Những chặng đường gian nan đi học của trẻ tự kỷ VN ( từ Nhà trẻ đến lớp 8)

bởi Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng vào 7 tháng 9 2010 lúc 11:39 ·

Chuyện của KEN, sinh năm 1997, Asperger style

Ken là một cậu bé vui vẻ, nhanh nhẹn, có khuôn mặt dễ gây thiện cảm khi mới gặp. Ken năm nay 13 tuổi, vừa kết thúc năm học lớp 7 tại một truờng phổ thông công lập có 2000 học sinh. Ken học tốt hầu hết các môn (điểm trung bình chung các môn >8), ngoại trừ môn Văn, môn thể dục và môn Vẽ. Ken đàn piano rất tốt, thầy dạy đàn cho biết tay đàn của Ken nếu được đầu tư sẽ là tay đàn tài năng với điều kiện là Ken có đam mê và gia đình cho Ken vào Nhạc viện học (nhưng thật tiếc, Ken chẳng có đam mê với đàn piano, chỉ tập đàn như một thói quen cần phải làm, vì mẹ nói là âm nhạc giúp con thư giãn). Vào năm 7 tuổi, Ken đã được thẩm định về ngôn ngữ và chuyên gia cho biết Ken có khó khăn về diễn đạt ngôn ngữ, điểm đánh giá bày tỏ và diễn đạt thấp hơn 2 tuổi so với độ tuổi. Riêng kiến thức và sự tiếp thu thì ở mức khá của độ tuổi. Năm 2009 Ken được chuyên gia Tường Anh của nhóm Con Của Mẹ đánh giá lần nữa, và kết quả là năng lực ngôn ngữ vẫn thấp hơn 2-2.5 tuổi so với độ tuổi.

Ken có nhiều khó khăn điển hình của các cá nhân có khó khăn về diễn đạt ngôn ngữ và có một số điểm giống như mô tả của hội chứng Asperger (AS). Đặc biệt khó khăn về diễn đạt ngôn ngữ làm cho em khó khăn trong giao tiếp xã hội, kết bạn ở lớp và tạo cảm tình với thầy cô. Em chỉ có thể nói ra một lần điều mình muốn mà không thể giải thích tại sao mình muốn, càng khó tìm lời lẽ thuyết phục người khác theo ý mình, hay không biết nói loanh quanh như nhiều bạn khác để chạy tội. Chính vì vậy, khi đi học ở trường hay ở các lớp ngoại khóa, Ken thường hay có những hành vi và phản ứng không phù hợp, như nổi giận, khóc lóc, đánh bạn, …khi không vừa ý hoặc khi cảm thấy mình bị “nói oan”. Bạn bè trong lớp và cả thầy cô, phần lớn không hiểu về hội chứng của Ken, không chấp nhận những gì em làm, bạn bè có thể chọc ghẹo, xa lánh, nói em là “đồ khùng”; còn thầy cô thì thành kiến với em, nghĩ em là con cưng và là đứa không biết vâng lời, thậm chí có thầy cô còn nghĩ là em không trung thực vì em không nhìn vào mặt thầy cô. Trong một bầu không khí như vậy, Ken thường cảm thấy căng thẳng, lo lắng khi đến trường. Đôi khi Ken có những cơn bùng nổ trong lớp học (1-2 lần trong năm) là hậu quả của những cơn tức giận quá mức.

Chuyện Ken đi học
  1. Nhà trẻ và mẫu giáo
Ở nhà trẻ (dưới 3 tuổi), cô giáo than phiền con không nói bất kỳ cái gì, hiếu động và ít tập trung để ý cô dạy. Khi tập xâu hạt thì con không chịu xỏ kim vào lỗ, mà cứ đổ ra xúc vào các hạt vào ra cái hộp. Suốt cả năm trời (từ 2-3 tuổi) con cũng không phân biệt được màu nào trong 7 màu căn bản, và các hình căn bản (vuông, tròn, tam giác) theo chương trình của trường mầm non. Vào giờ chơi vận động cá nhân con làm tốt nhưng con không chịu hiểu những luật chơi đồng đội trong các trò chơi thay phiên. Trong giờ kể chuyện, sau khi kể xong cô thuờng hay hỏi các con trả lời, và khi cô hỏi thì con hay chui xuống gầm bàn ngồi. Mỗi khi có đoàn kiểm tra đến dự giờ, con là một trong vài bạn sẽ được cô giáo chuyển sang phòng khác chứ không được ngồi trong lớp học.
Tuy nhiên con có thể hiểu và thực hiện các yêu cầu tự phục vụ rất tốt, chẳng hạn như vào giờ ăn biết xếp chén, muỗng vào chỗ, tự xúc ăn một mình hết suất, ngủ ngoan. Ngủ dậy thì biết cất mền gối vào chỗ, tự rửa mặt, thay quần áo, đến lớp và ra về biết chào cô, chào mẹ…
Ken không thích đi học, sáng nào cũng trì hoãn rất lâu ở sân trường, khi mẹ bắt phải vào lớp để mẹ đi làm thì bé ôm mẹ chặt cứng, hôm thì khóc lóc ầm ĩ, khi thì mặt mày sưng sỉa, trì kéo… Nếu mẹ nhờ chú bảo vệ bắt bé vào lớp thì bé sẽ nhào tới cắn mẹ.
Khi hết lớp cơm thường, thông thường thì trường mầm non sẽ chuyển các bé lên học tiếp lớp Mầm của trường, nhưng vì trường con học là trường điểm cấp quận của một quận trung tâm của TPHCM, BGH cố tình loại ra những bé phát triển chậm hơn bình thường và không cho con lên lớp Mầm ở trường này (tiêu chuẩn để bé được học tiếp lớp Mầm tại trường là phải đạt danh hiệu Bé Khỏe Bé Ngoan cấp thành phố). Tóm lại là con bị “đuổi” ra khỏi trường MN, là nỗi đau buồn và thất vọng đầu tiên của mẹ về hệ thống giáo dục mầm non.
Mẹ đành phải chuyển trường cho con về trường gần nhà ở Q. Bình Thạnh để học lớp Mầm. Trong cái rủi lại có cái may, đây cũng là trường tốt của QBT, nhưng các cô giáo lại có một cách cư xử hiểu biết hơn nhiều về tâm lý các bé và thân thiện với phụ huynh hơn. Một điều may mắn nữa là cô giáo lớp Mầm là cô giáo dạy giỏi cấp thành phố (sau khi dạy Ken năm lớp Mầm, năm học tiếp theo cô được cử là Hiệu phó chuyên môn của trường). Trong lớp có 2 cô, một cô giỏi, một cô còn rất trẻ mới ra trường. Cô giáo trẻ này nhiều lần làm mẹ khóc hết nước mắt vì kiểu nhận xét rất bàng quan và thiếu sự quan tâm, thông cảm. Tuy vậy, nhờ sự giúp đỡ của cô giáo có kinh nghiệm, Ken rất thích đi học và tiến bộ rất nhiều trong năm lớp Mầm, thời gian từ 3.5 tuổi – 4.5 tuổi. Con nói nhiều hơn, nhưng chủ yếu là lập lại những gì người lớn dạy. Đến cuối năm, con có thể tự đọc nhiều bài thơ, hát nhiều bài hát, và bắt đầu tự nói nguyên câu (khoảng 4-5 từ). Từ sau 4.5 tuổi, con học nói rất nhanh. Trong vòng 3 tháng con có thể tích lũy một vốn từ bằng với trẻ em học trong mấy năm, mặc dù kỹ năng nói chuyện vẫn chưa tốt (chưa nói chuyện qua lại được, mà chỉ trả lời câu hỏi hoặc đặt câu hỏi). Con học mọi thứ rất nhanh, chẳng hạn như màu sắc, trước đây học cả năm không biết màu nào, nhưng khi con đã quan tâm học màu, thì trong vòng 1 tuần con có thể nhận biết không chỉ 7 màu căn bản, mà phân biệt được đậm nhạt, và bảng màu mở rộng. Con học số và tính toán cũng rất nhanh, con quan tâm hỏi về lịch dương lịch, lịch âm, và có thể phát hiện ra lịch in sai vào lúc 5 tuổi. Con có thể tìm ra chiếc xe của người nhà rất nhanh trong một bãi xe lớn.
Cho đến khi con vào lớp 1, mẹ vẫn không hề biết là con có những dấu hiệu của trẻ AS, mà chỉ nghĩ là con chậm nói đơn thuần, phát triển ngôn ngữ chậm hơn bình thường một chút. Tuy nhiên mẹ cũng thấy con có điều gì đó khác thường so với những anh chị em họ khác trong nhà, nuôi con và dạy con rất cực, phải rất kiên nhẫn và mất nhiều thời gian. Cho đến khi mẹ sanh em gái (lúc Ken 5 tuổi), thì mẹ mới thấy là nuôi con gái thật khỏe hơn gấp nhiều lần nuôi Ken.
  1. Tiểu học
Như bao bà mẹ khác, mẹ lại tìm trường cấp 1 thật tốt cho Ken học. Đây là một ngôi trường khá nổi tiếng ở Quận 1, có nhiều thành tích dạy và học, nhiều thầy cô giỏi. Con lại gặp may lần nữa khi năm lớp 1 được học với cô TH, giáo viên đạt giải “Viên phấn vàng”, và là một trong số ít giáo viên của trường có danh hiệu “Trái tim người thầy”. Con trải qua năm lớp 1 êm đềm, rất thích đi học, rất thích đến trường, rất thương cô giáo, rất chăm học và cuối năm con là một trong 10 học sinh giỏi tiêu biểu của lớp về kết quả học tập.
Khi học lớp 1, Ken không gặp khó khăn trong việc học đọc, học viết và làm toán. Vào lứa tuổi đó, con đọc rất nhiều sách mà con nhìn thấy, đặc biệt là sách khoa học, địa lý, lịch sử, các quyển atlas và almanac. Có nhiều thứ con không hiểu hết nhưng rất say sưa quan sát hình ảnh và tả lại những hình ảnh đó. Con cũng rât thích tìm hiểu các đời tổng thống Mỹ, nhớ bảng cờ thế giới và dấu hiệu logo của các sản phẩm thông dụng. Tuy nhiên, sự say sưa tìm hiểu thế giới chung quanh và các sự kiện giảm dần khi con lớn lên, khi bài học trong trường ngày càng nhiều hơn và con phải mất nhiều thời gian làm bài tập ở nhà.
Cô giáo lớp 2 cũng có nhiều năm kinh nghiệm dạy học, tuy nhiên cô hơi nghiêm và ít nói. Con gặp trục trặc với bạn bè và cô giáo khá nhiều trong năm học này. Cô than phiền con hay đánh bạn, cô nói không nghe lời, cô hỏi không trả lời và nhìn chằm chằm vô mặt cô. Có một lần một bạn trong lớp mất đồ, cô bắt cả lớp để cặp lên bàn cho cô xét. Ken không chịu để cặp lên bàn vì nghĩ là mình không lấy đồ của bạn. Cô cho là Ken lấy đồ của bạn nên không dám cho cô xét cặp, và điều này làm cho Ken trở nên kích động, làm ầm ĩ náo động trong lớp. Từ đó về cho đến hết năm học, mối quan hệ của Ken và cô trở nên không thân thiện, Ken vẫn đi học nhưng hay có cảm giác lo lắng. Mẹ phải đưa Ken đến gặp chuyên gia tâm lý thường xuyên mỗi tuần. Kết quả thẩm định cho thấy Ken bị khó khăn diễn đạt ngôn ngữ, không bày tỏ được những gì mình muốn, mình nghĩ cho người khác hiểu, và do đó ảnh hướng đến hành vi và tâm lý. Cuối năm Ken vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi, với điểm số xuất sắc nhưng cô giáo cho biết không thể chọn Ken là học sinh tiêu biểu sau quá nhiều rắc rối ở lớp. Khoảng giữa HK2, mẹ đã phải nói chuyện với cô rất nhiều sau khi được chuyên gia tâm lý cho biết về tình trạng của con, cô có vẻ hiểu hơn và bớt thành kiến với con hơn.
Thật sự mẹ không biết con bị rối loạn gì cho đến khi gặp chuyên gia tâm lý vào năm con 7 tuổi (năm 2004). Bà hướng dẫn cho mẹ rất nhiều cách giáo dục con, và nói về những khó khăn của con trong hiện tại và tương lai mà từ trước đến giờ mẹ không hình dung ra được. Cho đến năm 2004, mạng internet chưa phổ biến như bây giờ và những nguồn thông tin, tài liệu về chứng tự kỷ hay Asperger hầu như không có. Nếu như biết sớm, mẹ có thể giúp Ken ổn định tâm lý sớm hơn, chia sẻ với con nhiều hơn giúp con tránh được những cơn stress triền miên trong năm học lớp 2, không chỉ ở trường mà cả ở nhà vì mẹ có em bé. Vào cuối năm học lớp 2, Ken có cơn động kinh đầu tiên khi ngủ, mà phải trải qua quá trình chữa trị và theo dõi trong vài năm, mẹ mới biết con chỉ có cơn động kinh do nguyên nhân tâm lý, khi con quá stress chịu không nổi. Sau này đọc những tài liệu về trẻ AS, mẹ mới biết là trẻ AS là những trẻ có thần kinh nhạy cảm đặc biệt, luôn có những nỗi lo lắng và stress thường xuyên, không bình tĩnh và ngưỡng chịu đựng kém hơn trẻ bình thường.
Lớp 3 và lớp 4 của con trôi qua bình yên hơn vì mẹ đã biết là con bị cái gì, mẹ nói chuyện với thầy cô ngay từ đầu năm học để thầy cô hiểu con hơn và biết cách ứng xử với con. Lớp 5 của con trôi qua thật tuyệt vời và êm đềm nhất trong thời gian 10 năm mẹ nuôi con, con đủ lớn để hiểu những gì mẹ dặn, biết kiềm chế mình hơn, lớp học của con hầu hết các bạn rất ngoan, chăm học và thầy giáo chủ nhiệm cũng rất tuyệt vời, không chỉ dạy giỏi mà còn giúp học sinh cảm thấy rất tự tin và vui vẻ khi đến lớp.
Nói tóm lại, trong thời gian học tại truờng tiểu học, mỗi lớp chỉ có một giáo viên, năm học nào có giáo viên kinh nghiệm, hiểu tâm lý học sinh thì Ken rất bình tĩnh, học rất tốt, ít lo lắng. Còn năm học nào giáo viên nghiêm khắc, ít gần gũi học sinh thì Ken căng thẳng thường xuyên và ba mẹ hay bị giáo viên mời gặp.
  1. Cấp 2
Lên lớp 6, do thay đổi hoàn toàn trường học (do Ken học cấp 1 trái tuyến nên vào cấp 2 mẹ lại phải xin chuyển Ken sang trường khác ở quận khác, Ken không gặp được bạn bè nào đã từng học với mình hồi cấp 1 do đổi sang trường ở quận khác), bạn bè hoàn toàn mới, cách thức học tập khác nhiều so với cấp 1, có nhiều giáo viên dạy nhiều môn hơn, Ken lại bị căng thẳng và lo lắng nhiều, bị dị ứng chảy nước mũi nhiều hơn và quay trở lại nhiều tật xấu (khi nhỏ có nhưng khi 7-8 tuổi hầu như đã chấm dứt) như cắn móng tay, ăn nước mũi. Những hành động này của Ken làm cho bạn bè chọc ghẹo, cười cợt, chế nhạo và Ken khóc lóc hay tức giận. Ken không thích bị thầy cô cho điểm thấp, không thích bị bạn bè và thầy cô phê bình mình trước lớp. Nếu giận bạn, Ken phản ứng bằng cách bôi nước mũi vào tập bạn, hoặc cắn bạn; khi bị thầy cô nhắc nhở hay la rầy, nếu không đồng ý với thầy cô, Ken nhìn trừng trừng vào thầy cô, nhưng im lặng không trả lời câu hỏi. Nếu thầy cô hỏi dồn ép, em có thể hét lại. Khi cô giáo phê bình trước lớp, Ken vẽ xấu cô vào tập.

Sau khi bình tĩnh lại, Ken biết làm mình sai, xin lỗi cô, xin lỗi bạn, xin lỗi ba mẹ. Mẹ cũng hướng dẫn cho con một số cách để kiềm chế những cơn giận như tránh đi nơi khác, xin phép ra khỏi lớp, vào toilet rửa mặt, hít thở sâu, suy nghĩ về hậu quả nếu mình đánh bạn hay cắn bạn, vô lễ với thầy cô. Ken thực hành ở nhà khá tốt, áp dụng đuợc khi giận ba mẹ ở nhà, nhưng ở lớp đụng chuyện thì vẫn không kiềm chế được.

Ken cũng khó khăn khi phải tập trung suốt 2 tiết trong giờ học môn văn. Ken nói thẳng với cô giáo dạy văn là Ken không thích môn văn và Ken cảm thấy bị tra tấn khi học môn này. Cô giáo dạy văn năm lớp 6 rất chịu đựng và kiên nhẫn với Ken. Ken không thích đọc những bài văn dài dòng, không chịu suy nghĩ ý tưởng khi làm bài tập làm văn, mà hầu như chờ người khác làm sẵn rồi học thuộc.

Sau vụ bạo động vào cuối học kỳ 1 ở lớp, Ken được gặp cô hiệu trưởng. Là một hiệu trưởng lớn tuổi và kinh nghiệm nhiều năm, không chỉ là nhà giáo cô còn đã tốt nghiệp cử nhân ngành tâm lý xã hội, nên cô nhận ra ngay Ken là đứa trẻ có vấn đề về tâm lý. Cô mời phụ huynh vào nói chuyện và thật may mắn cô rất hiểu vấn đề của Ken. Cô hứa sẽ quan tâm và hướng dẫn giáo viên có những quan tâm và ứng xử phù hợp với lớp của Ken. Vào học kỳ 2, cả lớp có sự hiểu biết nhau nhiều hơn, nên Ken giảm nhiều những cơn bực tức và lo lắng khi đi học. Tuy nhiên nhìn chung, nhiều bạn trong lớp không thích em và có xu hướng không chơi với em để tránh rắc rối. Em hay có kiểu chơi lấn lướt, nói to, phát biểu linh tinh trong lớp, cười nhiều kiểu quái dị, ít quan tâm hỏi thăm bạn, không chịu tham gia họat động tập thể, các hoạt động ngoại khóa như đi cắm trại, thể thao, văn nghệ, … Ken có môt người bạn thân, tính hiền lành, dễ chịu. Ken rất quan tâm đến bạn, thích tặng đồ chơi cho bạn, cho bạn mượn tập để chép bài hay photo dùm bài học cho bạn khi bạn nghỉ học.

Thầy cô ở trường rất cố gắng ứng xử nương theo tính Ken, hiểu và thông cảm với trường hợp của Ken, tuy nhiên cũng khá dè dặt, cảm thấy không thoải mái vì bị các học sinh khác trong lớp khiếu nại là cô cư xử không công bằng.

Lớp 7 là lớp mà thầy cô than phiền nhiều về học sinh nói chung. Hầu hết các em đều rất chướng. Với tính khí như Ken, và bạn bè như vậy, ba mẹ lo lắng con lại sẽ có nhiều xung đột ở trường. May thay, năm học lớp 7 trôi qua trong hòa bình, chắc là nhờ cô giáo chủ nhiệm, là một giáo viên dạy môn toán, đã áp dụng những nguyên tắc kỷ luật rất chặt chẽ nhưng rất tâm lý, có thưởng, có phạt. Ngoài ra, cô cũng hướng dẫn học sinh làm “Sổ báo bài”, sổ này giúp Ken rất nhiều trong việc ghi nhớ phải chuẩn bị bài như thế nào cho ngày hôm sau.

Kết quả học tập của Ken lớp 6 và lớp 7 khá tốt, điểm bình quân tất cả các môn là 8.5. Môn Văn nhờ có cô giáo kèm riêng ở nhà nên điểm trung bình cũng đạt khoảng 7.5. Càng lớn thì Ken càng thấy mệt với môn văn và có xu hướng không muốn học, mẹ và cô giáo phải dụ đủ kiểu, cũng như phải bơm ý vào đầu con rồi bắt con học thuộc, nhờ vậy mà Ken mới vượt qua được mấy bài tập làm văn ở trường.

Mỗi lần qua một năm học, là mẹ Ken lại thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn còn nhiều lo lắng, vì chặng đường phía trước vẫn còn quá dài. Con sẽ học môn Văn như thế nào khi lên những lớp cao hơn? Khi dậy thì con sẽ thay đổi như thế nào? Mẹ phải tìm trường cấp 3 nào phù hợp với con? Trường cấp 3 nào ở Q.Bình Thạnh hay các quận lân cận có vị hiệu trưởng hiểu về hội chứng của con để có thể hướng dẫn giáo viên giúp đỡ con ở trường? Khi lên cấp 3 bài vở càng nhiều hơn nữa con có chịu nổi áp lực không? Con sẽ vào đại học hay sẽ chỉ học nghề? Lớn lên con sẽ làm nghề gì? Sau này khi yêu con sẽ như thế nào, nếu cô gái nào từ chối tình yêu của con, con có vượt quá được cú sốc tâm lý không? Hàng trăm câu hỏi về tương lai của con làm mẹ lo lắng. Bây giờ con 13 tuổi, nhưng chưa khôn ngoan như các bạn, vẫn yêu ba mẹ, thích ở nhà hơn là đi xa , thích nằm trên cái giường của con chứ không thích nằm giường khách sạn, … mẹ thấy con vẫn trong vòng tay mẹ, nhưng rồi tương lai con phải tự lập và sống tốt khi không còn ba mẹ, đó chính là nỗi lo lắng nhất đời của mẹ bây giờ. Nếu như lúc đó em gái không sống ở gần con, ông bà cha mẹ qua đời hay già yếu, cộng đồng nào sẽ hỗ trợ con?

Mẹ Ken rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và thông cảm của cộng đồng, đặc biệt là các thầy cô giáo, các vị hiệu trưởng của các trường học. Ken sẽ tiếp tục 2 năm lớp 8 & 9 ở ngôi trường cấp 2 quen thuộc của mình, hy vọng là Ken sẽ ổn. Nếu quý vị nào có biết một trường cấp 3 nào ở TPHCM (nào ở Q.Bình Thạnh hay các quận lân cận) mà BGH có hiểu biết về hội chứng của Ken, xin vui lòng giới thịêu cho mẹ Ken biết. Xin cảm ơn mọi người đã quan tâm đến câu chuyện của Ken.

Mẹ Ken
(Email : daisyhcmvn@gmail.com)


Bỏ thích · · Chia sẻ

  • Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng Bài việt của một phụ huynh trẻ ASPERGER gởi đến HỘI THẢO "TRƯỜNG HỌC NÀO CHO TRẺ TỰ KỶ" đã được diễn ra ngày 05.6.2010 tại TP.HCM.
  • Nguyen Ngoc Bai nay hay qua, con minh chuan bi vao hoc mam non day, bsi moi cho biet benh duoc nua thang thoi, minh cung co qua nhieu suy nghi nhu nguoi me nay vay
  • Ly Khánh Cậu bé Ken đi học vất vả quá, nhưng quan trọng là do xã hội còn nhiều người chưa thông cảm với những sự khác biệt của trẻ.
  • Nguyễn Bá Bài viết rất hay. Đây là mối quan tâm của rất nhiều cha mẹ có con bị tự kỷ hoặc Asperger style trước ngưỡng cửa vào tiểu học. Con trai tôi sang năm cũng vào lớp 1 và tôi rất lo lắng cho cháu khi đến trường. Các bạn biết những ngôi trường nào ở Cầu Giấy (Hà Nội) mà giáo viên hiểu được tâm lý và tình trạng của các cháu thì xin giới thiệu giúp với.
  • Linh Đào Em đang chặc lưỡi rùng mình bước vào chặng đường này đây. Em thấy sức ép từ con thì ít, mà từ những người lớn thì nhiều. Con đã như vậy, bố mẹ cũng là cóc nhái khi dẫn con đến trường.
  • Thảo Linh Chi Quá nhiều tâm sự của một người mẹ, chị đang viết thay những nỗi niềm của các bà mẹ TK đấy... Nhưng cũng mừng vì anh Ken còn di học được đến lớp 8 rồi, hy vọng các con Tk đi đâu cũng được giúp đỡ và chia sẻ...
  • Chichchoe Lua Ken may man co duoc cac thay co thong cam voi con nhu vay, mong xa hoi co nhieu hon nhung nguoi hieu va thong cam cho cac con.
  • Ngụy Hương Đọc bài viết này thấy khâm phục sự dạy dỗ của mẹ Ken, rất kiên nhẫn và tình cảm. Hy vọng qua cấp 3 sẽ có 1 trường phù hợp, có những thầy cô hiểu Ken, để Ken hòa nhập tốt với môi trường mới!
  • Nguyen Thanh Huyen Con trai mình năm nay cũng vào lớp 1 đây. Mỗi ngày đi học của con là một ngày lo lắng, hôm nay con có chịu ngồi yên không? có nói nhảm một mình không? có bị các bạn bắt nạt không??????? Mình không cho con học bán trú chịu khó trưa đón về cho ăn, ngủ rồ...Xem thêm
  • Trang Tran Bài viết của mẹ Ken rất hay, các PH có nhiều điều cần học hỏi.
  • Hang Vu Bài viết rất hay và bổ ích. Chúc Ken và mẹ vượt qua năm học mới này suôn sẻ và mọi người sẽ lại được đọc những kinh nghiệm bổ ích của 2 mẹ con.
  • Lan Ngoc Nguyen Ken giỏi thật đấy và mẹ Ken là SupperMummy rồi hihihhi...nếu các giáo viên đều hiểu về tk và As thì hay quá...ai làm trong giới giáo chức, hay có quen người làm giáo chức...xin giới thiệu cho nhau về chứng tk và As
  • Tien Tran Con mình nay 9 tuổi rồi chưa có thể vào được lớp mốt! Bản thân mình là 1 gv ! Chúc mừng gia đình Ken nhé !
  • Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng Ngày 1-11-2010 - Ngày Không lên Facebook - Ngày Tạm ngừng Giao tiếp .
    Đây là một sáng kiến toàn cầu nhằm gây quỹ từ thiện và nâng cao nhận thức về TỰ KỶ trên 40 quốc gia.
    Giao tiếp xã hội là một trong những khó khăn thử thách lớn nhất đối với những ngư
    ...Xem thêm
  • Mến Trần Mong sao cho Ken và các bạn TK khác luôn gặp được các thầy cô giáo tuyệt vời như thầy chủ nhiệm lớp 5 của Ken và các năm học đều qua đi một cách êm đềm như thế!
  • Ha Kim Uyen Chao anh Kent,
    Q.Anh dang theo got anh Kent - dang hoc lop 7 - Q.A sinh nam 98 - anh em minh cung co len nhe.
  • Pham Chau Linh Chị Minh Tu Bui ơi: Chị có thông tin gì giúp gia đình Ken không nè. Thương Ken và các bạn cùng cảnh ngộ nhé
  • Pham Chau Linh Trong trường con của mình có vài bạn tự kỷ hoặc cũng có những khó khăn khác, nhưng học chung và được hòa đồng với các bạn trẻ khác. Điều khác biệt là có một nhóm tư vấn theo sát các bạn này để giúp các bạn hòa đồng. Mình thấy có sự phát triển rất rõ rệ...Xem thêm
  • Xuan Ha Nguyen Mình chỉ mong ngoài vấn đề cảm thông thì cần phải có những cơ chế, quy định rõ ràng về quyền của mọi đối tượng hoc sinh!

Yahoo messenger cải lùi


Họ cải tiến thế nào mình không bàn tới, nhưng với mình chỉ thấy thụt lùi.

Đang dùng YM 8 thấy ngon lành nâng cấp lên YM 10 đã thấy khó chịu khi chat voice. Mới đầu chỉ nghe mà không nói được, mò mẫm mãi mới khắc phục được mà vẫn bất tiện. Thực ra mấy năm trước đã cài lại YM 8 vài lần,sau này cài lại windown mà không tìm được phiên bản YM 8 nữa. Khốn khổ vì YM10 mất mấy tháng mãi mới trị được. Khi đang text chat nếu có người gọi voice có đồng ý chỉ nghe thấy chứ không nói được. Khắc phục bằng cách kích đúp vào biểu tượng cái loa ở góc phải bên dưới màn hình..


 Nếu không thấy thì gọi nó bằng đường dẫn sau:
start >>

control panel
>> .


sounds,speech,and audio devices
>>
sounds and audio devices
>>
 trên cửa sổ sounds and audio devices properties
 chọn tab audio hoặc voice đều được >>


kích tiếp 1 trong 3 nút Volume nó sẽ bật ra cửa sổ Master volume hoặc recording control (nên mở Master volume cho quen mắt). Cách thứ 2 này quá dài nhưng nó còn có nhiều thiết lập khác nếu chịu khó tìm hiểu.
Kích vào cái loa ở khay đồng hồ thì nó ra ngay hình này

Trên cửa sổ Master volume kích vào options >> properties >>

 lại bật ra cửa sổ properties

 ở khung mixer device có mũi tên chỉ xuống kích vào nó rồi chọn HD Audio rear input khi đó khung phía dưới có các ô chọn, đánh dấu chọn tất cả các ô nhấn OK >>
cửa sổ recording control

có 4 cột, đánh dấu chọn trên cột stereo mix (có thể chỉnh volum to nhỏ ở cột này) . Chú ý chọn xong đừng tắt nó đi mà cho nó xuống khay vì nhiều khi vẫn phải dùng
 Thằng YM10 hoặc YM11 chỉ hỗ trợ thiết lập này. Không những thế thằng YM11 còn thường xuyên chuyển sang lựa chọn khác mỗi lần nhấp gọi hoặc nhấp nghe. Nó tự nhẩy tức lắm nên phải để thường trực recording control trên khay hệ thống. Mỗi lần có người gọi nhấp nút đồng ý nghe mà quên chưa cắm micro là nó out luôn lại phải mở YM và đăng nhập lại. Rồi gọi video cũng vậy, nếu 1 máy không có webcam cũng bị out. Chẳng biết thiên hạ có bị như trường hợp của mình không, thôi cứ viết ai bị thì có hướng giải quyết.
Thực ra trong YM cũng có chỗ thiết lập để đồng bộ với  recording control nhưng không hiểu sao nó vẫn cứ tự nhẩy về microphone.

Điểm khác biệt giữa kẻ lười và người học giỏi


Tiin.vn - Học hành chăm chỉ, và khả năng tư duy khá tốt. Thế nhưng tại sao bạn vẫn chưa bao giờ có mặt trong Top 5 những người học giỏi nhất lớp.
Bởi vì trên thực tế, có những điểm khác biệt cơ bản giữa bạn và những người xuất sắc đó!
Khác biệt 1: Tập trung
Khi học, bạn chốc chốc lại ngó ra TV, thỉnh thoảng lại tí toách nhắn tin hoặc tệ hơn nữa là cứ 5 phút lại “check-in” facebook một lần. Chỉ cần thấy hơi mệt mệt, bạn sẵn sàng giải lao và ngồi cày máy vi tính “một tí”… Bên cạnh đống sách vở của bạn còn có một ít hoa quả, bánh kẹođể ăn cho lại sức!
Còn những kẻ Top 5? Một khi sách đã được mở ra thì phương châm của họ là: không máy tính, không điện thoại, không TV, không ăn vặt, họ thậm chí quên cả trên đời này có tồn tại hai chữ… WC.
Khác biệt 2: Học mọi lúc
Bạn chỉ học khi ngồi vào bàn, đúng không?
Top 5 có thể học từ mới tiếng Anh ngay trong lúc đang ăn sáng, ngẫm nghĩ lại một bài toán trong khi ăn cơm trưa và nhẩm lại một đoạn thơ trước khi lên giường đi ngủ.
Khác biệt 3: Tổ chức thời gian
Vào giai đoạn nước sôi lửa bỏng này, trong khi bạn cảm thấy chỉ còn đủ sức để làm 1 việc: học, học và học cho mục tiêu Đại học thì Top 5 vẫn có thể vừa học vừa không bỏ qua Seria A, vẫn có thời gian để vào Internet hàng ngày hoặc chạy cùng trái bóng mà vẻ mặt chẳng hề đượm chút lăn tăn… Họ có thể làm như vậy là vì họ biết tổ chức thời gian rất tốt.
Tại sao bạn chưa lọt Top 5 của lớp
Khả năng tập trung cao độ khi học tập giúp nhiều bạn không mất
quá nhiều thời gian mà vẫn học tốt.
Khác biệt 4: Đọc
Trong khi cả năm bạn chẳng đọc một cuốn sách nào thì Top 5 lại là “mọt sách” chính hiệu. Trong khi bạn chỉ nghiền Conan, Jindo, Doremon, Harry Potter… thì họ tiêu hóa cả đống sách đối với bạn nghe lạ hoắc. Trong khi bạn chỉ quan tâm đến nội dung thì họ sẽ chú ý đến cả phần giới thiệu, lời tựa… Bạn đọc sách một cách thụ động thì họ chủ động đọc sách, tức là không ngừng vừa đọc vừa đặt ra câu hỏi để hiểu được toàn bộ thông điệp của tác giả.
Khác biệt 5: Ghi chép
Bạn thường ghi ghép rất đơn giản vi “sách giáo khoa có hết rồi”. Nhưng với Top 5, vở ghi rất quan trọng vì ở đó họ không chỉ ghi những kiến thức dưới lời giảng của thầy cô mà còn cả kiến thức họ tự tìm hiểu được. Ngoài ra, Top 5 còn hay có những cuốn sổ tay riêng, để ghi lại những điều hay ho, thú vị mà họ thu lượm được từ cuộc sốn hàng ngày. Viết nhật kí hằng ngày cũng là một cách ghi chép cực kì tốt và bổ ích.
Khác biệt 6: Không ngại hỏi
Nếu bạn không hiểu bài hoặc có thắc mắc, bạn chẳng dám giơ tay hỏi lại vì sợ bị nói là… chơi trội, sợ bị cho là chậm hiểu. Top 5 thì không nghĩ vậy. Hỏi trong lớp mà chưa “đã”, sau tiết học, họ sẽ bám càng các thầy cô ra tận hành lang để đi tìm chân lý. Vì vậy nên kiến thức của họ luôn được khắc sâu và được hiểu một cách thấu đáo.
Tại sao bạn chưa lọt Top 5 của lớp
Tự học với người bạn của mình, học nhiều hơn những yêu cầu là
bí quyết giúp bạn vượt trội
Khác biệt 7: Học nhiều hơn cái được yêu cầu
Bạn cho rằng hoàn thành những bài tập các thầy cô cho đã là học xong, học hết SGK đã là đủ. Còn Top 5 thì luôn học hơn những gì được các thầy cô yêu cầu, đọc xong SGK họ đọc thêm cả sách bài tập, sách nâng cao và cả những tài liệu khác liên quan.
Khác biệt 8: Tự kiểm tra
Bạn chỉ biết ôn và ôn, run rẩy chờ kỳ thi đến. Còn Top 5 sau khi đi ôn thường tự thống kê lại các vấn đề và tự kiểm tra mình, căn thời gian và làm bài nghiêm túc như một thí sinh ngay tại nhà.
Đó là 8 lý do khiến bạn chưa thể đứng vào Top 5 của lớp. Nếu bạn muốn cải thiện tình trạng của mình, còn ngại ngần gì nữa mà không xóa tan khác biệt để biến mình thành một “nhân” cực đỉnh trong Top 5 nhỉ?