Charles Duhigg & Keith Bradsher/New York Times
Chuyển ngữ: Triệu Phong
Khi Tổng Thống Barack Obama cùng ăn tối với những nhân vật hàng đầu của Silicon Valley ở California hồi Tháng Hai, mỗi thực khách được yêu cầu nêu một câu hỏi với tổng thống. Nhưng khi Steven Jobs, tổng giám đốc điều hành công ty Apple, đang phát biểu thì tổng thống cắt ngang với một thắc mắc: “Việc sản xuất iPhone có mang lại gì cho nước Mỹ không?”
|
Khách xếp hàng bên ngoài tiệm Apple ở Germantown, Tennessee. Những sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng này - iPhone, iPad - đều làm ở Trung Quốc, không làm ở Mỹ. (Hình: AP Photo/The Commercial Appeal, Kyle Kurlick) |
Obama hỏi: “Tại sao lại không đưa những việc ấy về làm trong nước?”
Một thực khách có tham dự buổi tiệc hôm ấy kể lại, Jobs trả lời một cách mơ hồ: “Những công việc đó chưa trở lại Hoa Kỳ được.”
Thắc mắc của tổng thống chạm đúng tim đen của Apple: Không những thuê mướn công nhân ở hải ngoại rẻ hơn ở Hoa Kỳ, giới điều hành Apple còn tin tưởng vào qui mô to lớn của các cơ xưởng ở ngoại quốc, công nhân của họ làm việc linh động, cần cù và có kỹ năng, qua mặt hẳn đối tác của họ ở tại Mỹ, khiến “Made in the USA” không còn là chọn lựa để kinh doanh của họ có thể tồn tại được.
Apple trở thành một trong những công ty nổi tiếng, được ca ngợi và cũng bị mô phỏng theo nhiều nhất trên thế giới, một phần nhờ tài điều khiển các hoạt động trên toàn cầu. Năm ngoái, theo The New York Times, Apple kiếm được $400,000 trên mỗi công nhân của họ, qua mặt cả Goldman Sachs, Exxon Mobil hay Google.
Duy có điều làm ông Obama, các kinh tế gia cũng như các nhà làm chính sách bực mình là, Apple cùng một số công ty kỹ thuật cao khác, gần như chẳng hề màng đến chuyện tạo việc làm tại Hoa Kỳ như những công ty lừng danh đã từng làm vào thời cực thịnh nhất của họ.
43,000 người ở Mỹ và 20,000 ở ngoại quốc hiện làm việc cho Apple. Con số này chỉ là một phần nhỏ so với hơn 400,000 công nhân General Motors từng mướn vào thập niên 1950, hay hàng trăm ngàn ở General Electric vào thập niên 1980. Thực ra ra còn có thêm 700,000 kỹ sư, và công nhân chế tạo cũng như lắp ráp, làm việc cho các nhà thầu làm ăn với Apple, trong việc sản xuất iPhone, iPad cùng các sản phẩm khác của Apple. Có điều trong số đó không có ai làm việc cho các công ty ở Mỹ, nhưng cho các công ty ở Á Châu, Âu Châu cùng những nơi khác, tại những nhà máy mà các nhà thiết kế điện tử cần đến để làm ra các sản phẩm của họ.
Jared Bernstein, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc nhận định: “Apple là một ví dụ cho thấy tại sao khó có thể tạo được việc làm hạng trung cấp ở Mỹ vào lúc này. Nếu đây là thời điểm đỉnh cao của tư bản chủ nghĩa thì quả là điều chúng ta nên quan ngại.”
Ra ngoại quốc làm ăn là chọn lựa duy nhất
Theo một lãnh đạo của Apple xin được giấu tên (vì chính sách kín miệng của Apple), ra ngoại quốc làm ăn vào lúc này chỉ là chọn lựa duy nhất. Một cựu giám đốc của Apple kể lại cho báo New York Times chuyện có lần vào phút chót trước khi xuất xưởng, công ty quyết định cho thay màn hình iPhone bằng một loạt mới thiết kế lại. Màn hình mới được chở đến nhà máy vào lúc trước nửa đêm. Một đốc công lập tức huy động 8,000 nhân công nội trú trong nhà máy chuẩn bị lên ca ngay. Họ được phát bánh mì và nước trà, rồi được hướng dẫn đến vị trí làm việc. Trong vòng nửa tiếng, họ bắt đầu ca làm việc kéo dài 12 tiếng và trong 96 giờ, nhà máy sản xuất được hơn 10,000 iPhone.
Người cựu giám đốc nói: “Tốc độ và sự linh động thật là không thể tưởng tượng nỗi. Không một cơ xưởng sản xuất nào ở Hoa Kỳ có thể sánh lại.”
Câu chuyện tương tự cũng có thể nghe được nơi hầu hết các công ty sản xuất đồ điện tử khác, và việc đưa công việc ra sản xuất ở ngoại quốc cũng trở nên quá phổ biến đối với hàng trăm ngành kỹ nghệ khác như kế toán, dịch vụ pháp lý, ngân hàng, chế tạo xe hơi và y dược.
Betsey Stevenson, cựu kinh tế trưởng tại Bộ Lao Ðộng cho đến Tháng Chín năm ngoái, nêu ý kiến với New York Times: “Có một thời nhiều công ty cảm thấy có bổn phận phải ủng hộ công nhân Hoa Kỳ, dù rằng đó không phải là một chọn lựa tốt nhất về mặt tài chính. Chuyện đó nay đã hết rồi. Lợi nhuận và hiệu năng kinh doanh đã thắng lướt lòng hào hiệp đó.” Các công ty và kinh tế gia đều đồng ý đó là một ý niệm ngây ngô.
Nhiều giám đốc công ty nói, mặc dù người Mỹ nằm trong số những công nhân có học thức nhất thế giới, nhưng đất nước này đã không còn đào tạo đủ người có kỹ năng ở hạng bậc trung mà các nhà máy cần đến.
Apple's CEOs: Giải quyết nạn thất nghiệp không phải là việc của Apple
Theo các công ty, để phát triển, họ phải dọn đến nơi nào mang lại được đủ lợi nhuận, để họ có thể cải tiến thêm cho sản phẩm của mình. Làm ngược lại, nhiều công việc ở Mỹ chỉ gặp rủi ro thêm vì bị mất dần theo thời gian. Chứng cớ thấy được nơi các công ty một thời là niềm hãnh diện quốc gia như GM và nhiều đại công ty khác, đã bị co cụm trước sự cạnh tranh của những công ty mới trỗi lên có sự hoạt động khá linh hoạt.
Theo nhiều giám đốc của Apple, thế giới ngày nay đang thay đổi nhiều. Họ cho biết, đánh giá một công ty qua số công nhân làm việc như trước đây là điều lầm lẫn và nhấn mạnh thêm rằng thực ra Apple giúp mướn người ở Mỹ làm việc nhiều hơn bất kỳ lúc nào trước đây. Họ nói sự thành công của Apple mang lại nguồn lợi cho nền kinh tế Hoa Kỳ, như giúp cho các công ty thầu làm sản phẩm của Apple được lớn mạnh thêm, tạo công việc làm ở nhiều công ty chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại di động, ngành kinh doanh vận chuyển sản phẩm của Apple. Nhưng nói cho cùng, theo các tổng giám đốc của Apple, giải quyết nạn thất nghiệp không phải là việc của Apple.
Một tổng giám đốc của Apple nói: “Chúng tôi bán iPhone đến hơn một trăm quốc gia. Bổn phận của chúng tôi không phải là giải quyết vấn đề của nước Mỹ. Ðiều bắt buộc duy nhất đối với chúng tôi là làm sao làm ra sản phẩm càng tuyệt hảo càng tốt.”
Năm 2007, không hơn một tháng trước khi iPhone được bày bán trên thị trường, tổng giám đốc Jobs cho vời khoảng một chục nhân vật cao cấp dưới quyền vào văn phòng. Ông cho biết ông mang theo trong túi cái điện thoại di động đang thử nghiệm suốt nhiều tuần qua. Rồi ông giận dữ đưa chiếc iPhone lên, xoay nghiêng để mọi người có thể thấy được hằng chục vết trầy trên màn hình nhựa. Kế đó ông lôi chùm chìa khóa từ trong túi quần jean ra, và nói:
“Người ta mang theo điện thoại, để trong túi. Người ta mang theo chìa khóa và cũng để trong túi. Tôi không bán một sản phẩm có thể dễ bị trầy xước. Giải pháp duy nhất là phải có một màn hình bằng kiếng không thể trầy được. Tôi muốn có màn hình bằng kiếng và tôi muốn thấy iPhone phải hoàn chỉnh nội trong sáu tuần.”
Một giám đốc rời phòng họp và tức tốc bay qua Thẩm Quyến (Shenzhen), ở Trung Quốc. Nếu ông Jobs muốn hoàn hảo thì không nơi đâu để đi, ngoại trừ Trung Quốc.
Trong suốt nhiều năm, các hãng sản xuất điện thoại di động cố tránh không làm màn hình bằng kiếng vì đòi hỏi phải cắt và mài với độ chính xác cao, vốn là điều hết sức khó đạt được. Apple từng chọn Corning Inc., một công ty Mỹ để chế tạo những tấm kiếng chịu lực lớn. Nhưng trở ngại là làm sao từ đó có thể cắt ra thành hằng triệu màn hình nhỏ cho iPhone. Việc này đòi hỏi phải có một nhà máy để trống, chỉ dùng cho mỗi công việc cắt, và có sẵn hàng trăm mảnh kiếng dùng để thí nghiệm, cùng một đội quân gồm toàn kỹ sư có trình độ bậc trung. Tốn phí dĩ nhiên không phải nhỏ chỉ cho giai đoạn chuẩn bị mà thôi.
Thế rồi một cơ xưởng ở Trung Quốc đề nghị thầu làm việc này.
Khi một toán đại diện của Apple ghé qua, chủ nhân nhà máy đã cho nới rộng thêm xong một cánh của cơ xưởng. Người giám đốc nói, họ làm vậy phòng khi được Apple giao thầu, trong khi chính quyền Trung Quốc cũng đồng ý trợ cấp cho nhà máy. Họ có sẵn một nhà kho chứa đầy các mặt kiếng mẫu cho Apple thử nghiệm, các kỹ sư cũng túc trực sẵn, tất cả hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra họ còn xây thêm một ký túc xá cho công nhân, nhờ vậy lực lượng lao động luôn luôn sẵn sàng 24 trên 24. Thế là nhà máy của Trung Quốc này trúng thầu.
Một giám đốc cao cấp của Apple nói: “Toàn bộ dây chuyền tiếp liệu bây giờ đều nằm ở Trung Quốc. Quí vị cần một ngàn miếng đệm cao su? Một nhà máy khác ở kế bên sẽ lo việc đó. Quí vị cần một triệu đinh ốc? Xưởng làm thứ đó chỉ cách một khu phố. Quí vị muốn thay đổi đinh ốc đó lại một chút đỉnh? Chỉ chờ ba tiếng thôi!”
Apple không thể đi đâu ngoài Trung Quốc
Cách nhà máy làm màn hình kiếng tám giờ lái xe là Foxconn City, tên gọi khu kỹ nghệ nơi iPhone được lắp ráp. Theo các chóp bu Apple, Foxconn City là chứng cớ cụ thể hơn cho thấy chỉ Trung Quốc mới cung cấp đủ nhân công làm việc, và sự cần cù của họ vượt hẳn công nhân người Mỹ.
Tại Foxconn City có 230,000 công nhân, phần nhiều làm 6 ngày mỗi tuần và thông thường là 12 tiếng mỗi ngày. Hơn một phần tư trong số đó ở lại trong ký túc xá của nhà máy và đa số chỉ lãnh $17 mỗi ngày. Khi một giám đốc Apple đến nơi vào lúc đổi ca, xe ông bị kẹt trong một biển người. Nhà máy phải mướn đến 300 bảo vệ để điều hòa lưu thông của dòng người đi bộ, để họ không bị đè bẹp nơi cổng vào. Nhà bếp chính của cơ xưởng phải nấu trung bình ba tấn thịt heo và 13 tấn gạo mỗi ngày cho công nhân. Trong khi đâu đâu cũng sạch sẽ không một vết dơ thì ở phòng giải khát, lại nồng nặc mùi khói thuốc.
Foxconn Technology có hằng chục cơ xưởng ở Á Châu, Ðông Âu, Mexico và Brazil. Họ lắp ráp cho 40% các đồ điện tử trên thế giới cho các khách hàng như Amazon, Dell, Hewlett-Packard, Motorola, Nintendo, Nokia, Samsung và Sony.
Jennifer Rigoni là người từng làm quản trị nhu cầu tiếp liệu toàn cầu cho Apple đến năm 2010. Bà nói: “Chỉ một đêm, họ có thể mướn vào 3,000 thợ. Ở Mỹ có hãng nào làm được như vậy không? Chưa kể thuyết phục được họ ở lại trong nhà máy.”