Người Việt vẫn trong quá trình hội nhập tại Mỹ
Chắc nhiều người Việt
ngạc nhiên khi nghe một cuộc nghiên cứu tìm trong các số thống kê thấy
rằng người Mỹ gốc Việt thua kém các sắc dân gốc Châu Á khác, về hai mặt,
lợi tức và trình độ học vấn.
Dù ngạc nhiên hay không, chúng ta cũng nên chú ý
đến kết luận này, và thử tìm hiểu nguyên do. Nhất là khi, mới đầu tuần
này, chúng ta đặt cho nhau câu hỏi: Có hãnh diện làm người Việt Nam hay
không?Trong các tài liệu mới, người ta không gom tất cả các di dân từ Châu Á vào một nhóm, mà phân tách ra các nguồn gốc quốc gia khác nhau. Nhờ thế, người nghiên cứu không những có thể phân biệt và so sánh người di dân gốc Á với các thành phần khác trong xã hội Mỹ mà còn phân biệt kỹ hơn, thí dụ sẽ thấy người Việt Nam khác với người Trung Hoa hoặc Hàn Quốc.
Chính vì vậy, đọc trong bài khảo cứu của Logan và Zhang, chúng ta sẽ biết nhiều điểm riêng biệt trong lối sống người Việt ở Mỹ, mà khi nhà quan sát coi tất cả các di dân từ Châu Á giống nhau thì không thấy được. Khi biết người Việt có những điểm tương đồng hoặc khác biệt với các di dân Châu Á khác, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cộng đồng người Việt ở nước Mỹ. Nhân đó, chúng ta sẽ tìm hiểu xem nguyên do nào đã gây ra những khác biệt giữa người Việt và các cộng đồng di dân Châu Á khác.
Nhóm thiểu số
Hai tác giả chọn sáu sắc dân Châu Á đông nhất ở Mỹ, là Trung Hoa, Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Việt Nam, và Nhật Bản. Di dân Châu Á tại Mỹ là nhóm “thiểu số” gia tăng nhanh nhất ở Mỹ, tăng 250% giữa hai cuộc kiểm tra 1990 và 2010; tổng cộng hiện nay lên tới 18 triệu người; vào năm 1990 số người nói tiếng Tây Ban Nha (Hispanics) cũng chỉ chừng đó. Trong số người gốc Á Châu, tăng nhanh nhất là người Ấn Ðộ, lên gấp bốn lần trong 20 năm đó. Nhưng tổng số người Ấn Ðộ hiện chỉ có 3.2 triệu người, còn thua người gốc Trung Hoa (4 triệu) và Phi Luật Tân (3.4 triệu).
Phần lớn họ sinh ra ở quê cũ, nên vẫn giữ các phong tục cũ. Chỉ trong đám người gốc Nhật là số người sinh ra tại Nhật Bản có tỷ lệ thấp nhất, chỉ chiếm khoảng 35% vào năm 1990 và tăng lên thành 40% vào năm 2010. Tỷ số thấp của người gốc Nhật trong hiện tượng này có lý do dễ hiểu. Họ là lớp di dân Á Châu đến nước Mỹ sớm nhất, đặc biệt đến nước Mỹ làm công nhân từ thế kỷ 19. Ngoài ra, có một thời gian chính phủ Mỹ kỳ thị, không chấp nhận di dân gốc Nhật. Còn người gốc Việt và gốc Hàn Quốc thì có tới 80% sinh ở chính quán; chỉ có 20% sinh ra ở Mỹ.
Nếp sống của họ khác người Mỹ cho nên tự nhiên họ cũng muốn sống gần gũi hơn với những người cùng chia sẻ các tập quán, thức ăn, và nhất là tiếng nói. Nhiều người không sinh ở Mỹ gặp khó khăn suốt đời khi muốn nói đúng tiếng Anh. Dù sao, yếu tố chính thu hút người di dân gốc Á quy tụ lại chính là văn hóa chứ không phải kinh tế. Các cuộc nghiên cứu trước đây tại New York và Los Angeles đã thấy những di dân khá giả gốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, và Phi Luật Tân đều thích sống trong các khu đông người cùng gốc.
Người Mỹ gốc di dân Ấn Ðộ có trình độ học vấn cao nhất, trong bình có 15.5 năm học, tức là tốt nghiệp đại học.
Vì thế, lợi tức những người này cũng cao hơn người Mỹ trắng trung bình, chừng 35,000 đôla một năm. Ðứng hàng thứ nhì là người Phi Luật Tân.
Tất cả các di dân gốc Á Châu có số năm học chính thức trung bình cao hơn người Mỹ gốc da trắng, trừ người gốc Việt. Người gốc Việt Nam có lợi tức thấp hơn cả và số năm học chính thức ngắn hơn so với các sắc dân Châu Á khác, cũng như người gốc Hàn Quốc. Lợi tức bình quân những di dân Nhật Bản và Trung Hoa nằm vào khoảng giữa hai nhóm trên.
Lép vế
Nhiều chỉ số xã hội kinh tế khác cho thấy người Việt Nam lép vế. Ðó là sắc dân có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn cả, tỷ lệ số người sống dưới mức nghèo cao hơn, và tỷ số người nhận trợ cấp xã hội cũng cao hơn các sắc dân Châu Á khác. Tuy lợi tức thấp nhất trong nhóm này nhưng người Việt trung bình cũng xấp xỉ bằng người Mỹ gốc da trắng mà không gốc nói tiếng Tây Ban Nha. Hai tác giả bài nghiên cứu giải thích tình trạng kinh tế xã hội thấp của người Việt Nam là vì đại đa số họ là những người tị nạn chính trị chứ không phải di dân bình thường.
"Người gốc Việt Nam có thể coi là ngang hàng, vì lợi tức bình quân chỉ kém người Mỹ da trắng khoảng 300 đôla một năm, và số người tốt nghiệp đại học cũng chỉ thấp hơn 2% mà thôi."
Ðiều khiến nhiều người Việt kinh ngạc là tại sao số năm học của di dân gốc Việt lại thấp hơn các sắc dân Châu Á khác? Bởi vì muốn so sánh trình độ học vấn cho đúng nhất thì phải so sánh giữa các người gốc Châu Á thuộc thế hệ thứ hai trở đi. Số người Việt và người Hàn Quốc sinh ở nước tổ cao hơn cho thấy đa số là các di dân đời thứ nhất.
Nói chung, người gốc Châu Á có lợi tức và số năm học cao hơn người Mỹ da trắng trung bình. Hai sắc dân có trình độ học vấn cao nhất là Ấn Ðộ và Phi Luật Tân. Chúng ta biết rằng đại đa số người gốc Ấn Ðộ sang Mỹ sau khi đã tốt nghiệp đại học bên xứ họ, vì nước Ấn Ðộ sản xuất nhiều kỹ sư hơn khả năng tiếp nhận của công nghiệp nước họ; những người Ấn Ðộ học thấp hơn bậc đại học có thể là vợ con, cha mẹ của các di dân này. Ða số người Phi Luật Tân được di cư sang Mỹ vì họ làm những nghề mà dân Mỹ đang thiếu. Họ là các y tá, chuyên môn săn sóc người già và người bệnh. Những nghề đó đều đòi hỏi bằng cấp bậc đại học. Vì số người đó chiếm đa số cho nên họ cũng nâng số lợi tức trung bình của tất cả các di dân gốc Phi Luật Tân. Mặt khác, số người gốc Phi Luật Tân ở Mỹ tụ tập ở quần đảo Hawaii rất đông; và họ đã tới nơi này từ nhiều đời. Do đó, nếu tài sản và lợi tức bình quân của họ cao hơn các sắc dân khác cũng dễ hiểu. Các sắc dân như Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản thì đa số cũng đến vùng đất mới này sớm hơn cộng đồng người gốc Việt và họ ra đi với họ được chuẩn bị về cả nghề nghiệp và vốn liếng trước khi ra đi; khác với những người liều chết ra biển đi tìm tự do.
Cuối cùng, bài nghiên cứu của John R. Logan và Weiwei Zhang kết luận rằng người di dân gốc Châu Á ở Mỹ có thể coi là ngang hàng, hoặc có trình độ cao những người Mỹ tới khai phá đất này sớm nhất, là những người gốc da trắng. Người gốc Việt Nam có thể coi là ngang hàng, vì lợi tức bình quân chỉ kém người Mỹ da trắng khoảng 300 đôla một năm, và số người tốt nghiệp đại học cũng chỉ thấp hơn 2% mà thôi. Với tất cả những thiệt thòi của những người chạy khỏi quê hương đi tị nạn, tình trạng đó cũng đáng coi là một điều đáng hãnh diện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình