Tiến sĩ toán: 'Giá đừng học toán thì tốt hơn'

Share

Vốn là một người học học toán - lý, cuộc đời tiến sĩ Phan Quốc Việt rẽ sang hướng khác khi ông đam mê dạy học và kinh doanh.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt. Ảnh: H.T.
Ông là người sáng lập tập đoàn Tâm Việt, doanh nghiệp chuyên đào tạo về kỹ năng phần mềm. Lớp học của tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tâm Việt, tại trung tâm luôn thu hút đông đảo người đến nghe. Ông nói về cái tâm trong sáng của con người, tạo niềm tin và động lực để họ hướng về tương lai tươi sáng.
Phan Quốc Việt cho biết, thành công trong tư duy ngôn ngữ của ông hiện nay không phải do toán học. Ông phủ nhận suy nghĩ cho rằng người học toán sẽ có tư duy tốt.
"Môn học nào cũng cần tư duy", tiến sĩ Việt nói.
Theo ông, ý chí là thứ duy nhất mà ông thu được từ toán, nhưng toán không phải môn duy nhất giúp con người rèn luyện ý chí.
"Leo núi cũng có lý trí, tập nhạc hay đánh cầu lông cũng vậy. Con người muốn có ý chí đều phải rèn luyện", ông nói.
Tư duy có nhiều loại và thông minh cũng vậy, ông Việt nhận định. Để minh chứng điều này, ông phân tích, nhà phát minh lừng danh Thomas Edison chỉ học lớp 3 song đã tạo ra những sản phẩm để đời. Có người có trí thông minh thiên nhiên như Charles Darwin, lại có người thông minh logic như Albert Eistein hay Ngô Bảo Châu, thông minh nhạc điệu như Đặng Thái Sơn, Mozart.
Những năm 80, đang theo học ngành kỹ sư địa chất, tiến sĩ Việt lao vào ngành học “thời thượng” thời đó – môn Toán - và "khinh thường" các môn học khác. Giờ nhìn lại, ông thấy tiếc quãng thời gian đó vì những kiến thức cần thiết thì ông không biết, còn cái ít được áp dụng cho cuộc sống hiện tại thì ông biết quá sâu sắc.
Là tiến sĩ đại học Matxcơva, Lomonosov (1984-1988), nhưng ông Việt nói rằng, ông chưa bao giờ sử dụng đến cách tính tích phân, vi phân, delta, hay khai căn trong cuộc sống thực tế.
“Tồi tệ nhất là xuất sắc cái mà không bao giờ dùng. Tôi bỏ ra 10 năm học toán để giờ đây không dùng đến toán. Nếu muốn nhân tôi sẽ dùng máy tính, muốn tính độ cao đỉnh Everest tôi tìm kiếm qua Google”, ông nói.
Thời ông Việt đi học, ai cũng theo toán, học toán, ca ngợi toán. Ông cũng theo xu hướng của thời đại, miệt mài học toán để thi vào trường Lomonosov làm tiến sĩ Toán – Lý. Ông cho rằng, chọn ngành nghề sai khiến con đường đi sự nghiệp của ông như dài hơn.
Tại sao phải làm cái cũ để mong kết quả mới ? Tại sao lại xuất sắc cái không cần cho cuộc sống ? Tại sao xuất sắc cái không bao giờ dùng ? Đó là những câu hỏi khiến tiến sĩ Việt trăn trở.
Ông tiếc vì trước đây bỏ ra quá nhiều thời gian cho môn toán. “Nếu từ đầu, tôi học về kỹ năng sống sẽ tốt hơn nhiều. Tôi hỏi tất cả mọi người, bạn bè từng học toán với tôi trước đây rằng, có bao giờ bạn tính logarit, bao giờ tính tích phân, khai căn không, delta, chương trình bậc ba không. Tôi chắc là không, hoặc có cũng rất ít”.
"Người ta thường ngụy biện logic và toán học là một. Thực tế, logic là môn lập luận. Để lập luận và tranh luận phải học môn đó chứ không phải khai căn, tích phân. Điều nguy hiểm hơn là người ta không ý thức được rằng đó là những thứ hầu như không dùng", ông nói.
Gần 50 tuổi ông Việt mới chuyển sang dạy kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, ứng xử. Ông cho rằng đây mới là những thứ mà mọi người cần trong suốt cuộc đời.
“Càng ngày tôi càng thấm thía những câu như 'lời chào cao hơn mẫm cô', 'mồm miệng đỡ chân tay'. Giá như tôi không học toán mà học tâm lý, nhân văn, xã hội thì tôi có thể giúp bản thân và đời nhiều lắm. Nếu mọi người thuộc những kỹ năng giao tiếp cơ bản như bản cửu chương thì đất nước sẽ tuyệt vời hơn”, ông tâm sự.
Chủ tịch tập đoàn Tâm Việt không phủ nhận lợi ích từ toán lý thuyết, song ông cho rằng, xã hội hãy để những người người có đầu óc xuất sắc tìm tòi những vấn đề khoa học ứng dụng, để đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân và xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình