Siêu thanh đuổi muỗi: Trò lừa siêu hạng

Một đài phát thanh quảng cáo rằng chương trình của họ được phát kèm sóng siêu âm có thể giúp thính giả vừa nghe được tin tức vừa không sợ muỗi. Chiêu quảng cáo này giúp họ thu hút lượng người nghe cực cao, đẩy doanh số quảng cáo tăng vọt đồng thời đem về giải thưởng quảng cáo danh giá nhất thế giới trong năm. Tuy nhiên, sóng siêu thanh có thật sự đuổi được muỗi?
Giải thưởng danh giá
Đài phát thanh Band FM của Brazil nói thính giả của họ từ nay có thể vĩnh biệt các loại nhang, bình xịt hay kem chống muỗi, vì sóng phát thanh của họ đi kèm âm siêu thanh 15kHz, được quảng cáo “muỗi nghe là chạy”.
“Chắp cánh” cho quảng cáo của Band FM là tạp chí du lịch nổi tiếng GoOutside, góp phần giúp chiến dịch quảng cáo của nhà đài này đoạt giải Grand Prix tại Cannes Lions hồi tháng 6, là giải thưởng thường niên danh giá nhất ngành quảng cáo trên thế giới.
Thế nhưng, các nhà khoa học khẳng định chuyện dùng sóng siêu thanh để đuổi muỗi chỉ là trò lừa. Bart Knols, một nhà côn trùng học hiện là Chủ tịch Ban cố vấn của Quỹ Sốt rét Hà Lan, kiêm biên tập trang web Sốt rét Thế giới (Malaria World), tuyên bố “không có bằng chứng khoa học nào” cho thấy sóng siêu thanh có thể đuổi muỗi.
Trong đoạn video quảng cáo, đài Band FM nói: “Nghiên cứu cho thấy sóng siêu thanh của chúng tôi, bắt chước âm thanh của chuồn chuồn - thiên địch của muỗi, đã làm muỗi tránh xa”. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết tiếng đập cánh của chuồn chuồn có tần suất âm thanh từ 20-170Hz, thấp hơn xa so với sóng siêu thanh 15kHz của nhà đài.
Và Bart Knols cho biết sóng thanh hệt như tiếng đập cánh của chuồn chuồn cũng “vô dụng” trong chuyện đuổi muỗi. Ông Knols cho rằng ý tưởng dùng sóng siêu thanh để chống sốt rét là chuyện “điên rồ”. “Mọi người cần phải tự bảo vệ mình với màn chống muỗi, thuốc nước và thuốc chống sốt rét. Nếu đặt niềm tin vào siêu thanh và ngưng dùng các biện pháp phòng ngừa trên, họ sẽ tự rước nguy cơ” - ông nói.
Lãng phí tiền bạc
Thật ra ý tưởng dùng sóng siêu thanh để đuổi muỗi không mới, nhưng cùng với Band FM nó được phát triển rộng rãi nhất. Từ lâu, người tiêu dùng các nước đã biết đến nhiều thiết bị điện tử được quảng cáo có thể phát sóng siêu thanh để đuổi muỗi. Năm 2005, tạp chí Holiday Which? đã thử nghiệm nhiều thiết bị đuổi muỗi và kết luận: “Đó là sự lãng phí tiền bạc đáng kinh ngạc.
Bart Knols vẫn bị nhiều muỗi chích dù đang mở ứng dụng
siêu thanh đuổi muỗi trên điện thoại thông minh.

Các cơ quan chức năng cần loại chúng ra khỏi thị trường”. Chẳng hạn, Holiday Which? nêu trường hợp của Lovebug, một thiết bị có hình dạng giống một chú bọ rùa, được thiết kế để gắn lên cũi hoặc xe đẩy của em bé nhằm đuổi muỗi. Tuy nhiên, nếu các phụ huynh tin tưởng thiết bị này mà bỏ lơ các biện pháp phòng muỗi khác, em bé có nguy cơ bị mắc các bệnh truyền nhiễm từ muỗi cao hơn.
Tại Hoa Kỳ, Lovebug đã bị Ủy ban Thương mại loại bỏ khỏi thị trường. Dù vậy, thiết bị này vẫn được bán rộng rãi ở châu Âu và khắp thế giới. Thậm chí, một nữ phát ngôn của Moziban (một thiết bị đuổi muỗi tương tự) nói sẽ là “ngu ngốc” nếu dùng thiết bị này ở những nước các bêïnh liên quan muỗi có nguy cơ cao.
Một sản phẩm kèm chức năng siêu thanh đuổi muỗi mới nhất là máy điều hòa của hãng LG, tung ra thị trường lần đầu năm 2009 ở Indonesia. Theo LG, “tại một cuộc thử nghiệm trong căn phòng Peet-Grady 1,9m3 của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), máy điều hòa đã hạ được 64% số lượng muỗi Anôphen cái có thể truyền bệnh sốt rét và loại bỏ 82% tổng số muỗi Anôphen cái”.
Dù vậy, LG khuyến cáo không sử dụng máy điều hòa này như một biện pháp phòng ngừa duy nhất chống bệnh sốt rét. Ông Bart Knols cho biết: “Ai cũng biết máy điều hòa không khí có thể giết côn trùng vì dòng không khi khô, ít độ ẩm của nó. Không có liên quan gì đến sóng siêu thanh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình