Những trớ trêu về bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ (1)

Lạ, chưa hiểu được chuyện này


Bà Ann Snyder, ở thành phố Long Beach, quận Los Angeles, thuật chuyện rằng bà có mua bảo hiểm sức khỏe của công ty Blue Shield (2). Sau khi mổ ruột già bà thấy lâm râm đau bụng. Bác sĩ gởi bà đến bệnh viện làm nội soi CT (3) lưng và xương chậu. Giấy tờ cho thấy giá nội soi CT là $6.707, và – nhờ có bảo hiểm – bà chỉ trả $2.336. Sau đó, do một sự tình cờ bà Snyder biết nếu bà không có bảo hiểm thì bà chỉ trả $1,054 tiền mặt. Bà Snyder 57 tuổi nói, bà thấy chuyện phi lý quá. Bà tự hỏi: Vậy mua bảo hiểm để làm gì?
Tìm hiểu, bà Snyder mới biết rằng trường hợp bà không phải là một ngoại lệ. Các cơ sở săn sóc sức khỏe (bác sĩ, bệnh viện …) đều tính tiền nặng cho bảo hiểm hơn tính cho bệnh nhân trả tiền mặt và sự khác biệt của hai con số đôi khi rất cao. Ngoài ra giá tiền tính cho cùng một dịch vụ cũng rất khác nhau từ bệnh viện này qua bệnh viện khác.
Thí dụ Trung tâm Y Tế Los Alamitos (ở nam California) tính một CT scan lưng là $4,423, và Blue Shield thuận trả $2,400. Báo Los Angels Times gọi hỏi giá tiền mặt thì được cho biết $250 .
Báo Times điều tra tại 7 bệnh viện trong vùng Nam California và thấy mỗi bệnh viện là một cõi riêng biệt, tính sao thì tính không theo một nguyên tắc nào cả. Và thực tế có một policy bảo hiểm sức khỏe chỉ có lợi trong hai trường hợp: (1) thí nghiệm y khoa và khám phòng ngừa khỏi trả tiền, (2) chữa trị dài ngày khi bị bệnh hiểm nghèo.
Trong tình hình kinh tế hiện nay các chủ sở, chủ tiệm giảm tiền mua bảo hiểm đối với công nhân viên, trong khi các hãng bảo hiểm vừa tăng tiền bao trước (deductibles) vừa tăng phần tiền bệnh nhân phải trả thêm nên nhân viên, thợ thuyền có khuynh hướng không khai mình có bảo hiểm để trả tiền mặt có lợi hơn.
Mới đây bà David Belk, một bác sĩ nội khoa thiết lập diễn đàn điện tử www.trucostofhealthcare.org/ để làm sáng tỏ tình trạng phi lý này và tìm cách sửa đổi. Nhiều người làm việc trong kỹ nghệ săn sóc sức khỏe cũng làm những công việc tương tự để giúp cộng đồng. Bà Belk đưa ra một trường hợp điển hình: một dịch vụ thử máu giá tiền mặt $95, trong khi bệnh viện tính $782 và hãng bảo hiểm thuận trả $415.
Nhưng trả tiền mặt có lợi trước mắt mà có thể thiệt hại về sau tùy theo từng trường hợp. Bởi lẽ đa số các policy bảo hiểm sức khỏe đều có điều khoản, nếu bệnh nhân trả tiền túi đến một giới hạn nào đó trong năm thì sau đó khỏi trả thêm nữa. Trong khi đó muốn trả tiền mặt cho rẻ phải khai “không có bảo hiểm” và số tiền này không được tính vào tổng số tiền túi cá nhân đã trả trong năm.
Vì vậy, tùy trường hợp bệnh trạng và sức khỏe, mỗi người tính toán khác nhau (nếu có khả năng và dữ kiện để tính) rất nhức đầu. Luật cải tổ bảo hiểm sức khỏe (Healthcare Reform) quốc hội Hoa Kỳ thông qua và tổng thống Obama ban hành thành luật tháng 3 năm 2010 buộc mọi người dân phải mua bảo hiểm về lâu về dài giải quyết được chuyện nhức đầu này. Nhưng một số người chống dựa vào một cái cớ mơ hồ rằng “bó buộc mua bảo hiểm” là vi hiến. Trong khi luật buộc mọi người có xe phải mua bảo hiểm cho xe thì không ai kiện vi hiến cả!
Đã có một thời kỳ các bệnh viện tính tiền thật cao cho các bệnh nhân không có bảo hiểm hoặc có bảo hiểm mà không khai. Không trả được một lần thì trả hằng tháng. Nhưng dân nghèo kêu quá chính phủ can thiệp và các bệnh viện tính thấp cho bệnh nhân không có bảo hiểm với điều kiện trả tiền một lần để họ khỏi mất công đòi.
Lại còn vấn đề: bệnh viện lớn và bệnh viện nhỏ tính tiền khác nhau. Các bệnh viện lớn có nhiều bệnh nhân nên tính tiền đắt hơn, và các hãng bảo hiểm chịu trả vì họ sẽ đập lại vào tiền bảo hiểm của khách hàng. Khách hàng bằng lòng trả “preminum” cao một chút để mua bảo hiểm của những hãng bảo hiểm có thể gởi họ đến những bệnh viện lớn.
Chủ nhân các bệnh viện tại Hoa Kỳ đều nói họ không muốn tính tiền cao cho bệnh nhân. Nhưng vì hệ thống bảo hiểm sức khỏe của Hoa Kỳ không như các nước Âu châu, họ phải tính cao cho những người có bảo hiểm để có tiền săn sóc cho những người không có bảo hiểm trong trường hợp khẩn cấp nếu không được chữa trị thì chết. Họ phải làm vậy để cân bằng chi thu nếu không thì phải đóng cửa bệnh viện.
Sự tăng giá dịch vụ làm cho chi phí săn sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ tăng cao và nhanh gấp đôi chỉ số lạm phát, dù trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay số người đến bệnh viện giảm đi nhiều.
Bà Snyder kể chuyện săn sóc sức khỏe của bà một cách chi tiết như sau: Năm 2009 bà đau lưng. Bác sĩ của bà, sau khi được sự chấp thuận của hãng bảo hiểm Blue Shield, gởi bà đến Trung Tâm Chụp hình Liberty Pacific, một cơ sở chụp hình nhỏ (không liên hệ với bệnh viện Long Beach Memorial) để làm CT scan lưng và xương chậu. Blue Shield bảo bà trả $660. Sau đó bà Snyder mổ ruột già (tại bệnh viện Long Beach Memorial) và sau đó lâm râm đau bụng. Bác sĩ mổ ruột già của bà gởi bà đi làm một CT scan khác vào tháng Giêng năm 2010 tại Trung tâm Chụp hình của Long Beach Memorial. Bà Snyder tưởng lần này cũng trả khỏang trên dưới $600 như lần trước. Nhưng không, Blue Shield nói giá scan lần này là $3,497 và phần bà phải trả là $2,336.
Bà Snyder đã kiện Blue Shield về sự bất nhất giá cả. Bà biết tệ trạng giá cả này do hệ thống săn sóc sức khỏe của Hoa Kỳ hỏng, kiện cũng không đi tới đâu, nhưng bà kiện để hãng bảo hiểm phải tiết lộ chính sách tính tiền tùy hứng cho dân chúng biết.
Do vụ kiện và tìm hiểu bà Snyder biết thêm rằng cùng với dịch vụ như bà những ai không có bảo hiểm chỉ trả bằng nửa giá bà đã trả.
Vụ kiện đang được thụ lý tại tòa án quận Cam (Little Saigon). Công ty Blue Shield bình chân như vại nói rằng là một “công ty có quy chế bất vụ lợi” (non-profit orgnization) họ có quyền trao đổi giá cả dịch vụ với các bệnh viện.
Bà Snyder nói hiện nay bà phải đi làm (dù bà có thể nghỉ ngơi) chỉ để có tiền trả $700 bảo hiểm một tháng.
Những người quan tâm đến vấn đề bảo hiểm sức khỏe nói trên đây chỉ là những gì liên quan đến giá cả của một vụ CT scan. Còn trăm ngàn trường hợp khác thì sao? Ai cũng muốn công khai nhưng các bệnh viện và các hãng bảo hiểm không muốn công khai. Công khai thì họ không kín đáo làm ăn được.
Nhưng với sự đòi hỏi của người tiêu thụ rồi cũng phải công khai vì công khai là nguyên tắc của văn minh và dân chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình