Chức năng điều hành của não và Thuyết tâm ý


Những người mắc hội chứng Asperger/tự kỉ chức năng cao thường phải đối mặt với những khó khăn trong việc hiểu những kỹ năng xã hội và ẩn ý từ người khác. Họ có thể gặp khó khăn trong việc xử lí một lượng lớn thông tin và kết nối với người khác. Hai thuật ngữ chính liên quan đến những khó khăn này là Chức năng điều hành của não (Executive Functioning) và Thuyết tâm ý (Theory of Mind). Chức năng điều hành của não bao gồm những kĩ năng như tổ chức, lập kế hoạch, duy trì sự chú ý và tiết chế các phản ứng không phù hợp. Thuyết tâm ý đề cập đến khả năng hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của người khác, và những điều đó có liên hệ gì đến bản thân. Cả hai vấn đề này đều có thể ảnh hưởng đến hành vi của người mắc hội chứng Asperger.
Những khó khăn về Chức năng điều hành của não có thể thể hiện ra theo nhiều cách khác nhau. Có người quá chú ý vào những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng không nhận ra chúng nằm ở đâu trong bức tranh toàn cảnh lớn hơn. Số khác gặp khó khăn trong việc tư duy phức tạp, đòi hỏi phải duy trì vài luồng suy nghĩ đồng thời. Số khác có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý, hoặc trong việc sắp xếp suy nghĩ và hành động. Chức năng điều hành của não cũng đồng thời đi kèm với sự kém kiểm soát những hành động bột phát. Temple Grandin từng nói: “Tôi không thể duy trì được thông tin về phần trước khi tôi thực hiện bước tiếp theo”. Những người mắc hội chứng Asperger thường thiếu khả năng sử dụng các kĩ năng liên quan tới chức năng điều hành của não như lập kế hoạch, lên trình tự và tự điều chỉnh.
Có thể tóm tắt Thuyết tâm ý là thiếu khả năng hiểu và nhận ra những ý nghĩ, cảm xúc và ý định của người khác. Những người mắc hội chứng Asperger/tự kỉ chức năng cao có thể gặp phải những khó khăn trong việc nhận ra và xử lí cảm nghĩ của người khác, điều này đôi khi còn gọi là “sự vô tâm”. Hậu quả của tình trạng vô tâm là người bị tự kỉ không thể nhận ra những hành vi của người khác là có chủ tâm hay không. Vì khó khăn này mà người khác thường cho rằng người mắc hội chứng Asperger không biểu lộ sự đồng cảm và hiểu họ, khiến họ có thể vấp váp trong những tình huống xã hội.
Khiếm khuyết về Thuyết tâm ý có thể có tác động lớn đến những người mắc hội chứng Asperger. Trong cuốn sách mang tên Asperger Syndrome and Difficult Moments (Hội chứng Asperger và những thời khắc khó khăn), Brenda Smith Myles và Jack Southwick đã minh họa những thiếu hụt trong tương tác xã hội do khiếm khuyết về Thuyết tâm ý gây ra như sau:
  1. Khó khăn trong việc lý giải hành vi của người khác
  2. Khó khăn trong việc hiểu cảm xúc
  3. Khó khăn trong việc dự đoán hành vi hoặc trạng thái cảm xúc của người khác
  4. Gặp vấn đề trong việc hiểu quan điểm của người khác
  5. Gặp vấn đề trong việc suy luận ra ý định của người khác
  6. Không thấy được hành vi có tác động đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác ra sao
  7. Không biết cùng hướng đến những điều người khác đang quan tâm và những thỏa ước xã hội
  8. Gặp vấn đề trong việc phân biệt giữa hư cấu và thực tại
Ozonoff, Dawson, và McPartland đã nêu trong cuốn sách họ viết “A Parent’s Guide to Asperger Syndrome and High Fuctioning Autism” (Cẩm nang về hội chứng Asperger và tự kỉ chức năng cao dành cho phụ huynh), vài gợi ý để giúp trẻ mắc hội chứng Asperger/tự kỉ chức năng cao có thể đi học thành công. Họ đưa ra những gợi ý sau để giải quyết những khó khăn về Chức năng điều hành của não:
  • Có bản danh sách các bài tập trong tuần của trường gửi về nhà và ngược lại, thông báo cho những người liên quan biết bài tập nào đang làm tiến hành và bài nào đã đến hạn hoàn thành.
  • Danh sách những việc được giao chia nhỏ thành những nhiệm vụ nhỏ hơn và vừa sức bao quát của học sinh.
  • Lịch làm việc hàng ngày, có thể sử dụng thiết bị điện tử hỗ trợ cá nhân (PDA) để giúp con bạn sắp xếp, tổ chức mọi việc.
  • Thời khóa biểu của lớp dán ở chỗ dễ nhìn.
  • Dành đủ thời gian để chỉ dẫn, lặp lại chỉ dẫn và trợ giúp cá nhân cho các học sinh.
  • Xếp cho học sinh ngồi ở bàn ưu tiên gần giáo viên và tránh xa những gì làm học sinh phân tâm.

Nguồn : tại đây http://vuicungcon.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình