Bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ em


 
Sách truyện cũng được coi là một trong những món đồ chơi được yêu thích nhất của trẻ em. Trong vương quốc của những cuốn sách, trẻ em có thể cảm nhận xấu tốt, có thể tìm thấy hình tượng yêu thích của mình. Thói quen đọc sách, một mặt có thể làm phong phú kiến thức của trẻ em, nuôi dưỡng tình cảm của chúng, mặt khác nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực quan sát, năng lực tư duy của trẻ. Thế nhưng, chỉ cần ngày một ngày hai, chúng ta sẽ chẳng khó khăn gì để phát hiện ra, ở hầu hết các phân mảng sách trẻ em nói chung và một cuốn sách mới bất kỳ nào đó nói riêng, không chỗ này thiếu thì chỗ kia hỏng. Như vậy, các bậc cha mẹ hoặc thầy cô giáo chọn lựa sách gì cho trẻ em xem hoặc dạy trẻ em đọc thế nào đối với sự phát triển của chúng là vô cùng quan trọng.
Đầu tiên, hãy chọn cho trẻ những cuốn sách phù hợp.
Do mức độ nhận thức, khả năng phân biệt cũng như khả năng thẩm mỹ của trẻ còn hạn chế, khi lựa chọn sách cho trẻ bạn cần chú ý đến đặc trưng lứa tuổi, nên chọn những cuốn sách có nội dung vui nhộn, tư tưởng tích cực kiểu trẻ con. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nên được minh họa với những màu sắc, hình ảnh sinh động.
Từ góc độ giáo dục ngôn ngữ, sách cho trẻ nhỏ thường dùng hình ảnh dẫn dụ cho từ ngữ và câu chữ, là công cụ hiệu quả để đi từ ngôn ngữ nói thông thường đến ngôn ngữ văn học. Sách đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ hoàn thành tốt đepj hai quá trình chuyển đổi nói trên. Ngoài ra khi chọn sách cho trẻ nhỏ, bạn cũng cần chú ý: những cuốn sách tuy có nội dung hấp dẫn cảm động nhưng chỉ thuần dùng chữ viết thường không làm trẻ hứng thú, chưa kể đến những cuốn tình tiết vô lý, hình vẽ xấu xí hoặc nội dung kinh dị, bạo lực thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe cũng như sự phát triển năng lực thẩm mỹ của trẻ. Những loại sách này hoàn toàn không phù hợp và cần được tránh xa.
Thứ hai, cần nắm rõ phương pháp dạy trẻ đọc.
Khi trẻ em nhận được một cuốn sách, đầu tiên chúng sẽ bị thu hút bởi những hình ảnh đầy màu sắc. Chúng có thể bắt đầu xem từ trang đầu, cũng có thể từ trang giữa, cũng có thể xoay ngược lại xem, hoặc lật giở nhanh nhanh từ đầu tới cuối, thế là coi như hết truyện. Với thời gian đọc quá ngắn, cuốn sách không thể để lại ấn tượng gì sâu sắc trong trẻ, do đó phương pháp đọc này đối với sự phát triển mọi phương diện năng lực của trẻ đều không có tác dụng gì. Vì vậy, cha mẹ và thầy cô giáo cần hướng dẫn trẻ đọc từng trang, cẩn thận quan sát từng hình vẽ và đọc từng chữ một. Ngoài ra, để trẻ nhớ lâu hơn, bạn có thể đề ra một số câu hỏi đơn giản trước khi trẻ bắt đầu đọc và yêu cầu chúng trả lời khi xem xong. Phương pháp này giúp trẻ chú ý hơn đến những tình tiết quan trọng trong truyện. Vừa xem vừa suy nghĩ, trẻ em sẽ “tự do” tiếp thu kiến thức, phát triển ý thức quan sát cẩn thận – đây là một thói quen tốt của tư duy độc lập. Khi kết thúc hoạt động đọc, giáo viên hoặc cha mẹ có thể cùng trao đổi với trẻ về nội dung vừa đọc, bàn bạc về các tình tiết, nhằm giúp trẻ hiểu rõ thêm về nội dung của cuốn sách và trau dồi trí nhớ của chúng.
Cuối cùng, phải cổ vũ trẻ nói nhiều hơn trong khi đọc sách.
Một số cha mẹ thường yêu cầu trẻ em giữ yên lặng, không được nói năng, cười đùa, trong khi đọc sách. Điều này, đối với trẻ lớn thì không thành vấn đề lắm, nhưng lại thực sự là khó khăn đối với trẻ nhỏ bởi chúng thường quen với việc tự nói một mình. Trên thực tế, đây không phải là một điều xấu, chúng ta không cần phải quá nhấn mạnh vào sự tập trung khi đọc sách mà có thể đợi trong quá trình phát triển nuôi dưỡng trẻ dần dần đưa ra các yêu cầu với chúng, phát triển dần thói quen đọc trong yên lặng.
Nhiều trẻ em sau khi đọc một cuốn sách thường thích kể lại câu chuyện mình vừa đọc cho người khác. Đây là một thói quen tốt, bởi một mặt có thể phát triển kỹ năng nói của trẻ em, mặt khác, những điều mà trẻ nói, có thể là nội dung của cuốn sách, cũng có thể do trẻ tự nghĩ ra – đóng một vai trò quan trọng trong sự sáng tạo của trẻ. Vì vậy, kể lại câu chuyện sau khi đọc là rất quan trọng. Trẻ em sau khi đọc sách, nhớ phải kể lại, đừng quên!!!!
Vương quốc sách truyện là một thế giới kỳ diệu. Với một phương pháp đọc đúng đắn, bạn sẽ thu được rất nhiều kiến thức hữu ích, nhưng ngược lại, một phương pháp sai thậm chí còn có hại. Sách là bậc thang của sự tiến bộ của con người, và vì tương lai con em chúng ta, hãy cùng chung sức giúp trẻ em nắm vững những phương pháp đọc đúng đắn, và chúng sẽ thu được nhiều hơn, nhiều hơn nữa trong biển sách mênh mông này … …

 Phản biện của  

Làm thế nào để dạy con bạn đọc sách ?

line
Một người quen của tôi giới thiệu cách dạy trẻ em đọc sách trên blog cá nhân. Tôi tuyệt nhiên không phản đối những phương pháp này. Nhưng tôi cam đoan rằng chừng đó là không đủ.
Tôi vốn học báo chí, và một trong những điều quý giá hiếm hoi tôi học được trong bốn năm đại học là trước khi hỏi “như thế nào”, chúng ta cần biết “cái gì” (what) “tại sao” hoặc “để làm gì” (why). Nếu bạn muốn con mình đọc sách, bạn phải cho đứa trẻ biết “sách là gì” và đọc nó “để làm gì”. Đây là nguyên nhân chính khiến cho người Việt Nam, từ trẻ đến già, không đọc sách (hoặc nếu có thì đọc một cách vô cùng “méo mó”).
Nền giáo dục thảm hại của đất nước này không hướng tới mục tiêu đào tạo ra những con người tự do và biết tư duy độc lập. Học sinh, từ các cấp học thấp nhất, đã được dạy phải “yêu Đảng”, “yêu Bác Hồ”, phải viết văn theo mẫu, phải đọc sách lịch sử một chiều, vân vân và vân vân. Kiểu giáo dục đó phản động không chỉ ở chỗ nó giết chết tính độc lập và sáng tạo ở các cá nhân mà còn vì, lấy ví dụ, Đảng và Bác Hồ tốt thì tự khắc người ta sẽ yêu quý, trân trọng, cần gì phải tuyên truyền “nhồi sọ”.
Vậy, con bạn sẽ đọc sách để làm gì nếu chúng chỉ cần sao chép văn mẫu là được điểm cao? Bạn không thể nói với một học sinh rằng điểm cao là không cần thiết vì điểm là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định tới những vấn đề quan trọng đối với học sinh, chẳng hạn như lên lớp hay chọn trường.
Nếu con bạn đọc, nói, viết theo “lề phải”, không những bản thân đứa trẻ được điểm cao mà cả giáo viên cũng được thưởng vì thành tích “tập thể”. Ngược lại, nếu chuyển sang “lề trái”, nó có thể bị tống cổ khỏi trường – nhẹ thì cũng bị điểm kém, hạnh kiểm tồi, chịu nhiều hình thức phạt vì tội “có tư tưởng chống đối”.
Ngay cả khi con bạn chịu đọc thì bạn có những sách gì cho nó? Triết học Marx-Lenin chăng? Hay là “văn-học-mạng” Trung Quốc? Bạn không có nhiều sự lựa chọn, nhất là khi muốn tìm sách khoa học xã hội, triết học và chính trị học.
Liên quan tới việc chọn sách, John Stuart Mill, trong cuốn Utilitarianism (1863) – tạm dịch là chủ nghĩa công lợi (hoặc thuyết vị lợi) – có nói đại ý rằng để biết niềm vui nào là cao quý  (higher pleasure) và niềm vui nào là thấp kém (lower pleasure) thì người thụ hưởng phải được trải nghiệm cả hai. Mill cho rằng mọi người được giáo dục và có cơ hội trải nghiệm cả hai loại niềm vui đều sẽ chọn hưởng thụ niềm vui cao quý và bỏ qua những thứ thấp kém.
Ví dụ, tôi là người [tạm được coi như] có giáo dục và có cơ hội trải nghiệm, tôi sẽ đọc Haruki Murakami chứ không đời nào gặm truyện của Tào Đình; tôi sẽ nghiềm ngẫm chủ nghĩa tự do, tân tự do hoặc thuyết vị lợi thay vì tụng niệm chủ nghĩa Marx đã bị xuyên tạc; tôi thích tới Nhà hát lớn nghe nhạc giao hưởng chứ tuyệt đối không mất tiền cho mấy vị ca sĩ ăn mặc thiếu vải; vân vân và vân vân.
Tóm lại, bạn cần cho con bạn hai điều: GIÁO DỤC và CƠ HỘI TRẢI NGHIỆM.
Giáo dục thì ở đâu trên đất Việt Nam này cũng đều chung một lối dạy nhồi nhét, trừ các trường quốc tế. Còn sách thì rất nhiều, nhưng phần lớn là loại “hạ cám” chứ không có “thượng vàng”, trừ sách tiếng nước ngoài.
Vậy, bạn có thể chọn hoặc gửi con vào trường quốc tế, hoặc dạy nó ngoại ngữ từ sớm để nó đọc sách “tiếng Tây” – nghe có vẻ sính ngoại một chút nhưng đúng đường lối của cụ Phan Chu Trinh.
Còn nếu bạn không thể làm được những việc đó thì… chẳng có lý do gì để dạy một người sống thành thật rồi lại ném hắn ta vào một nơi mà phải dối trá mới tồn tại được. Dù sao thì, ngay từ đầu, chính bạn cũng có đọc sách đâu !

Chuyện người đọc sách

line
Chúng ta thường xuyên bắt gặp những bài báo chê bai văn hóa đọc của người Việt Nam trên báo. Hầu như bài nào cũng nói kiểu “thực trạng và giải pháp”. Tôi thì thích hỏi một câu đơn giản và thẳng thắn hơn: CHÚNG TA CÓ ĐỌC SÁCH KHÔNG?
Dĩ nhiên là chúng ta ai cũng từng phải đọc những thứ được-tạm-gọi-là sách giáo khoa mà đến nay người ta vẫn có thói quen thay đổi như mốt ăn mặc hàng năm. Một số trong chúng ta còn đọc truyện chưởng Kim Dung, tiểu thuyết ba xu Tây Tàu đủ loại – người ta còn sáng tạo ra cả thuật ngữ “văn học mạng” để phục vụ sở thích đọc của mình cơ mà.
Thế thì CHÚNG TA CÓ ĐỌC SÁCH KHÔNG? KHÔNG. Rất tiếc là KHÔNG.
Người Việt Nam – trừ một nhóm vô cùng nhỏ những trí thức tinh tuyển – chưa từng biết cách đọc. Người ta đọc sách để tìm những kiến thức mới, những quan điểm mới. Ở Việt Nam, mọi thứ phải tuân theo “lề phải” hết nên chẳng việc gì phải đọc.
Học trò cứ chép văn mẫu là điểm cao. Sinh viên cứ thuộc lịch sử đảng là tốt nghiệp. Nhà báo cứ dẫn đúng lời nghị quyết là có nhuận bút. Một xã hội méo mó như thế thì làm sao có văn hóa đọc ngay thẳng!  Còn chúng ta thì trở thành những người đọc cũng như không đọc.
Tôi còn nhớ một chuyện đùa (nhưng có lẽ là thật) như sau: Ông Tô Hoài vốn là nhà văn rất giỏi mô tả được mời nhận xét bài văn đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi thủ đô. Đề bài lúc đó là tả con chim. Nhà văn đọc xong, khen ngợi bài văn xuất sắc, nhưng nói thêm một câu, “thế nó tả chim gì vậy?” – Hóa ra, học trò Việt Nam từ bé đã bị biến thành những con vẹt, chỉ biết nhại lung tung lời kẻ khác.
Đôi lúc, tôi cảm thấy có thể nói rằng sách ở Việt Nam không phải là sách, bởi vì những thứ rác rưởi tầm thường thì được truyền thông tung hô còn những tác phẩm thực sự giúp con người ta mở mang đầu óc thì ít người dám bàn đến. Diễn đạt theo một cách khiêm tốn hơn thì sách ở Việt Nam là một khái niệm không đầy đủ, hoặc là méo mó. Điều này cũng chẳng có gì lạ trong một xã hội toàn trị, nơi mọi thứ đều bị chính trị hóa, bao gồm cả khoa học và giáo dục.
Thế hệ cha mẹ chúng ta, những người sinh ra trong chiến tranh, có lẽ chăm đọc hơn lũ trẻ ngày nay. Nhưng đó là vì họ không có thú vui nào khác. Hơn nữa, họ cũng chẳng đọc được bao nhiêu vì thời ấy, sách gần như đồng nghĩa với văn học Xô Viết/cách mạng; cũng vài tác phẩm bất hủ thật, nhưng loại ba lăng nhăng thì không đếm xuể. Sách phương Tây hầu như không có.
Tôi từng được xem ảnh chụp bìa và mấy trang đầu cuốn Giết con chim nhại phát hành những năm 1980. Cuốn sách nghe nói bị cắt bỏ rất nhiều. Lời giới thiệu mà tôi đọc qua ảnh thì xa xả chê bai tác giả không có… lập trường cộng sản.
Bởi vậy, khi Liên Xô sụp đổ và văn hóa Phương Tây tràn vào Việt Nam, các bậc cha mẹ “mọt sách” chẳng biết đường nào mà hướng dẫn con cái họ đọc. Thế là họ dễ dàng quay sang nghe theo truyền thông “lề phải”.
Nhìn lại xa hơn nữa thì có lẽ chính nền văn hóa Nho giáo, chỉ trọng “sách thánh hiền” đã góp phần làm hại văn hóa đọc và tinh thần tự do của Việt Nam.
Cá nhân tôi không dám nhận mình là người yêu sách, nhưng tôi thích đọc – và tôi có thể tự hào rằng mình là người không chấp nhận để cho kẻ khác áp đặt quan điểm.
Giống như phần đông bạn bè cùng trang lứa, tôi lớn lên dưới mái trường “xã hội chủ nghĩa” – tức là cái gì cũng phải “cách mạng”, kể cả văn học – nghệ thuật. Tôi không thể nào nuốt nổi những bài giảng văn chương vớ vẩn trong sách giáo khoa và trong suốt mười hai năm học phổ thông, tôi hầu như không đọc. Đơn giản là vì có đọc thì tôi cũng vẫn phải hiểu – đúng hơn là nói với người ta rằng tôi hiểu – mọi thứ theo quan điểm chính thống mà nhà trường đã triệt để phân phối tới từng học trò.
Tôi luôn luôn khinh bỉ những kẻ đọc hàng đống sách nhưng rồi vẫn cứ lải nhải lời của một cuốn sách dòng chính nào đó. Điều mỉa mai là rất nhiều bạn bè cùng khóa nghĩ rằng tôi phải đọc ghê gớm lắm vì tôi luôn luôn có chính kiến (trừ lúc làm bài kiểm tra).
Và tôi bước chân vào trường báo chí – nơi hóa ra cũng chẳng tự do gì hơn – chỉ với một chút kiến thức từ ngữ – ngữ pháp tiếng Việt. Những gì liên quan tới văn chương, nghệ thuật, cách đọc sách,… tôi đều quăng đi cả (ấy là trong trường hợp tôi đã bằng cách nào đó nhồi được chúng vào đầu mình).
Mạng internet và thời gian rảnh rỗi trong những năm đại học giúp tôi nhận ra rằng mình chẳng biết gì cả: không kiến thức xã hội, không kiến thức nghệ thuật, không phương pháp luận,… Mấy cuốn sách lịch sử tôi yêu thích từ khi vào cấp hai hóa ra cũng chỉ là thứ rác rưởi chuyên né tránh sự thật.
Thế thì – Lạy Chúa! – tôi sẽ làm báo thế nào đây? Đối với một nhà báo, ác mộng thật sự là hoàn toàn không hiểu được những thông tin mà mọi người cung cấp cho mình.
Vậy là tôi bắt đầu tập đọc sách, bắt đầu từ O’Henry, một tác giả tôi rất có cảm tình (“Chiếc lá cuối cùng” là truyện ngắn duy nhất tôi thực sự đọc từ đầu đến cuối, không sót từ nào trong suốt những năm chấp ba). Tôi thường rút ngẫu nhiên một tập sách O’Henry trên giá và đọc một, hai truyện trước khi đi ngủ.
Thói quen không kéo dài lâu hơn một năm này, may mắn thay, giúp tôi có đủ kiên nhẫn đọc những tác phẩm khoa học – xã hội dài dòng và phức tạp. Nó cũng giúp tôi nhận ra rằng mình không quan tâm tới những cái nhãn danh giá như “best seller” hay “prize-winning”.
Tôi đọc một tác phẩm văn học vì tôi muốn thưởng thức văn học, bất kể nó nói về chủ đề gì, lấy bối cảnh ở đâu,… Tôi đọc một tác phẩm khoa học vì tôi muốn có kiến thức khoa học, củng cố tư duy của mình – không cần biết nó bàn về sex hay chủ nghĩa Mác.
Khi có nhiều thời gian, tôi đọc sách thiếu nhi và thử kể lại câu chuyện bằng lời của mình – đôi lúc, tôi nghĩ đó là để nuôi dưỡng phần trẻ thơ còn lại trong mình (có ai muốn già nua đâu). Nhưng phần lớn thời gian đọc sách của tôi vẫn dành cho sách khoa học xã hội nói chung, bao gồm cả lịch sử.
Cũng chẳng rõ tôi có giỏi giang tinh tế gì hơn trước không, nhưng về cơ bản, tôi không cảm thấy bối rối khi tiếp xúc với những người hoàn toàn mới, những thông tin hoàn toàn xa lạ nữa. Tôi có thể ngồi xuống bên họ và bắt đầu cái các nhà báo vẫn gọi là “việc khai thác thông tin” theo cách của mình.
Và trên hết, tôi đang tiến dần – dù chỉ từng bước chậm chạp – tới sự tự do về tư duy. Theo tôi, đó là lý do quan trọng nhất để chúng ta bắt đầu đọc sách và tiếp tục đọc sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình