Đồ điên, có công an đâu mà dừng đèn đỏ?

Đâu có công an mà dừng đèn đỏ? (ảnh minh họa)
Đâu có công an mà dừng đèn đỏ? (ảnh minh họa)

 - Câu mắng này, tôi đã phải nghe không dưới chục lần khi dừng đèn đỏ, cùng với nó là ánh mắt hậm hực của khá nhiều người xung quanh.






Trưa 19/4, khi xe tôi đến trước vạch sơn ở một ngã tư trục Phố Huế - Hàng Bài (Hà Nội) thì đèn vàng tắt, đèn đỏ bật lên.

Bị mắng vì đi đúng luật


Tôi dừng xe. Lập tức phía sau dội lên tiếng còi của ba bốn chiếc xe máy khác, bấm liên hồi với sắc thái giục giã và cáu bẳn. Rồi một tiếng chửi: “Điên à? Làm gì có công an mà dừng? Làm bố mày cũng phải dừng theo”.  Tôi ngoái lại, thấy người vừa mắng mình là hai thanh niên chở nhau trên chiếc Air Blade, mặt mũi ngổ ngáo. Họ rất tức giận vì có tôi đứng phía trước nên không vượt đèn đỏ được.

Đây không phải lần đầu tiên tôi bị mắng vì “tội” tuân thủ luật giao thông. Có lần, tôi bị một quý ông mặc áo vét, sơ mi trắng tinh, thắt cà vạt rất lịch sự, nói như tát nước vào mặt: “Đúng là đồ kỳ đà cản mũi, vớ va vớ vẩn. Lần sau không đi thì dẹp sang một bên cho người ta đi”. Những lần khác, nếu dừng xe khi đèn vừa chớm đỏ mà không có bóng áo vàng của các anh công an giao thông thì dù không bị mắng, tôi vẫn hay nhận được những cái lườm sắc lẻm hay ánh mắt tức tối, hậm hực của những người đằng sau, chỉ vì tôi mà không vượt được đèn đỏ.

“Có lần em còn bị một anh đi xe máy phía sau giơ chân đạp mạnh, em ngã dúi xuống đường, trợt cả đầu gối”, Vân, cô sinh viên năm thứ hai, kể, “Em sợ quá, từ đó cứ đến gần ngã tư là em đi nép vào một bên để lỡ có dừng đèn đỏ cũng không cản trở ai vượt”.

Vài lần gặp phải tình huống như vậy, nhiều người đã “thích nghi với hoàn cảnh” bằng cách khi đèn đỏ cũng nhìn trước nhìn sau xem có công an không rồi… vượt; vừa tiết kiệm được mấy giây vừa khỏi bị lườm nguýt, bị mắng là “dở người”. Thế là nhiều khi trên đường chẳng có mấy xe cộ mà vẫn rối như canh hẹ bởi xe hướng nào cũng tranh nhau lao bổ qua ngã tư.

Sợ “không giống ai”


Một trong các khía cạnh tiêu cực của tâm lý đám đông là nhiều người dù không muốn nhưng vẫn vi phạm các luật lệ chỉ vì sợ mình trở nên kỳ quái trong mắt mọi người. Khi thấy nhiều người làm sai, thay vì thuyết phục hoặc ít ra cũng tự mình làm đúng, họ cũng… sai theo luôn cho khỏi “lạc đàn”.
‘Đồ điên, có công an đâu mà dừng đèn đỏ?’ - 1
Một trong các khía cạnh tiêu cực của tâm lý đám đông là nhiều người dù không muốn nhưng vẫn vi phạm các luật lệ chỉ vì sợ mình trở nên kỳ quái trong mắt mọi người.
(ảnh minh họa)
Ở khu dân cư của anh Vượng, theo quy định, rác được tập kết ở một chỗ, đến giờ thì nhân viên vệ sinh sẽ đến thu gom. Thế nhưng, hầu như nhà nào cũng vứt rác gần nhà, miễn là không phải trước cổng nhà mình, vì thế đoạn đường nội bộ ấy cứ cách một quãng lại có một đống rác vứt bừa bãi. Chỉ có gia đình anh Vượng và cặp vợ chồng cách đó chừng chục mét là cứ chiều chiều mang túi rác đến chỗ quy định. Họ lập tức được tư vấn: “Vác đi xa làm gì cho khổ, cứ để đấy, đằng nào người ta chẳng phải dọn hết”. Có người còn tỏ ra hiểu biết: “Nhân viên vệ sinh môi trường mỗi người được giao phụ trách một khu, đoạn đường nào còn rác là họ phải chịu trách nhiệm. Mình đóng tiền hàng tháng để trả lương thì họ phải dọn, không thì ăn lương làm gì?.

Khuyên vài lần, thấy hai gia đình vẫn mang rác đi đổ đúng chỗ, vài người bắt đầu tỏ thái độ dè bỉu: “Rõ thật rỗi hơi, làm ra cái vẻ”. Ít lâu sau, cặp vợ chồng trẻ kia cũng bắt đầu để rác ngay gần nhà mình. Cô vợ phân bua với anh Vượng: “Hình như nhà hàng xóm thấy em đi đổ rác xa thì ngứa mắt nên cứ toàn để vương vãi rác ngay cạnh cổng nhà em, em cứ phải gom cho cả họ nữa. Có lần bắt quả tang, em có ý kiến thì bà già mắng, bảo tôi vứt đấy thì sẽ có người dọn, có ai bắt cô dọn đâu. Họ là dân gốc, em chẳng dám dây, mà hôm nào cũng quét dọn, tha lôi cả rác nhà người ta thì oải quá nên cũng mặc kệ luôn”. Cô gái cho biết, kể từ đó, quan hệ giữa nhà cô và bà hàng xóm kia “ấm nóng” hẳn lên. Bà ta không còn lườm nguýt mà bắt đầu tươi cười bắt chuyện.

“Tôi đen, anh cũng không được trắng”

Ngoài thói a dua, một trong các thói xấu khác của không ít người Việt là nếu mình chẳng  sống tốt được thì muốn người khác cũng phải tệ như mình, nếu không sẽ cực kỳ khó chịu. Ở một cơ quan vốn có sẵn nếp lười biếng, thiếu trách nhiệm, nếu bỗng nhiên xuất hiện một anh chàng nhiệt tình năng nổ, muốn xóa bỏ sự ỳ trệ ấy thì chắc chắn anh ta sẽ trở thành cái đinh trong mắt mọi người, cần được “đào tạo”. Sẽ có một vài người kỳ cựu nào đó xa gần bóng gió khuyên can anh ta biết ăn ở cho hợp lẽ, nếu anh chàng vẫn không chịu hiểu thì nó sẽ dùng những lời “thẳng thắn, chân thành” để cho anh ta biết người biết ta. Và nếu vẫn chưa chịu hiểu ra, anh chàng này sẽ được dạy cho một số bài học và nếu không đủ mạnh, anh ta sẽ một là “hòa nhập”, hai là bật khỏi sới.

Ngay cả trong một gia đình, chuyện tương tự cũng có thể xảy ra, chẳng hạn như đại gia đình anh Khôi ở Thanh Trì, Hà Nội. Nhà anh tứ đại đồng đường, ông bà nội giàu có, con cháu đứa nào không ở cùng thì cũng được chia đất ngay cạnh, quây quần cho ấm cúng. Biết ông già ở tuổi gần đất xa trời mà còn giữ rất nhiều vàng và bất động sản, đám con cháu toàn họp nhau bàn cách bòn rút. Họ bảo với ông là anh em cùng nhau mở công ty, xin ông rót vốn. Ông già vui vì con cháu biết bảo nhau làm ăn, anh em làm chung thì còn gì hơn nữa, thế là bán một miếng đất để cho. Khôi không chịu tham gia vụ này, nhưng can anh em không được. Ít lâu sau, họ lại kêu khủng hoảng kinh tế làm ăn khó quá, xin ông rót thêm vốn mới cạnh tranh được với người ta.  Khôi bảo họ dừng lại, nếu không sẽ nói cho ông biết. Thế là ngày nào cũng có người đến, hết khuyên bảo Khôi lại xúi bẩy vợ anh cùng “làm ăn”, vì “đằng nào tài sản của ông chẳng chia cho các cháu, chẳng qua là trước hay sau thôi, quyền lợi chính đáng của chú, chú không nhận là thiệt”.

Không rủ rê được Khôi, đám anh em họ chuyển qua gây sự, dọa dẫm. Họ mắng Khôi là “đồ đạo đức giả, thằng phá đám” và cùng nhau nói xấu anh với ông nội. Kết quả của cuộc tổng tấn công là ông nội ghét Khôi, nghĩ anh là thằng lười biếng, bất tài, chuyên ghen ghét và chơi xấu anh em.

Chuyện của Khôi dù sao cũng còn dính đến quyền lợi; nhiều người khác bị “kéo xuống bùn” chỉ vì trong đàn quạ đen mà có một con trắng thì không chấp nhận được. Nhóm bạn của Quang có 7 người, hồi sinh viên ở cùng ký túc xá, nay đều làm ở Hà Nội và đều đã có vợ con. Họ thường rủ nhau tụ tập đi nhậu, đã nhậu là tới bến, không hát hò em út thì cũng nằm bẹp dí ở một chỗ nào đó mà nôn mửa, ngủ vùi, có mỗi Quang đúng giờ là về. Vợ 6 ông kia mỗi lần giận chồng bê tha là lại lôi Quang ra làm gương, khiến các ông ghét lắm. Ngày này qua ngày khác, họ đua nhau khích bác, mỉa mai, lôi kéo, dựng lên các tình huống để ép… Rốt cục, thành trì bị hạ gục. Giờ thì 6 anh bạn hoàn toàn yên tâm vì mỗi lần nhậu nhẹt, các bà vợ không còn gì để tị nạnh với nhau, cũng không ông nào còn thấy “nhột”, thấy khó chịu vì cùng hội cùng thuyền mà có kẻ lại tư cách hơn mình.

Lăng mộ đá lớn nhất Việt Nam bị lãng quên giữa Hà Nội

Được đánh giá là công trình bằng đá lớn thứ hai Việt Nam (sau thành nhà Hồ tại tỉnh Thanh Hóa), khu lăng mộ Hoàng Cao Khải thuộc địa phận phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đang bị lãng quên.


Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải (còn gọi là ấp Thái Hà) được xây dựng năm 1893 bởi tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 - 1933). Ông là một đại thần dưới triều vua Thành Thái nhà Nguyễn và cũng là một nhà văn, nhà sử học của Việt Nam.
Khu lăng mộ là một quần thể di tích gồm dinh thự, đền thờ, lăng mộ… với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Nhưng do việc quản lý không khoa học, thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng nên suốt thời gian dài, di tích gần như bị lãng quên.
Hình ảnh u hoài ở Lăng Hoàng Cao Khải giữa lòng Hà Nội:
 
Công trình quan trọng nhất của khu di tích là lăng Hoàng Cao Khải, toàn bộ lăng được xây bằng đá cẩm thạch trắng theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8m, cao 6m. Khu lăng mộ này bây giờ đã bị biến thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của công an phường Trung Liệt.
 
Phía trước lăng từng có hai hàng lính chầu bằng đá, mỗi hàng gồm 4 người bồng gươm, cao 1,3 m. Nhưng hiện chỉ còn lại 3 bức tượng và cả 3 đều mất phần chân do bị tôn nền xi măng trùm lên.
 
 Tượng đá nằm chỏng chơ giữa sân do thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng. Phía sau lăng Hoàng Cao Khải còn có đồi Nghinh Phong (đón gió) cao 10 m. Trên đỉnh đồi trước có Nghinh Phong Quán, một nơi để nghỉ ngơi và ngoạn cảnh. Từ chân đồi lên Nghinh Phong Quán có một lối đi gồm 133 bậc thang, nhưng nay đều biến thành nhà dân.
 
Hồ Tẩm Nguyệt (nay người dân quen gọi là hồ Bán Nguyệt) được cụm dân cư số 9 cho người dân thuê để nuôi thả cá, nhưng đến nay không còn nước, cỏ mọc um tùm.
 
Phía bên phải, cách lăng mộ Hoàng Cao Khải không xa là khu lăng mộ Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải. Đây cũng là một công trình kiến trúc bằng đá lớn. Từ năm 1972 đến nay, công trình này đã bị ba hộ dân chiếm dụng.
 
 Khu lăng mộ nằm thọt lỏm giữa những ngôi nhà cao tầng.
Khu lăng mộ Hoàng Trọng Phu còn một đôi rồng đá khá nguyên vẹn ở nơi trước kia vốn là cửa lăng. Ngày nay cửa đã bị bít lại và khu vực này biến thành nơi để xe và chậu cảnh.
 
 Bên trong khu lăng mộ này đã bị người dân chiếm dụng làm nơi sinh sống.
 
 Một số kiến trúc điêu khắc độc đáo của hai khu lăng mộ bằng đá.
 
Că hai khu lăng mộ Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu đều được xây theo một phong cách nghệ thuật thống nhất, với các cột, trụ, xà, bẩy, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ các họa tiết tinh xảo.
 
 Rất tiếc người dân đã "nhảy dù" vào khu lăng mộ Hoàng Trọng Phu.
 
 Từ năm 1972, lăng mộ trở thành nơi sinh sống của nhiều hộ dân.

Ngộ nghĩnh trẻ Việt ở Tây nói tiếng mẹ đẻ

Trẻ em Việt ở trường mẫu giáo cộng đồng, ảnh: čt24.


Hôm trước thứ bảy, hai vợ chồng cô bạn đưa con đến nhà tôi chơi – một cháu trai 5 tuổi tên Huy, nói tiếng Việt dễ thương vô cùng.

- Huy hôm nay được nghỉ hả?
- Jo. Hôm nay cháu có volno vì hôm nay là sobotu. (Vâng, hôm nay cháu được nghỉ vì hôm nay là thứ bảy.)
- Thế cháu có muốn uống gì không?
- Không, cháu không có žízeň. (Cháu không khát.)
Một lát sau, cháu vào bếp:
- Bác cho Huy uống jahoda. Bác sẽ nấu maso hả? (Bác cho Huy uống nước dâu. Bác sẽ nấu thịt hả?)
- Đúng rồi. Ở nhà cháu có giúp mẹ nấu ăn không?
- Không. Cháu ještě bé. (Cháu còn bé.)
- Vậy cháu chỉ giúp mẹ ăn thôi hả?
- Không, mẹ biết ăn rồi, mẹ ăn tự. Huy cũng biết ăn rồi, Huy ăn tự. Bác ơi, bác phải zapnout cái này do zásuvky rồi rờ, rờ thì mới ngon. (Bác ơi, bác phải cắm điện vào để xay thịt thì mới ngon!)
Trẻ nói tiếng bồi vì phải học nhiều ngôn ngữ, ảnh: tasr.
Trẻ nói tiếng bồi vì phải học nhiều ngôn ngữ, ảnh: tasr.
Trẻ con là vậy, dù sinh ra ở bất kỳ nơi đâu, nói bằng một thứ tiếng pha trộn như thế nào thì nét dễ thương cũng không mất đi. Những lỗi trẻ con Việt hay mắc nhất là lỗi về phát âm: dấu ngã thành dấu sắc: “con cúng“ thay cho “con cũng“. Ngoài ra về cách xưng hô thì trẻ hay mắc lỗi ở ngôi thứ ba: lẽ ra phải gọi anh, chị thì chuyển sang gọi nó, chúng nó. “Bác ơi, nó không cho cháu chơi cùng“, đúng ra là: “Bác ơi, anh ấy không cho cháu chơi cùng“. Về trật tự câu thì bị ảnh hưởng nặng vì tiếng nước ngoài: “Con sẽ làm tự“ thay cho: „Con sẽ tự làm“ ... Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ dùng từ xách mé, vô lễ.
Thế mà có lần tôi đọc loáng thoáng trên báo cộng đồng có một đoạn miêu tả về lời thoại một cháu bé sống ở Tây gặp ông từ Việt Nam sang chơi. Cháu “hồn nhiên“ xưng “tao“, “mày“ với ông. Có bản lĩnh! Bái phục!!! Bản thân tôi gặp vô số các cháu Việt Nam ở đây nhưng không cháu nào trong số đó dám xưng “tao, mày“ với người lớn.
Người Việt Nam vốn rất quan trọng cách xưng hô: “Tiên học lễ, hậu học văn“. Bất kỳ ông bố, bà mẹ Việt nào chẳng thấm nhuần cái đạo lí đó. Đẻ con ra, dạy được chừng nào chưa biết, nhưng dứt khoát không có chuyện bố mẹ để con xưng tao mày với mình (để sau đó trẻ có cơ hội vận dụng với cả ông ngoại?!).
Cái cách học xưng hô này không chỉ với các cháu nhỏ mà kể cả Tây sang Việt nam làm việc cũng rất chú tâm “khổ luyện“. Văn hóa Việt với vô số ngôi thứ đã làm Tây ong hết cả đầu. Nhưng chỉ cần vài lần dùng sai và bị cười là họ hiểu ngay cái “sự“ cần thiết học nói đúng ngôi, đúng bậc.
Trước khi “xuất ngoại“, tôi từng làm cho một văn phòng luật nước ngoài. Ông sếp của tôi một hôm muốn vận dụng tiếng Việt đã nói với tôi: “Today, EM need to fullfil this translation,“ – nghĩa là: „Hôm nay, em cần hoàn thành bản dịch này“. Sau đó còn hứng chí nói: “ANH have to go out now. We will have meeting in an hour. EM need to prepare,“ – nghĩa là: “Tôi có việc phải ra ngoài, sau một giờ chúng ta sẽ họp. Em cần chuẩn bị.“ Đấy, biết có mỗi một vài từ Việt mà cũng không dùng sai đâu!
Trẻ em chuối rất dễ thương, ảnh: čt.
Trẻ em chuối rất dễ thương, ảnh: čt.
Chuyện học tiếng Việt của trẻ ở Tây có nhiều chuyện đáng nói lắm. Có một cháu trai mới hơn ba tuổi rưỡi nói với mẹ thế này: “Mẹ, mẹ đừng vyhodit (đuổi) con. Con yêu mẹ, con muốn ở với bố mẹ“. Mẹ cháu vô cùng ngạc nhiên vì có bao giờ mắng mỏ hắt hủi cháu đâu? Hỏi ra hồi lâu mới biết cháu đang lo lắng vì biết hai vợ chồng chị bàn tính gửi con về cho ông bà nuôi để yên tâm buôn bán và học thêm tiếng Việt vì ở bên này bận bịu, không kèm cặp được sợ về sau cháu không nói được tiếng Việt.
Cuộc sống khó khăn và sức ép của việc kiếm tiền đã khiến nhiều cặp vợ chồng dành rất ít thời gian cho con cái. Nhưng sự thèm khát thương yêu vốn là tính thiên bẩm trong mỗi đứa trẻ. Thời gian sẽ trôi đi và con cái bạn sẽ lớn lêm. Trước khi chúng hoàn toàn có thể tự lập thì bạn hãy dành cho chúng một chút thời gian “vàng ngọc“ của mình, tôi nghĩ là nó vô cùng quan trọng. Không chỉ đơn giản là việc dạy tiếng mà còn là việc xây dựng một mối quan hệ bền chặt tình mẫu tử. Đó là một thứ tình cảm vô cùng ngọt ngào. Hãy đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm nghiệm nó. Rồi các bạn sẽ thấy nó giá trị hơn bất cứ của cải nào. Tiền bạc là trách nhiệm phải kiếm để duy trì cuộc sống còn tình cảm chính là món quà ý nghĩa nhất mà cuộc sống ban tặng.

7 điều cần tránh sau bữa ăn

Để cơ thể khỏe mạnh và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng trong thực phẩm, bạn cần tránh một vài việc ngay sau bữa ăn.

1. Ăn hoa quả
Theo truyền thống, nhiều người thường ăn hoa quả sau bữa ăn, xem như là món tráng miệng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này có thể khiến dạ dày bị đầy hơi. Vì thế, bạn chỉ nên ăn hoa quả sau bữa ăn 1-2 tiếng.
7 điều cần tránh sau bữa ăn
Bạn chỉ nên ăn hoa quả sau bữa ăn 1-2 tiếng.
2. Hút thuốc lá
Nghiên cứu cho biết, hút thuốc lá ngay sau bữa ăn có thể làm gia tăng nguy cơ bị bệnh ung thư. Hút một điếu thuốc lá sau bữa ăn có thể gây tác hại tương đương với việc hút 10 điếu thuốc lá vào lúc bình thường.
3. Uống trà
Nhiều người thường thích uống trà ngay sau bữa ăn. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, uống trà sau bữa ăn có thể gây cản trở cơ thể trong việc tiêu hóa chất protein chứa trong các loại thực phẩm tới 80%.
7 điều cần tránh sau bữa ăn
Uống trà sau bữa ăn có thể gây cản trở cơ thể trong việc tiêu hóa chất protein chứa trong các loại thực phẩm tới 80%.
4. Tắm
Giới chuyên môn cho biết, nếu bạn tắm ngay sau bữa ăn có thể làm giảm quá trình lưu thông máu tới hai bàn tay, chân và dạ dày. Tình trạng này sẽ gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa, đồng thời tạo nên nhiều vấn đề khác về sức khỏe.
5. Đi bộ
Theo các chuyên gia, đi bộ ngay sau bữa tối khiến cơ thể giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm.
6. Ngủ
Bạn cần lưu ý, việc đi ngủ ngay sau bữa ăn có thể gây nên tình trạng đường tiêu hóa bị đầy hơi, viêm đường ruột và trào ngược axít từ dạ dày lên thực quản, gây khó chịu.
7. Uống nước lạnh
Theo các chuyên gia, khi bạn uống nước lạnh trong (hoặc sau bữa ăn) có thể khiến các loại thực phẩm, đặc biệt đối với các loại thực phẩm có chứa dầu hoặc mỡ bị đông lại, tích lũy ở đường ruột, làm hẹp đường tiêu hóa và gây béo phì.

Thảm kịch thần tượng


(Dân trí) - Thấy người khác mê thần tượng thì mình cũng mê ai đó để không bị cho là quê mùa. Thấy người khác sống chết với thần tượng thì mình cũng phải có cách bày tỏ, biểu lộ hết mình như vậy. Ban đầu là mốt, lâu ngày thành bệnh, càng để lâu bệnh càng nặng.
 (Minh họa: Ngọc Diệp)

Vô số fan nữ hú, hét, khóc lóc, kêu gào, lên cơn co giật trước band nhạc Big Bang đến từ Hàn Quốc biểu diễn tại TPHCM tối 14.4.

Không thể tưởng tượng được fan hâm mộ ca sĩ Hàn Quốc đã cuồng đến mức như thế. Những thanh niên, thiếu nữ còn tươi trẻ, đầy sức sống nhưng lại say mê thần tượng đến mức bệnh hoạn. Họ đạp nhau bất chấp tính mạng để đến gần sân khấu, để được chiêm ngưỡng dung nhân thần tượng. Họ kêu rú, hò hét cho đến khi ngất xỉu, phải được đưa đi sơ cứu.

Thảm kịch thần tượng tại sân vận động Phú Thọ gợi lại nhiều câu chuyện khác vừa xảy ra. Nhiều fan hôn ghế thần tượng, tìm đến nhà lên giường cùng thần tượng rồi tự la lớn chuyện đó lên cho thiên hạ cùng biết. Họ nghĩ rằng, có một vụ scandal giường chiếu với ca sĩ thần tượng của mình cũng là chuyện đáng tự hào với cuộc đời, lên mặt với các fan khác.

Có những người đau đớn khi nghe thần tượng yêu ai đó, buồn thảm khi hay tin thần tượng tuyên bố kết hôn. Họ bỏ ăn, bỏ học, bỏ ngoài tai lời khuyên và sự đau khổ của cha mẹ. Họ tự “để tang” cho một cuộc tình tuyệt vọng với thần tượng vừa bị chôn vùi.

Các nhà nghiên cứu tâm lý học, xã hội  học, giáo dục giới tính nghĩ nát óc cũng không thể giải mã được hiện tượng lên đồng tập thể cũng như tự sát cá nhân theo kiểu mê cuồng thần tượng này. Nhưng rõ ràng, đây là sản phẩm của một nền giáo dục không chú trọng xây dựng tính độc lập cá nhân, thích tôn sùng thần tượng, thiếu định hướng thẩm mỹ.

Khi giới trẻ mất định hướng thẩm mỹ thì a dua theo xu hướng “bầy đàn”. Thấy người khác mê thần tượng thì mình cũng mê ai đó để không  bị cho là quê mùa. Thấy người khác sống chết với thần tượng thì mình cũng phải có cách bày tỏ, biểu lộ hết mình như vậy. Ban đầu là mốt, nhưng lâu ngày thành căn bệnh, càng lâu bệnh càng nặng. Thảm kịch thần tượng từ đó không còn là chuyện của cá nhân, mà là mối họa cho các gia đình có con cái u mê như vậy, và cuối cùng là xã hội phải gánh chịu hậu quả khi một lực lượng thanh thiên, thiếu nữ “khùng điên” vì bệnh thần tượng. Sống lơ mơ và vô trách nhiệm, suốt ngày chỉ là phường “giá áo túi cơm” mân mê cảm xúc đồng bóng của riêng mình.

Những gia đình có giáo dục căn bản, theo dõi từng bước đi của con cái, bồi dưỡng nhân cách cho con cái từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành thì chắc chắn không có những đứa con có đầu óc u tối như vậy.

Các bạn trẻ học hành tử tế, có bản lĩnh, có ước mơ và  khát vọng về  con đường sự nghiệp của bản thân, có nỗi suy tư về vận mệnh tương lai đất nước chắc chắn sẽ không có những cảm xúc tầm thường và bệnh hoạn như vậy.

Các bạn trẻ cứ nhìn vào những thảm kịch thần tượng trong xã hội để biết cách không cho mình trở thành nạn nhân.

Thụy Điển sẽ ngưng viện trợ phát triển cho Việt Nam

Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt trong một cuộc họp báo. Ảnh chụp ngày 05/04/2012.
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt trong một cuộc họp báo. Ảnh chụp ngày 05/04/2012.
Reuters
Thanh Phương
Sau 45 năm hào phóng giúp đỡ Việt Nam vô điều kiện, chính phủ Thụy Điển, với chủ trương gắn viện trợ với nhân quyền và dân chủ, dự định sẽ ngưng viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam và sẽ chỉ tập trung vào trợ giúp kỹ thuật.
Theo tổ chức OCDE, năm ngoái, vốn viện trợ phát triển chính thức ( ODA ) trên thế giới đã giảm 2,7% so với năm 2010. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, viện trợ ODA bị sụt giảm như vậy, mà nguyên nhân chính dĩ nhiên là do suy thoái toàn cầu, nên nhiều nước phải thắt lưng buộc bụng.
Tuy nhiên, trong khi những nước giàu khác như Pháp, Tây Ban Nha hay Nhật Bản giảm mức viện trợ phát triển, thì Thụy Điển vẫn là một trong số ít các quốc gia ( cùng với Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg và Hà Lan ) vẫn tỏ ra hào phóng với các nước nghèo, tức là vẫn giữ mức viện trợ phát triển chính thức cao hơn 0,7% tổng sản phẩm nội địa GDP, mức quy định của Liên hiệp quốc.
Thụy Điển cũng là nước phương Tây viện trợ cho Việt Nam sớm nhất, liên tục từ đầu những năm 1970 đến nay và là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1970-1990, quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước chủ yếu là dưới hình thức Thuỵ Điển viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để làm một số công trình như nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Viện nhi Thuỵ Điển (Hà Nội), v.v...
Từ năm 1990 lại đây, viện trợ của Thụy Điển cho Việt Nam tập trung nhiều hơn vào các chương trình và dự án hợp tác về y tế, năng lượng, lâm nghiệp, phát triển nông thôn miền núi 5 tỉnh phía Bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang), văn hóa, giáo dục, đào tạo cán bộ KHKT, xoá đói giảm nghèo, v.v. . .
Tuy nhiên, quan hệ giữa Thụy Điển với Việt Nam trong những năm gần đây có vẻ không còn mặn mà như trước nữa. Thậm chí chính phủ Thụy Điển có lúc đã tính đến chuyện đóng cửa đại sứ quán ở Hà Nội kể từ năm 2011, với lý do là thiếu kinh phí, nhưng sau đó đã rút lại quyết định này. Mặt khác, trong tương lai, Thụy Điển sẽ không còn tiếp tục tỏ ra hào phóng một cách vô điều kiện với Việt Nam nữa, nhất là vì chính phủ mới của nước này chủ trương gắn liền viện trợ với những tiến bộ về nhân quyền và dân chủ, cũng như về chống tham nhũng, ở những quốc gia mà Thụy Điển giúp đở.
Trong những năm gần đây, Thụy Điển đã nhiều lần lên tiếng khi thấy Việt Nam không những không tiến bộ, mà còn đi thụt lùi về mặt nhân quyền, dân chủ, cũng như về mặt chống tham nhũng, đặc biệt là sau vụ Việt Nam vào năm 2008 kết án tù hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ, hai nhà báo đã đi đầu trong việc loan tin về vụ tham nhũng PMU 18, một vụ tham nhũng có liên hệ đến viện trợ ODA của quốc tế.
Vào thời gian đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ VietnamNet, tham tán đại sứ quán Thụy Điển, bà Molly Lien, đã tuyên bố thẳng thừng : '' Tham nhũng trong các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA là điều không thể chấp nhận được''. Bà Molly Lien nói rằng tiền viện trợ của Thụy Điển là tiền người dân Thụy Điển đóng thuế. Những khoản tiền đó được sử dụng để giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội dân chủ và không có tham nhũng.
Tại hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam ở Hà Nội vào tháng 12/2009, đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman cũng đã kêu gọi chính phủ Hà Nội bãi bỏ các biện pháp kiểm soát Internet, cũng như cho phép báo chí tham gia giám sát các cơ quan quyền lực.
Có thể một phần là do Việt Nam bị xem là không có tiến bộ về nhân quyền và dân chủ mà chính phủ Thụy Điển dự định sẽ ngưng cấp viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam và sẽ chỉ tập trung vào trợ giúp kỹ thuật.
Để tổng kết 45 năm trợ giúp hết mình cho Việt Nam, ngày 2/4 vừa qua, Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy Điển ( SIDA ) đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Stockholm và đã có mời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đến để đóng góp ý kiến về bản tổng kết này. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh :
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
14/04/2012

Đường mòn

Vào Việt nam thư quán đã lâu, đã sử dụng ô tìm kiếm thấy không được, phải dùng google để tìm. Hôm nay bỗng dưng lại tìm được, nghĩ lại thấy xấu hổ, lối mòn của tư duy. Thói quen copy và pate biến mình thành kẻ ngớ ngẩn bao năm, không thể tin được. Công cụ tìm kiếm của Việt nam thư quán nếu gõ chữ nó sẽ tự tìm kiếm chứ không cần enter hoặc click nút tìm kiếm. Copy rồi pate thì nó trơ ra không chịu tìm, script của trang này nó thiết kế như vậy. Chỉ không ngờ về chính bản thân mình, lạ thật mấy năm mới phát hiện ra thế mới lạ chứ.
 Hai liên kết dưới đều là chương 1 truyện "Ba người khác" của Tô Hoài. Liên kết thứ nhất thực ra chỉ thêm &AspxAutoDetectCookieSupport=1 đọc truyện theo cách lật trang. Xem ra có thể hấp dẫn với ai chứ mình vẫn chưa quen

http://vnthuquan.org/truyen/thuyhu.aspx?tid=2qtqv3m3237n4ntnmn0n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

  http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4ntnmn0n31n343tq83a3q3m3237nvn

Con voi lọt qua lỗ kim

Hồ sơ Bà Hoàng Yến: Sáng tỏ tình tiết nhạy cảm
TT - Những “khoảng trống” trong hồ sơ đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến dường như đã được “lấp đầy”. Có đủ chứng cứ cho thấy những “khoảng trống” này bao gồm các tình tiết được coi là rất “nhạy cảm”.
Bà Hoàng Yến là chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Tân Đức.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến tại diễn đàn Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngày 14-4, trao đổi với Tuổi Trẻ về một số vấn đề liên quan đến những “khoảng trống” trong hồ sơ đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến, một lãnh đạo của Vụ Công tác đại biểu (Văn phòng Quốc hội) cho biết đến thời điểm hiện nay chưa có kết luận chính thức về vụ việc. Vị lãnh đạo này cũng nói có nhiều vấn đề liên quan đến bà Hoàng Yến được xác định là khai không đúng, khai sai và không trung thực.
Từng là đảng viên
Lãnh đạo Vụ Công tác đại biểu cho rằng thông tin bà Yến không còn sinh hoạt Đảng đang được xem xét và cơ bản có thể hiểu là bà Yến đã bỏ Đảng. Việc bà Yến không khai nội dung này trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội là không trung thực. Điều này vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần phải xem xét kỹ, kết luận một cách rất khách quan, đúng quy định của pháp luật. Ban công tác đại biểu Quốc hội sẽ có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội về trường hợp bà Hoàng Yến. Việc kiến nghị, xử lý như thế nào đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định.
Theo thông tin PV Tuổi Trẻ có được, trong thời gian công tác ở quận 5 (TP.HCM), bà Đặng Thị Hoàng Yến được kết nạp Đảng tại chi bộ Phòng thương nghiệp quận 5 ngày 27-11-1986. Đến tháng 4-1992, bà Yến được UBND quận 5 điều động về Phòng tổ chức chính quyền quận 5 để tạo điều kiện cho đi học. Sau đó, bà Hoàng Yến chuyển công tác về Trung tâm Phát triển ngoại thương TP.HCM. Từ thời điểm này bà Yến có còn sinh hoạt Đảng hay không, có còn là đảng viên hay không thì không được xác định. Đến năm 2011, mục “ngày vào Đảng” trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, bà Hoàng Yến khai “không”.
Từng có xác minh về đại biểu Hoàng Yến
Ngày 26-11-2011, tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công khai kết quả xác minh về đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Theo đó, kết quả xác minh của Bộ Công an cho biết bà Yến chưa bị khởi tố bị can trong vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước (năm 1998).
Trong quá trình điều tra vụ án, có một số đối tượng liên quan nhưng trong hồ sơ lưu trữ không có bà Hoàng Yến. Tuy nhiên, bà Yến có bị cấm xuất cảnh trong hai năm (từ tháng 10-1998 đến tháng 10-2000) để phục vụ việc điều tra vụ án này. Bộ Công an cũng khẳng định chưa có tài liệu thể hiện đại biểu Yến có hành vi trốn ra nước ngoài hay tham gia đường dây chuyển tiền ra nước ngoài. “Cơ bản là không có vấn đề gì” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Về vụ ly hôn giữa bà Yến và ông Jimmy Trần, ông Phúc cho biết do thủ tục tố tụng chưa đúng với quy định pháp luật nên ngành tư pháp đã xem xét và yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Long An ra quyết định kỷ luật, hình thức khiển trách với thẩm phán thụ lý vụ án. Cơ quan chức năng cũng đã chỉ đạo tiến hành giám đốc thẩm. Nếu bản án có sai phạm sẽ phải hủy để xét xử lại (sau đó bản án bị hủy, ngày 11-4-2012 bà Hoàng Yến rút đơn xin ly hôn).
Riêng về vụ bà Hoàng Yến từng là đảng viên, trong thời điểm có cuộc họp báo, cơ quan chức năng chưa đặt ra vấn đề xác minh, nhưng lúc đó ông Nguyễn Hạnh Phúc có nói còn một số vấn đề liên quan đến bà Hoàng Yến đang tiếp tục được làm rõ.
Ngoài việc không khai rõ từng là đảng viên và không khai về chồng là ông Jimmy Trần đang bị truy nã, trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến còn có một số nội dung khác cũng khai không đúng. Chẳng hạn phần khen thưởng, bà Hoàng Yến khai có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003-2007 do góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; bằng khen của UBND TP.HCM năm 2006, 2007, nhưng thời gian này được xác định là bà Yến đang sinh sống, cư trú ở Hoa Kỳ.
Cuối năm 2011, Ban công tác đại biểu của Quốc hội có đề nghị bà Yến khai lại sơ yếu lý lịch cho chính xác, thống nhất thì bà Yến khai thêm 20 mục thành tích - chủ yếu là những danh hiệu, giải, cúp do các tổ chức phi chính phủ, các hội bình chọn, trao tặng hoặc cấp chứng thư.
Có sai sót trong thẩm định hồ sơ
Chiều qua, một cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Long An xác nhận Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản báo cáo, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề liên quan đến đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Theo đó, tỉnh khẳng định quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Yến là đảm bảo khách quan, đúng quy định. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận và thẩm định hồ sơ ứng cử viên Hoàng Yến đã có sai sót.
Cụ thể, khi tiếp nhận hồ sơ của bà Hoàng Yến, Ủy ban bầu cử tỉnh Long An không kiểm tra chặt chẽ nên không phát hiện được bà này kê khai thiếu một số thông tin trong bản tự khai tiểu sử tóm tắt. Đó là không ghi rõ từng mốc thời gian (từ ngày...tháng...năm đến ngày...tháng...năm) làm công việc gì, giữ chức vụ gì, cấp bậc gì, ở cơ quan nào, ở đâu. Đáng chú ý là giai đoạn được cho là “nhạy cảm” đối với bà Hoàng Yến là năm 1994 đến năm 2011, bà này khai rất chung chung, thiếu các chi tiết trên từng mốc thời gian cụ thể.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Long An thừa nhận thiếu sót trên thuộc về Ủy ban MTTQ VN tỉnh và Sở Nội vụ. “Hiện nay tỉnh cũng đang chờ kết luận chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trường hợp đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Khi đó mới tính đến chuyện kiểm điểm, xử lý” - vị lãnh đạo này nói.
Đề cập vấn đề sai sót trong việc xác minh lý lịch bà Đặng Thị Hoàng Yến trước khi giới thiệu, hiệp thương lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ông Lê Phước Thọ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên trưởng Ban Tổ chức trung ương - cho rằng đây là việc làm sai nghiêm trọng. Trước tiên là trách nhiệm của Ủy ban MTTQ nơi giới thiệu người ứng cử. Không thể đổ lỗi do công ty giới thiệu hay các vòng hiệp thương đều không có ý kiến thắc mắc nên không nắm rõ lý lịch bà Hoàng Yến.
Là tổ chức nắm “đầu vào” thì phải biết rõ người mình giới thiệu là ai, nhân thân thế nào. Cũng giống như khi vào Đảng, người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về tư cách, lý lịch của người mà mình giới thiệu. Ở đây, Ủy ban MTTQ chưa nắm rõ lý lịch của bà Hoàng Yến đã giới thiệu ứng cử vào cơ quan quyền lực nhất của Nhà nước là không ổn. Tiếp đến là lỗi của Sở Nội vụ, thiếu xác minh, thẩm tra. Bà Hoàng Yến từng là đảng viên, không sinh hoạt Đảng quá ba tháng thì sẽ bị gạt tên ra khỏi tổ chức Đảng, không còn tư cách là người đảng viên. Vì thế không thể nói không nắm được việc bà Hoàng Yến có vào Đảng hay chưa.
Tương tự, luật sư Trần Công Ly Tao (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nêu rõ: “Theo Luật bầu cử Quốc hội, việc xem xét hồ sơ lý lịch, thẩm tra tư cách đại biểu được thực hiện nhiều lần, qua các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri, qua sự thẩm định giới thiệu của Ủy ban MTTQ. Nếu ứng cử viên có gian dối, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra phát hiện. Chuyện khai báo không trung thực về tiểu sử, quá trình làm việc của người ứng cử không được phát hiện kịp thời trong quá trình xem xét tư cách ứng cử viên còn có trách nhiệm của hội đồng bầu cử, ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội”.
Vi phạm quy định về bầu cử
Theo luật sư Trần Công Ly Tao, một trong các nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội là bình đẳng, đảng viên hay người ngoài Đảng đều có thể là đại biểu Quốc hội. Luật sư Trần Công Ly Tao nói: “Vấn đề là nếu anh là đảng viên thì phải khai rõ là đảng viên, người ngoài Đảng phải khai là người ngoài Đảng. Một đảng viên mà ứng cử đại biểu Quốc hội lại khai là không có Đảng là gian dối. Trường hợp người đã vào Đảng nhưng sau đó vì lý do gì đó không còn là đảng viên nữa cũng cần phải khai báo rõ ràng trong lý lịch ứng cử. Nếu ứng cử viên khai báo giấu giếm tiểu sử dẫn đến việc làm cho cử tri nhầm lẫn về tư cách đại biểu là vi phạm quy định về bầu cử”.
Theo một vị nguyên lãnh đạo trong ngành kiểm tra Đảng, cái cần nhất đối với ứng cử viên là phải có lý lịch bản thân rõ ràng, chứ không quan trọng khai như thế nào đó để có lý lịch sạch. Theo nguyên tắc này, lịch sử bản thân cũng như quá trình công tác phải ghi cụ thể, còn ngược lại được hiểu là khai lý lịch không rõ ràng hay khai không trung thực.
Vị cán bộ này cũng cho rằng với những người ứng cử đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, nếu đã từng là đảng viên nhưng sau đó không còn là đảng viên (có thể bị xóa tên do bỏ sinh hoạt hay bị kỷ luật Đảng) cần được thông tin đầy đủ trong các khâu, các bước của bầu cử, vì đây là vấn đề có tác động đến việc lựa chọn trong quá trình hiệp thương giới thiệu ra ứng cử cũng như lựa chọn của cử tri khi bỏ phiếu. Về nguyên tắc, yêu cầu để ứng cử không quan trọng là đảng viên hay không là đảng viên, miễn là có đầy đủ quyền công dân và đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật định. Dẫu sao đi nữa, đứng về tâm lý, các cử tri có cảm tình với ứng cử viên không là đảng viên hơn là người đã từng là đảng viên nhưng bị xóa tên vì lý do bỏ sinh hoạt Đảng hay bị kỷ luật Đảng.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Phải trung thực với cử tri
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã quy định năm tiêu chuẩn của đại biểu: Thứ nhất, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp... Thứ hai, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liên chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thứ tư, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Thứ năm, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. Các tiêu chuẩn này có thể rất đầy đủ nhưng còn ở mức độ khái quát, cho nên cần được giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn nữa để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và cử tri nắm rõ, từ đó thực hiện được các quyền của mình trong quá trình bầu cử cũng như các vấn đề phát sinh sau bầu cử nếu có.
Vận dụng các tiêu chuẩn này vào từng trường hợp cụ thể, cử tri có quyền đặt câu hỏi về phẩm chất đạo đức đối với ứng cử viên hoặc đại biểu nhân dân. Dù không đặt nặng vấn đề “lý lịch” theo cách hiểu máy móc, nhưng người đại biểu nhân dân có đạo đức tốt trước hết phải là người có lý lịch rõ ràng, minh bạch để cử tri biết, từ đó cử tri mới có căn cứ để quyết định lá phiếu của mình. Trong các cuộc bầu cử ở bất cứ quốc gia nào, sự trung thực của ứng cử viên luôn được đặt lên hàng đầu, vì đó là một trong những yếu tố phản ánh phẩm chất đạo đức của ứng cử viên. Nếu ứng cử viên không trung thực với cử tri, không trung thực với các cơ quan tham gia quá trình bầu cử thì có thể khẳng định ngay là không đủ tiêu chuẩn để làm người đại biểu nhân dân.

Thịt ôi thành tươi nhờ... phân bón

Hóa chất "mang tên"... phân bón
Người tiêu dùng đang hoang mang vì các thông tin thịt tẩy hóa chất để biến những loại thịt ôi, thịt thiu, thịt lợn ốm thành những loại thịt ngon, tươi roi rói. Nhiều người chấp nhận tẩy chay với các loại thịt lợn mua ở chợ hoặc từ biệt những quán cơm bình dân giá rẻ.
Mang băn khoăn của người tiêu dùng đến gặp PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa để hỏi kỹ hơn về chất săm - pết các loại thịt này. TS Thịnh không lấy làm lạ vì các chất này thực tế được sử dụng từ rất lâu và được phép sử dụng trong một liều lượng nhỏ nhất định. Nhưng hiện nay trên thị trường đang bán tràn lan các loại hóa chất này với giá rất rẻ nên những người buôn bán thịt lạm dụng mua về tẩy thịt.
PGS - TS Phạm Duy Thịnh cho biết, theo truyền thống người dân thường sử dụng hóa chất có ký hiệu là KNO3 để bảo quản thịt chống ôi, thiu. KNO3 có thành phần giống như các chất làm phân bón trong nông nghiệp nhưng chức năng khác nhau nên mục đích sản xuất cũng khác nhau. Ví dụ một thanh tre làm chổi quét đường thì phải khác với thanh tre làm tăm.
Vì thế việc dùng KNO3 làm chất phụ gia với Nitoratkali làm phân bón là một chất giống nhau. Mục đích khác nhau thì sản xuất khác nhau. Thông thường với mục đích thực phẩm nên độ tinh khiết của KNO3 rất cao lến 99,9 %, còn làm phân bón chỉ ở mức độ 40 - 50 %.

Chỉ với một lượng hóa chất nhỏ, thịt thiu, ươn sẽ biến thành thịt ngon. Ảnh Phunutoday
Sau khi đề cập đến chuyện những người bán hàng có thể dùng hóa chất sản xuất phân bón để tẩm, tẩy thịt, PGS Thịnh cho biết: Ở Châu Âu người ta vẫn dùng KNO3 tẩy thịt, bản thân chất này được dùng nhưng dùng như thế nào cho an toàn thì lại là vấn đề. Thông thường người ta dùng với lượng 170 mg/1 kg thịt. Nhưng khi về Việt Nam thì mọi thứ đều thay đổi.
Trên thực tế, KNO3 trên thị trường bán 30 nghìn đồng/kg nếu dùng 1 gam /cân thịt thì chỉ mất khoảng 30 đồng, cho gấp nhiều lần hiệu quả bảo quản tốt. Trong kỹ thuật chỉ được 170mg/kg. Người ta lạm dụng vì mất rất ít tiền. Cho đến 10g chỉ mất 300 đồng để biển thịt ôi thành thịt ngon. Để biến loại thịt đã bị thối, thịt lợn ốm cả tạ đã chôn xuống đất chỉ mất vài nghìn đồng, chính vì thể nhiều người vì lợi nhuận không tiếc tay ngâm tẩm KNO3 với thịt để làm tươi thịt.
Công thức xử lý và lời khuyên cho người tiêu dùng
Lợi dụng vào đặc tính biến đổi hóa học để biến thịt ôi, thiu thành thịt ngon. Miếng thịt vừa giết Hemoglobin nằm trong thịt vẫn còn. Khi Hemoglobin tiếp xúc với O2 thành Memogrobin. Thịt ươn đang phân hủy có mùi, mất màu đỏ tạo thành màu thâm đen. Chất NO3 trong KNO3 sẽ biến Memogrobin thành Hemoglopin, màu thâm thâm của thịt thành thịt đỏ. Thịt đó vẫn ngon. Sau công đoạn làm thịt tươi, người ta có thể tẩy mùi hôi, thiu và mùi NO3 bằng cách ngâm vào chất tẩy trắng Na2 SO3. Chất này oxi hóa mạnh làm mất mùi amoniac

 
Người tiêu dùng có thể chọn thịt bằng cảm giác sờ vào thấy thịt dẻo mềm

Người tiêu dùng có thể phân biệt qua 3 đặc điểm màu, mùi và trạng thái.  Nhưng khi miếng thịt đã được làm đỏ tươi, hết mùi miếng thịt ươn nhão vì chỉ cứng bề mặt bên trong đã nhão. Người mua thịt chỉ cần cầm miếng thịt bóp nhẹ khi vượt qua vị trí cứng sẽ nhão ra đó là thịt đã tẩy mùi. Còn loại thịt tươi bình thường sờ tay vào bóp nhẹ thấy mềm và dẻo
Theo tôi, biến thịt thối thành thịt tươi có hai nguồn thịt là thịt nhập khẩu quá hạn. Vì ở các nước sản xuất thịt đều có hạn dùng khi đó quá hạn người ta bán tống bán tháo. Lúc nhập về Việt Nam, người ta sẽ đưa vào xử lý rồi bán cho người dân.
Nguồn thứ hai thịt đó không đi từ lò giết mổ, trang trại mà đi từ nguồn thịt đào thải nào đó. Thực tế, chúng ta đã gặp ở khu bị dịch bệnh lợn, bò đã tiêu hủy người ta vẫn mang ra giết. Nếu thịt đi từ nguồn đó rất nguy hiểm nhiễm độc kép (nhiều lần dịch bệnh và chất độc). Thịt lợn đã bị hỏng sẽ có lượng vi khuẩn phát triển trong thịt, một số độc tố này nấu chín không mất được. Nếu người sử dụng mua phải thịt đã qua săm - pết thường mắc ngộ độc trường diễn, hiếm trường hợp mắc ngộ độc cấp tính. Chính vì vậy mà người tiêu dùng càng mất cảnh giác với loại hóa chất tẩy thịt này.
Thông thường nguồn gốc của loại hóa chất không dùng trong thực phẩm mà chỉ dùng trong công nghiệp sẽ gây ra 4 nguồn gây độc : độc trong thịt lợn, vi sinh vật phát triển, lượng NO3 cao quá và tạp chất.
PGS Thịnh dự đoán về nơi có thể tiêu thụ những loại thịt đã qua săm pết chủ yếu là chợ có và quán cơm bình dân. Quán cơm mức thấp chủ yếu là khách lạ, người nghèo ăn khi đó chính họ lại là người chịu trận.
(Theo Giáo dục Việt Nam)

BĐS: Nhà đất loại nào cũng thừa thãi

Ông Richard Leech - Giám đốc điều hành của Công ty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) cho rằng, nếu như 9 năm trước đây, nhìn vào thị trường BĐS thấy phân khúc, loại hình nào cũng thiếu sản phẩm, thì nay sau 9 năm, tất cả đều thừa. Vấn đề làm sao để thu hút khách hàng, lấp đầy nguồn cung mới này chính là mối quan tâm hàng đầu của các chủ đầu tư bây giờ.
Hãng tư vấn tiếp thị BĐS này ghi nhận đến thời điểm hiện tại, tổng số căn hộ đã được chào bán trên thị trường Hà Nội ở mức trên 107.000 căn. Trong đó, nguồn cung trong cả năm 2011 là 25.000 căn. 3 tháng đầu năm 2012, nguồn cung chào bán mới khá dè dặt và hạn chế, chỉ đạt 1.100 căn.
Đây là con số rất nhỏ bé so với cùng kỳ các năm trước, song cũng góp phần làm tăng thêm tình trạng dư cung của thị trường. Bởi lẽ trong một báo cáo hồi tháng 1/2012, CBRE đã đề cập, tỷ lệ bán thành công ngày càng giảm dần hoàn toàn chẳng thấm tháp gì với hàng chục nghìn căn hộ tồn đọng tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Chỉ riêng quý IV/2011, số căn hộ chưa bán được đã lên tới trên 18.000 căn.
Nếu như năm 2010, tỷ lệ bán của các phân khúc căn hộ hạng sang, cao cấp, trung cấp và bình dân luôn đạt tỷ lệ rất tốt, từ khoảng 60-100%, tính trung bình, mức tiêu thụ đạt 76% trên tổng nguồn cung, thì sang năm 2011, tỷ lệ bán của các phân khúc chỉ còn dao động ở biên độ từ 20-65%, tính trung bình, mức tiêu thụ chỉ đạt 44% trên tổng cung. Thậm chí những tháng cuối năm 2011, đầu 2012, tỷ lệ bán một số phân khúc được ghi nhận chỉ còn vài phần trăm.
Theo kế hoạch đã đăng ký của các chủ đầu tư, dự kiến năm 2012, số lượng căn hộ đưa ra thị trường năm nay sẽ vào khoảng 20.000 căn. Tuy nhiên, với thực tế sức mua ảm đạm như hiện nay, chắc chắn chủ đầu tư nhiều phân khúc sẽ vẫn chờ đợi và quan sát, không dám ra hàng. Vì thế theo CBRE, nguồn cung chào bán mới có thể điều chỉnh giảm.
Trong khi đó loại hình căn hộ dịch vụ, dành cho người nước ngoài thuê tại Hà Nội cũng vắng khách liên miên. Với tổng cung hiện tại đang là 2.750 căn hộ nhưng tỷ lệ trống vẫn đạt khoảng 29%, tức có gần 800 căn hộ chưa có khách thuê.
Các dự án mới đưa vào hoạt động thuộc khu vực phía Tây thành phố như Grand Plaza với 180 căn, công suất phòng đạt thấp hơn mức trung bình hiện tại là dưới 20%; Keangnam Landmark 72 mới có 30 khách hàng thuê đầu tiên trong tổng số 378 căn hộ dịch vụ đưa ra từ tháng 1/2012 (công suất phòng 10%)
Mảng văn phòng cho thuê tại Hà Nội quý I/2012 hiếm hoi chứng kiến gần như không có nguồn cung mới. Với tổng diện tích cho thuê thực là trên 800.000m2 tại 119 tòa nhà thuộc các phân hạng khác nhau, tỷ lệ trống bình quân có thể chiếm khoảng 30% thị trường. Giá thuê tiếp tục giảm sút, trung bình ở mức 500.000 đồng/m2/tháng.
Tương tự, thị trường mặt bằng bán lẻ các tháng đầu năm cũng không có nguồn cung mới. Nguồn cung thực vẫn duy trì ở mức trên 246.000m2. Tỷ lệ trống trung bình toàn thị trường là 13,2%, trong đó riêng mặt bằng bán lẻ tại khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ trống lên đến khoảng 15%.
4 mảng chính của thị trường BĐS Hà Nội đều trong cảnh bội thực nguồn cung, khan hiếm khách mua/thuê. Lý do của tình trạng trên đan xen các yếu tố chủ quan và khách quan, từ vĩ mô đến vi mô. Khách quan do kinh tế gặp nhiều khó khăn, đình đốn, nguồn vốn cho BĐS bị siết chặt dẫn đến nhu cầu tiêu dùng, mua sắm các tài sản có giá trị giảm sút.
Số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh, kéo theo nhu cầu thuê BĐS làm văn phòng tuột dốc; người có nhu cầu về nhà ở vẫn khó tiếp cận do giá còn cao và tâm lý chờ đợi giá giảm sâu thêm…
Ngoài ra, còn phải kể đến những nhân tố chủ quan như sự phát triển ồ ạt, thiếu chiến lược của các chủ đầu tư trong việc phát triển, vận hành mặt sàn bán lẻ hiện đại, dẫn tới nhiều trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ mọc ra ồ ạt nhưng không thể thu hút khách đến mua sắm, khách kinh doanh cũng phải nản chí rời bỏ, đóng cửa hàng. 

Nguồn Yahoo