Ảnh trên tường
Quan niệm lại về quan hệ giữa tham nhũng và đời sống dân sự Từ trước đến nay người ta vẫn quan niệm rằng đối tượng bị hại trong các quá trình tham nhũng là nhà nước cho nên tham nhũng luôn được coi là một vấn đề hình sự. Cho nên, mọi kết luận của các phiên tòa về tham nhũng đều là tham nhũng, tham ô tài sản của nhà nước. Nhưng xét về mặt sở hữu thì nhà nước không có tài sản. Nhà nước chỉ là cơ quan quản lý tài sản quốc gia, tức là quản lý kho dự trữ của các tài sản được xã hội tích tụ. Kho tài sản ấy do đâu mà có? Nó được góp vào bởi nguồn thuế mà nhân dân đóng, các nguồn thu khác do xã hội cung cấp cùng với các khoản vốn vay. Các quan chức chính phủ nhầm lẫn rằng vốn vay, chẳng hạn như vốn ODA, là của nhà nước vì nhà nước là người có công đi vay. Nhưng ai là người trả nợ? Do việc biểu dương vai trò đi vay của nhà nước, người ta quên mất vai trò của người trả nợ là nhân dân, là xã hội. Hoặc một dạng vốn khác là vốn đầu tư nước ngoài cũng là một loại vốn vay mà người trả nợ là xã hội. Chính phủ vẫn hô hào đầu tư nước ngoài mà quên mất rằng đầu tư nước ngoài khi đã vào một quốc gia thì nó là một khoản nợ của quốc gia đó. Bởi vì chỉ có khoảng 30 % là vốn của nhà đầu tư thôi, còn 70% là họ đi vay. Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng vẫn là một doanh nghiệp nội địa, mà một doanh nghiệp nội địa nợ tới 70% cấu trúc kinh doanh thì tức là quốc gia đó nợ. Không phải cứ đầu tư nước ngoài là chúng ta không chịu trách nhiệm về nợ. Chính phủ có thể không chịu trách nhiệm nhưng xã hội phải chịu trách nhiệm. Khi tham nhũng xảy ra trong quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay đó thì người ta cho rằng người bị hại là nhà nước mà quên mất rằng nhà nước chỉ là người thay mặt cho nhân dân vay vốn và nhà nước là người sử dụng kho tài sản của nhân dân để đầu tư, vì vậy, về thực chất kẻ bị hại trong tất cả các quá trình tham nhũng là nhân dân. Cho nên cần phải thay thuật ngữ "tham nhũng tài sản của nhà nước" bằng thuật ngữ tham nhũng tài sản của nhân dân do nhà nước quản lý thì mới chính xác. Xét trên góc độ chính trị chúng ta thấy rằng ở các quốc gia lạc hậu về mặt chính trị không có xã hội dân sự nên không có tiếng nói của xã hội dân sự đối với hiện tượng phổ biến của đời sống dân sự là tham nhũng. Xã hội thiếu các tổ chức phi chính phủ đích thực bởi các tổ chức hiện có đều là những cánh tay nối dài của nhà nước, cho nên không có các bên nguyên là các tổ chức dân sự. Nguyên nhân gốc rễ của nó là nhà nước không phải là kết quả của quá trình bầu cử của nhân dân cho nên nhà nước đóng vai trò cai trị chứ không phải quản trị. Vì vậy, ngay từ quá trình khởi tố của các cơ quan công tố đã mất đi ý nghĩa dân sự. Một khi nhà nước không phải là đại diện của nhân dân thì không thể có năng lực đại diện cho nhân dân. Những kiểu nhà nước như vậy bao giờ cũng mô tả một cách sai lạc toàn bộ nguyện vọng của xã hội. Khi xã hội nổi giận vì nhận ra mình là kẻ bị hại trong mọi quá trình tham nhũng thì cần phải xem đấy là vấn đề của đời sống dân sự chứ không phải là vấn đề hình sự, vấn đề của riêng nhà nước. Hình sự hóa mọi vấn đề của xã hội là một trong những cách thức phổ biến của các nhà nước phi nhân dân. Khi hướng sự chú ý dân sự đối với vấn đề tham nhũng thành sự chú ý hình sự, nhà nước đã trở thành kẻ tham nhũng ở tầng chiến lược, tức là nhà nước trở thành kẻ chiếm đoạt quyền lực của nhân dân. Ở những nước nghèo, việc đầu tiên của chống tham nhũng ở mức độ bản năng là phải quản lý lại tài sản. Nếu quản lý tài sản tốt, thì trộm cắp sẽ giảm đi. Mỗi một con người phải trở thành người canh gác cho các tài sản, cho các sở hữu của mình. Con người không có quyền, không đủ năng lực để bảo vệ, để canh gác cho các tài sản của mình hoặc không có tài sản để canh gác thì đều bất hạnh. Vấn đề của các nước lạc hậu về mặt chính trị là nhân dân không có quyền tạo ra một chính phủ khác, cho nên tất cả các quyền của nhân dân đều bị giới hạn. Nhân dân muốn canh gác cho tài sản của mình nhưng nhân dân không có quyền phế truất một kẻ tham nhũng cụ thể thì có nghĩa là nhân dân đứng ngoài chính trị. Nhân dân đứng ngoài chính trị thì đất nước trở thành sở hữu của tập đoàn chính trị. Các tập đoàn chính trị biến đất nước trở thành sở hữu của họ bằng những thuật ngữ rất đơn giản như “tham nhũng là lấy cắp tài sản của nhà nước”. Làm như vậy có nghĩa là họ chống một hiện tượng tiêu cực bằng cách khẳng định một hiện tượng tiêu cực hơn là chiếm đoạt quyền sở hữu của nhân dân đối với đất nước của mình. Đó chính là biểu hiện cao nhất của tham nhũng, tức là tham nhũng quyền lực của nhân dân... (Xã hội học Tham nhũng, Nguyễn Trần Bạt, Sách Suy Tưởng, 2006) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình