TRI THỨC DÂN GIAN VỀ NGHỀ BIỂN Ở KHÁNH HÒA


bởi Mannhien Nguyen vào ngày 8 tháng 1 2012 lúc 8:52 chiều


VÀI NGHỀ CÂU CỔ TRUYỀN
Câu kiều: Ngày trước tại hải phận Nha Trang có nghề câu kiều hoạt động trong lộng, tức vùng gần bờ biển, câu cá mà không có mồi. Ngư dân dùng nhiều giàn câu giăng, mỗi giàn cột từ 1000 - 1500 lưỡi câu lớn, mỗi lưỡi câu cách nhau 3 - 4 tấc, không gắn mồi, thả xuống đáy biển, lưỡi câu thòng tòn ten cách mặt đất lối 1 tấc. Cá lớn nhập đất đi ngang qua vướng 1 lưỡi câu, vùng vẫy thì các lưỡi câu gần bên móc thêm vào mình, không còn lối thoát. Về sau nghề giã cào phát triển, cào sát đáy biển, kéo bứt giàn câu kiều nên họ dẹp nghề.
Câu giăng: Nghề câu giăng cũng hoạt động trong lộng, tại những nơi có nhiều rạng lố. Mỗi giàn câu từ 1500 - 2000 lưỡi câu cột cách nhau 7, 8 tấc, với một số phao để giữ lưỡi câu cách rạng lối 1m. Mồi là cá nục, cá cơm trỏng, mực tươi xắt miếng. Ngư dân giăng câu buổi chiều chung quanh đảo hoặc nơi có rạng lố, tùy theo con nước họ thăm câu thay mồi mỗi đêm 3, 4 lần. Nghề nhỏ, lợi tức đủ nuôi gia đình. Từ 1960 nạn bắn cá bằng mìn ngày càng bành trướng, cá ở rạng lố bị tiêu diệt, những ghe câu giăng dần dần đổi sang nghề khác.
Câu chạy: Câu chạy là thả mồi nổi trên mặt nước dùng xuồng kéo chạy nhanh, cá lớn rượt theo đớp là dính câu ngay. Ngư dân hoạt động trong lộng, câu ban ngày ngồi xuồng nhỏ, trước kia dùng buồm, về sau gắn động cơ, chạy nhanh, thuận tiện lúc ngược gió. Nhợ câu ngày trước là nhợ se bằng tơ tằm, sau dùng cước 70 hoặc 80, mỗi ống 100 m, cột ít nhất 2 lưỡi câu. Mồi là lông gà loại mềm, tùy theo tháng và con nước mà dùng lông màu trắng, vàng, vàng lợt, xám vv… và mồi cá nục tươi con nhỏ bằng ngón tay giữa. Mồi lông gà kéo chạy nhanh trên mặt nước làm cá lớn lầm tưởng là cá con. Ăn mồi nổi là các loại cá ngừ, chù, chắm, bò, thu, cá cờ, cá gòn. Lưới đăng tỉnh Khánh Hòa khai thác các loại cá này nên các xuồng câu chạy có mặt trong vùng gần đầm đăng từ tháng giêng đến tháng 6 âm lịch, hết mùa lưới họ câu tiếp đến tháng 8 âm lịch thì nghỉ.
TIẾNG NGHỀ CÂU
Bén cá: dính cá.
Lừa cá: giữ cần câu cho vững và uyển chuyển để cá chạy mệt rồi bắt.
Huỵch cần: cá kéo cần cong xuống nhiều.
Tróc lóc: câu không được gì cả.
Bạt: dùng cần ngắn là cần bạt, ném mồi ra xa.
Nháng lên: hất nhẹ đầu cần lên chứ không giựt mạnh.
Cước dùn lại: cá ngậm mồi chạy lần thứ  nhất không chạy sâu, sợi cước thấy nhẹ vì chưa nuốt con tôm, nếu giựt thì nó nhả mồi.
Nhợ câu nặng: cá chạy lần thứ nhì, đã nuốt con tôm và chạy sâu nên nhợ câu nặng.
Cần rọc: cần câu ngắn lối 1m5 - 1m6 có cái rọc gắn ở đầu cần để gác sợi cước, cũng có tên cần bạt, dùng ném mồi ra xa.
Cần khấu: cần ngắn lối 1m, gắn lưỡi câu lớn không ngạnh, dùng móc vào mình cá lớn cho dễ bắt.
Câu ống: ống tre quấn cả trăm thước cước, câu ngầm bằng một lưỡi câu.
Ống ganh: ống tre cột vào 2 dây neo trước mũi và sau lái, để ống ganh trên xuồng, khi cá lớn dính câu họ không kịp kéo neo nên tháo ống ganh bỏ xuống nước để giữ cái neo, cá lớn kéo xuồng chạy đến mệt đừ thì bắt.
Lưỡi rường: lưỡi câu cột chùm 5, 6 lưỡi.
Chì kẹp: miếng chì mềm đập mỏng quấn kẹp vào nhợ câu.
Chì suốt: cục chì cứng, nhỏ bằng ngón tay út, lớn lắm bằng ngón chân cái, có lỗ thông ở giữa để xỏ cước. Khi cá ăn câu chỉ kéo sợi cước chạy, cục chì nằm yên tại chỗ.
Cước số 35: cước mảnh, ban ngày cá không thấy bóng cước nên dạn ăn.
Giỏ rọng: giỏ lớn bằng dây thép rất chắc chắn, dùng đựng đồ đạc khi đi câu và rọng cá sống câu được tại gành.
Con nước thủy triều: mỗi tháng âm lịch có 3 - 4 ngày nước thủy triều. Ngày đó nước lớn một lúc rồi ròng một lúc rồi lớn lại, ròng lại, lừng chừng như vậy suốt ngày, cá lớn không ăn câu.
Cá nước chè hai: vùng nước lợ hay còn gọi là nước chè hai là vùng nước hạ lưu gần cửa sông, cửa biển, là nơi giao thoa giữa nước mặn từ ngoài biển và nước ngọt từ sông suối đổ ra biển. Cá nước chè hai ở vùng cửa sông Cái Nha Trang từ Xóm Bóng đến cầu xe lửa hầm số 1 và ở vùng cửa sông Cửa Bé - Bình Tân đến đập nước Cầu Dứa mà những tay câu tài tử ở Nha Trang bắt được là cá hồng, cá hanh, cá dìa ván, cá kẽm, nhỏ bằng bàn tay, lớn lắm bằng hai bàn tay xòe, cá mú, cá chai hạng cán  rựa, bắp tay bắp chân, cá chẽm dài 5, 6 tấc…, câu bằng cước số 35, 40 hoặc 50.
Cá vượt: bề ngang 2 - 3 tấc, dài 7, 8 tấc đến 1m, 1m2, cước số 100 mới chịu nổi sức mạnh của nó. Cá nhỏ hơn, ngang gần 2 tấc, dài 4 - 6 tấc là cá chẻm. Con nhỏ hơn nữa tên ốc lát, bằng bàn tay và dài 2 - 3 tấc. Cá này thích ăn mồi nổi là cá con và tôm sống.
Cá hanh: Cá hanh ở sông Cái Nha Trang, sông Cửa Bé - Bình Tân, vịnh Nha Phu (từ Lương Sơn, Ngọc Diêm đến thôn Tân Thủy), vùng bãi biển có nước chè hai và thích nghi với sông nước ngọt mà người ta câu, đánh bắt được tại sông Cầu Dứa phía trên đập nước và đoạn sông Cái gần Thành (Diên Khánh). Con lớn bằng bàn tay xòe, hai bàn tay hoặc lớn hơn, con nhỏ ba bốn ngón tay gọi là hanh chón. Bụng có nhiều mỡ, cá hanh ở sông nước ngọt ngon hơn đồng loại ở nước chè hai và tất nhiên ngon hơn cá hồng nước chè hai. Chúng đi từng bầy, ăn ngầm tức dưới đáy nước và ăn ít nhất 6 thứ mồi. Những tháng nước trong (mùa xuân hạ) thường xuyên là mồi tôm đất sống, cua cốm, lại có những ngày nó thích ăn con còng gió. Những tháng nước đục, mùa thu tháng 9 và 10 âm lịch mưa nhiều và mùa đông tháng 11, 12 âm lịch biển động, câu bằng mồi ruột gà, ruột con sam và tôm đất sống hoặc cua cốm, nếu nước hơi trong. Ở những nơi không có tôm đất sống, cua cốm, người ta dùng cá nục con nhỏ bằng ngón tay trỏ, để tươi hoặc muối sơ làm mồi.
Cá dò: Tháng 10, 11 và 12 âm lịch biển động mạnh, cá dò từ ngoài khơi kéo bầy vô Gành Đen - một dãy gành đá nằm trong eo hướng nam Đồng Đế, khuất gió với nhiều chỗ ngồi câu, sóng êm hơn tại các đảo - để ăn rong mọc dầy theo chân gành. Các tay câu tài tử ở Nha Trang không đi câu tại các đảo được thì đến đây giựt cá dò. Cần câu tay, cước mảnh số 30 với lưỡi câu số 20 thật nhỏ vì cá dò miệng nhỏ như cá dìa, mỗi cần cột hai ba lưỡi câu, móc mồi ruốc thả gần chân gành là cá tranh nhau đớp.
Cá dìa ván: còn gọi là cá kình, lớn bằng bàn tay trở lên, miệng rất nhỏ, thích ăn mồi mềm như tôm ươn, cá chết, nhất là mồi quẹt. Cá dìa ván lớn con nhưng miệng rất nhỏ và như túm lại, có thói quen đứng một chỗ kê miệng ngậm mồi chớ không cắn mạnh, vì vậy người câu không nghe tiếng động hay nhợ câu bị rung mà chỉ cảm thấy hơi nặng tay tức lúc cá gặm mồi. Khi đó phải hạ nhẹ đầu cần xuống một chút và giựt qua một bên, lưỡi rường dễ xóc vào mình cá vì lúc gặm mồi cá đứng ngang, khi hạ đầu cần miếng mồi tụt xuống, cá chúi đầu theo mồi, thân nó xê đến gần lưỡi rường nên giựt ít khi trật.
Cá hồng trảm: cá hồng to con, ngang 2 - 3 tấc, dài 7 - 8 tấc.
Cá mú chiêng: cá mú mình tròn dài, màu đỏ hồng lớn bằng bắp chân, bắp vế.
Cá dảu: loại cá đi bầy như cá dìa ván từ cửa biển theo con lạch giữa sông lúc nước mảy lớn đi lên khỏi cầu Xóm Bóng đến khi nước ròng thì trở ra biển.
Tôm đất: loại tôm ở nước chè hai, lớn bằng ngón tay út, người ta bắt bằng cách đặt nò (cái lọp lớn) nên gọi là tôm nò, hoặc xúc ban đêm bằng vợt và gọi tôm xiết.
Mồi quẹt: cứt chặt quết thật nhuyễn bỏ vô ống tre hoặc lon, dùng que quẹt mồi vào lưỡi câu. Cá dìa, cá dò thích ăn nhất.
Cua cốm: cua sắp lột (thay vỏ), trong vài ngày sắp lột, vỏ cứng trở nên giòn, bẻ bể như cốm nên gọi cua cốm. Thịt cua lúc đó chắc và dai, có mùi thơm quyến rũ cá từ xa, cá nào cũng thích ăn. Câu cá mú nghé thì để nguyên con làm mồi, không lột vỏ.
Còng gió: con dã tràng, một loại cua nhỏ đào hang ở các bãi biển, chạy thật nhanh như gió nên gọi còng gió.
Ruột con sam: thứ bầy nhầy lấy ở bụng con sam cái, mùi rất tanh, cá hanh rất thích.
Ốc bòi hoi: còn gọi là ốc mượn hồn, vỏ ốc mà khúc đuôi giống con ốc, đầu có càng que giống tôm cua. Ốc bòi hoi có mùi rất tanh, cá biển rất thích ăn.
Con nha: loài cua sống ở gành đảo, mình hơi dẹp màu xanh, càng que dài, chạy rất nhanh, thơm thịt, cá biển thích ăn.



LỜI ĂN TIẾNG NÓI
Xưa nay dân chài ven biển nói ngắn gọn, mộc mạc và thực tế:
Biển no: là được mùa cá, nhà nhà no ấm.
Biển đói: mất mùa, không đánh được cá, đời sống ngư dân gặp khó khăn.
Đi lộng: đánh cá gần bờ.
Đi khơi: hành nghề ở hải phận quốc tế.
Cá lên: Từ tháng 11 đến cuối tháng 4 âm lịch, cá thu cá ngừ… từ miền Nam ra Bắc, ngư dân gọi là cá lên.
Cá lại: Sau tiết mang chủng - hạ tuần tháng 4 âm lịch - cá trở vô Nam, ngư dân gọi là cá lại.
Cá dài - cá tròn: Ngư dân hành nghề lưới đăng gọi các loại cá thu (thu mùa, thu ảo, thu hủ) là cá dài, các loại cá bò, chù, chấm, dưa gang… là cá tròn.
Rau: tiếng chỉ chung các loại cá. Khi bạn lưới ôm ống nổi lội xem cá trong rọ, trên thuyền hỏi: Rau nhiều ít? Lúc được năng suất cao trong nhiều ngày, ngư dân làm gỏi cá cúng thần linh gọi là cúng mừng rau.
Ông lỵ: cá voi chết, tức Ông Nam Hải mà ngư dân Nam Trung Bộ thờ cúng.
Nhờ Ông Bà: niềm tin vào chư vị thần linh biển cả của dân chài ven biển.
Các Bác: người khuất mặt chết vì nhiều nguyên nhân tại đảo hay trên biển.
VÀI NGHỀ BIỂN CỔ TRUYỀN
Nghề mành chà: hoạt động ban ngày, sản xuất các loại cá nhỏ: cá nục, cá cơm, cá sơn, cá thằn lằn, mực… Người ta thả chà bằng lá dừa kết lại thành nhiều bó to, để cá tụ dưới bóng lá. Cá luôn luôn đứng hóng mồi dưới dòng nước. Ngư dân thả lưới dưới dòng nước - tức sau lưng đàn cá - ghe đậu trên hướng nước chảy, từ từ gạn giàn mành lên ngược giòng nước bao đàn cá. Hai đầu lưới vừa giáp cây chà, một người lội xuống nước, khuấy động đuổi cá chạy xuôi giòng nước chun vào đảy.
Nghề mành chong hay mành đèn: hoạt động ban đêm, đánh  các loại cá nhỏ như mành chà. Ngư dân treo hai ba chiếc đèn măng-sông trên bè phao ny-lon lớn thả trên mặt nước cho cá tụ dầy dưới ánh sáng, kéo bè đèn đến chỗ thả lưới, cá theo ánh sáng đi vào miệng mành. Các động tác thả lưới, đặt đèn, bơi xuồng đều phải tuyệt đối nhẹ nhàng.
Nghề giã cào: Ghe giã cào hoạt động cả ngày lẫn đêm. Giàn lưới thả sát đáy, miệng giã rà trên mặt bùn, càn quét tất cả các loài hải sản vào một đảy lưới thật dầy. Ngư trường của ghe giã, lộng hoặc khơi, là những vùng không có rạn lô, đáy biển chỉ toàn cát và bùn. Thỉnh thoảng gặp dây thép gai, thùng sắt rỉ sét, sườn ghe, xác ghe cũ… dĩ nhiên ngư cụ bị thiệt hại, không ít thì nhiều. Khi giàn giã cào nhầm chướng ngại vật, họ biết ngay do tiếng động cơ rồ lớn và tốc độ bị giảm.
MỘT VÀI KINH NGHIỆM
Nước lừa: lúc sắp trở trời, nước ở đáy biển chuyển động mạnh làm cho nước trên mặt dao động bất thường. Theo lời ngư dân lão thành, cá hố và mực đất (loại mực ống mình tròn dài ba, bốn tấc) thường ở sát đáy lúc biển êm. Khi sắp trở trời, nước ở đáy biển chuyển động mạnh, quậy bùn cát đục nước làm cay mắt - ngư dân gọi là nước lừa - cá hố, mực ống nổi lên gần mặt nước và dính nước.
Cá chạy bãi: mấy tháng biển động sóng to gió lớn nước đục, cá chét cá chột to bằng bắp chân bắp vế từ ngoài khơi vô bờ lúc nước lớn chạy dọc theo bãi để kiếm ăn.
Cá nhập đất: lúc cá từ lưng chừng đi xuống sát đáy biển.
Ở vùng duyên hải lúc biển đang êm mà ngư dân bắt được nhiều cá hố và mực đất, chắc chắn một hai ngày sau biển sẽ động.
Khoảng tháng 10 âm lịch đột nhiên cá dò con, nhỏ bằng đầu ngón tay ngón chân cái (loại cá kình) nổi lên từng đàn dày đặc đen nước là điềm báo trước sẽ có bão, không lớn thì nhỏ.



TÍN NGƯỠNG NGƯ DÂN
Ngư dân ven biển thờ cúng cá Ông (cá Voi), tôn là Ông Nam Hải theo tước hiệu vua triều Nguyễn sắc phong “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần”. Khi cá Ông lỵ (chết) ngoài biển, người ta đưa xác vào bờ, đăng lại để thịt rã hết rồi vớt xương - gọi là ngọc cốt - cho vào hòm đem để trong Lăng.
Người đầu tiên gặp Ông lỵ để tang Ông 3 năm như tang cha mẹ và lo việc cúng giỗ hàng năm. Lúc “biển đói”, ngư dân địa phương cúng cầu ngư tại Lăng Ông Nam Hải, khi “biển no” họ cúng tạ, năm nào cúng lớn có rước đoàn hát bộ trình diễn suốt mấy ngày đêm.
Ngư dân nghề biển còn tôn thờ chư vị thần linh biển cả: kính Cô, Cậu là con tráng - loại rùa biển có 15 vẩy và trên mu nổi lên 3 sóng khế - mà có người nuôi tại nhà đến khi Cô, Cậu lớn bằng cái nón lá thì đem thả lại biển. Họ không dám động đến ông Sứa (cá voi mình có bông hoa), Rái cá (ông Nược), con Đẻn (rắn biển có nọc độc) mà họ gọi là Mộc Trụ Thần Xà, ông Hèo, bà Lạch, cô Hồng.
Trong các lễ cúng thần linh, họ không quên Các Bác là những người chết ngoài biển vì nghề nghiệp, bão tố…
KIÊNG CỮ
Xưa nay ngư dân nghề biển kiêng cữ lời nói, giữ những điều cấm kỵ trong sinh hoạt để việc hành nghề được suôn sẻ, may mắn. Họ không gọi đích danh những vị Thần linh biển cả, không nói những tiếng con khỉ, con cọp, con rái cá, câu hà bá, câu đú, đẻn, cá xà trước khi đi làm nghề. Họ không bao giờ đi thăm đàn bà đẻ còn non tháng. Khi mới ra ngõ đi hành nghề, tránh gặp người đầu tiên là đàn bà, nhất là đàn bà có chửa. Không để người lạ rờ mó hai con mắt vẽ trước mũi thuyền vì sợ bị ếm đối. Không cho người lạ lên thuyền nhất là đàn bà, khi bưng thúng đựng lưới hoặc giây câu không đi qua dưới dây cột võng, dây phơi áo quần và để thúng ở chỗ nào không ai bước ngang qua được. Ghe nghề lớn như lưới cản không cho người nhà mua sắm đồ vật gì mới trong ngày đầu ghe ra biển hành nghề.
Nếu có điều gì bất thường, xui xẻo làm năng suất cá thấp mà họ cho rằng đã sơ suất vi phạm một hai điều cấm kỵ kể trên thì họ phải nhuộm lại lưới, hoặc xông lưới, sắc thuốc bắc rưới lên lưới, hoặc dọn rửa ghe và cúng kiến để giải trừ.
TÀ THUẬT ẾM ĐỐI
Ngày trước, điều ngư dân sợ nhứt là bị ếm đối bằng phù phép tà đạo. “Một ngày làm, một tháng ăn”. Không đánh được cá trong nhiều ngày thì vỡ nợ và có thể bị sạt nghiệp.
Tà thuật ếm đối nhằm mục đích phá bằng nhiều cách không cho đánh được cá. Khi cá đứng dầy dưới bóng chà, ngư phủ vừa kéo lưới, cá tản đi hết, lấy lưới lên thì cá tụ lại như cũ. Lần thứ nhì, lần thứ ba, đàn cá cũng tan rồi tụ, dường như có ai xua đuổi hoặc khuấy động mạnh, mặc dù ngư phủ cố giữ không gây tiếng động trên ghe và dưới nước. Và khi mặt trời lên cao, gió nồm thổi mạnh, cá lặn hết xuống đáy biển. Có người kéo lưới đến sát đàn cá, tự nhiên đảy mành lộn ngược lên, hoac giàn lưới lật úp sấp, cá lọt hết ra ngoài.
Nghề mành chong khi bị ếm thì xuồng chong dắt bè đèn, cá đứng im không đi theo ánh sáng, hoặc cá theo đèn được một quãng thì tản mất. Tức hơn nữa là trường hợp cá đã lọt vào miệng mành, kéo lên chả thấy con nào mặc dù giàn lưới và đảy mành không rách lủng lỗ nào. Có người bị phá cho rách lưới, lủng đảy mà không biết nguyên nhân, gây thiệt hại ngư cụ.
Những cách ếm đối vừa kể trên gọi chung là phép “Trấn”, tà thuật của các phái Nam Ông, Đức Mẹ, Ngũ hành…, dạy sử dụng bùa để sai khiến âm binh thần tướng. Các ngư dân thông thạo nói rằng bùa Nam Ông linh ứng nhứt, người giỏi môn này có thể đứng tại bờ biển đọc thần chú thỉnh Ông Nam Hải (cá Voi), trong khoảnh khắc “Ngài” sẽ xuất hiện ngay.
Những tên chuyên ếm phá nghề biển để kiếm ăn, tâm địa vốn bất nhân, học nghề cốt để hại người hơn giúp đời, khi thọ giáo sơ ý để lộ chân tướng, nửa chừng bị thầy đuổi về, hoặc có kẻ chỉ cần học được vài ba môn ếm đối, rồi dùng làm kế sinh nhai.
THẦY CÚNG NGHỀ BIỂN
Ngày xưa, tại làng chài nào cũng có một vài ông pháp sư giỏi. Là hạng thầy của những tên chuyên ếm phá nghề biển, họ chỉ đem tài nghệ giúp đời. Các ông này sử dụng cả hai môn bùa, ngải để trị bình tà, mở bùa ếm, cúng giải nạn (sao, hạn)… Ngày xưa, giới ngư dân địa phương tin tưởng ông Ba Phúc ở Tuy Hòa (Phú Yên) mà họ cho là người có đạo đức và cao tay ấn nhất vùng. Theo lời nhiều người thông thạo, ông Thầy này đã chữa dứt nhiều bệnh tà nặng đến độ bất trị, hóa giải những vụ ếm đối độc hiểm mà nhiều pháp sư khác đã đầu hàng. Ở Khánh Hòa, ngày trước có Cụ Ba Tam nổi tiếng về bùa phép, đã mất từ lâu. Trong số môn đệ của Cụ có vài người rất cao tay ấn.
GIANG ĐẠO SĨ VÀ BỘ SÁCH BÍ TRUYỀN “VẠN PHÁP QUY TÔN”
Phép Trấn, phép Giải, phép chữa bịnh tà…, học thuật bàn môn tả đạo lưu truyền từ ngàn xưa, là những môn học trong bộ sách bí truyền của Tà Giáo.
Ngày xưa ở miền Trung có nhiều dị nhân tu luyện đắc đạo, pháp thuật cao siêu xuất quỷ nhập thần. Nhiều người đã từng thấy các ông này ngồi trên chiếc nón lá qua sông một cách êm ái nhanh chóng hơn đi đò chèo, do đó thiên hạ gọi là Giang Đạo Sĩ. Không ai biết các ông ở nơi nào, hành tung bí mật, nay đây mai đó, các ông Giang Đạo Sĩ chỉ xuất hiện để hành thiện rồi biến mất như bóng ma. Gia chủ không biết làm sao đền ơn đáp nghĩa. Tương truyền các ông Giang Đạo Sĩ còn biết tàng hình, hú gió kêu mưa, rải đậu thành binh, sai khiến đá đi, gọi hùm beo, âm binh xuất hiện…
“Vạn Pháp Quy Tôn” là bộ sách bí truyền của Tà Giáo, gồm nhiều học thuật vô cùng huyền diệu. Theo lời các bô lão thông thạo, sách này dạy những môn: Phép chữa bịnh tà; Phép Trấn (ếm đối); Phép Giải (mở bùa ếm); Phép đánh đồng thiếp (làm cho người sống xuất hồn xuống cõi Âm); Phép sai khiển âm binh, thần tướng. Và cao siêu hơn nữa là những phép: Hú gió kêu mưa (Hô phong hoán vũ); Rải đậu làm binh (Sái đậu thành binh); Làm cát bay đá chạy (Phi sa tẩu thạch); Tàng hình (ẩn thân); Biết chuyện ở xa và việc quá khứ vị lai (Nhân độn); Phép thâu đường (đi mau); Sai khiến hùm, beo, sài lang, rắn độc; Dùng nón làm thuyền qua sông vv…
Khi thực dân Pháp vừa tròng ách đô hộ lên cổ dân ta, nhiều Giang Đạo Sĩ hợp tác với các nhóm Cần Vương, dùng pháp thuật diệt trừ quân Pháp. Lúc bấy giờ nhiều môn đệ đạo giáo, sư sải, thầy cúng bị tình nghi bắt bớ, tra tấn, tù đày. Trong thời gian thực dân Pháp lùng bắt Giang Đạo Sĩ, cấm truyền bá các học thuật huyền bí, những pháp sư tài giỏi không dám công khai xuất đầu lộ diện, các Giang Đạo Sĩ mai danh ẩn tích rồi viên tịch nơi rừng sâu núi thẳm. Sách Vạn Pháp Quy Tôn bị tịch thu, tiêu hủy, bị mối ăn hoặc mục nát vì chôn dấu quá lâu, nên những học thuật huyền diệu của Tà Giáo đến nay đã bị thất truyền.

· · Chia sẻ


  • Mẹ Nấm13 người khác thích điều này.

    • Nguyễn Quý Có mấy từ nghe giống phương ngữ Quảng Trị của miềng ghê.
      11 giờ trước · · 1

    • Mẹ Nấm Hay quá !
      11 giờ trước ·

    • Lê Hoàng Hà Nội Những bài viết này được in thành sách hay làm thành phim tài liệu thì tốt quá chú nhỉ. Bây giờ gọi là lưới cá?
      11 giờ trước ·

    • Công Tâm Hoàng Hay quá, đúng thứ mình đang cần.cám ơn Mẹ Nấm,
      3 giờ trước ·

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình