Liệu máy tính có hữu ích trong việc giáo dục trẻ tự kỷ không?

Đây chỉ là 1 vế của vấn đề, nghiện máy tính cũng có thể trở nên tự kỷ
ĐỌC SÁCH GIẢI ĐÁP 100 CÂU HỎI CỦA CHA MẸ NUÔI CON TỰ KỶ
https://docs.google.com/file/d/0BzrRmRauE_u-NjQwYzEzODgtNzdhOC00MGVlLWFiYTctYWJiYjU5ZTk3OWFm/edit

                                                    

CÓ, máy tính là một phụ tá hữu ích cho bất cứ chương trình giáo dục nào cho trẻ tự kỷ, ở nhà cũng như ở trường. Máy tính có thể là một môi trường lý tưởng để đẩy mạnh giao tiếp, phát triển xã hội, sáng tạo, và sự vui nhộn cho các em kể cả các em ở tận cùng của dải tự kỷ. Các phầm mềm máy tinh thiết kế hay rất thú vị, đáp ứng tốt, tương tác, và được trình bày không chỉ dưới một dạng (nghĩa là cả bằng hình ảnh lẫn âm thanh). Hơn thế, máy tính có những tính năng khác làm cho chúng trở thành những công cụ lý tưởng cho trẻ tự kỷ.

Những đặc tính đó là:

● Máy tính nhất quán. Một máy tính có phần mềm thích hợp thường có phản ứng nhất quán hơn bất kỳ cha mẹ hay thầy cô nào.  Hơn nữa, nếu máy tính hoạt động tốt, nó sẽ không gây ngạc nhiên không mong muốn nào cho trẻ.

● Máy tính vốn “kiên nhẫn” Các chương trình máy tính, không giống như cha mẹ hay thầy cô hay cạu khi trẻ tự kỷ hỏi nhiều lần.  Máy tính sẽ vui vẻ trả lời lại một câu hỏi 100 lần hoặc kể cùng một câu chuyện hàng nghìn lần.
  •  Máy tính không phán xét . Trẻ có thể mắc lỗi mà không hề hấn gì trong chương trình máy tính và không bị thầy cô hoặc bố mẹ khuyên nên dừng hoặc bị lái sang thứ khác một cách phũ phàng.
Máy tính an toàn. Máy tính không làm hại hay hoảng sợ một đứa trẻ nếu được kèm cặp đúng cách.

Máy tính khiến trẻ có quyền lực. Kinh nghiệm đã cho thấy nhiều trẻ tự kỷ thích dùng máy tính bởi vì máy tính là một môi trường an toàn, có tổ chức, và dự đoán được.

Trẻ có toàn quyền với máy tính và môi trường tạo ra trên màn hình máy tính.  Trẻ tự kỷ hiếm khi cảm thấy làm chủ được môi trường của mình và làm việc với máy tính có thể cho phép chúng được trải nghiệm cảm giác tích cực và bình an này.

Máy tính có thể bù đắp được cho kiểu giao tiếp của trẻ
 Khiếm khuyết về giao tiếp là dấu hiệu xác nhận tự kỷ. Máy tính cho phép trẻ tự kỷ tương tác với chương trình phần mềm thông qua các phương thức không cần lời là bàn phím, con chuột, và màn hình cảm ứng. Với trẻ khuyết tật thân thể, máy tính có thể có phần mềm nhận dạng giọng nói khiến máy tính có thể đáp lại một số lệnh bằng giọng nói hoặc thiết bị hồi đáp lại hướng mắt nhìn hoặc thiết bị điều khiển bằng cằm.

Máy tính vui nhộn và có nhiều thông tin chỉ dẫn. Trẻ tự kỷ, giống trẻ bình thường, thích dùng máy tính.  Các chương trình được coi là "trò chơi" được sử dụng làm công cụ dạy trình tự, nguyện nhân và hệ quả, và điều khiển môi trường.  Các chương trình phần mềm tốt kết hợp âm nhạc, màu, và các nhân vật yêu thích để kể chuyện, nhận biết hình dạng, hoặc toán và từ vựng. Sức hấp dẫn của máy tính với trẻ mạnh đến mức giáo viên có thể sử dụng các chương trình phần mềm giáo dục trong lớp để làm phần thưởng khi trẻ ngoan.

Lời bình của William:
Khó khăn lớn nhất của con chúng tôi là giao tiếp phù hợp.  Mặc dù nghe có vẻ vô lý, nhưng chúng tôi dùng trò chơi điện tử để khuyến khích giao tiếp.  Liam thích các trò chơi điện tử, và vì thế chúng tôi dùng nó làm phần thưởng cho việc trị liệu của con.  Khi con giao tiếp mắt, gọi người khác, hoặc chia sẻ đúng cách, con được chơi trò chơi điện tử một lúc.  Chúng tôi hy vọng trong tương lai, nó sẽ là mối quan tâm chung của con và bạn.  Hy vọng trò chơi điện tử sẽ cho con một lý do để tương tác với bạn.

Thần đồng 4 tuổi tại Bắc Ninh có khả năng phi thường

(Dân trí) - “Tôi xếp em bé này vào dạng những người có bộ óc máy tính” - ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - đánh giá về khả năng đặc biệt của cậu bé Phạm Tuấn Minh.
 >>  Xôn xao về "thần đồng" 4 tuổi có khả năng tính toán phi thường




 Để tìm lời giải cho khả năng đặc biệt của bé Phạm Tuấn Minh ở Bắc Ninh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.
Ông đánh giá như thế nào về trường hợp của bé Phạm Tuấn Minh?
Có thể thấy em bé này có rất nhiều khả năng đặc biệt mà nhiều người không có được như nhớ rất nhanh số điện thoại của một người mới gặp mà chỉ nghe lần đầu và có thể nhớ đến mấy trăm số. Tôi cũng biết nhiều trường hợp nhập tâm rất nhanh các dãy số nhưng em bé này còn rất nhỏ mà đã làm được điều này thì quả là rất giỏi.
Thứ hai, là em có thể học rất nhanh chữ cái khi mẹ đánh vần vài lần. Nhưng khả năng thứ 3 của em hết sức kỳ lạ, em có thể chuyển đổi ngày thứ của một tuần lễ. Rồi em có thể đổi năm dương lịch sang năm âm lịch, kỳ diệu hơn em có thể đổi ngày dương lịch sang ngày âm lịch. Tôi là người làm về lịch ở trong hội đồng thẩm định lịch của Bộ Khoa học và công nghệ môi trường, tôi là tác giả của lịch quốc tế cải tiến đã được công bố nhưng mà tôi rất khó để chuyển đổi trong đầu tôi một ngày thứ nào đó. Hỏi là thứ mấy thì tôi có thể tính được nhưng phải mất thời gian còn em bé này lại làm được điều này chỉ trong tích tắc thì quả là phi thường.
Tôi gọi em bé này là thần đồng và trong hàng vạn người, hàng triệu người mới có một em bé đặc biệt như thế.
Thưa ông, vậy cách tính lịch theo cách thông thường phải tuân theo các quy tắc nào?
Trước hết phải nói rằng lịch âm và lịch dương là hai lịch khác nhau. Dương lịch có quy luật tính theo 365 ngày với các con số lẻ, sau bốn năm nó có một ngày nhuận. Các ngày thứ của nó xếp như một trục can chi, cứ sau 60 chu kỳ lại quay lại như cũ. Cho nên nắm được quy tắc thì có thể chuyển đổi được nhưng để làm được điều này cũng phải mất thời gian chứ không thể tính nhẩm ngay được.
Việc chuyển đổi năm dương lịch sang âm lịch cũng có quy tắc can chi dựa theo quy tắc: Canh là 0, Tân là 1, Nhâm là 2, Quý là 3, Giáp là 4... cứ như thế cho đến hết. Thế nhưng bây giờ muốn là Canh gì? Thì đó là một quy tắc khác, phức tạp hơn, tôi không làm được việc đó nhanh nhưng em bé này 4 tuổi mà làm được điều đó thì “đầu óc máy tính” của em đó rất giỏi.
Cái đó cũng còn dễ dàng nhưng bây giờ chuyển từ ngày dương lịch sang ngày âm lịch thì khó hơn bởi quy luật dương lịch và âm lịch theo quy luật 19 năm nó đi hết một chu kỳ. Trong 19 năm đó lại có 7 năm nhuận, mà quy tắc lịch âm còn có tháng nhuận vào ngày nào, trung khí, tiết khí... Tôi là người trong ban làm lịch tôi không thể tính được mà phải lấy giấy bút còn đối với em bé 4 tuổi mà làm được điều này thì tôi khẳng định đó thật sự là phi thường.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: Tôi xếp em bé Tuấn Minh vào dạng người có bộ óc máy tính 
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: "Tôi xếp em bé Tuấn Minh vào dạng người có bộ óc máy tính"
Chúng ta phải lý giải như thế nào về khả năng đặc biệt của em bé này, thưa ông?
Tôi xếp em bé này vào dạng những người có bộ óc máy tính. Những người này có khả năng tính toán, khai căn, tính nhẩm con số lớn và tư duy logic... rất nhanh. Trong đầu em bé này đã được lập trình sẵn chỉ cần phát hiện và nắm được quy tắc là em có thể chuyển đổi rất nhanh.
Thứ nữa là cấu tạo bộ não của em giúp em ghi nhớ rất nhanh, hai điều này kết hợp với nhau tạo thành khả năng đặc biệt như chúng ta đã biết.
Ở đây, bản thân em đã tò mò về lịch nên em xây dựng những quy tắc và tự lập trình cho mình một cách chính xác.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có thời gian để theo dõi cũng như tiên lượng, lý giải về khả năng đặc biệt này của em. Cũng cần nói thêm đây vẫn là một lĩnh vực mới của khoa học và hiện vẫn chưa có một lời giải thỏa đáng về vấn đề này.
Trên thế giới và ở Việt Nam, ông đã từng gặp trường hợp nào tương tự như em bé Tuấn Minh này chưa?
Ở Việt Nam cách đây 5, 6 năm tôi có nghiên cứu một trường hợp đó là con của một đồng chí ở Mặt trận Tổ Quốc. Lúc khảo sát em bé đó mới 6 tuổi có thể chuyển đổi rất nhanh ngày, thứ trong tuần. Hỏi một ngày nào đó bất kỳ em chuyển ngay đó là thứ mấy nhưng em cũng chỉ tính được đến năm 2012 thôi. Tức là mới chỉ tính được ngày thứ. Sau khi tôi giới thiệu với em về nguyên tắc đổi năm dương lịch sang năm âm lịch thì em nghe một lần là em có thể nói được các Can như: Giáp Ất Bính Đinh của từng năm nhưng là năm Giáp gì thì lại phức tạp hơn và em này không tính ngay được.
Trên thế giới, cũng có nhiều trường hợp có bộ óc máy tính có thể tính ngày thứ trong tuần lễ hoặc khai căn, tính bình phương rất nhanh. Nhưng lịch âm thì lại là cái riêng biệt ở Á Đông và tôi chưa biết hoặc gặp ai có khả năng đặc biệt như em bé Tuấn Minh này.
Đối với những trường hợp đặc biệt như bé Tuấn Minh, theo ông cần có môi trường giáo dục như thế nào để em có thể phát triển đúng khả năng của mình?
Có nhiều loại thần đồng về nhiều lĩnh vực, trên thế giới họ có phương pháp giáo dục đặc biệt, để các em có thể phát huy khả năng. Chúng ta cần có quỹ riêng dành riêng cho việc đào tạo, nghiên cứu các em bé đặc biệt này. Bố mẹ em cần theo dõi, rèn cho em tính khiêm tốn, giáo dục đồng đều mọi mặt, cho em hòa nhập với bạn bè và đừng tạo sự khác biệt nào dành cho em để em có thể phát triển bình thường.
Riêng tôi, tôi rất muốn cùng với các nhà tâm lý, giáo dục học tìm ra những giải pháp giúp em phát triển khả năng của mình. Với khả năng tư duy logic và lập trình như em thì nên hướng cho em theo lĩnh vực toán học - một lĩnh vực đòi hỏi trừu tượng rất lớn và biết đâu đấy em sẽ trở thành một Gauss thứ hai.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Nam, chuyên viên tổ chức IQ thế giới tại Việt Nam, đối với những trẻ thông minh và có những khả năng thiên bẩm đặc biệt mà không được giáo dục hoặc định hướng đúng đắn sẽ dễ gây cho trẻ những phát triển lệch lạc về tâm lý, cũng như làm thui chột đi tư duy phát triển. "Tôi đã giảng dạy các chương trình IQ cho trẻ em từ 5 năm nay và tôi phát hiện ra rằng những đứa trẻ thông minh hơn các bạn khác thì lúc nào cũng tỏ ra rất nghịch ngợm và thậm chí giáo viên đôi khi bảo không được. Điều này có thể lý giải rằng, trí tuệ của bạn luôn đi cùng với sự tìm tòi khám phá. Tuy nhiên, những đứa trẻ như vậy mà không hướng đúng cách thì trẻ sẽ phát triển một cách lệch lạc, bất bình thường và thậm chí dẫn dễn căn bệnh tự kỷ tăng động. Vì thế cần hướng trẻ vào môi trường phù hợp để trẻ phát triển đúng cách chứ không để trẻ phát triển theo thiên bẩm có sẵn của mình. Thiên bẩm nhưng phải trong khuôn khổ.

Hiện nay tôi đang giảng dạy cho một em có bố mẹ hiện là giảng viên của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Cậu bé này đang học cấp 2 của trường Nghĩa Tân và mẹ cháu hàng ngày phải đưa cháu theo học chương trình giáo dục IQ ở bên tôi vì ở nhà bạn thông minh quá. Vì thông minh quá nên bạn này rất nghịch. Khi đến lớp học, bạn này còn lấy giấy đốt ở góc lớp rồi bạn tìm hiểu vẽ các con số lên tường và hỏi những câu hỏi hắc búa. Tuy nhiên, những câu hỏi này không liên quan đến phần học trên lớp và quá tầm suy nghĩ của trẻ. Bố mẹ đã phải gửi đến trung tâm để rèn cho cháu khả năng tập trung. Tức là khi giáo viên nói một vấn đề nào đó, thì hướng suy nghĩ của cháu đến vấn đề đó, chứ không phải mình nói đến vấn đề A trẻ hướng đến vấn đề B. Điều này không tốt.
Đối với trường hợp của cháu Tuấn Minh, gia đình nên nhìn nhận và phát triển cháu đúng với tâm lý lứa ở mức độ nào là hợp lý và không được chiều con theo những chuẩn mực không đúng. Đặc biệt, gia đình cũng nên kết hợp với nhà trường, trung tâm tâm lý xem trẻ có phát triển ổn định không.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, ở Việt Nam chưa nhìn nhận được vai trò khả năng thiên bẩm của những đứa trẻ được cho là thần đồng để tạo môi trường tốt nhất cho trẻ. Có thể người ta chỉ quan tâm trong một hai năm đầu sau đó không được sự quan tâm của xã hội và các cơ quan nhà nước, dẫn đến tài năng đó dần dần bị thui chột. Để phát triển được khả năng thần đồng thì ngay từ lứa tuổi nhỏ cũng phải có môi trường giáo dục để phát triển được điều này. Nếu như trong thời đại ngày nay thì Tuấn Minh có thể gọi là Trạng trình của thời công nghệ.
Hiện nay cháu vẫn đang phát triển theo dạng tự phát tức là tò mò và yêu thích điều gì đó thì cháu sẽ tự tìm hiểu. Gia đình nên ủng hộ, hướng cháu theo định hướng phát triển đúng đắn và cần có sự kết hợp với nhà trường, xã hội để có thể phát triển tốt nhất. Trẻ dù có giỏi đến đâu những nếu không được định hướng đúng đắn thì sau này khả năng cũng sẽ dần bị thui chột, tư duy theo lối mòn khác.

Cuộc đời những thần đồng không trở thành thiên tài


Nhiều thần đồng với trí tuệ và tài năng vượt trội xuất hiện trong thế kỷ 20, rất nhiều trong số đó trở nên vĩ đại với thành tựu vượt bậc, nhưng cũng không ít thần đồng phải chôn vùi khả năng của mình vì nhiều lý do khác nhau.

[Caption]
William James Sidis. Ảnh: Wikipedia.
William James Sidis - người thông minh nhất 
William James Sidis (1898 - 1944) là con của vợ chồng Mỹ gốc Do Thái, cả cha và mẹ ông đều có trí tuệ nổi trội. Ông Boris, cha của William, là giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Havard. Còn mẹ của ông, bà Sarah là một bác sỹ tài năng.
Cậu bé William sớm bộc lộ tài năng trí tuệ thiên bẩm khi 18 tháng tuổi, cậu có thể đọc báo thành thục; hai tuổi cậu bé tự học tiếng La tinh; lên ba, William có thể nói được tiếng Hy Lạp và tự đánh máy các bức thư. Năm 8 tuổi, William đã chứng minh được tài năng toán học thiên phú bằng cách phát triển một bảng logarit mới dựa trên con số 12. 
Khi 9 tuổi, William tham gia phát biểu tại một hội nghị nghiên cứu không gian ở Đại học Harvard. Hai năm sau, cậu nhóc 11 tuổi đã vinh dự trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử trường đại học danh tiếng Harvard.
Nhiều giáo sư ở Harvard kể lại, từ khi lên 8, William đã đủ trí thông minh và kiến thức để học tại đại học này. Nhưng lúc này vóc dáng cơ thể của cậu "chưa phù hợp" để đủ điều kiện học đại học. Chính vì vậy ban giám hiệu quyết định, William phải đợi thêm ba năm nữa mới được học ở ngôi trường danh giá này.
Các bài test cho thấy chỉ số thông minh của William đạt 250-300, được công nhận là người thông minh nhất trong lịch sử thế giới. Ngoài tài năng về toán học, ông còn thông thạo 8 loại ngôn ngữ khác nhau và viết rất nhiều cuốn sách khoa học có giá trị.
William tốt nghiệp Harvard năm 16 tuổi, 4 năm sau, ông trở thành giáo sư toán tại trường ĐH Rice, Mỹ. Nhưng khi bị quá nhiều sinh viên châm chọc, William đã từ bỏ sự nghiệp dạy học và quay lại Harvard để học luật, điểm khởi đầu cho một giai đoạn sóng gió trong cuộc đời của ông.
Năm 1919, William bị bắt khi tham gia cuộc diễu hành chống chiến tranh tại Boston. William bị kết án 18 năm nhưng được cha của ông giúp ra tù, song người cha này lại có một quyết định sai lầm khi đưa ông vào viện điều trị tâm thần hơn một năm. 
Vì quá lo sợ con trai mình sẽ lầm đường lạc lối, mẹ và cha của William liên tục kiểm soát, theo dõi và cấm đoán ông giao lưu kết bạn với những người lạ. Quá chán nản, ông từ bỏ toán học và chuyển sang viết sách. Tuy nhiên, ông lạc lối từ đây.
Năm 1925, ông xuất bản cuốn sách về vũ trụ học, trong đó ông dự đoán về các hố đen trong vũ trụ nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới học giả. William qua đời vì xuất huyết não vào năm 1944 khi mới 46 tuổi.
Winfred Sackville Stoner Jr - thần đồng nghệ thuật
Winfred Sackville Stoner Jr sinh ra ở Virginia, Mỹ năm 1902 và là con riêng của bà Winfred Sackville Stoner, một nhà giáo dục tài năng, người sáng lập ra trường phái “dạy học gắn liền với niềm vui của trẻ”. 
Với sự quan tâm và dạy dỗ của mẹ, Stoner Jr nhanh chóng bộc lộ tài năng thiên bẩm về ngôn ngữ. Chưa đầy 8 tuổi, cô bé dịch rất nhiều cuốn sách ra tiếng Tây Ban Nha. Năm 9 tuổi, Stoner Jr vượt qua kỳ thì tuyển gắt gao trở thành sinh viên của một trường đại học danh giá.
Chưa dừng lại ở đó, năm 12 tuổi, Stoner Jr giao tiếp thành thạo bằng 8 thứ tiếng, am hiểu tường tận nhiều loại nhạc cụ như guitar, piano và sáng tác rất nhiều bài thơ, tiểu thuyết có giá trị văn học cao.
Sự thông minh của Stoner Jr  đem đến cho mẹ cô một "món hời" lớn. Bà chia sẻ những bí quyết dạy con trong một cuốn sách mang tên “Giáo dục tự nhiên”. Bất cứ bậc phụ huynh nào sống ở Mỹ thời bấy giờ đều mong muốn có được cuốn sách này. Chỉ trong một thời gian ngắn, Stoner Jr và mẹ của mình trở thành những triệu phú giàu có.
Cuốn sách Natural Education (tạm dịch: Giáo dục tự nhiên) do mẹ của Stoner Jr viết trở thành một trong những tài liệu dạy con nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, Stoner Jr có cuộc sống hôn nhân không thành công như trí tuệ của mình. Năm 1921, cô kết hôn khi mới có 19 tuổi với một người Pháp tên là Charles De Bruche. Đây là tên lừa đảo chuyên nghiệp, hắn giả vờ chết vào năm 1922 ở Mexico để lấy tiền bảo hiểm nhân mạng từ Stoner Jr. Sau khi biết được sự thật đau đớn vào năm 1930, cô quyết định tái hôn theo ý muốn của mẹ.
Nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên đã để lại cho Stoner Jr một vết thương lòng ghê gớm, chỉ trong ba năm, cô liên tục kết hôn rồi ly dị với ba người đàn ông. Cuối cùng, sau khi chia tay vị hôn phu thứ tư EW Harrison, Stone Jr quyết định sống cô độc một mình cho đến hết đời tại một cùng quê hẻo lánh ở Virginia.
Nathalia Crane - nhà thơ trẻ nhất thế giới 
Sinh năm 1913 tại vùng Brooklyn, Nathalia Crane là một trong những nhà thơ trẻ nhất thế giới được biết đến. Những sáng tác đầu tiên của cô ngay lập tức gây chú ý dư luận. Khi mới 9 tuổi, các bài thơ của Crane đã được tờ New York Sun mua bản quyền để xuất bản.
Đến năm lên 10, "tài năng nhỏ" này đã tạo ra tác phẩm cực kỳ ăn khách lúc bấy giờ có tên “Romance”, miêu tả lại cuộc phiêu lưu kỳ thú của một thiếu nữ xinh đẹp tới hòn đảo của các thiên thần.
Đến năm 1925, khi mới 12 tuổi Crane được bầu làm thành viên chính thức của “hội nghệ thuật Hoa Kỳ”. Từ đấy, cứ mỗi năm, thần đồng thơ văn lại đều đặn cho ra đời những tác phẩm xuất chúng. Cô nhanh chóng trở thành niềm tự hào của cả nước Mỹ, nhiều người còn gọi yêu Crane là: “Đứa trẻ vàng của Brooklyn”.
Nathalia Clara Ruth Crane
Nathalia Clara Ruth Crane. Ảnh: Wikipedia.
Nhưng khác với nhiều thần đồng đương thời, Crane không còn một chút thơ ngây của trẻ em, cách suy nghĩ của cô bé già dặn hệt như một người trưởng thành. Những câu trả lời phỏng vấn của Crane với báo giới luôn sắc sảo, khôn ngoan, với giọng điệu thấm đẫm sự từng trải. Đặc biệt, cô bé còn mạnh dạn chia sẻ quan điểm của mình về tình yêu, hôn nhân, tình dục.
Chính từ suy nghĩ này với tài năng "không thể tin nổi", một số nhà thơ đã nghi ngờ tài năng của Crane chỉ là trò bịp bợm. Nhà phê bình thơ Edwin Markham cho rằng: “Một đứa trẻ 12 tuổi không thể nào có một kiến thức rộng lớn như vậy. Hiểu biết trong các bài thơ của Crane trải dài từ kiến thức lịch sử, khảo cổ, tình yêu, hôn nhân. Đó thực sự quá nhiều, tôi tin đây là sự hợp sức của rất nhiều cá nhân và Crane chỉ là người đại diện”.
Một số bài báo ác ý hơn cố chứng minh rằng cha mẹ của Crane mới chính là chủ nhân của các tác phẩm và đứa con gái chỉ là bình phong đánh lừa dư luận. 
Quá mệt mỏi trước những công kích, Crane buông xuôi công việc sáng tác, và các tác phẩm ít dần. Từ khi trở thành giáo viên tiếng Anh của Đại học San Diego, Crane cũng đoạt tuyệt vĩnh viễn với thơ văn. Kể từ đó cô sống một cách thanh đạm, khiêm tốn, luôn cố gắng tránh xa những ồn ào của xã hội.
Elizabeth Benson - sáng tác thơ văn khi 3 tuổi
Elizabeth Benson sinh năm 1913 ở Texas, Mỹ. Anne Austin - mẹ cô là một nhà báo, tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng đương thời. Có lẽ được di truyền tài năng văn học của mẹ, ngay 3 tuổi Elizabeth đã biết đánh vần và bắt đầu sáng tác thơ văn.
Với IQ hơn 214, cô bé Elizabeth Benson trở nên nổi tiếng khắp thế giới từ khi lên 8. Nhưng mẹ cô không để cho con gái thoải mái tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, thậm chí bà còn không cho Elizabeth đọc các mẫu báo ca ngợi tài năng nữ thần đồng này. Chính vì vậy, dù có bộ não của một giáo sư nhưng Elizabeth vô cùng khiêm tốn và cầu tiến.
Khi 13 tuổi, cô cho ra đời một cuốn tiểu thuyết ăn khách và nhận được học bổng của trường Đại học Barnard tại New York. Cô bé còn bộc lộ tài năng trên lĩnh vực thể thao. 
Trong những năm học đại học, Elizabeth đạt rất nhiều huy chương vàng, giấy khen ở các môn bóng chuyền, bơi lội, điền kinh. Trong một cuốn sách, Elizabeth chia sẻ: “Hoạt động cơ bắp sẽ nâng cao khả năng hoạt động của các tuyến nội tiết, giúp đầu óc luôn luôn minh mẫn, tỉnh táo”.
Khi tương lai của một thiên tài đang dần rực sáng, thì Elizabeth lại chọn một lối rẽ khác. Điều này có thể là hạnh phúc riêng của cô, nhưng lại là nỗi thất vọng và "bất hạnh" cho những người xung quanh.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thiên tài này chọn một cuộc sống đơn giản bên người mình yêu. Cô không tham gia vào các hoạt động sáng tác, nghiên cứu văn học mà trở thành một người vợ, người mẹ đảm đang, thương yêu con cái. 
Đã có có nhiều tờ báo, phương tiện truyền thông đứng ra chỉ trích, phê bình sự ích kỷ của Elizabeth khi không cống hiến bộ óc của mình cho đất nước, xã hội. Nhưng cô vẫn bỏ ngoài tai tất cả để sống hạnh phúc với gia đình cho tới khi từ trần vào năm 80 tuổi.

Những điều cần chú ý khi uống thuốc hạ cholesterol

069_Bsip_013299_008-305
Một số loại thuốc hạ cholesterol có gốc statin.
AFP
Cholesterol cao là một trong những yếu tố dẫn đến các bệnh về tim mạch rất phổ biến ở người lớn tuổi. Chính vì thế, phần đông những người cao tuổi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển hiện nay đều phải nhờ đến thuốc hạ cholesterol  là thuốc có gốc statin để giúp duy trì mức cholesterol ổn định trong máu. Thuốc này đã cho thấy có những tác dụng tích cực với sức khỏe con người nhưng cũng còn nhiều điều về loại thuốc này mà người dùng chưa biết hết. Vậy những người đang hoặc sắp phải sử dụng các thuốc dạng statin cần phải chú ý điều gì? Mời quý vị tìm hiểu các thông tin liên quan trong tạp chí sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách.

Sự phổ biến của thuốc Statins

Với nhiều người lớn tuổi, việc dùng thuốc hạ cholesterol hàng ngày như Lipitor, Zocor hay Crestor có thể nói đã trở thành thói quen từ lâu. Thường khi bác sĩ gia đình quyết định kê đơn thuốc hạ cholesterol cho một bệnh nhân thì cũng có nghĩa là mức cholesterol trong máu người bệnh đã cao quá mức cho phép và có nhiều nguy cơ gây bệnh tim mạch nếu không được điều chỉnh kịp thời. Các loại thuốc quen thuộc đó đều có gốc là Statins.
Bác sĩ Amit Garg, khoa dịch tễ học và thống kê sinh học thuộc trường đại học Western Ontario ở Canada nói về sự phổ biến của loại thuốc này như sau:
Nếu bạn uống các loại kháng sinh như clarithromycin hay arythromycin, các thuốc này sẽ ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất với statin.
-BS Amit Garg
“Statin là loại thuốc được kê đơn hàng đầu tại Canada, và đó là một thuốc rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.”
Statin từ lâu đã được chứng minh là một loại thuốc rất hiệu nghiệm trong việc giảm cholesterol trong máu. Thuốc chặn một chất mà cơ thể cần để sản xuất cholesterol. Thuốc cũng giúp cơ thể hấp thụ lại cholesterol đã bị dồn đọng trên các thành mạch máu, tránh gây tắc mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
Tại Mỹ và châu Âu, các bác sĩ thường đưa ra một mức cholesterol chuẩn trong máu gọi là mức cholesterol cho phép. Dựa vào kết quả kiểm tra sức khỏe tổng quát hàng năm của bệnh nhân, bác sĩ có thể quyết định khuyên bệnh nhân nên dùng thuốc statin hay không. Tại Mỹ, mức cholesterol tốt là dưới 200 mg trên 1 deciliter máu. Khi cholesterol nằm ở mức từ 200 đến 239 mg có nghĩa là đã ở ranh giới của mức cholesterol cao. Khi cholesterol vượt quá 240 mg có nghĩa là cao và cần phải điều chỉnh kịp thời. Thường thì các bác sĩ khuyên người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, thể dục thể thao. Nhưng trong nhiều trường hợp, khi các điều chỉnh về cách sống không làm giảm cholesterol như ý muốn, bác sĩ sẽ phải cân nhắc đến việc kê đơn thuốc.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, hiện có hơn một nửa dân số Mỹ có vấn đề với cholesterol cao, trong khi việc ăn uống và tập thể dục nhiều khi không hạ được mức cholesterol như ý muốn với nhiều người, còn statin có thể giúp hạ cholesterol đáng kể một cách nhanh chóng. Điều này có nghĩa là nhu cầu sử dụng các loại thuốc hạ cholesterol là rất cao. Trung Tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ ước tính riêng trong năm 2003 đã có khoảng 11 triệu người Mỹ đang dùng các loại thuốc statins có kê đơn, và có khoảng 25 triệu người khác nên sử dụng các loại thuốc này.

Những tác dụng phụ

000_Mvd1002114-250
Các y tá lấy mẫu máu để xét nghiệm lượng cholesterol, ảnh chụp ở Mexico trước đây. AFP PHOTO.
Theo nhiều nghiên cứu của các bác sĩ trên thế giới, bên cạnh những tác dụng không thể chối cãi của statins, thuốc này cũng có những tác dụng phụ mà người bệnh và bác sĩ cần phải chú ý.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Canada mới được công bố gần đây trên Tạo chí y học Annals of internal medicine, người bệnh khi sử dụng các thuốc statins kết hợp với một số thuốc kháng sinh nhất định có thể có 1 số tác dụng phụ. Bác sĩ Amit Garg, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết:
“Nếu bạn uống các loại kháng sinh như clarithromycin hay arythromycin, các thuốc này sẽ ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất với statin, và mức tập trung của statin trong máu sẽ cao gấp 5 lần mức cho phép và có khi là 10 lần.”
Clarithromycin và Arythormycin là hai tên gốc thuốc của những loại kháng sinh được dùng khá phổ biến trong các điều trị viêm phổi và viêm đường hô hấp nói chung. Nói về tương tác của các loại thuốc này trong nghiên cứu mới, bác sĩ Amit Garg giải thích:
“Trong nghiên cứu về statin này, chúng tôi tìm hiểu hai nhóm người, một nhóm dùng thuốc kháng sinh có tương tác với statin và nhóm còn lại dùng kháng sinh không có tương tác với statin. Hai thuốc đầu là Clarithromycin và Erythromincin, còn nhóm thuốc kia là Azithromycin hay còn gọi là Zithromax là loại kháng sinh rất phổ biến. Chúng tôi so sánh hai nhóm người và chủ yếu là người lớn tuổi vì đó là số liệu mà chúng tôi có. Chúng tôi tìm hiểu hơn 60.000 người được kê hai nhóm kháng sinh đầu và theo dõi điều gì xảy ra trong 30 ngày sau đó và điều mà chúng tôi thấy  là số người phải nhập viện sau đó tăng. Các kháng sinh đó thường được dùng cho điều trị viêm đường hô hấp như viêm phổi chẳng hạn. Sau đó 30 ngày có nhiều khả năng người bệnh bị nhập viện vì các bệnh như viêm cơ vân (rhabdomyolysis) hoặc bị bệnh thận thậm chí tử vong trong 30 ngày.”
Nghiên cứu của các nhà khoa học Canada thực hiện trên 144000 bệnh nhân có độ tuổi từ 65 trở lên. Khoảng ¾ số người bệnh đang sử dụng một trong 3 loại thuốc phổ biến là Lipitor, Zocor hoặc Altoprve, Mevacor.
Theo kết quả của nghiên cứu, số người bị tác dụng phụ do kết hợp hai loại thuốc không nhiều. Bác sĩ Garg nói thậm chí ở nhiều người, ảnh hưởng phụ do hai loại thuốc cũng không quá lớn. Nhưng kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy rõ ràng có sự tương tác giữa hai loại thuốc gây tác dụng phụ với người bệnh.
Hồi năm ngoái, có một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Canada cũng cho thấy việc ăn một số loại cam bưởi nhất định khi uống thuốc statin cũng có thể dẫn đến tương tác gây tác dụng phụ nghiêm trọng do làm tăng liều thuốc hấp thụ vào cơ thể.
Ngay trước khi có các nghiên cứu này, nhiều tài liệu y học khác cũng cho thấy các loại thuốc statins có thể gây các tác dụng phụ, nhẹ là đau mỏi cơ, tiêu chảy hoặc táo bón, nặng hơn là làm tăng đường trong máu, và có khả năng dẫn đến tiểu đường type 2,  ngoài ra còn có các bệnh khác như viêm cơ vân, suy thận. Riêng với bệnh viêm cơ vân, các trường hợp liều thuốc statin trong máu tăng sẽ gây đau cơ, tiêu cơ, các mơ cơ xương bị hư hại, phá vỡ nhanh chóng. Sản phẩm phân hủy của các tế bào cơ bị hư hóng được phóng thích vào máu, gây hại thận và có thể dẫn đến suy thận.

Bác sĩ có kê đơn quá nhiều?

Mặc dù đã có nhiều các tài liệu y học nói về những tác dụng phụ của statin nhất là khi kết hợp với một số loại thuốc nhất định, nhưng trên thực tế việc kê đơn thuốc statins kết hợp với một số loại thuốc khác cho các bệnh nhân vẫn rất phổ biến, bất chấp những cảnh báo. Bác sĩ Amit Garg nói:
Nếu bạn dùng statin nhiều năm rồi, và nếu bạn được kê thuốc kháng sinh, thì nên bạn nên kiểm tra xem các thuốc kháng sinh đó có tương tác với statin hay không.
-BS Amit Garg
“Mặc dù các tương tác của các thuốc với nhau đã được miêu tả trong các sách nhưng trên thực tế các thuốc này vẫn được kê đơn đồng thời, và những cảnh báo thường bị lờ đi. Nếu chỉ nhìn vào số lượng ở Ontario, Canada thôi, đã tăng 70 ngàn lần trong vòng 10 năm qua. Và như vậy là rất phổ biến.”
Một số các nhà khoa học thậm chí còn cho rằng statins đang bị sử dụng quá mức vào những trường hợp không có mấy tác dụng. Các nhà khoa học thuộc một nhóm có tên gọi The Intertional Network of Cholesterol Skeptics (tạp dịch là mạng lưới quốc tế những người hoài nghi về cholesterol) còn lập luận rằng không có đủ bằng chứng cho thấy cholesterol tăng cao trong máu có thể gây các bệnh tim mạch.
Hồi năm 2004, hãng tin AP có bài viết về những tranh cãi xung quanh bản hướng dẫn của các nhà khoa học Mỹ về mức cholerstorl cho phép trong máu. Theo bài báo này, 8 trong số 9 nhà khoa học tham gia vào việc đưa ra bản hướng dẫn về mức cholesterol, nhận tiền từ các công ty sản xuất thuốc hạ cholesterol. Hai bác sĩ trong số này có cổ phần trong các công ty dược, hai người khác làm việc cho các công ty sau khi bản hướng dẫn được công bố, một người làm cho chính phủ và làm thêm cho 10 công ty dược khác, thậm chí còn tham gia vào ban giám đốc của các công ty.
Một số công ty còn lobby chính phủ Mỹ để cho phép các loại thuốc này được bán qua quầy thay vì kê đơn, ví dụ như Lipitor và Zocor.
Statin là loại thuốc mang lại số tiền khổng lồ cho các hãng sản xuất thuốc. Chỉ riêng trong năm 2003, doanh thu từ các loại thuốc Statins đã là 34 tỷ đô la, mang về khoảng ¼ nghìn tỷ đô la cho các công ty thuốc chỉ trong vòng 2 thập kỷ từ khi loại thuốc này ra đời.
Vậy những người bị cholesterol có nên tiếp tục dùng statins nếu đã được kê đơn thuốc này? Theo nhiều tài liệu y học, một khi người bệnh đã được dùng Statins thì có nhiều khả năng sẽ vẫn phải tiếp tục dùng thuốc này trong suốt cuộc đời, vì thường khi dừng thuốc thì cholesterol cũng tăng lên ngày lập tức. Tất nhiên cũng có những trường  hợp thật đặc biệt như thay đổi cách sống làm giảm cholesterol một mức đáng kể đến mức bác sĩ thấy không cần phải dùng thuốc.
Với những người đang dùng statins và được kê đơn kháng sinh, bác sĩ Amit Garg có lời khuyên:
“Nếu bạn đang dùng statin, chi có một số kháng sinh có tương tác với statin chứ không phải thuốc nào cũng tương tác. Nếu bạn dùng statin nhiều năm rồi, và nếu bạn được kê thuốc kháng sinh, thì nên bạn nên kiểm tra xem các thuốc kháng sinh đó có tương tác với statin hay không. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ của mình để biết liệu có vấn đề gì không. Nếu có thì có thể ngừng statin một thời gian ngắn hoặc xin đổi kháng sinh khác.”
Hiện vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh việc sử dụng statin như thế nào cho hợp lý. Nhìn chung, phần đông các bác sĩ vẫn thừa nhận statin đã giúp cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, việc dùng statin hay không và dùng ở liệu lượng thế nào vẫn là vấn đề cần phải được bàn thảo rất kỹ giữa bệnh nhân và các bác sĩ trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
For magazine only: tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Người Việt ở Mỹ nghèo hơn, học thấp hơn


Người Việt vẫn trong quá trình hội nhập tại Mỹ
Chắc nhiều người Việt ngạc nhiên khi nghe một cuộc nghiên cứu tìm trong các số thống kê thấy rằng người Mỹ gốc Việt thua kém các sắc dân gốc Châu Á khác, về hai mặt, lợi tức và trình độ học vấn.
Dù ngạc nhiên hay không, chúng ta cũng nên chú ý đến kết luận này, và thử tìm hiểu nguyên do. Nhất là khi, mới đầu tuần này, chúng ta đặt cho nhau câu hỏi: Có hãnh diện làm người Việt Nam hay không?
Ðã nhiều người nghiên cứu về di dân Châu Á ở nước Mỹ. Mới nhất, là hai giáo sư phân khoa Xã hội học thuộc Ðại Học Brown (Brown University). John R. Logan và Weiwei Zhang đã đặt tựa cho công trình khảo cứu của họ là “Tách biệt nhưng Bình đẳng” (Separate but Equal). Hai tác giả được lợi hơn những nhà nghiên cứu đi trước; vì họ có thể sử dụng và so sánh các dữ liệu mới, thu thập được sau ba cuộc kiểm kê dân số ở Mỹ, 1990, 2000 và 2010.
Trong các tài liệu mới, người ta không gom tất cả các di dân từ Châu Á vào một nhóm, mà phân tách ra các nguồn gốc quốc gia khác nhau. Nhờ thế, người nghiên cứu không những có thể phân biệt và so sánh người di dân gốc Á với các thành phần khác trong xã hội Mỹ mà còn phân biệt kỹ hơn, thí dụ sẽ thấy người Việt Nam khác với người Trung Hoa hoặc Hàn Quốc.
Chính vì vậy, đọc trong bài khảo cứu của Logan và Zhang, chúng ta sẽ biết nhiều điểm riêng biệt trong lối sống người Việt ở Mỹ, mà khi nhà quan sát coi tất cả các di dân từ Châu Á giống nhau thì không thấy được. Khi biết người Việt có những điểm tương đồng hoặc khác biệt với các di dân Châu Á khác, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cộng đồng người Việt ở nước Mỹ. Nhân đó, chúng ta sẽ tìm hiểu xem nguyên do nào đã gây ra những khác biệt giữa người Việt và các cộng đồng di dân Châu Á khác.
Nhóm thiểu số
Hai tác giả chọn sáu sắc dân Châu Á đông nhất ở Mỹ, là Trung Hoa, Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Việt Nam, và Nhật Bản. Di dân Châu Á tại Mỹ là nhóm “thiểu số” gia tăng nhanh nhất ở Mỹ, tăng 250% giữa hai cuộc kiểm tra 1990 và 2010; tổng cộng hiện nay lên tới 18 triệu người; vào năm 1990 số người nói tiếng Tây Ban Nha (Hispanics) cũng chỉ chừng đó. Trong số người gốc Á Châu, tăng nhanh nhất là người Ấn Ðộ, lên gấp bốn lần trong 20 năm đó. Nhưng tổng số người Ấn Ðộ hiện chỉ có 3.2 triệu người, còn thua người gốc Trung Hoa (4 triệu) và Phi Luật Tân (3.4 triệu).
Sáu sắc dân Châu Á đông nhất ở Mỹ, là Trung Hoa, Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Việt Nam, và Nhật Bản
Có nhiều điểm tương đồng giữa người gốc Việt và các sắc dân Châu Á khác. Di dân Á Châu tương đối khá giả hơn các dân Mỹ khác không da trắng; thí dụ chỉ có 6% sống dưới “mức nghèo khó” trong khi tỷ lệ lên tới 15% khi tính chung tất cả những người gốc di dân. Người Á Châu nói chung tương đối có lợi tức ngang bằng hoặc cao hơn người Mỹ da trắng. Nhưng dù là người Việt hay người Trung Hoa, họ cũng giống người Mỹ gốc Phi Châu hoặc gốc nói tiếng Tây Ban Nha, là thường sống gom lại gần nhau hơn là hòa nhập vào xã hội người Mỹ da trắng. Các khu Little Sài Gòn cũng như các phố Tàu, là trung tâm thu hút những người cùng tổ tiên. Khi nói đến tình trạng quy tụ, tập trung sống với nhau, của người Mỹ da đen (gốc Phi Châu) hoặc nói tiếng Tây Ban Nha, thì lý do chính thường vì họ đều sống trong những khu nghèo. Nhưng người gốc Châu Á quy tụ lại không phải vì lợi tức thấp, mà vì lý do văn hóa.
Phần lớn họ sinh ra ở quê cũ, nên vẫn giữ các phong tục cũ. Chỉ trong đám người gốc Nhật là số người sinh ra tại Nhật Bản có tỷ lệ thấp nhất, chỉ chiếm khoảng 35% vào năm 1990 và tăng lên thành 40% vào năm 2010. Tỷ số thấp của người gốc Nhật trong hiện tượng này có lý do dễ hiểu. Họ là lớp di dân Á Châu đến nước Mỹ sớm nhất, đặc biệt đến nước Mỹ làm công nhân từ thế kỷ 19. Ngoài ra, có một thời gian chính phủ Mỹ kỳ thị, không chấp nhận di dân gốc Nhật. Còn người gốc Việt và gốc Hàn Quốc thì có tới 80% sinh ở chính quán; chỉ có 20% sinh ra ở Mỹ.
Nếp sống của họ khác người Mỹ cho nên tự nhiên họ cũng muốn sống gần gũi hơn với những người cùng chia sẻ các tập quán, thức ăn, và nhất là tiếng nói. Nhiều người không sinh ở Mỹ gặp khó khăn suốt đời khi muốn nói đúng tiếng Anh. Dù sao, yếu tố chính thu hút người di dân gốc Á quy tụ lại chính là văn hóa chứ không phải kinh tế. Các cuộc nghiên cứu trước đây tại New York và Los Angeles đã thấy những di dân khá giả gốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, và Phi Luật Tân đều thích sống trong các khu đông người cùng gốc.
Người Mỹ gốc di dân Ấn Ðộ có trình độ học vấn cao nhất, trong bình có 15.5 năm học, tức là tốt nghiệp đại học.
Vì thế, lợi tức những người này cũng cao hơn người Mỹ trắng trung bình, chừng 35,000 đôla một năm. Ðứng hàng thứ nhì là người Phi Luật Tân.
Tất cả các di dân gốc Á Châu có số năm học chính thức trung bình cao hơn người Mỹ gốc da trắng, trừ người gốc Việt. Người gốc Việt Nam có lợi tức thấp hơn cả và số năm học chính thức ngắn hơn so với các sắc dân Châu Á khác, cũng như người gốc Hàn Quốc. Lợi tức bình quân những di dân Nhật Bản và Trung Hoa nằm vào khoảng giữa hai nhóm trên.
Lép vế
Nhiều chỉ số xã hội kinh tế khác cho thấy người Việt Nam lép vế. Ðó là sắc dân có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn cả, tỷ lệ số người sống dưới mức nghèo cao hơn, và tỷ số người nhận trợ cấp xã hội cũng cao hơn các sắc dân Châu Á khác. Tuy lợi tức thấp nhất trong nhóm này nhưng người Việt trung bình cũng xấp xỉ bằng người Mỹ gốc da trắng mà không gốc nói tiếng Tây Ban Nha. Hai tác giả bài nghiên cứu giải thích tình trạng kinh tế xã hội thấp của người Việt Nam là vì đại đa số họ là những người tị nạn chính trị chứ không phải di dân bình thường.
 "Người gốc Việt Nam có thể coi là ngang hàng, vì lợi tức bình quân chỉ kém người Mỹ da trắng khoảng 300 đôla một năm, và số người tốt nghiệp đại học cũng chỉ thấp hơn 2% mà thôi."
Người Việt Nam có lẽ hiểu rõ tình trạng này hơn. Hàng triệu người Việt sang nước Mỹ và các nước Tây phương với hai bàn tay trắng. Không riêng gì những thuyền nhân chạy trốn cộng sản từ 1975 cho đến 1990, ngay cả các người sang Mỹ đoàn tụ hoặc định cư với lý do nhân đạo (HO) cũng tới Mỹ để bắt đầu cuộc đời mới. Những di dân tị nạn này tới nước Mỹ khi đã lớn tuổi, từ 50 tuổi trở lên, và nhiều người không nói một tiếng Anh; nếu may mắn lắm thì họ cũng chỉ kiếm được những việc làm lương thấp.
Ðiều khiến nhiều người Việt kinh ngạc là tại sao số năm học của di dân gốc Việt lại thấp hơn các sắc dân Châu Á khác? Bởi vì muốn so sánh trình độ học vấn cho đúng nhất thì phải so sánh giữa các người gốc Châu Á thuộc thế hệ thứ hai trở đi. Số người Việt và người Hàn Quốc sinh ở nước tổ cao hơn cho thấy đa số là các di dân đời thứ nhất.
Nói chung, người gốc Châu Á có lợi tức và số năm học cao hơn người Mỹ da trắng trung bình. Hai sắc dân có trình độ học vấn cao nhất là Ấn Ðộ và Phi Luật Tân. Chúng ta biết rằng đại đa số người gốc Ấn Ðộ sang Mỹ sau khi đã tốt nghiệp đại học bên xứ họ, vì nước Ấn Ðộ sản xuất nhiều kỹ sư hơn khả năng tiếp nhận của công nghiệp nước họ; những người Ấn Ðộ học thấp hơn bậc đại học có thể là vợ con, cha mẹ của các di dân này. Ða số người Phi Luật Tân được di cư sang Mỹ vì họ làm những nghề mà dân Mỹ đang thiếu. Họ là các y tá, chuyên môn săn sóc người già và người bệnh. Những nghề đó đều đòi hỏi bằng cấp bậc đại học. Vì số người đó chiếm đa số cho nên họ cũng nâng số lợi tức trung bình của tất cả các di dân gốc Phi Luật Tân. Mặt khác, số người gốc Phi Luật Tân ở Mỹ tụ tập ở quần đảo Hawaii rất đông; và họ đã tới nơi này từ nhiều đời. Do đó, nếu tài sản và lợi tức bình quân của họ cao hơn các sắc dân khác cũng dễ hiểu. Các sắc dân như Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản thì đa số cũng đến vùng đất mới này sớm hơn cộng đồng người gốc Việt và họ ra đi với họ được chuẩn bị về cả nghề nghiệp và vốn liếng trước khi ra đi; khác với những người liều chết ra biển đi tìm tự do.
Cuối cùng, bài nghiên cứu của John R. Logan và Weiwei Zhang kết luận rằng người di dân gốc Châu Á ở Mỹ có thể coi là ngang hàng, hoặc có trình độ cao những người Mỹ tới khai phá đất này sớm nhất, là những người gốc da trắng. Người gốc Việt Nam có thể coi là ngang hàng, vì lợi tức bình quân chỉ kém người Mỹ da trắng khoảng 300 đôla một năm, và số người tốt nghiệp đại học cũng chỉ thấp hơn 2% mà thôi. Với tất cả những thiệt thòi của những người chạy khỏi quê hương đi tị nạn, tình trạng đó cũng đáng coi là một điều đáng hãnh diện.