Thần đồng 4 tuổi tại Bắc Ninh có khả năng phi thường

(Dân trí) - “Tôi xếp em bé này vào dạng những người có bộ óc máy tính” - ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - đánh giá về khả năng đặc biệt của cậu bé Phạm Tuấn Minh.
 >>  Xôn xao về "thần đồng" 4 tuổi có khả năng tính toán phi thường




 Để tìm lời giải cho khả năng đặc biệt của bé Phạm Tuấn Minh ở Bắc Ninh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.
Ông đánh giá như thế nào về trường hợp của bé Phạm Tuấn Minh?
Có thể thấy em bé này có rất nhiều khả năng đặc biệt mà nhiều người không có được như nhớ rất nhanh số điện thoại của một người mới gặp mà chỉ nghe lần đầu và có thể nhớ đến mấy trăm số. Tôi cũng biết nhiều trường hợp nhập tâm rất nhanh các dãy số nhưng em bé này còn rất nhỏ mà đã làm được điều này thì quả là rất giỏi.
Thứ hai, là em có thể học rất nhanh chữ cái khi mẹ đánh vần vài lần. Nhưng khả năng thứ 3 của em hết sức kỳ lạ, em có thể chuyển đổi ngày thứ của một tuần lễ. Rồi em có thể đổi năm dương lịch sang năm âm lịch, kỳ diệu hơn em có thể đổi ngày dương lịch sang ngày âm lịch. Tôi là người làm về lịch ở trong hội đồng thẩm định lịch của Bộ Khoa học và công nghệ môi trường, tôi là tác giả của lịch quốc tế cải tiến đã được công bố nhưng mà tôi rất khó để chuyển đổi trong đầu tôi một ngày thứ nào đó. Hỏi là thứ mấy thì tôi có thể tính được nhưng phải mất thời gian còn em bé này lại làm được điều này chỉ trong tích tắc thì quả là phi thường.
Tôi gọi em bé này là thần đồng và trong hàng vạn người, hàng triệu người mới có một em bé đặc biệt như thế.
Thưa ông, vậy cách tính lịch theo cách thông thường phải tuân theo các quy tắc nào?
Trước hết phải nói rằng lịch âm và lịch dương là hai lịch khác nhau. Dương lịch có quy luật tính theo 365 ngày với các con số lẻ, sau bốn năm nó có một ngày nhuận. Các ngày thứ của nó xếp như một trục can chi, cứ sau 60 chu kỳ lại quay lại như cũ. Cho nên nắm được quy tắc thì có thể chuyển đổi được nhưng để làm được điều này cũng phải mất thời gian chứ không thể tính nhẩm ngay được.
Việc chuyển đổi năm dương lịch sang âm lịch cũng có quy tắc can chi dựa theo quy tắc: Canh là 0, Tân là 1, Nhâm là 2, Quý là 3, Giáp là 4... cứ như thế cho đến hết. Thế nhưng bây giờ muốn là Canh gì? Thì đó là một quy tắc khác, phức tạp hơn, tôi không làm được việc đó nhanh nhưng em bé này 4 tuổi mà làm được điều đó thì “đầu óc máy tính” của em đó rất giỏi.
Cái đó cũng còn dễ dàng nhưng bây giờ chuyển từ ngày dương lịch sang ngày âm lịch thì khó hơn bởi quy luật dương lịch và âm lịch theo quy luật 19 năm nó đi hết một chu kỳ. Trong 19 năm đó lại có 7 năm nhuận, mà quy tắc lịch âm còn có tháng nhuận vào ngày nào, trung khí, tiết khí... Tôi là người trong ban làm lịch tôi không thể tính được mà phải lấy giấy bút còn đối với em bé 4 tuổi mà làm được điều này thì tôi khẳng định đó thật sự là phi thường.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Tôi xếp em bé Tuấn Minh vào dạng người có bộ óc máy tính 
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: "Tôi xếp em bé Tuấn Minh vào dạng người có bộ óc máy tính"
Chúng ta phải lý giải như thế nào về khả năng đặc biệt của em bé này, thưa ông?
Tôi xếp em bé này vào dạng những người có bộ óc máy tính. Những người này có khả năng tính toán, khai căn, tính nhẩm con số lớn và tư duy logic... rất nhanh. Trong đầu em bé này đã được lập trình sẵn chỉ cần phát hiện và nắm được quy tắc là em có thể chuyển đổi rất nhanh.
Thứ nữa là cấu tạo bộ não của em giúp em ghi nhớ rất nhanh, hai điều này kết hợp với nhau tạo thành khả năng đặc biệt như chúng ta đã biết.
Ở đây, bản thân em đã tò mò về lịch nên em xây dựng những quy tắc và tự lập trình cho mình một cách chính xác.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có thời gian để theo dõi cũng như tiên lượng, lý giải về khả năng đặc biệt này của em. Cũng cần nói thêm đây vẫn là một lĩnh vực mới của khoa học và hiện vẫn chưa có một lời giải thỏa đáng về vấn đề này.
Trên thế giới và ở Việt Nam, ông đã từng gặp trường hợp nào tương tự như em bé Tuấn Minh này chưa?
Ở Việt Nam cách đây 5, 6 năm tôi có nghiên cứu một trường hợp đó là con của một đồng chí ở Mặt trận Tổ Quốc. Lúc khảo sát em bé đó mới 6 tuổi có thể chuyển đổi rất nhanh ngày, thứ trong tuần. Hỏi một ngày nào đó bất kỳ em chuyển ngay đó là thứ mấy nhưng em cũng chỉ tính được đến năm 2012 thôi. Tức là mới chỉ tính được ngày thứ. Sau khi tôi giới thiệu với em về nguyên tắc đổi năm dương lịch sang năm âm lịch thì em nghe một lần là em có thể nói được các Can như: Giáp Ất Bính Đinh của từng năm nhưng là năm Giáp gì thì lại phức tạp hơn và em này không tính ngay được.
Trên thế giới, cũng có nhiều trường hợp có bộ óc máy tính có thể tính ngày thứ trong tuần lễ hoặc khai căn, tính bình phương rất nhanh. Nhưng lịch âm thì lại là cái riêng biệt ở Á Đông và tôi chưa biết hoặc gặp ai có khả năng đặc biệt như em bé Tuấn Minh này.
Đối với những trường hợp đặc biệt như bé Tuấn Minh, theo ông cần có môi trường giáo dục như thế nào để em có thể phát triển đúng khả năng của mình?
Có nhiều loại thần đồng về nhiều lĩnh vực, trên thế giới họ có phương pháp giáo dục đặc biệt, để các em có thể phát huy khả năng. Chúng ta cần có quỹ riêng dành riêng cho việc đào tạo, nghiên cứu các em bé đặc biệt này. Bố mẹ em cần theo dõi, rèn cho em tính khiêm tốn, giáo dục đồng đều mọi mặt, cho em hòa nhập với bạn bè và đừng tạo sự khác biệt nào dành cho em để em có thể phát triển bình thường.
Riêng tôi, tôi rất muốn cùng với các nhà tâm lý, giáo dục học tìm ra những giải pháp giúp em phát triển khả năng của mình. Với khả năng tư duy logic và lập trình như em thì nên hướng cho em theo lĩnh vực toán học - một lĩnh vực đòi hỏi trừu tượng rất lớn và biết đâu đấy em sẽ trở thành một Gauss thứ hai.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Nam, chuyên viên tổ chức IQ thế giới tại Việt Nam, đối với những trẻ thông minh và có những khả năng thiên bẩm đặc biệt mà không được giáo dục hoặc định hướng đúng đắn sẽ dễ gây cho trẻ những phát triển lệch lạc về tâm lý, cũng như làm thui chột đi tư duy phát triển. "Tôi đã giảng dạy các chương trình IQ cho trẻ em từ 5 năm nay và tôi phát hiện ra rằng những đứa trẻ thông minh hơn các bạn khác thì lúc nào cũng tỏ ra rất nghịch ngợm và thậm chí giáo viên đôi khi bảo không được. Điều này có thể lý giải rằng, trí tuệ của bạn luôn đi cùng với sự tìm tòi khám phá. Tuy nhiên, những đứa trẻ như vậy mà không hướng đúng cách thì trẻ sẽ phát triển một cách lệch lạc, bất bình thường và thậm chí dẫn dễn căn bệnh tự kỷ tăng động. Vì thế cần hướng trẻ vào môi trường phù hợp để trẻ phát triển đúng cách chứ không để trẻ phát triển theo thiên bẩm có sẵn của mình. Thiên bẩm nhưng phải trong khuôn khổ.

Hiện nay tôi đang giảng dạy cho một em có bố mẹ hiện là giảng viên của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Cậu bé này đang học cấp 2 của trường Nghĩa Tân và mẹ cháu hàng ngày phải đưa cháu theo học chương trình giáo dục IQ ở bên tôi vì ở nhà bạn thông minh quá. Vì thông minh quá nên bạn này rất nghịch. Khi đến lớp học, bạn này còn lấy giấy đốt ở góc lớp rồi bạn tìm hiểu vẽ các con số lên tường và hỏi những câu hỏi hắc búa. Tuy nhiên, những câu hỏi này không liên quan đến phần học trên lớp và quá tầm suy nghĩ của trẻ. Bố mẹ đã phải gửi đến trung tâm để rèn cho cháu khả năng tập trung. Tức là khi giáo viên nói một vấn đề nào đó, thì hướng suy nghĩ của cháu đến vấn đề đó, chứ không phải mình nói đến vấn đề A trẻ hướng đến vấn đề B. Điều này không tốt.
Đối với trường hợp của cháu Tuấn Minh, gia đình nên nhìn nhận và phát triển cháu đúng với tâm lý lứa ở mức độ nào là hợp lý và không được chiều con theo những chuẩn mực không đúng. Đặc biệt, gia đình cũng nên kết hợp với nhà trường, trung tâm tâm lý xem trẻ có phát triển ổn định không.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, ở Việt Nam chưa nhìn nhận được vai trò khả năng thiên bẩm của những đứa trẻ được cho là thần đồng để tạo môi trường tốt nhất cho trẻ. Có thể người ta chỉ quan tâm trong một hai năm đầu sau đó không được sự quan tâm của xã hội và các cơ quan nhà nước, dẫn đến tài năng đó dần dần bị thui chột. Để phát triển được khả năng thần đồng thì ngay từ lứa tuổi nhỏ cũng phải có môi trường giáo dục để phát triển được điều này. Nếu như trong thời đại ngày nay thì Tuấn Minh có thể gọi là Trạng trình của thời công nghệ.
Hiện nay cháu vẫn đang phát triển theo dạng tự phát tức là tò mò và yêu thích điều gì đó thì cháu sẽ tự tìm hiểu. Gia đình nên ủng hộ, hướng cháu theo định hướng phát triển đúng đắn và cần có sự kết hợp với nhà trường, xã hội để có thể phát triển tốt nhất. Trẻ dù có giỏi đến đâu những nếu không được định hướng đúng đắn thì sau này khả năng cũng sẽ dần bị thui chột, tư duy theo lối mòn khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình