp lại
Ngôn ngữ và lời nói kì lạ, ví dụ như nói năng trịnh trọng thái quá bằng một giọng đều đều, hoặc hiểu lời nói theo nghĩa đen,
hành vi không thích hợp về mặt xã hội và cảm xúc và thiếu khả năng tương tác với bạn bè cùng lứa,
gặp khó khăn trong giao tiếp không lời, bao gồm hạn chế trong việc sử dụng những cử chỉ điệu bộ, khả năng biểu cảm nét mặt bị hạn chế hoặc không thích hợp, hoặc hay nhìn chằm chằm một cách kì lạ, mất tự nhiên,
cử động vụng về và thiếu nhịp nhàng.


Dưới đây là lịch sử hội về hội chứng Asperger do Viện rối loạn thần kinh và đột quị quốc gia viết ra, mà chúng tôi hi vọng sẽ giúp bạn hiểu thêm về chứng rối loạn này và ý nghĩa của nó đối với bạn và gia đình bạn:


Năm 1944, một bác sĩ nhi khoa người Áo tên là Hans Asperger trong khi hành nghề đã quan sát 4 đứa trẻ khó khăn trong việc hòa nhập xã hội. Dù trí tuệ của chúng không có gì bất thường, nhưng chúng lại thiếu những kĩ năng giao tiếp phi ngôn ngữ, không thể hiện sự đồng cảm với bạn bè cùng trang lứa, và cơ thể rất lóng ngóng. Cách nói năng của chúng hoặc không mạch lạc hoặc quá trịnh trọng, và chúng trò chuyện toàn chỉ về một một chủ đề mà chúng đã bị cuốn hút vào đó.


Những quan sát của Asperger được xuất bản bằng tiếng Đức vẫn chưa được biết đến rộng rãi, cho mãi đến năm 1981, khi một bác sĩ người Anh tên là Lorna Wing đem xuất bản một loạt những nghiên cứu về những đứa trẻ mắc những triệu chứng tương tự nhau, mà bà gọi là hội chứng “Asperger”. Những bài viết của bà được xuất bản và phổ biến rộng rãi. Hội chứng Asperger trở thành một tình trạng và định bệnh riêng biệt và được đặc tả từ năm 1992, thời điểm nó được bổ sung vào Cẩm nang chẩn đoán của Tổ chức y tế thế giới (World Health Organization) phiên bản 10, Phân loại dịch bệnh toàn cầu (International Classification of Diseases (ICD-10), và vào năm 1994, nó được thêm vào phiên bản thứ 4 của Cẩm nang chẩn đoán và thống kê những rối loạn thần kinh (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM-IV)), một tài liệu chẩn đoán tham khảo của Hiệp hội tâm thần Hoa Kì (American Psychiatric Association).


Những cá nhân được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ hoặc rối loạn phổ tự kỷ có khả năng nhận thức bình thường, kỹ năng ngôn ngữ không bị chậm đáng kể, là những trường hợp rất giống với những trường hợp tự kỷ chức năng cao (High Functioning Autism Spectrum Disorder (HFA)) và có những triệu chứng giống nhau và được điều trị bằng những cách can thiệp giống nhau.
Những triệu chứng của hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao là gì?


Thông thường, chỉ khi trẻ đến tuổi đi học, người ta mới có chẩn đoán hội chứng Asperger. Không như chứng tự kỷ, hội chứng Asperger nói chung chỉ được nhận ra trên cơ sở những tương tác xã hội của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Asperger vẫn phát triển ngôn ngữ bình thường và thường có vốn từ vựng trên mức trung bình. Tuy nhiên, bạn có thể để ý khi chúng tương tác với những người khác, chúng sẽ sử dụng những kĩ năng ngôn ngữ không phù hợp hoặc rất lúng túng. Bởi những kĩ năng ngôn ngữ được phát triển bình thường nên trong những giai đoạn ban đầu, những triệu chứng của hội chứng Asperger có thể rất khó phân biệt với những vấn đề về hành vi khác như tăng động giảm tập trung chú ý (attention deficit hyperactivity disorder ADHD). Hậu quả là ban đầu có thể con bạn được chẩn đoán mắc những rối loạn như tăng động giảm tập trung chú ý, cho đến khi người ta nhận ra là vấn đề là do kỹ năng xã hội khiếm khuyết chứ không phải là thiếu khả năng tập trung.


Sau đây là danh sách những triệu chứng có thể có ở trẻ mắc hội chứng Asperger:
khả năng giao lưu với mọi người kém và không phù hợp
lời nói “máy móc” hoặc lặp đi lặp lại
giao tiếp phi ngôn ngữ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình, còn giao tiếp bằng ngôn ngữ ở mức trung bình hoặc trên trung bình
có khuynh hướng bàn luận về bản thân hơn là nói về người khác
không có khả năng hiểu những vấn đề và câu nói vốn được coi là “suy nghĩ thông thường”
không biết giao tiếp mắt hoặc đối-thoại-hai-chiều
ám ảnh bởi những chủ đề đặc dị
nói-chuyện-một-chiều
cử động và tác phong vụng về


Dấu hiệu rất rõ ràng và đặc trưng của hội chứng Asperger là bị bận tâm bởi một vấn đề cụ thể, từ những điều đơn giản như tủ lạnh hoặc thời tiết, đến những chủ đề phức tạp như tổng thống Franklin D. Roosevelt trong thời kì Đại suy thoái. Chúng trở nên chăm chú vào những đề tài này đến độ cố gắng tìm hiểu hết mức có thể từng dữ kiện và chi tiết, để rồi sau đó trở thành những chuyên gia đáng kinh ngạc. Trẻ mắc hội chứng Asperger có thể khởi đầu một cuộc nói-chuyện-một-chiều với người khác bằng cách chỉ nói về những vấn đề liên quan đến chủ đề đặc biệt ưa thích của chúng. Chúng có thể không thích thảo luận về những vấn đề khác, hoặc không thể lắng nghe và thấu hiểu những phản hồi của người khác. Con bạn có thể không nhận thấy rằng những người đối thoại với chúng đã không còn lắng nghe nữa, hoặc đã không còn thảo luận về chủ đề đó nữa.


Một triệu chứng khác của hội chứng Asperger là không có khả năng hiểu những hành động, lời nói hoặc hành vi của người khác. Những người mắc hội chứng Asperger thường không hiểu những lời nói đùa, những lời ám chỉ hoặc những hành động của người khác. Những cử chỉ hoặc biểu hiện tinh tế như mỉm cười, cau mày hoặc ra hiệu “lại đây” có thể vô nghĩa với trẻ mắc hội chứng Asperger vì chúng không nhìn thấy mối liên hệ giữa giao tiếp phi ngôn ngữ với giao tiếp bằng lời nói và ngôn ngữ. Vì không hiểu giao tiếp phi ngôn ngữ nên thế giới con người dường như rất rối rắm và quá tải đối với chúng. Nói chung, người mắc hội chứng Asperger cảm thấy rất khó để nhìn ra những quan điểm của người khác. Tình trạng này khiến họ không thể dự đoán hoặc hiểu được những hành vi của người khác. Dù không phải đúng với mọi trường hợp, nhưng thường thì những người mắc hội chứng Asperger đều gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình.


Những người mắc hội chứng Asperger thường nói năng lúng túng hoặc bất thường. Họ có thể nói rất to, giọng đều đều, hoặc nhấn giọng một cách kì lạ. Hầu như họ không thể hiểu được những tương tác xã hội, và hậu quả là họ không thể nhận ra rằng những chủ đề đang bàn luận hoặc cách nói chuyện của họ dường như không thích hợp hoặc gây phiền hà, nhất là trong những tình huống đặc biệt. Ví dụ như trẻ bình thường quen nói to khi bước vào nhà thờ mà không biết rằng mình không được nói to như vậy nữa.


Một dấu hiệu khác của hội chứng Asperger là những cử động bất thường, hoặc kĩ năng vận động bị chậm. Họ có thể đi đứng không bình thường hoặc phối hợp các thao tác rất kém. Những người này có thể rất thông minh và bộc lộ những kĩ năng ngôn ngữ thành thạo, nhưng họ lại không bắt được bóng hoặc không biết nhún nhảy trên tấm căng lò xo, bất chấp mọi cố gắng chỉ dẫn của người khác.


Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả những người mắc hội chứng Asperger đều bộc lộ những triệu chứng trên, biểu hiện và mức độ từng triệu chứng của mỗi người là rất khác biệt tuy họ có cùng kết quả chẩn đoán. Tuy bộc lộ một số hoặc toàn bộ những triệu chứng trên nhưng trẻ tự kỷ cũng đồng thời sở hữu nhiều biệt tài.
Nguyên nhân của hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao?


Điều quan trọng luôn nhớ là rối loạn phổ tự kỷ không phải chỉ là một rối loạn với một nguyên nhân duy nhất. Đúng hơn là thuật ngữ đó đại diện cho một nhóm rối loạn có liên quan gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Đa phần, hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao có nguyên nhân là tập hợp các nhân tố nguy cơ về gen, có tương tác với những nguy cơ từ môi trường. Có rất nhiều gen góp phần vào hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao. Người ta cho rằng những gen này có tương tác với những yếu tố môi trường. Rất nhiều nghiên cứu đang tập trung vào việc xác định cách thức mà cả hai yếu tố về di truyền và môi trường góp phần gây ra chứng tự kỷ.


Có một số quan niệm sai lầm về những người mắc hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao. Hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao không phải là do cách nuôi dạy, do cha mẹ không quan tâm, hoặc những vấn đề cảm xúc mà trẻ đã trải qua trước đó. Hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao là một loại rối loạn sinh học thần kinh, không phải là hậu quả của những vấn đề bắt nguồn từ trải nghiệm sống trong cuộc đời của trẻ.




Hội chứng Asperger và tự kỷ chức năng cao khác nhau ra sao?

đăng 23:57, 27 thg 7, 2013 bởi Đào Linh [ đã cập nhật 14:57, 31 thg 7, 2013 ]





Khi con bạn được chẩn đoán, bạn sẽ nảy sinh nhiều thắc mắc và muốn tìm kiếm câu trả lời. Một trong những thắc mắc đó là hội chứng Asperger giống và khác với những dạng rối loạn phổ tự kỷ khác ra sao? Hội chứng Asperger là một phần trong phổ tự kỷnhưng khác với tự kỷ điển hình và những rối loạn phát triển diện rộng khác ở chỗ họ phát triển ngôn ngữ sớm hơn. Sau khi con được chẩn đoán có rối loạn phổ tự kỷ, bạn cũng cần hiểu rõ những tương đồng và khác biệt giữa các dạng rối loạn trong phổ tự kỷ.


Hội chứng Asperger và tự kỷ chức năng cao thường có cùng chẩn đoán. Mặc dù hiện giờ chúng được định bệnh là hai tình trạng tách biệt nhau, nhưng người ta vẫn đang tranh luận xem có cần thiết phải phân ra như vậy không. Có thể trong tương lai chúng sẽ được nhập lại thành một. Những người mắc chứng tự kỷ chức năng cao và hội chứng Asperger thông minh ở mức trung bình hoặc trên trung bình nhưng họ có thể có khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội. Chẩn đoán là Asperger hay tự kỷ chức năng cao đôi khi có thể làm cha mẹ và trẻ phiền lòng vì có vẻ là thuật ngữ này chưa được định nghĩa rõ ràng. Điều cần nhớ là cả hai tình trạng này đều có biểu hiện gần giống nhau và đều được điều trị bằng các liệu pháp giống nhau. Điểm khác biệt chính ở đây là, đối với tự kỷ chức năng cao, trẻ bị chậm ngôn ngữ từ nhỏ, còn với hội chứng Asperger, trẻ không bộc lộ bất kì sự chậm phát triển ngôn ngữ nào đáng kể.
Hội chứng Asperger giống tự kỷ điển hình như thế nào?


Theo Viện rối loạn thần kinh và đột quị quốc gia (National Institute of Neurological Disorders and Stroke (NINDS)), trẻ mắc hội chứng Asperger cảm thấy khó khăn trong việc nhận ra và biểu lộ cảm xúc của mình, giống trẻ tự kỷ chức năng cao. Chúng gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác, và thường không duy trì giao tiếp mắt và khó khăn trong việc hiểu nét mặt và cử chỉ của người khác. Nhiều trẻ Asperger thích vẩy tay, một hành vi thường thấy ở tự kỷ điển hình; hoặc nói không có biểu hiện cảm xúc (hoặc cách dùng ngôn ngữ bất thường), đòi phải làm theo lịch trình cứng nhắc, tỏ ra quan tâm đến một chủ đề mãnh liệt thậm chí ám ảnh đến độ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Chúng cũng nhạy cảm với những kích thích khác, từ âm thanh cho đến quần áo hoặc các loại thức ăn.
Asperger/tự kỷ chức năng cao khác với tự kỷ điển hình như thế nào?


Điểm khác với tự kỷ điển hình là Asperger/tự kỷ chức năng cao là chúng có chỉ số IQ ở khoảng bình thường hoặc thậm chí đặc biệt cao. Với nhiều người, chúng trông có vẻ giống những đứa trẻ khác, nhưng không hẳn vậy: trẻ Asperger thường vụng về trong giao tiếp xã hội theo cách rất khó hiểu.


Điều này giải thích vì sao những người trong ngành y thường dễ bỏ qua các triệu chứng của hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao ở trẻ nhỏ, hoặc có thể chẩn đoán sai. Trẻ bắt đầu có những kĩ năng xã hội phức tạp, như tương tác với trẻ cùng lứa trễ muộn thì bố mẹ thường chú ý tìm kiếm trợ giúp chậm trễ hơn những phụ huynh có con bộc lộ những triệu chứng rõ rệt và sâu sắc khi trẻ còn nhỏ.




Tổng quan về chẩn đoán

đăng 23:56, 27 thg 7, 2013 bởi Đào Linh [ đã cập nhật 14:56, 31 thg 7, 2013 ]





Hội chứng Asperger và tự kỷ chức năng cao là những thuật ngữ dùng để chỉ đầu chức năng cao của phổ rối loạn phát triển diện rộng, hoặc phổ tự kỷ. Hội chứng Asperger là một nhánh tương đối mới, được chính thức công nhận trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê những rối loạn thần kinh (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM)) lần đầu tiên vào năm 1994. Trong tương lai, có khả năng Cẩm nang chẩn đoán và thống kê những rối loạn thần kinh sẽ kết hợp Hội chứng Asperger và tự kỷ chức năng cao thành một loại, vì những tương đồng và cách điều trị giống nhau của chúng. Vì hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao bao gồm những triệu chứng ở nhiều mức độ khác nhau, nên rất nhiều người có những tiều chí phù hợp với chẩn đoán này chỉ bị coi là “bất thường” hoặc “vụng về”, hoặc bị chẩn đoán nhầm với những chứng rối loạn khác như Rối loạn giảm tập trung chú ý (Attention Deficit Disorder)


Cẩm nang chẩn đoán và thống kê những rối loạn thần kinh, phiên bản 4 (DSM-IV) Các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng Asperger


A. Tương tác xã hội kém, thể hiện ra ở ít nhất hai trong số các mục sau:
Khiếm khuyết đáng kể khả năng sử dụng các giao tiếp phi ngôn ngữ như dõi theo hướng nhìn của người khác, biểu cảm nét mặt, tư thế, cử chỉ thích nghi với những tương tác xã hội
Không phát triển những mối quan hệ với những đứa trẻ cùng lứa đúng với với độ tuổi
Không tự tìm cách chia sẻ niềm vui, sự thích thú hoặc những thành quả với người khác (ví dụ như không biết khoe, đem ra hoặc cho người khác xem những gì mình thích)
Thiếu khả năng giao tiếp xã hội hoặc trao đổi cảm xúc


B. Có hành vi, sở thích, và hoạt động lặp đi lặp lại, hạn hẹp và điển hình, thể hiện ra ở ít nhất một trong số các mục sau:
Chỉ bận tâm tới một hoặc vài sở thích bất thường và hạn chế, rập khuôn và lặp đi lặp lại, bất thường về cường độ hoặc độ tập trung
Cố hữu thiếu linh hoạt với những thói quen hoặc lề thói nhất định, không có ý nghĩa.
Có những động tác điển hình, lặp đi lặp lại (ví dụ như vẩy hoặc vặn bàn tay hoặc ngón tay, hoặc có những động tác toàn thân phức tạp)
Bận tâm dai dẳng với những bộ phận nào đó của đồ vật


C. Khiếm khuyết đáng kể về chức năng giao tiếp, sinh hoạt hoặc những lĩnh vực quan trọng khác


D. Không chậm phát triển đáng kể về ngôn ngữ (ví dụ, nói được những từ đơn khi lên 2, sử dụng những cụm từ giao tiếp khi lên 3)


E. Không có chậm phát triển đáng kể về mặt nhận thức hoặc những kĩ năng tự chăm sóc bản thân phù hợp với độ tuổi, hành vi thích ứng (chứ không phải tương tác xã hội), và tò mò về môi trường xung quanh lúc nhỏ.


F. Không rơi vào đúng các tiêu chí về Rối loạn phát triển diện rộng (Pervasive Developmental Disorder) cụ thể nào khác hoặc chứng tâm thần phân liệt (Schizophrenia)
Chẩn đoán hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao


Hiện nay, chưa có xét nghiệm y khoa nào cho hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao. Việc chẩn đoán vẫn dựa trên quan sát hành vi, thông qua trắc nghiệm giáo dục và tâm lí. Vì hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao có triệu chứng rất đa dạng, nên lộ trình chẩn đoán cũng đa dạng. Bạn có thể tự có những thắc mắc với bác sĩ nhi khoa. Có trẻ bị coi là chậm phát triển trước khi được chẩn đoántự kỷ hoặc hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao và có thể đã được can thiệp theo chương trình Can thiệp sớm (Early Intervention) hoặc Chương trình giáo dục đặc biệt (Special Education services). Thật không may, có những băn khoăn của các bậc phụ huynh đôi khi lại không được bác sĩ xem xét nghiêm túc và vì thế việc phát hiện định bệnh bị trễ muộn. Autism Speaks và những tổ chức liên quan đến tự kỷ vẫn đang làm việc cật lực để hướng dẫn các bậc phụ huynh và các y sĩ, giúp họ có thể phát hiện ra trẻ tự kỷ càng sớm càng tốt.


Có một số vấn đề thường gặp khi chẩn đoán hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao. Sẽ rất khó định bệnh khi trẻ mắc hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao thường vẫn có thể hoạt động tốt trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, và chỉ bộc lộ một vài hành vi kì lạ hoặc khác biệt. Bạn có thể nhận thấy con mình vẫn có những kĩ năng khá thành thạo trong một số lĩnh vực và rất thông minh. Những quan sát này có thể càng khó chẩn đoán sớm và hậu quả là quá trình hỗ trợ con cũng bị trễ muộn. Khi bạn tiến hành các bước chẩn đoán ra đúng vấn đề của con, cần tìm hiểu những khả năng khác nhau và tìm kiếm sự hỗ trợ.


Phụ huynh như bạn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo điều kiện cho việc chẩn đoán hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao của con, vì bạn là người chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của chúng hàng ngày. Nếu con bạn bắt đầu hình thành một vài hành vi như có những mối bận tâm, những thói quen và những hoạt động ưa thích bất thường, đó có thể là thời gian thích hợp để bạn hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa. Nếu bác sỹ thấy cần lưu tâm, bạn sẽ được giới thiệu đến chuyên gia đánh giá cho con. Chuyên gia sẽ tìm hiểu rất chi tiết về lịch sử của con bạn, bao gồm sự phát triển, những kĩ năng ngôn ngữ và nhiều khía cạnh khác về hành vi xã hội của chúng.


Khi bác sĩ đánh giá con và xem xét khả năng con bạn có bị tự kỷ hay không, bác sỹ sẽ bỏ nhiều thời gian để hỏi về những vấn đề xã hội và phát triển của chúng. Bác sỹ rất cần biết con bạn có vấn đề gì ở trường, về kết bạn hay có khó khăn trong tương tác xã hội không. Đánh giá này sẽ cho biết con bạn đang khó khăn ở những mặt nào, cũng những mặt con bạn sẽ bộc lộ nhiều thế mạnh.


“Trải nghiệm có nhiều thách thức mà chúng tôi phải vượt qua để hỗ trợ con mình và dung hòa sự nhạy cảm sâu sắc của chúng với thế giới, cái thế giới mà đôi lúc quá đa tạp tới mức không thể chịu đựng nổi. Nhưng điều đó đem đến vô số món quà nếu bạn biết mở lòng đón nhận. Con bạn cần bạn trong cuộc đời; và thật sự là biết bao phụ huynh đã nói với tôi rằng họ đã trở thành con người tốt đẹp hơn khi họ chưa được ban tặng đứa trẻ này. Hãy yên tâm rằng, nếu bạn dành đủ sự tôn trọng, đánh giá và cơ hội, con bạn sẽ thay đổi thế giới theo chiều hướng đúng đắn, chân thật, tốt đẹp và tử tế.”

– William Stillman, Empowered Autism Parenting (Tiếp sức mạnh cho cha mẹ nuôi con tự kỷ)




Chức năng điều hành của não và Thuyết tâm ý

đăng 23:54, 27 thg 7, 2013 bởi Đào Linh [ đã cập nhật 14:55, 31 thg 7, 2013 ]





Những người mắc hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao thường phải đối mặt với những khó khăn trong việc hiểu những kỹ năng xã hội và ẩn ý từ người khác. Họ có thể gặp khó khăn trong việc xử lí một lượng lớn thông tin và kết nối với người khác. Hai thuật ngữ chính liên quan đến những khó khăn này là Chức năng điều hành của não (Executive Functioning) và Thuyết tâm ý (Theory of Mind). Chức năng điều hành của não bao gồm những kĩ năng như tổ chức, lập kế hoạch, duy trì sự chú ý và tiết chế các phản ứng không phù hợp. Thuyết tâm ý đề cập đến khả năng hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của người khác, và những điều đó có liên hệ gì đến bản thân. Cả hai vấn đề này đều có thể ảnh hưởng đến hành vi của người mắc hội chứng Asperger.


Những khó khăn về Chức năng điều hành của não có thể thể hiện ra theo nhiều cách khác nhau. Có người quá chú ý vào những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng không nhận ra chúng nằm ở đâu trong bức tranh toàn cảnh lớn hơn. Số khác gặp khó khăn trong việc tư duy phức tạp, đòi hỏi phải duy trì vài luồng suy nghĩ đồng thời. Số khác có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý, hoặc trong việc sắp xếp suy nghĩ và hành động. Chức năng điều hành của não cũng đồng thời đi kèm với sự kém kiểm soát những hành động bột phát. Temple Grandin từng nói: “Tôi không thể duy trì được thông tin về phần trước khi tôi thực hiện bước tiếp theo”. Những người mắc hội chứng Asperger thường thiếu khả năng sử dụng các kĩ năng liên quan tới chức năng điều hành của não như lập kế hoạch, lên trình tự và tự điều chỉnh.


Có thể tóm tắt Thuyết tâm ý là thiếu khả năng hiểu và nhận ra những ý nghĩ, cảm xúc và ý định của người khác. Những người mắc hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao có thể gặp phải những khó khăn trong việc nhận ra và xử lí cảm nghĩ của người khác, điều này đôi khi còn gọi là “sự vô tâm”. Hậu quả của tình trạng vô tâm là người bị tự kỷ không thể nhận ra những hành vi của người khác là có chủ tâm hay không. Vì khó khăn này mà người khác thường cho rằng người mắc hội chứng Asperger không biểu lộ sự đồng cảm và hiểu họ, khiến họ có thể vấp váp trong những tình huống xã hội.


Khiếm khuyết về Thuyết tâm ý có thể có tác động lớn đến những người mắc hội chứng Asperger. Trong cuốn sách mang tên Asperger Syndrome and Difficult Moments (Hội chứng Asperger và những thời khắc khó khăn), Brenda Smith Myles và Jack Southwick đã minh họa những thiếu hụt trong tương tác xã hội do khiếm khuyết về Thuyết tâm ý gây ra như sau:
Khó khăn trong việc lý giải hành vi của người khác
Khó khăn trong việc hiểu cảm xúc
Khó khăn trong việc dự đoán hành vi hoặc trạng thái cảm xúc của người khác
Gặp vấn đề trong việc hiểu quan điểm của người khác
Gặp vấn đề trong việc suy luận ra ý định của người khác
Không thấy được hành vi có tác động đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác ra sao
Không biết cùng hướng đến những điều người khác đang quan tâm và những thỏa ước xã hội
Gặp vấn đề trong việc phân biệt giữa hư cấu và thực tại


Ozonoff, Dawson, và McPartland đã nêu trong cuốn sách họ viết “A Parent’s Guide to Asperger Syndrome and High Fuctioning Autism” (Cẩm nang về hội chứng Asperger và tự kỷ chức năng cao dành cho phụ huynh), vài gợi ý để giúp trẻ mắc hội chứng Asperger/tự kỷ chức năng cao có thể đi học thành công. Họ đưa ra những gợi ý sau để giải quyết những khó khăn về Chức năng điều hành của não:

Có bản danh sách các bài tập trong tuần của trường gửi về nhà và ngược lại, thông báo cho những người liên quan biết bài tập nào đang làm tiến hành và bài nào đã đến hạn hoàn thành.

Danh sách những việc được giao chia nhỏ thành những nhiệm vụ nhỏ hơn và vừa sức bao quát của học sinh.

Lịch làm việc hàng ngày, có thể sử dụng thiết bị điện tử hỗ trợ cá nhân (PDA) để giúp con bạn sắp xếp, tổ chức mọi việc.

Thời khóa biểu của lớp dán ở chỗ dễ nhìn.

Dành đủ thời gian để chỉ dẫn, lặp lại chỉ dẫn và trợ giúp cá nhân cho các học sinh.

Xếp cho học sinh ngồi ở bàn ưu tiên gần giáo viên và tránh xa những gì làm học sinh phân tâm.




Danh sách những thế mạnh và khó khăn

đăng 23:53, 27 thg 7, 2013 bởi Đào Linh [ đã cập nhật 11:44, 23 thg 9, 2015 ]






Điều quan trọng cần lưu ý rằng đây là một danh sách chung chung. Ở mỗi thế mạnh và khó khăn, bạn có thể tìm được những ví dụ chứng minh điều ngược lại. Ví dụ sự vụng về là một trong những khó khăn thường gặp. Tuy nhiên, một số người mắc hội chứng Asperger lại có những thế mạnh về vận động và giữ thăng bằng như của một nghệ sĩ múa.


(Stephen Shore)


Thế mạnh: Chú tâm vào chi tiết

Khó khăn: Nắm bắt toàn cảnh


Thế mạnh: Vô cùng thành thạo về một lĩnh vực đặc biệt nào đó

Khó khăn: Các kĩ năng không đồng đều


Thế mạnh: Nghiên cứu rất sâu đến độ thành tri thức bách khoa về các lĩnh vực quan tâm

Khó khăn: khó có động lực để tìm hiểu những lĩnh vực không hứng thú


Thế mạnh: Có khuynh hướng làm theo lí trí (tốt khi cần quyết định các vấn đề dễ bị cảm xúc xen ngang)

Khó khăn: Khó nhận biết về những trạng thái cảm xúc của người khác


Thế mạnh: Không để tâm nhiều tới những gì người khác nghĩ về mình (có thể đây là một thế mạnh hơn là một thách thức).

Khó khăn: Trong việc hiểu những quy tắc giao tiếp bất thành văn. Nhưng có thể tìm hiểu những qui tắc này thông qua chỉ dẫn trực diện và những câu chuyện xã hội kiểu Thẻ Quyền lực Power Cards (Gagnon, 2004)


Thế mạnh: Còn gọi là suy nghĩ độc lập. Nhờ thế họ thường có bức tranh toàn cảnh mới lạ vì có cách nhìn sự vật, ý tưởng và khái niệm khác biệt.

Khó khăn: Trong việc xử lý những gì họ không thích như thính giác, cảm thụ vận động, v.v.


Thế mạnh: Mạnh về tư duy trực quan (tư duy bằng hình ảnh hoặc phim ảnh)

Khó khăn: Khó khăn trong việc phân tích và tổng hợp những thông tin quan trọng trong cuộc trò chuyện.


Thế mạnh: Thường nói rất nhiều (khuynh hướng miêu tả tỉ mỉ rất hữu ích khi chỉ dẫn cho những người bị lạc đường)

Khó khăn: Vấn đề điều hòa cảm giác khiến họ lưu giữ các thông tin đầu vào không đều, sai lệch, và khó khăn trong việc lọc bỏ những tiếng ồn từ xung quanh


Thế mạnh: Thẳng thắn trong giao tiếp

Khó khăn: Quá thật thà


Thế mạnh: Trung thành

Khó khăn: Khái quát hóa các kĩ năng và khái niệm


Thế mạnh: Trung thực

Khó khăn: Khó bày tỏ sự đồng cảm theo đúng cách mọi người trông đợi hoặc hiểu được.


Thế mạnh: Lắng nghe không suy xét

Khó khăn: Khó khăn trong việc biểu lộ sự đồng cảm theo ý muốn hoặc cách hiểu của người khác


Thế mạnh: Trí thông minh trung bình hoặc trên trung bình