Phạm Thị Hoài
Chuyện giao thông ở Miến Điện nghe như
giai thoại, nhưng cũng như chuyện những tờ bạc kì lạ của nó, đó không
phải là hư cấu mà là hiện thực. Một hiện thực bốc đồng.
Tướng Ne Win, lãnh tụ của chủ nghĩa xã
hội đậm đà bản sắc Miến Điện – một hỗn hợp của chủ nghĩa dân tộc, chủ
nghĩa Marx và Phật giáo – cầm quyền suốt một phần tư thế kỉ, đột ngột
cho phát hành năm 1987 những tờ bạc mệnh giá 45 và 90 chạt (kyat), cả
hai đều chia hết cho 9, con số may mắn của ông ta. Ngày hôm sau số giấy
bạc đang lưu hành với những mệnh giá cũng không thể gọi là bình thường –
25, 35 và 75 chạt, hẳn là di sản của một ông tướng khác mê số 5 – trở
thành giấy lộn. Thì đã sao? Ráng chịu thôi. Cậu bé chừng 12 tuổi bán bộ
sưu tập những chứng chỉ điên rồ này với giá 5 Dollar trên vỉa hè trước
chợ Bogyoke Aung San hóm hỉnh chào hàng bằng tấm biển đề: Mua nhanh, cơ hội cuối cùng! Từ ngày mai Burma chuyển sang giấy bạc 21, 49 và 63 chạt. Cậu ta mặc một chiếc áo phông in số 7 và dùng Burma thay vì Myanmar.
Cũng sống chết mặc bay như thế, một giấc chiêm bao hôm trước khiến nhà
độc tài quân phiệt này hôm sau chuyển phắt nền giao thông bên trái của
Miến Điện, thừa hưởng của thời thuộc Anh, sang bên phải. Song tay lái
trong xe thì không thể nhổ lên mà cắm sang phía khác. Hệ thống đường sắt
lại càng không thể đảo ngược qua đêm. Thì ráng chịu.
Yangon
không loạn niên đại như các đô thị Trung Quốc. Yangon loạn tay lái.
Liêu điêu giữa trái và phải, tả và hữu. Chúng tôi thót tim mỗi lần người
lái taxi vượt hay rẽ trái. Nhưng anh cho biết, tai nạn giao thông ở đây
không nhiều. Người ta tự động thận trọng hơn khi tay lái nghịch. Ngoài
ra anh đã buộc mấy dải băng mầu bay phấp phới ở tất cả những chỗ có thể
buộc phía thành xe bên trái để làm hiệu, giúp anh căn đường và giúp xe
khác nhận ra chướng ngại từ một khoảng cách còn tương đối an toàn. Mặt
đường Yangon vương lả tả những dải băng như thế. Xe mới, thuận tay lái,
không vào được Miến Điện do cấm vận của phương Tây. Xe nhập lậu chủ yếu
từ Thái Lan tất nhiên cũng lại có tay lái cho giao thông bên trái.
Người Đức gặp hoàn cảnh ấy thà đi bộ.
Người Việt sẽ bất chấp luật, thuận tay nào đi tay ấy, nếu cần thì giúi
tiền hay choảng nhau với công an. Còn người Miến chịu đựng những giấc
chiêm bao và những con số vận hên của các ông tướng của họ. Không bấm
còi, không chen lấn, họ hiền lành ngồi sau những tay lái nghịch, trật tự
dừng trước đèn đỏ, trật tự nhích lên từng chút trong cảnh tắc đường
thường xuyên ở thành phố dường như có quá nhiều xe hơi này, dù giá một
lít xăng 95 ở Yangon là 1080 chạt, khoảng 1,30 Dollar Mỹ, và bán phân
phối mỗi ngày tối đa 9 lít, trong khi Miến Điện là nước khai thác dầu mỏ
và khí đốt. Người Miến thu nhập bình quân trên dưới 1000 Dollar một
năm, gần thấp nhất thế giới. Để dễ hình dung, hoàn cảnh Miến Điện sẽ xảy
ra nếu giá một lít xăng ở Đức thay vì 2,0 Dollar như hiện tại bỗng lên
50 Dollar, hay xăng ở Việt Nam thay vì 24.000 đồng như hiện tại bỗng lên
tới 90.000 đồng. Nhưng xe máy bị cấm, không có tàu điện ngầm, với 4
triệu dân Yangon ô tô là phương tiện giao thông chính. Rất nhiều vật thể
bốn bánh kì lạ với sức chứa phi thường lăn trên đường. Trái với lo ngại
của chúng tôi, không sinh vật nào, cả người và động vật, đu đeo trên
những chuyến xe mạo hiểm ấy bị rơi xuống giữa đường.
Nếu
không thì đi tàu chợ. Yangon Circular Railway là hệ thống tàu công cộng
bao quanh nội thành, với một tuyến đường duy nhất. Giá vé dành cho
người ngoại quốc là 1 Dollar cả chặng, chỉ thu bằng ngoại tệ.
Phòng tiếp khách của nhà ga, nơi chúng
tôi bắt đầu chuyến xê dịch 3 tiếng đồng hồ để vượt qua 46 km ấy, là một
buồng nhỏ không đến 10 mét vuông lợp tôn, trong đó tất cả đều xộc xệch
và ngẫu hứng, chỉ trừ quy trình thủ tục. Chúng tôi phải xuất trình hộ
chiếu. Trưởng ga phải chép tên tuổi, ngày sinh, số hộ chiếu, ngày cấp,
nơi cấp vào một quyển sổ cũ nát, rồi từ đó lại sang một quyển sổ còn cũ
nát hơn, để tiếp theo điền tất cả vào một tấm vé, xé biên lai, giữ
cuống, ký, đóng dấu, và chuyển qua một nhân viên khác, hẳn là thủ quỹ,
để thu tiền. Tất cả cho 1 Dollar và một vòng tàu chợ. Đó
là lời chào của hệ thống quan liêu từ thời thuộc địa Anh? Là di sản còn
nguyên niêm phong của những thập kỉ tự cô lập và bị cô lập của chính
quyền quân phiệt? Hay là cả hai. Mười năm trời dưới thời Ne Win, người
ngoại quốc chỉ được lưu trú tại Miến Điện 24 tiếng đồng hồ, ba ngày là
đặc cách lâu nhất. Các nhà độc tài ở đâu cũng ham kiểm soát. Càng cô lập
càng ham.
Người
trưởng ga có lẽ cũng trộm thở phào sau khi trao cho chúng tôi tấm vé to
như một tờ giấy khen. Anh cất thái độ công chức mẫn cán ra sau tấm
ri-đô bằng vải ni-lông hoa chắc chắn đã qua mấy đời trưởng ga tiền
nhiệm, rồi trở ra với một cơi trầu, vật bất li thân của đàn ông Miến:
một chiếc hộp nhựa hai ngăn dường như chưa bao giờ được lau chùi, đựng
lá trầu và những phụ tùng trông không lấy gì làm ngon lành hay đẹp mắt.
Cho tới lúc tàu đến, anh nhổ ba lượt nước trầu, hai lần vào một cái ống
nhựa trong phòng tiếp khách và một lần nhổ thẳng vào đường ray. Anh đích
thân dẫn chúng tôi tới toa cuối, tận tay bàn giao hai vị khách ngoại
quốc cho trưởng toa, để người này hộ tống chúng tôi tới khu ghế hạng
nhất. Đó cũng là những chiếc ghế nhựa tái sinh màu xanh lơ như tất cả
các ghế khác, nhưng một chiếc dây thừng căng ở tầm ngang hông ngăn chúng
với ghế hạng khác. Chuyến
tầu trở về Hà Nội đầu những năm 80 của tôi bắt đầu: Những toa tầu xác
xơ, đã tróc và long tất cả những gì có thể long và tróc; những đường ray
gập ghềnh sẵn sàng bỏ cuộc, theo những thanh tà-vẹt đã rời hàng ngũ từ
lâu; những sân ga ngập rác, đuổi khách ra ngồi xổm trên đường ray nghỉ
tạm; những cột đèn vô dụng từ bao giờ không ai biết; những dãy nhà ọp ẹp
nương vào nhau hai bên đường…
Chỉ
khác là tầu Yangon bò bên trái. Bò ra từ quá khứ Miến Điện, cũng một
thứ không thể nhổ phắt từ chỗ này cắm sang chỗ kia. Nhìn ông trưởng toa
bỏm bẻm nhai trầu, răng đã bền mầu huyết dụ, cứ dăm bảy phút lại với tay
chỉnh ống đèn nê-ông duy nhất còn sống sót trong toa và tất cả hành
khách, ghế hạng nhất, hạng nhì và hạng ba, đều nín thở xem nguồn sáng ấy
còn đủ sức chập chờn đến bao giờ, tôi chỉ có một niềm an ủi là mọi
tương lai của đất nước này đều tốt hơn hiện tại.
(Còn tiếp)
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Xe đò ở Yangon
Ảnh 2: Những chiếc xe hơi với tay lái nghịch
Ảnh 3: Tầu công cộng
Ảnh 4: Phòng bán vé ở một nhà ga
Ảnh 5: Một sân ga
Ảnh 6: Một chiếc dây thừng ngăn khu ghế hạng nhất trên tầu
Ảnh 7: Những đường ray gập ghềnh
Bài liên quan: Yangon, tay lái ngược (1)
© 2013 pro&contra
Phạm thị Hoài trước kia là chủ trang Talawas thu hút được rất nhiều nhân sĩ viết bài. Nay tuy đóng cửa nhưng những bài viết cũ vẫn có thể vào đọc được tại đây
Phạm thị Hoài trước kia là chủ trang Talawas thu hút được rất nhiều nhân sĩ viết bài. Nay tuy đóng cửa nhưng những bài viết cũ vẫn có thể vào đọc được tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình