Ngộ nghĩnh trẻ Việt ở Tây nói tiếng mẹ đẻ

Trẻ em Việt ở trường mẫu giáo cộng đồng, ảnh: čt24.


Hôm trước thứ bảy, hai vợ chồng cô bạn đưa con đến nhà tôi chơi – một cháu trai 5 tuổi tên Huy, nói tiếng Việt dễ thương vô cùng.

- Huy hôm nay được nghỉ hả?
- Jo. Hôm nay cháu có volno vì hôm nay là sobotu. (Vâng, hôm nay cháu được nghỉ vì hôm nay là thứ bảy.)
- Thế cháu có muốn uống gì không?
- Không, cháu không có žízeň. (Cháu không khát.)
Một lát sau, cháu vào bếp:
- Bác cho Huy uống jahoda. Bác sẽ nấu maso hả? (Bác cho Huy uống nước dâu. Bác sẽ nấu thịt hả?)
- Đúng rồi. Ở nhà cháu có giúp mẹ nấu ăn không?
- Không. Cháu ještě bé. (Cháu còn bé.)
- Vậy cháu chỉ giúp mẹ ăn thôi hả?
- Không, mẹ biết ăn rồi, mẹ ăn tự. Huy cũng biết ăn rồi, Huy ăn tự. Bác ơi, bác phải zapnout cái này do zásuvky rồi rờ, rờ thì mới ngon. (Bác ơi, bác phải cắm điện vào để xay thịt thì mới ngon!)
Trẻ nói tiếng bồi vì phải học nhiều ngôn ngữ, ảnh: tasr.
Trẻ nói tiếng bồi vì phải học nhiều ngôn ngữ, ảnh: tasr.
Trẻ con là vậy, dù sinh ra ở bất kỳ nơi đâu, nói bằng một thứ tiếng pha trộn như thế nào thì nét dễ thương cũng không mất đi. Những lỗi trẻ con Việt hay mắc nhất là lỗi về phát âm: dấu ngã thành dấu sắc: “con cúng“ thay cho “con cũng“. Ngoài ra về cách xưng hô thì trẻ hay mắc lỗi ở ngôi thứ ba: lẽ ra phải gọi anh, chị thì chuyển sang gọi nó, chúng nó. “Bác ơi, nó không cho cháu chơi cùng“, đúng ra là: “Bác ơi, anh ấy không cho cháu chơi cùng“. Về trật tự câu thì bị ảnh hưởng nặng vì tiếng nước ngoài: “Con sẽ làm tự“ thay cho: „Con sẽ tự làm“ ... Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ dùng từ xách mé, vô lễ.
Thế mà có lần tôi đọc loáng thoáng trên báo cộng đồng có một đoạn miêu tả về lời thoại một cháu bé sống ở Tây gặp ông từ Việt Nam sang chơi. Cháu “hồn nhiên“ xưng “tao“, “mày“ với ông. Có bản lĩnh! Bái phục!!! Bản thân tôi gặp vô số các cháu Việt Nam ở đây nhưng không cháu nào trong số đó dám xưng “tao, mày“ với người lớn.
Người Việt Nam vốn rất quan trọng cách xưng hô: “Tiên học lễ, hậu học văn“. Bất kỳ ông bố, bà mẹ Việt nào chẳng thấm nhuần cái đạo lí đó. Đẻ con ra, dạy được chừng nào chưa biết, nhưng dứt khoát không có chuyện bố mẹ để con xưng tao mày với mình (để sau đó trẻ có cơ hội vận dụng với cả ông ngoại?!).
Cái cách học xưng hô này không chỉ với các cháu nhỏ mà kể cả Tây sang Việt nam làm việc cũng rất chú tâm “khổ luyện“. Văn hóa Việt với vô số ngôi thứ đã làm Tây ong hết cả đầu. Nhưng chỉ cần vài lần dùng sai và bị cười là họ hiểu ngay cái “sự“ cần thiết học nói đúng ngôi, đúng bậc.
Trước khi “xuất ngoại“, tôi từng làm cho một văn phòng luật nước ngoài. Ông sếp của tôi một hôm muốn vận dụng tiếng Việt đã nói với tôi: “Today, EM need to fullfil this translation,“ – nghĩa là: „Hôm nay, em cần hoàn thành bản dịch này“. Sau đó còn hứng chí nói: “ANH have to go out now. We will have meeting in an hour. EM need to prepare,“ – nghĩa là: “Tôi có việc phải ra ngoài, sau một giờ chúng ta sẽ họp. Em cần chuẩn bị.“ Đấy, biết có mỗi một vài từ Việt mà cũng không dùng sai đâu!
Trẻ em chuối rất dễ thương, ảnh: čt.
Trẻ em chuối rất dễ thương, ảnh: čt.
Chuyện học tiếng Việt của trẻ ở Tây có nhiều chuyện đáng nói lắm. Có một cháu trai mới hơn ba tuổi rưỡi nói với mẹ thế này: “Mẹ, mẹ đừng vyhodit (đuổi) con. Con yêu mẹ, con muốn ở với bố mẹ“. Mẹ cháu vô cùng ngạc nhiên vì có bao giờ mắng mỏ hắt hủi cháu đâu? Hỏi ra hồi lâu mới biết cháu đang lo lắng vì biết hai vợ chồng chị bàn tính gửi con về cho ông bà nuôi để yên tâm buôn bán và học thêm tiếng Việt vì ở bên này bận bịu, không kèm cặp được sợ về sau cháu không nói được tiếng Việt.
Cuộc sống khó khăn và sức ép của việc kiếm tiền đã khiến nhiều cặp vợ chồng dành rất ít thời gian cho con cái. Nhưng sự thèm khát thương yêu vốn là tính thiên bẩm trong mỗi đứa trẻ. Thời gian sẽ trôi đi và con cái bạn sẽ lớn lêm. Trước khi chúng hoàn toàn có thể tự lập thì bạn hãy dành cho chúng một chút thời gian “vàng ngọc“ của mình, tôi nghĩ là nó vô cùng quan trọng. Không chỉ đơn giản là việc dạy tiếng mà còn là việc xây dựng một mối quan hệ bền chặt tình mẫu tử. Đó là một thứ tình cảm vô cùng ngọt ngào. Hãy đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm nghiệm nó. Rồi các bạn sẽ thấy nó giá trị hơn bất cứ của cải nào. Tiền bạc là trách nhiệm phải kiếm để duy trì cuộc sống còn tình cảm chính là món quà ý nghĩa nhất mà cuộc sống ban tặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình