Kỳ 1: Kinh tế, y - dược bùng phát
TT - Đi cùng bùng phát chỉ tiêu các ngành kinh tế, y
dược là sự lặng lẽ lùi bước của các ngành nhóm kỹ thuật công nghệ, nông
nghiệp...
Giờ thực hành của học sinh năm 2 trung cấp điều dưỡng của Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
|
Mất cân đối về cơ cấu ngành tuyển sinh và đào tạo, chỉ
tiêu tuyển sinh không hợp lý giữa các ngành - đó là hai trong số những
hạn chế đã được Bộ GD-ĐT nêu ra tại Hội nghị các trường ĐH, CĐ tổ chức
tháng 2 vừa qua.
Ngành kỹ thuật lùi bước
10 năm hoạt động, cái tên Trường trung cấp tư thục Vạn
Tường (TP.HCM) gắn liền với ngành công nghệ thực phẩm, KCS (kiểm định
chất lượng sản phẩm)... Những năm gần đây, ngành KCS không còn người
học. Năm 2011, chỉ có 26 HS đăng ký ngành công nghiệp thực phẩm, không
thể mở lớp, trường đành phải chuyển HS sang ngành khác. Ngoại trừ Trường
ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, việc tuyển sinh thực phẩm bậc trung
cấp ở nhiều trường tại TP.HCM ngày càng khó khăn. Và cùng lúc phải ngậm
ngùi ngưng đào tạo ngành thế mạnh của trường mình, Trường trung cấp Vạn
Tường đầu tư cho hai ngành dược và điều dưỡng và đã bắt đầu đào tạo 70
chỉ tiêu hai ngành này. Cô Bùi Thị Nguyệt Ánh, chủ tịch HĐQT, nguyên
hiệu trưởng trường, cho biết: “Nếu như trước đây ngân hàng, kế toán,
xuất nhập khẩu... là ngành nóng, nay ngành điều dưỡng và dược là hai
ngành được người học hỏi thăm nhiều nhất”.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH
(Bộ Giáo dục - đào tạo) - kể về Trường ĐH Công nghiệp ở một tỉnh phía
Bắc được nâng cấp từ trường CĐ khai thác mỏ bắt đầu mở rộng đào tạo sang
các ngành công nghệ kỹ thuật, kế toán... Tuy nhiên, mùa tuyển sinh 2011
cả trường chỉ tuyển vỏn vẹn 17 thí sinh theo học ngành khai thác mỏ -
ngành truyền thống và là thế mạnh của nhà trường trên tổng số hơn 2.000
chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ. Bù vào số lượng hạn chế của ngành khai thác
mỏ, ngành kế toán lại chiếm thế áp đảo với số tuyển mới lên đến 60-70%
quy mô đào tạo của năm. Không phải đến bây giờ, cách đây ba năm các nhà
quản lý đào tạo đã bắt đầu lên tiếng trước sự “thất thế” của các ngành
nhóm kỹ thuật.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 416 trường
ĐH, CĐ tuyển sinh năm 2011, có 248 trường có tuyển sinh một trong bốn
ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, chiếm
gần 60% số trường. Chỉ tiêu dành cho các ngành nói trên chiếm đến 38%
tổng chỉ tiêu; 62% còn lại chia cho tất cả các ngành còn lại. Vì số
trường có đào tạo nhóm ngành này nhiều nên tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi
ĐH, CĐ bình quân trong ba năm 2009-2011 vào bốn ngành này chiếm đến 41%
tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu thực tế ở
các trường đào tạo đa ngành, chỉ tiêu dư dôi từ các ngành khó tuyển sẽ
được chuyển sang các ngành dễ tuyển (như kinh tế, y dược). Đến đầu ra,
các trường mua phôi bằng theo tổng số HS tốt nghiệp. Đây là kẽ hở trong
khâu quản lý chỉ tiêu, đào tạo và cấp bằng, và cũng là một trong những
nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối trong đào tạo nhân lực các ngành
nghề.
Bùng phát đào tạo y dược
Chọn lựa hàng đầu vẫn là ngành kinh tế
Con
số thống kê đến hơn 40% thí sinh thi ĐH chọn lựa các ngành kinh tế mà
Bộ Giáo dục - đào tạo lần đầu đưa ra dường như không tạo sức ép nào đối
với thí sinh. Thống kê sơ bộ từ các đơn vị tiếp nhận hồ sơ, các trường
THPT, sự lựa chọn hàng đầu của lứa thí sinh năm 2012 vẫn là ngành kinh
tế.
Trong
cuộc khảo sát do chính Bộ Giáo dục - đào tạo đang thực hiện nhằm thăm
dò về “ngành nghề mà thí sinh coi là nóng và khoái nhất hiện nay”, nhóm
ngành kinh tế - tài chính - quản trị kinh doanh vẫn chiếm ưu thế tuyệt
đối với gần 60% lựa chọn. Thống kê cụ thể trên 103.501 phiếu tính đến
ngày 17-4, có 37,98% thí sinh “khoái” ngành kinh tế, và 21,38% chọn
ngành quản trị kinh doanh. Ngoài ra, 17% bị hấp dẫn bởi ngành y dược,
chỉ còn lại hơn 23% lựa chọn cho toàn bộ các ngành nghề còn lại.
|
Trường TC kinh tế kỹ thuật Phương Nam, trường tư thục
đầu tiên đào tạo ngành y dược tại TP.HCM, cũng là trường có quy mô đào
tạo hai ngành dược sĩ và điều dưỡng lớn nhất TP.HCM. Năm 2011, trong
2.000 chỉ tiêu (cho 11 ngành) của trường này, chỉ tiêu hai ngành dược và
điều dưỡng chiếm đến 1.300. Trường trung cấp Đông Nam Á có 1.970 chỉ
tiêu cho sáu ngành, 1.000 chỉ tiêu dành cho hai ngành điều dưỡng và
dược. Học phí các ngành y dược các trường tư thục hiện nay ở mức 8,5 -
11 triệu đồng/năm. Đây là mức học phí các ngành nhóm kỹ thuật không dám
“mơ” nhưng vẫn dễ tuyển sinh hơn so với các ngành khác.
Trong khi đó, ở những trường công chuyên đào tạo ngành y
dược, nơi vốn có ưu thế về chuyên môn, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật
chất vẫn giữ mức chỉ tiêu khiêm tốn. Hệ trung cấp Trường ĐH Y dược
TP.HCM năm 2011 chỉ tuyển 1.040 chỉ tiêu cho 12 ngành đều thuộc nhóm y
dược. Hệ trung cấp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tiêu đào tạo
trung cấp cũng chỉ dừng lại ở mức 400 cho hai ngành. Hệ trung cấp Trường
CĐ Y tế Đồng Nai chỉ tuyển 330 HS vào sáu ngành. Trường CĐ Y tế Tiền
Giang cũng chỉ tuyển 160 HS trung cấp cho sáu ngành. Một trong những lý
do các trường không mở rộng chỉ tiêu (dù có điều kiện) là “ngành y tế
đụng đến sức khỏe con người, không thể tuyển tràn lan được”...
Thực tế tuyển sinh và đào tạo cho thấy sự bùng phát chỉ
tiêu các ngành y dược, kinh tế có liên quan với sự phát triển nhanh
chóng các trường ngoài công lập. Ngành kinh tế đầu tư thấp, chi phí đào
tạo cũng thấp, nguồn tuyển dồi dào nên cả trường công lẫn tư đều dồn chỉ
tiêu vào đó. Còn ngành y dược có thể thu học phí cao và điều này cũng
chỉ dễ thực hiện ở trường tư. Như phân tích của TS Nguyễn Toàn, hiệu
trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức: “Ngoại trừ các trường được Nhà nước
đầu tư chuyên đào tạo ngành y dược, các trường công không dám mở rộng
đào tạo ngành này. Mức học phí trung cấp ở trường công lập khoảng 3
triệu đồng/năm, khó có thể đủ để đảm bảo chất lượng đào tạo ngành y
dược”.
Trưởng phòng đào tạo một trường CĐ tại TP.HCM cho rằng
trong cuộc cạnh tranh trải thảm mời cán bộ đào tạo ngành y dược, các
trường tư cũng chiếm ưu thế hơn trường công. Một trường tư thục có thể
mời cán bộ, giảng viên tuổi nghỉ hưu về trường mình nhưng các trường
công không được làm vậy...”. Đó là lý do số lượng các trường ngoài công
lập đang cùng nhau mở mã ngành điều dưỡng, dược sĩ trung học. Nghịch lý
tiếp diễn: trong khi bộ khuyến cáo trước sự gia tăng chỉ tiêu nhóm ngành
này, số lượng trường được cho phép đào tạo y dược bậc trung cấp vẫn
tăng vùn vụt gần như chưa gặp cản ngại nào... Đi kèm thực tế này là câu
hỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình