Nga nghi nước ngoài phá hoại các vụ phóng tàu

Thất bại của một số vụ phóng vệ tinh nhân tạo và phi thuyền gần đây của Nga có thể là kết quả của hành động phá hoại do các thế lực bên ngoài thực hiện, giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga tuyên bố.

Một vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa Soyuz của Nga. Ảnh:
Một vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa Soyuz của Nga. Ảnh: spaceflightnow.com.
Hôm qua ông Vladimir Popovkin, giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos), đã trả lời phỏng vấn của nhật báo Izvestia về những thất bại vừa qua trong lĩnh vực vũ trụ của Nga. Trong buổi phỏng vấn ông nói một số vệ tinh nhân tạo và phi thuyền Nga hứng chịu những trục trặc “không thể giải thích” khi chúng bay sang bán cầu phía bên kia và vượt ra ngoài tầm phủ sóng của những thiết bị theo dõi của Nga. Theo ông, ngày nay con người đã chế tạo nhiều thiết bị có khả năng tác động tới vệ tinh nhân tạo và phi thuyền. Vì thế ông không loại trừ khả năng một số vụ phóng gần đây thất bại do hành động phá hoại của nước ngoài.
“Tôi không muốn cáo buộc bất kỳ ai, song ngày nay con người có nhiều biện pháp hiệu quả để gây ảnh hưởng tới vệ tinh và việc người ta sử dụng chúng để phá hoại vệ tinh của Nga là khả năng mà chúng tôi không loại trừ”, ông nói.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp trong chính phủ Nga khẳng định hành động phá hoại của nước ngoài là nguyên nhân khiến một số vụ phóng vệ tinh của Nga thất bại.
Tuy nhiên James Oberg, một nhà tư vấn vũ trụ từng viết nhiều sách về chương trình vũ trụ của Nga, nói rằng những lời bình luận của ông Popovkin là một ví dụ buồn về thói quen đổ lỗi cho người nước ngoài của các chính trị gia Nga.
Phi thuyền Phobos-Grunt đang mắc kẹt trên quỹ đạo trái đất là thất bại mới nhất trong các vụ phóng tàu gần đây của Nga. Nó được phóng lên vũ trụ vào hôm 8/11 để thực hiện sứ mệnh lấy mẫu đất trên một vệ tinh của sao Hỏa, song mắc kẹt trên quỹ đạo trái đất sau khi tách khỏi tên lửa đẩy do hai động cơ của tàu không khởi động.
Vào tháng 11 năm ngoái ông Nikolai Rodionov, một tướng Nga đã nghỉ hưu, nhận định có thể một radar cực mạnh của Mỹ là thủ phạm khiến Phobos-Grunt mắc kẹt. Rodionov, người từng chỉ huy hệ thống cảnh báo sớm của Nga, giải thích rằng những xung điện từ mạnh từ một radar ở bang Alaska của Mỹ có thể tác động tới hệ thống điều khiển của tàu Phobos-Grunt. Vì thế hệ thống không thể gửi lệnh khởi động tới hai động cơ.
Sự cố của tàu Phobos-Grunt khiến dư luận và giới truyền thông đặt câu hỏi về năng lực của ngành vũ trụ Nga và tạo áp lực đối với ông Popovkin. Các quan chức của Roscosmos cho rằng thiết bị lạc hậu và lực lượng lao động già cỗi trong ngành công nghiệp vũ trụ là nguyên nhân dẫn đến các thất bại.
Ông Popovkin nói các chuyên gia của Roscosmos chưa tìm ra nguyên nhân khiến hai động cơ của Phobos-Grunt không khởi động sau khi tàu tách khỏi tên lửa đẩy. Song vị giám đốc thừa nhận chương trình chế tạo tàu đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí nên các quan chức buộc phải chấp nhận một số giải pháp kỹ thuật mạo hiểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình