Chủ nhật, 03 Tháng chín 2006, 11:11 GMT+7
Tags: Grigori Perelman, Fields Medal, John Ball, Saint Peterburg, Huan Carlos, Tây Ban Nha, giáo sư đại học, nhà toán học, Giả thuyết Poincaré, được coi là, thiên niên kỷ, từ chối, 1 triệu, thế giới, giải thưởng, nhận
Ngày 22/8 vừa qua, tại Đại hội các nhà toán học
quốc tế họp tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nhà vua Huan Carlos đã
đích thân trao giải “Fields Medal” cho các nhà toán học xuất sắc thế
giới. Giải này cứ 4 năm trao một lần và được coi là tương đương với giải
Nobel dành cho các nhà toán học.
Năm nay, có 4 nhà toán học được trao giải này. Đó
là nhà toán học Pháp Wendelin Werner, giáo sư Đại học Paris-South ở
Orsay (Paris); nhà toán học Australia Terence Tao, giáo sư Đại học
California ở Los Angeles (Mỹ) và 2 nhà toán học Nga là Andrei Okunkov,
giáo sư Đại học Princeton (Mỹ) và Grigori Perelman (đang làm việc ở
Saint Peterburg).
Nhưng mọi chú ý đều tập trung vào Grigori Perelman.
Ông đã giải được thành công “giả thuyết Poincaré”, một bài toán cực kỳ
phức tạp đã làm đau đầu những bộ óc sáng suốt nhất của thế kỷ 20, do đó
đã đủ điều kiện nhận 1 triệu USD tiền thưởng cho người nào giải được.
Tuy nhiên, nhà toán học này đã từ chối không đến
Madrid nhận danh hiệu cũng như giải thưởng danh giá nói trên. Grigori
Perelman năm nay 40 tuổi. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt
về toán và theo học trường phổ thông chuyên toán - lý ở Saint
Peterburg.
Năm 1982, Perelman giành được HC vàng trong kỳ thi
Olympic Toán quốc tế tổ chức ở Budapest. Ông được nhận thẳng vào Đại học
Tổng hợp quốc gia Peterburg mà không cần qua kỳ thi tuyển và được cấp
học bổng “Lenin”.
Sau khi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (ông không thiết
làm tiếp luận án Tiến sĩ), ông làm việc tại Viện Toán mang tên Steklov
rồi vào cuối những năm 80 thì sang Mỹ làm việc tại nhiều đại học khác
nhau. Cách đây 10 năm, ông trở về Nga, lại làm việc tại Viện Toán
Steklov để tìm cách chứng minh hình dạng của vũ trụ.
Vào năm 2002, thế giới toán học sửng sốt khi
Grigori Perelman lần đầu tiên công bố công trình khoa học cách tân của
ông nhằm giải quyết một bài toán được nhà toán học kiêm vật lý học và
triết học Jule Henri Poicaré người Pháp nêu lên năm 1904.
Bài toán này thường được mệnh danh là “giả thuyết
Poincaré” hoặc “Công thức vũ trụ”, đã làm điên đầu những bộ óc toán học
siêu đẳng trong suốt thế kỷ 20. Không một ai giải được cho đến khi xuất
hiện công trình của Grigori Perelman.
Từ khi ấy, công trình của nhà toán học xuất chúng
người Nga này đã được thế giới toán học phân tích hết sức kỹ lưỡng,
không một ai phát hiện được bất kỳ sai sót gì.
Công trình dày 300 trang của ông đã được các nhà
khoa học Trung Quốc thẩm tra kỹ lưỡng và đi đến kết luận: mọi chuyện đều
rành mạch. Cả các nhà khoa học Mỹ cũng xác nhận như vậy.
Và cộng đồng toán học quốc tế đã nhất trí thừa nhận
thành công của Grigori Perelman, “người thông minh nhất thế giới” theo
cách gọi của tờ báo Anh Guardian.
Trước đó, vào năm 2000, Viện Toán Clay thuộc Đại
học danh tiếng Cambridge ở Mỹ đã xác định 7 bài toán quan trọng nhất còn
chưa giải được của thiên niên kỷ (gọi tắt là 7 “bài toán thiên niên
kỷ”) và định giải thưởng 1 triệu dollars cho bất kỳ ai giải được một
trong số 7 bài toán ấy.
Mặc dù “giả thuyết Poincaré” là một trong 7 “bài
toán thiên niên kỷ” nhưng Grigori Perelman tuyên bố ông không quan tâm
đến tiền bạc. Lần này cũng vậy, ông từ chối cả danh hiệu lẫn tiền bạc
của một giải thưởng giá trị nhất trong thế giới toán học.
Nói chung, Grigori Perelman theo đuổi một lối sống
ẩn dật và thường bị coi là một “ẩn sĩ”. Trước kia ông đã khước từ học vị
Tiến sĩ mà người ta đề nghị trao cho ông, ông cũng đã nhiều lần từ chối
việc đề bạt ông.
Năm 1996, ông không đến dự buổi lễ trao giải thưởng
do Đại hội Toán học châu Âu trao tặng. Nói chung ông rất ngại phải viết
đơn xin, đơn đề nghị và làm những giấy tờ cần thiết cho việc nhận các
danh hiệu, các huân huy chương và các loại giải thưởng.
Năm 2005, ông tự rời khỏi Viện Toán Seklov mà không
nêu rõ lý do. Với việc giải thành công “giả thuyết Poincaré”, lẽ ra ông
đã có thể nhận được một triệu USD tiền thưởng của Viện Toán Kley ngay
từ năm 2002.
Nhưng trong giới khoa học có tồn tại một quy tắc là
các công trình khoa học mới phải được công bố trong các tạp chí chuyên
ngành. Nhưng trong suốt 4 năm qua, Grigori Perelman dứt khoát chỉ công
bố công trình của mình trên mạng Internet. Hiển nhiên là ông không cần
nhận giải thưởng 1 triệu USD của Viện Clay.
Vào tháng 7, Chủ tịch Hiệp hội Toán học quốc tế là
John Ball đã đích thân đến Saint Peterburg gặp Grigori Perelman để
thuyết phục ông sang Madrid nhận giải thưởng “Fields Medal”.
Theo lời kể lại của John Ball, nhà toán học Nga
“rất lịch thiệp, rất trung thực, nói năng cởi mở và thẳng thắn”. Nhưng
đồng thời, Grigori Perelman kiên quyết nói “không” với Madrid.
Theo nhận định của John Ball, Grigori Perelman “cảm
thấy mình đã tách biệt khỏi cộng đồng toán học quốc tế và do đó không
muốn trở thành nhân vật tượng trưng hoặc đại diện của cộng đồng này. Ông
John Ball còn dẫn lời của Grigori Perelman nói rằng: “Tôi rời bỏ toán
học vì thất vọng với toán học”.
Mặc dù Grigori Perelman từ chối sang Madrid nhận
giải thưởng nhưng ông vẫn được chính thức công nhận là người được giải
“Fields Medal”. Ông John Ball khẳng định: “Ông ấy có quyền nhận hay
không nhận nhưng chúng tôi đã trao giải cho ông ấy rồi”.
|
Lạ nhỉ, không hiểu hay chưa hiểu tại sao một bộ óc vĩ đại lại có hành động dại thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình