Vùng não xử lý thị giác nhỏ hơn mức bình thường là nguyên nhân khiến một số người có khả năng thấy âm thanh.
Một số người thấy âm thanh ở dạng ảo ảnh do vùng thị giác của họ nhỏ hơn mức bình thường. Ảnh: shutterstock.com. |
Nếu hai tiếng "bíp" vang lên sau khi một chớp sáng
xuất hiện, đôi khi con người thấy hai chớp sáng liên tiếp. Trên thực tế
chúng ta chỉ thấy một chớp sáng, còn chớp sáng kia là ảo giác. Đây là
hiện tượng ảo giác do âm thanh.
Vài thử nghiệm trước đây cho thấy, khi hai âm thanh
vang lên sau chớp sáng, một số người luôn thấy hai chớp, còn một số
người lại không bao giờ thấy chớp thứ hai. Benjamin de Haas, một nhà
nghiên cứu thần kinh của Đại học London tại Anh, cho rằng cấu tạo não là
nguyên nhân gây nên sự khác biệt này. Để kiểm chứng, de Haas và đồng
nghiệp tuyển 29 người tình nguyện để thực hiện một thử nghiệm, Livescience đưa tin.
Các nhà nghiên cứu phân tích não của nhóm tình nguyện
viên bằng máy chụp cộng hưởng từ rồi cho họ thấy một chớp sáng và nghe
hai tiếng "bíp".
Kết quả cho thấy, nếu tính trung bình, mỗi tình nguyện
viên thấy ảo giác trong 62% số lần nghe tiếng "bíp". Một số người chỉ
thấy ảo giác trong 2% số lần, trong khi một số người khác thấy ảo giác
trong 100% số lần âm thanh vang lên.
Khi đối chiếu hình ảnh chụp cắt lớp của não với từng
tình nguyện viên, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người thấy ảo giác
trong 100% số lần tiếng "bíp" vang lên có vùng não thị giác nhỏ hơn so
với những người kia.
"Nếu hai người cùng nhìn một vật, chúng ta luôn nghĩ
chúng ta sẽ có cảm nhận giống nhau về vật ấy. Song thử nghiệm của chúng
tôi cho thấy điều đó không xảy ra trong mọi tình huống. Đôi khi cảm nhận
của bạn phụ thuộc vào cấu tạo não", de Haas phát biểu.
Nhóm nghiên cứu cho rằng bộ não tạo ra ảo giác để bù
đắp cho vùng thị giác không hoàn hảo. Quá trình não tái hiện những thứ
mà mắt thấy diễn ra rất hiệu quả, song không hoàn hảo. Khi các sự kiện
diễn ra quá nhanh, như ánh sáng lóe lên, não sẽ mắc sai lầm và tạo nên
ảo giác. Trong thế giới thực, chúng ta thường thấy những thứ phát ra cả
ánh sáng và âm thanh. Vì thế kết hợp chúng với nhau sẽ mang đến lợi thế
cho con người.
"Hãy tưởng tượng bạn đi trong rừng vào buổi tối khi
trăng đang mọc. Cách tốt nhất để phát hiện thú dữ là kết hợp thông tin
thị giác - như hình dáng, kích thước, màu lông - với thông tin thính
giác - như tiếng gãy của cành cây, âm thanh từ miệng con vật", de Haas
lập luận.