Hồ sơ Bà Hoàng Yến: Sáng tỏ tình tiết nhạy cảm
TT - Những “khoảng trống” trong hồ sơ đại biểu Quốc hội
Đặng Thị Hoàng Yến dường như đã được “lấp đầy”. Có đủ chứng cứ cho thấy
những “khoảng trống” này bao gồm các tình tiết được coi là rất “nhạy
cảm”.
Bà Hoàng Yến là chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Tân Đức.
|
Bà Đặng Thị Hoàng Yến tại diễn đàn Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ngày 14-4, trao đổi với Tuổi Trẻ về một số vấn
đề liên quan đến những “khoảng trống” trong hồ sơ đại biểu Quốc hội
Đặng Thị Hoàng Yến, một lãnh đạo của Vụ Công tác đại biểu (Văn phòng
Quốc hội) cho biết đến thời điểm hiện nay chưa có kết luận chính thức về
vụ việc. Vị lãnh đạo này cũng nói có nhiều vấn đề liên quan đến bà
Hoàng Yến được xác định là khai không đúng, khai sai và không trung
thực.
Từng là đảng viên
Lãnh đạo Vụ Công tác đại biểu cho rằng thông tin bà Yến
không còn sinh hoạt Đảng đang được xem xét và cơ bản có thể hiểu là bà
Yến đã bỏ Đảng. Việc bà Yến không khai nội dung này trong hồ sơ ứng cử
đại biểu Quốc hội là không trung thực. Điều này vẫn còn có nhiều ý kiến
khác nhau, cần phải xem xét kỹ, kết luận một cách rất khách quan, đúng
quy định của pháp luật. Ban công tác đại biểu Quốc hội sẽ có báo cáo Ủy
ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội về trường hợp bà Hoàng Yến.
Việc kiến nghị, xử lý như thế nào đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến sẽ do Ủy
ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định.
Theo thông tin PV Tuổi Trẻ có được, trong thời
gian công tác ở quận 5 (TP.HCM), bà Đặng Thị Hoàng Yến được kết nạp
Đảng tại chi bộ Phòng thương nghiệp quận 5 ngày 27-11-1986. Đến tháng
4-1992, bà Yến được UBND quận 5 điều động về Phòng tổ chức chính quyền
quận 5 để tạo điều kiện cho đi học. Sau đó, bà Hoàng Yến chuyển công tác
về Trung tâm Phát triển ngoại thương TP.HCM. Từ thời điểm này bà Yến có
còn sinh hoạt Đảng hay không, có còn là đảng viên hay không thì không
được xác định. Đến năm 2011, mục “ngày vào Đảng” trong hồ sơ ứng cử đại
biểu Quốc hội, bà Hoàng Yến khai “không”.
Từng có xác minh về đại biểu Hoàng Yến
Ngày
26-11-2011, tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII,
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công khai kết quả xác minh
về đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Theo đó, kết quả xác minh của Bộ Công
an cho biết bà Yến chưa bị khởi tố bị can trong vụ án cố ý làm lộ bí mật
nhà nước (năm 1998).
Trong
quá trình điều tra vụ án, có một số đối tượng liên quan nhưng trong hồ
sơ lưu trữ không có bà Hoàng Yến. Tuy nhiên, bà Yến có bị cấm xuất cảnh
trong hai năm (từ tháng 10-1998 đến tháng 10-2000) để phục vụ việc điều
tra vụ án này. Bộ Công an cũng khẳng định chưa có tài liệu thể hiện đại
biểu Yến có hành vi trốn ra nước ngoài hay tham gia đường dây chuyển
tiền ra nước ngoài. “Cơ bản là không có vấn đề gì” - ông Nguyễn Hạnh
Phúc nói.
Về
vụ ly hôn giữa bà Yến và ông Jimmy Trần, ông Phúc cho biết do thủ tục
tố tụng chưa đúng với quy định pháp luật nên ngành tư pháp đã xem xét và
yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Long An ra quyết định kỷ luật, hình thức
khiển trách với thẩm phán thụ lý vụ án. Cơ quan chức năng cũng đã chỉ
đạo tiến hành giám đốc thẩm. Nếu bản án có sai phạm sẽ phải hủy để xét
xử lại (sau đó bản án bị hủy, ngày 11-4-2012 bà Hoàng Yến rút đơn xin ly
hôn).
Riêng
về vụ bà Hoàng Yến từng là đảng viên, trong thời điểm có cuộc họp báo,
cơ quan chức năng chưa đặt ra vấn đề xác minh, nhưng lúc đó ông Nguyễn
Hạnh Phúc có nói còn một số vấn đề liên quan đến bà Hoàng Yến đang tiếp
tục được làm rõ.
|
Ngoài việc không khai rõ từng là đảng viên và không
khai về chồng là ông Jimmy Trần đang bị truy nã, trong hồ sơ ứng cử đại
biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến còn có một số nội dung khác cũng
khai không đúng. Chẳng hạn phần khen thưởng, bà Hoàng Yến khai có bằng
khen của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003-2007 do góp phần vào sự nghiệp
xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; bằng khen của UBND TP.HCM năm 2006,
2007, nhưng thời gian này được xác định là bà Yến đang sinh sống, cư trú
ở Hoa Kỳ.
Cuối năm 2011, Ban công tác đại biểu của Quốc hội có đề
nghị bà Yến khai lại sơ yếu lý lịch cho chính xác, thống nhất thì bà
Yến khai thêm 20 mục thành tích - chủ yếu là những danh hiệu, giải, cúp
do các tổ chức phi chính phủ, các hội bình chọn, trao tặng hoặc cấp
chứng thư.
Có sai sót trong thẩm định hồ sơ
Chiều qua, một cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Long An xác nhận
Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản báo cáo, giải trình Ủy ban Thường
vụ Quốc hội một số vấn đề liên quan đến đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến.
Theo đó, tỉnh khẳng định quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử
đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Yến là đảm bảo khách quan, đúng quy
định. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận và thẩm định hồ sơ ứng cử viên
Hoàng Yến đã có sai sót.
Cụ thể, khi tiếp nhận hồ sơ của bà Hoàng Yến, Ủy ban
bầu cử tỉnh Long An không kiểm tra chặt chẽ nên không phát hiện được bà
này kê khai thiếu một số thông tin trong bản tự khai tiểu sử tóm tắt. Đó
là không ghi rõ từng mốc thời gian (từ ngày...tháng...năm đến
ngày...tháng...năm) làm công việc gì, giữ chức vụ gì, cấp bậc gì, ở cơ
quan nào, ở đâu. Đáng chú ý là giai đoạn được cho là “nhạy cảm” đối với
bà Hoàng Yến là năm 1994 đến năm 2011, bà này khai rất chung chung,
thiếu các chi tiết trên từng mốc thời gian cụ thể.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Long An thừa nhận thiếu sót trên
thuộc về Ủy ban MTTQ VN tỉnh và Sở Nội vụ. “Hiện nay tỉnh cũng đang chờ
kết luận chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trường hợp đại biểu
Đặng Thị Hoàng Yến. Khi đó mới tính đến chuyện kiểm điểm, xử lý” - vị
lãnh đạo này nói.
Đề cập vấn đề sai sót trong việc xác minh lý lịch bà
Đặng Thị Hoàng Yến trước khi giới thiệu, hiệp thương lựa chọn ứng cử
viên đại biểu Quốc hội, ông Lê Phước Thọ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên trưởng Ban Tổ chức trung ương - cho rằng đây là việc làm sai
nghiêm trọng. Trước tiên là trách nhiệm của Ủy ban MTTQ nơi giới thiệu
người ứng cử. Không thể đổ lỗi do công ty giới thiệu hay các vòng hiệp
thương đều không có ý kiến thắc mắc nên không nắm rõ lý lịch bà Hoàng
Yến.
Là tổ chức nắm “đầu vào” thì phải biết rõ người mình
giới thiệu là ai, nhân thân thế nào. Cũng giống như khi vào Đảng, người
giới thiệu phải chịu trách nhiệm về tư cách, lý lịch của người mà mình
giới thiệu. Ở đây, Ủy ban MTTQ chưa nắm rõ lý lịch của bà Hoàng Yến đã
giới thiệu ứng cử vào cơ quan quyền lực nhất của Nhà nước là không ổn.
Tiếp đến là lỗi của Sở Nội vụ, thiếu xác minh, thẩm tra. Bà Hoàng Yến
từng là đảng viên, không sinh hoạt Đảng quá ba tháng thì sẽ bị gạt tên
ra khỏi tổ chức Đảng, không còn tư cách là người đảng viên. Vì thế không
thể nói không nắm được việc bà Hoàng Yến có vào Đảng hay chưa.
Tương tự, luật sư Trần Công Ly Tao (phó chủ nhiệm Đoàn
luật sư TP.HCM) cũng nêu rõ: “Theo Luật bầu cử Quốc hội, việc xem xét hồ
sơ lý lịch, thẩm tra tư cách đại biểu được thực hiện nhiều lần, qua các
hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri, qua sự thẩm định giới thiệu của
Ủy ban MTTQ. Nếu ứng cử viên có gian dối, các cơ quan này phải có trách
nhiệm kiểm tra phát hiện. Chuyện khai báo không trung thực về tiểu sử,
quá trình làm việc của người ứng cử không được phát hiện kịp thời trong
quá trình xem xét tư cách ứng cử viên còn có trách nhiệm của hội đồng
bầu cử, ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội”.
Vi phạm quy định về bầu cử
Theo luật sư Trần Công Ly Tao, một trong các nguyên tắc
bầu cử đại biểu Quốc hội là bình đẳng, đảng viên hay người ngoài Đảng
đều có thể là đại biểu Quốc hội. Luật sư Trần Công Ly Tao nói: “Vấn đề
là nếu anh là đảng viên thì phải khai rõ là đảng viên, người ngoài Đảng
phải khai là người ngoài Đảng. Một đảng viên mà ứng cử đại biểu Quốc hội
lại khai là không có Đảng là gian dối. Trường hợp người đã vào Đảng
nhưng sau đó vì lý do gì đó không còn là đảng viên nữa cũng cần phải
khai báo rõ ràng trong lý lịch ứng cử. Nếu ứng cử viên khai báo giấu
giếm tiểu sử dẫn đến việc làm cho cử tri nhầm lẫn về tư cách đại biểu là
vi phạm quy định về bầu cử”.
Theo một vị nguyên lãnh đạo trong ngành kiểm tra Đảng,
cái cần nhất đối với ứng cử viên là phải có lý lịch bản thân rõ ràng,
chứ không quan trọng khai như thế nào đó để có lý lịch sạch. Theo nguyên
tắc này, lịch sử bản thân cũng như quá trình công tác phải ghi cụ thể,
còn ngược lại được hiểu là khai lý lịch không rõ ràng hay khai không
trung thực.
Vị cán bộ này cũng cho rằng với những người ứng cử đại
biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, nếu đã từng là đảng viên nhưng sau đó
không còn là đảng viên (có thể bị xóa tên do bỏ sinh hoạt hay bị kỷ luật
Đảng) cần được thông tin đầy đủ trong các khâu, các bước của bầu cử, vì
đây là vấn đề có tác động đến việc lựa chọn trong quá trình hiệp thương
giới thiệu ra ứng cử cũng như lựa chọn của cử tri khi bỏ phiếu. Về
nguyên tắc, yêu cầu để ứng cử không quan trọng là đảng viên hay không là
đảng viên, miễn là có đầy đủ quyền công dân và đáp ứng các tiêu chuẩn
theo luật định. Dẫu sao đi nữa, đứng về tâm lý, các cử tri có cảm tình
với ứng cử viên không là đảng viên hơn là người đã từng là đảng viên
nhưng bị xóa tên vì lý do bỏ sinh hoạt Đảng hay bị kỷ luật Đảng.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Phải trung thực với cử tri
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã quy định năm tiêu
chuẩn của đại biểu: Thứ nhất, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp...
Thứ hai, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liên chính, chí công vô tư,
gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện
quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp
luật.
Thứ ba, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại
biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thứ tư, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân,
được nhân dân tín nhiệm. Thứ năm, có điều kiện tham gia các hoạt động
của Quốc hội. Các tiêu chuẩn này có thể rất đầy đủ nhưng còn ở mức độ
khái quát, cho nên cần được giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn nữa để các
ứng cử viên đại biểu Quốc hội và cử tri nắm rõ, từ đó thực hiện được các
quyền của mình trong quá trình bầu cử cũng như các vấn đề phát sinh sau
bầu cử nếu có.
Vận dụng các tiêu chuẩn này vào từng trường hợp cụ thể,
cử tri có quyền đặt câu hỏi về phẩm chất đạo đức đối với ứng cử viên
hoặc đại biểu nhân dân. Dù không đặt nặng vấn đề “lý lịch” theo cách
hiểu máy móc, nhưng người đại biểu nhân dân có đạo đức tốt trước hết
phải là người có lý lịch rõ ràng, minh bạch để cử tri biết, từ đó cử tri
mới có căn cứ để quyết định lá phiếu của mình. Trong các cuộc bầu cử ở
bất cứ quốc gia nào, sự trung thực của ứng cử viên luôn được đặt lên
hàng đầu, vì đó là một trong những yếu tố phản ánh phẩm chất đạo đức của
ứng cử viên. Nếu ứng cử viên không trung thực với cử tri, không trung
thực với các cơ quan tham gia quá trình bầu cử thì có thể khẳng định
ngay là không đủ tiêu chuẩn để làm người đại biểu nhân dân.