Thảm kịch thần tượng


(Dân trí) - Thấy người khác mê thần tượng thì mình cũng mê ai đó để không bị cho là quê mùa. Thấy người khác sống chết với thần tượng thì mình cũng phải có cách bày tỏ, biểu lộ hết mình như vậy. Ban đầu là mốt, lâu ngày thành bệnh, càng để lâu bệnh càng nặng.
 (Minh họa: Ngọc Diệp)

Vô số fan nữ hú, hét, khóc lóc, kêu gào, lên cơn co giật trước band nhạc Big Bang đến từ Hàn Quốc biểu diễn tại TPHCM tối 14.4.

Không thể tưởng tượng được fan hâm mộ ca sĩ Hàn Quốc đã cuồng đến mức như thế. Những thanh niên, thiếu nữ còn tươi trẻ, đầy sức sống nhưng lại say mê thần tượng đến mức bệnh hoạn. Họ đạp nhau bất chấp tính mạng để đến gần sân khấu, để được chiêm ngưỡng dung nhân thần tượng. Họ kêu rú, hò hét cho đến khi ngất xỉu, phải được đưa đi sơ cứu.

Thảm kịch thần tượng tại sân vận động Phú Thọ gợi lại nhiều câu chuyện khác vừa xảy ra. Nhiều fan hôn ghế thần tượng, tìm đến nhà lên giường cùng thần tượng rồi tự la lớn chuyện đó lên cho thiên hạ cùng biết. Họ nghĩ rằng, có một vụ scandal giường chiếu với ca sĩ thần tượng của mình cũng là chuyện đáng tự hào với cuộc đời, lên mặt với các fan khác.

Có những người đau đớn khi nghe thần tượng yêu ai đó, buồn thảm khi hay tin thần tượng tuyên bố kết hôn. Họ bỏ ăn, bỏ học, bỏ ngoài tai lời khuyên và sự đau khổ của cha mẹ. Họ tự “để tang” cho một cuộc tình tuyệt vọng với thần tượng vừa bị chôn vùi.

Các nhà nghiên cứu tâm lý học, xã hội  học, giáo dục giới tính nghĩ nát óc cũng không thể giải mã được hiện tượng lên đồng tập thể cũng như tự sát cá nhân theo kiểu mê cuồng thần tượng này. Nhưng rõ ràng, đây là sản phẩm của một nền giáo dục không chú trọng xây dựng tính độc lập cá nhân, thích tôn sùng thần tượng, thiếu định hướng thẩm mỹ.

Khi giới trẻ mất định hướng thẩm mỹ thì a dua theo xu hướng “bầy đàn”. Thấy người khác mê thần tượng thì mình cũng mê ai đó để không  bị cho là quê mùa. Thấy người khác sống chết với thần tượng thì mình cũng phải có cách bày tỏ, biểu lộ hết mình như vậy. Ban đầu là mốt, nhưng lâu ngày thành căn bệnh, càng lâu bệnh càng nặng. Thảm kịch thần tượng từ đó không còn là chuyện của cá nhân, mà là mối họa cho các gia đình có con cái u mê như vậy, và cuối cùng là xã hội phải gánh chịu hậu quả khi một lực lượng thanh thiên, thiếu nữ “khùng điên” vì bệnh thần tượng. Sống lơ mơ và vô trách nhiệm, suốt ngày chỉ là phường “giá áo túi cơm” mân mê cảm xúc đồng bóng của riêng mình.

Những gia đình có giáo dục căn bản, theo dõi từng bước đi của con cái, bồi dưỡng nhân cách cho con cái từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành thì chắc chắn không có những đứa con có đầu óc u tối như vậy.

Các bạn trẻ học hành tử tế, có bản lĩnh, có ước mơ và  khát vọng về  con đường sự nghiệp của bản thân, có nỗi suy tư về vận mệnh tương lai đất nước chắc chắn sẽ không có những cảm xúc tầm thường và bệnh hoạn như vậy.

Các bạn trẻ cứ nhìn vào những thảm kịch thần tượng trong xã hội để biết cách không cho mình trở thành nạn nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình