Tin từ Tây Tạng: Một người mẹ có 4 con tự thiêu


 Hình: Reuters
Tu viện Kirti trong thị trấn Ngaba của tỉnh Tứ Xuyên thuộc tây nam Trung Quốc

Các nguồn tin Tây Tạng cho hay một người mẹ có 4 con đã chết sau khi nổi lửa tự thiêu để phản đối chính sách của chính phủ Trung Quốc trong những vùng của người Tây Tạng.

Tổ chức Tự Do cho Tây Tạng có trụ sở ở London cho biết phụ nữ được biết dưới tên Rinchen đã tự thiêu ở bên ngoài tu viện Kirti trong thị trấn Ngaba của tỉnh Tứ Xuyên thuộc tây nam Trung Quốc. Bà quả phụ 32 tuổi đã chết ngay tại hiện trường. Nguồn tin bên trong Tây Tạng đã xác nhận vụ này với ban Tây Tạng của VOA, nhưng không thấy nhà chức trách Trung Quốc xác nhận tin này.

Hơn 20 người Tây Tạng đã tự thiêu kể từ tháng Ba năm ngoái để phản đối sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc nhắm vào văn hóa và tôn giáo của người Tây Tạng.

Các giới chức tại Bắc Kinh đã lên án hành động tự thiêu là một hình thức khủng bố. Họ đã cáo buộc lãnh tụ tinh thần lưu vong của người Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma, ủng hộ cho những người tự thiêu.

Syria bắt 120 lính Pháp hỗ trợ cho quân nổi dậy


(Dân trí) - Chính phủ Syria cho biết nhóm gồm 120 binh sỹ Pháp thuộc đơn vị tới để hỗ trợ cho quân nổi dậy tại nước này đã bị lực lượng trung thành với chính quyền của Tổng thống Assad bắt giữ.

Syria hôm qua đã trao thi thể của 2 phóng viên người Mỹ và người Pháp bị thiệt mạng tại thành phố Homs.
Tin tức được phát đi sau khi phe nổi dậy ở Syria thừa nhận với các phóng viên vào đầu tuần này rằng Pháp và Mỹ hiện đang cung cấp tên lửa phòng không cùng các loại vũ khí khác cho lực lượng đối lập ở Syria.

Syria đã bắt giữ những binh sỹ này tại khu vực Zabadani sau khi họ tái chiếm một khu vực trọng điểm trong thành phố Homs, điểm nóng của cuộc khủng hoảng.

Nhiều nước châu Âu gần đây liên tục kêu gọi cung cấp đạn dược cùng các hình thức hỗ trợ khác cho phe nổi dậy ở Syria. Cũng có tin đồn và các thông tin tình báo cho rằng một nhóm đặc nhiệm của Anh đã ở trên đất Syria trực tiếp hỗ trợ cho quân nổi dậy.

Trước đó, theo hãng thông tấn AP, tổ chức SNC, đã được thành lập tại London và được EU công nhận là đại diện thực sự của người dân Syria. SNC được lập nên theo lời kêu gọi của EU, nhằm hợp nhất các lực lượng nổi dậy tại Syria thành một lực lượng duy nhất để họ có thể được châu Âu hỗ trợ về vũ khí.

Những thông tin mới đây khiến nhiều người không khỏi nhớ lại những gì từng xảy ra ở Libya. Vào đầu cuộc nội chiến Libya, các binh sỹ trung thành với nhà lãnh đạo Gadhafi cũng bắt được 8 thành viên của cơ quan tình báo Anh. Nhóm người này sau đó đã được thả.

Những động thái mới trong cuộc khủng hoảng tại Syria cho thấy lực lượng phương Tây có thể đang thực hiện những nước bước họ đã từng dùng ở Libya.

Ahram Online, trang tin bằng tiếng Anh của Al-Ahram Establishment, tổ chức tin tức lớn nhất Ai Cập, cũng đăng tải về vụ bắt giữ các binh sỹ Pháp. Hãng tin này dẫn lời một thành viên quốc hội Li-băng còn cho biết 70 binh sỹ Li-băng cũng bị bắt cùng với nhóm binh sỹ Pháp.

Theo nghị sỹ Li-băng này, 18 sỹ quan và 100 lính nhảy dù Pháp đã bị bắt ở Homs.

Vũ Quý
Theo RT, Ahram

Thiết bị 'chặn họng' người nói nhiều

Hai nhà khoa học Nhật Bản vừa chế tạo một thiết bị có khả năng “hủy diệt” sự hưng phấn của những người nói quá nhiều hoặc quá to.

Một nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng con người gần như không thể phát ngôn nếu những từ mà chúng ta nói dội lại tai của chúng ta trong khoảng thời gian nhỏ hơn một giây.
Từ kết quả nghiên cứu đó, Kazutaka Kurihara, một nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ cao cấp Nhật Bản, cùng giáo sư Koji Tsukada của Đại học Ochanomizu tại Tokyo, nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị ngăn chặn những “diễn giả” gây phiền toái cho người khác, Telegraph đưa tin.
SpeechJammer, tên của thiết bị, chứa một microphone hướng về phía người nói để ghi âm. Sau đó nó truyền âm thanh sang một loa để phát về phía người nói. Độ trễ thời gian từ lúc người nói phát ngôn tới khi âm thanh được phát lại là 0,2 giây.
“Thiết bị của chúng tôi có thể ngăn chặn hành vi phát ngôn của con người mà không gây nên bất kỳ phiền toái nào về mặt thể chất”, hai nhà sáng chế khẳng định.
SpeechJammer có thể
SpeechJammer có thể "chặn họng" những người nói chuyện trong thư viện công cộng. Ảnh: courriermail.com.au.
Trong quá trình thử nghiệm thiết bị, Kurihara và Tsukada cũng phát hiện nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, SpeechJammer hoạt động hiệu quả hơn đối với người nói to, chứ không phải người nói nhiều. Việc thay đổi thường xuyên độ trễ thời gian cũng khiến thiết bị hoạt động hiệu quả hơn. SpeechJammer tỏ ra “bất lực” nếu người nói phát ngôn những âm thanh vô nghĩa, như "aaaargh”.
Kurihara and Tsukada chưa nghĩ tới khả năng biến thiết bị thành sản phẩm thương mại, song họ cho rằng nó có thể được sử dụng trong nhiều tình huống. Chẳng hạn, người ta có thể đặt SpeechJammer trong thư viện công cộng để duy trì sự im lặng, hay đặt nó trong phòng họp để rút ngắn thời gian của những người nói quá nhiều, nhờ đó những người nói ít có cơ hội đóng góp ý kiến. Theo hai nhà sáng chế, những người nói nhiều và nói to trong cuộc họp có thể vô tình tước đoạt cơ hội đóng góp ý kiến của những người khác, làm tăng mức độ căng thẳng hoặc nhàm chán trong cuộc họp.
Minh Long

Bí mật của người bất tài

Những người có tài năng thấp thường không đủ trình độ để nhận ra năng lực khiêm tốn của họ, các nhà tâm lý Mỹ tuyên bố.

Livescience
cho biết, David Dunning, một nhà tâm lý của Đại học Cornell tại Mỹ, đã nghiên cứu hành vi và suy nghĩ của người lao động trong hơn một thập kỷ. Ông cùng các đồng nghiệp thực hiện hàng loạt thử nghiệm để kiểm tra nhiều khả năng - như tư duy logic, trí tuệ cảm xúc, ngữ pháp, khiếu hài hước và thậm chí cả khả năng chơi cờ. Sau khi đối tượng nghiên cứu hoàn thành các bài kiểm tra, Dunning yêu cầu họ tự đoán số điểm mà họ có thể đạt.
Nhóm nhà nghiên cứu nhận thấy những người đạt điểm cao tỏ ra tự tin khi đoán số điểm. Đây là kết quả mà các chuyên gia đã tiên liệu. Nhưng họ cảm thấy sửng sốt khi phát hiện ngay cả những người làm bài kiểm tra rất tệ cũng đoán họ sẽ được điểm cao.
“Phần lớn người chỉ làm đúng 10 đến 15% số câu hỏi trong bài kiểm tra nghĩ họ làm được từ 55 tới 60%, nghĩa là cao hơn mức điểm trung bình. Hóa ra những người có năng lực thấp nhất vẫn nghĩ họ thực hiện bài thi tốt hơn những người khác”, Dunning nói.
Ảnh minh họa: zimbio.com.
Ảnh minh họa: zimbio.com.
Dunning khẳng định hiện tượng người có năng lực thấp đánh giá quá cao năng lực của bản thân không phải là biểu hiện của tinh thần lạc quan. Theo ông, năng lực tư duy kém khiến những người bất tài không thể đánh giá khả năng thực sự của họ.
“Ngay cả khi chúng tôi hứa với các đối tượng nghiên cứu kém tài rằng họ sẽ được thưởng 100 USD nếu đánh giá đúng số điểm thì họ vẫn không thể đoán chính xác”, Dunning kể.
Việc những người bất tài không thể nhận ra năng lực tệ hại của họ là nguyên nhân gây nên vô số vấn đề tiêu cực của xã hội, Dunning nhận xét. Chẳng hạn, quan chức bất tài sẽ kéo tụt sự phát triển của đất nước, còn quan tòa bất tài sẽ khiến nhiều người vô tội lĩnh án oan.
Nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, nếu một người không có khả năng trong một lĩnh vực nào đó, họ cũng sẽ không thể nhận ra tài năng hay ý tưởng hay của người khác trong lĩnh vực ấy. Xu hướng này đúng với mọi đối tượng trong xã hội – từ công nhân cho tới chính trị gia.
“Hiện tượng đó có thể phá hủy xã hội dân chủ, bởi nền dân chủ chỉ thực sự phát triển nếu mọi công dân có khả năng nhận ra những ứng cử viên tài năng nhất hoặc ủng hộ những chính sách đúng đắn nhất”, Dunning bình luận.
Minh Long

Không cho bảo lãnh người ăn xin

Trung tâm Hỗ trợ xã hội hay trại tập trung ?
TT - Theo quyết định của UBND TP.HCM, người lang thang ăn xin bị đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM nhưng nếu xác định được nơi cư trú sẽ chuyển về địa phương. Thế nhưng thực tế lại khác.
Nhiều trường hợp gia đình đến bảo lãnh, trung tâm này hẹn sau ba tháng mới giải quyết.
Chị T.D. và chị Trần Thị Ngọc N. (thứ nhất và thứ hai từ phải qua) tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội sáng 28-2 - Ảnh: N.Triều
Ngày 26-2, một nhóm bạn khiếm thị gồm bảy người từ Gò Dầu (Tây Ninh) đi xe đò xuống khu vực trước chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP.HCM) bán vé số. Trong thời gian này, cơ quan chức năng địa phương tổ chức tập trung những người lang thang ăn xin và nhóm bạn khiếm thị này cũng bị chuyển vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP vì có tham gia ăn xin.
Từ không thể đến có thể cho bảo lãnh
Trong số những người bị tập trung về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP có chị Trần Thị Ngọc N., 27 tuổi. Biết tin, ngày 27-2 ông Trần Văn Thuận - cha chị N. - mang theo đơn bảo lãnh có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú cùng giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu gia đình đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP bảo lãnh cho con nhưng bà Lê Thị Thanh Thanh (trưởng phòng hồ sơ) từ chối cho bảo lãnh.
Theo bà Thanh, những trường hợp hồ sơ từ công an chuyển sang thể hiện là “ăn xin” thì phải lưu giữ, sau ba tháng mới cho người nhà bảo lãnh. Việc này trung tâm thực hiện theo quyết định 88 ngày 6-11-2009 của UBND TP, ông Thuận muốn khiếu nại thì liên hệ Công an xã Tân Hiệp. Ông Thuận trình bày chồng chị N. cũng bị khiếm thị, con gái mới 5 tuổi và đề nghị được gặp lãnh đạo trung tâm để xin bảo lãnh hoặc chí ít là gặp mặt để thăm chị N. nhưng cũng bị từ chối.
Trong số những người khiếm thị bị tập trung có chị T.D. bị bệnh thận, cứ cách ngày phải chạy thận nhân tạo.
Sáng 28-2, tại buổi làm việc với ông Nguyễn Trung Trực - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP, chị N. thừa nhận sau khi bán hết vé số đã nán lại trước chùa Hoằng Pháp và được rủ rê ăn xin. Một số người khiếm thị cùng nhóm chưa bán hết vé số cũng bị rủ rê và có ngửa tay xin tiền khách đi chùa nên cũng bị lập biên bản đưa về trung tâm. Sau khi nghe gia đình chị N. tha thiết xin bảo lãnh cho con, ông Trực đồng ý nhưng đề nghị phải bổ sung giấy kết hôn của chị N., khai sinh của con gái chị N., giấy xác nhận chồng chị N. cũng bị khiếm thị để bổ sung hồ sơ đề nghị giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP quyết định cho bảo lãnh trước thời hạn.
Riêng trường hợp chị T.D., ông Trực cho hay không được nhân viên báo chị T.D. bị bệnh thận. Sau khi biết thông tin này và kiểm tra xác định chị T.D. phải chạy thận nhân tạo từ nhiều năm nay, ông Trực nói trường hợp chị T.D. nếu gia đình xin bảo lãnh cũng sẽ được cho về trước thời hạn. Một đôi vợ chồng khiếm thị khác là ông Dương Chí T. (42 tuổi) và bà Nguyễn Thị P. (37 tuổi) có hai con còn nhỏ nên nếu gia đình làm đơn trình bày rõ hoàn cảnh, có giấy tờ chứng minh cũng có thể được bảo lãnh về - ông Trực nói.
Làm sai quy định của TP
Tuy nhiên, ông Trực cho rằng việc cho gia đình bảo lãnh những trường hợp trên là giải quyết linh động chứ theo quy định của UBND TP, những trường hợp ăn xin nếu bị đưa vào trung tâm lần đầu thì phải sau ba tháng mới được bảo lãnh cho về. Ông Trực trưng ra các cơ sở pháp lý gồm quyết định 104 ngày 27-6-2003, quyết định 183 ngày 26-12-2006 và quyết định 88 ngày 6-11-2009 của UBND TP.HCM về quản lý người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP.
Trong đó, quyết định 183 (là văn bản sửa đổi bổ sung quyết định 104) quy định người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng sau khi bị tập trung về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP sẽ được phân loại để giải quyết theo ba nhóm: 1. Đưa về địa phương nơi cư trú đối với người xác định được địa chỉ cư trú. 2. Đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội những người bị tâm thần, người già cô đơn, người tàn tật, người chưa thành niên không còn thân nhân, không nơi nương tựa hoặc bị ngược đãi, trẻ em bị lạm dụng sức lao động. 3. Giới thiệu việc làm và vận động người còn trong độ tuổi lao động đến làm việc tại các cơ sở sản xuất, đến các vùng kinh tế mới.
Riêng quyết định 88 chỉ áp dụng đối với những trường hợp đã có quyết định đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội sau khi phân loại ban đầu, tức chỉ áp dụng cho các đối tượng thuộc nhóm thứ hai nói trên.
Theo các quyết định trên đây, trường hợp người lang thang, ăn xin nếu bị đưa về trung tâm và trong giai đoạn phân loại hồ sơ (tối đa 15 ngày) mà xác định được nơi cư trú, có thân nhân thì phải giải quyết cho về địa phương. Như vậy, trường hợp chị N., chị T.D. đã xác định được địa chỉ cư trú, có người thân đến bảo lãnh mà Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP không giải quyết cho về là làm sai quy định của TP. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Trực vẫn khẳng định trung tâm làm đúng quy định của TP.
Nếu xác định được nơi cư trú phải cho về địa phương
Ông Lê Trọng Sang, phó giám đốc thường trực Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhìn nhận nếu áp dụng quyết định 88 của UBND TP cho tất cả các trường hợp người ăn xin như giải thích của ông Nguyễn Trung Trực thì không ổn, vì quyết định 88 không thay thế, không phủ định quyết định 183 của UBND TP. Theo ông Sang, phải áp dụng quy định “đưa về địa phương nơi cư trú đối với người xác định được địa chỉ cư trú” theo quyết định 183, chứ không phải cứ đã tập trung về trung tâm thì sau ba tháng mới được bảo lãnh theo quyết định 88.
NGUYỄN TRIỀU

Bookmark and Share

Hải quân Mỹ thử nghiệm súng điện từ siêu việt


(Dân trí) - Hải quân Mỹ đang phát triển một loại súng điện từ có khả năng bắn các tên lửa đi xa 100-200km với tốc độ gấp 7 lần tốc độ âm thanh.
Một cuộc thử nghiệm của loại vũ khí mới.
Loại vũ khí mới, dài 12,2m, đang được phát triển cho các tàu chiến hải quân Mỹ. Hiện tại, các tàu chiến Mỹ chỉ được trang bị loại súng dài 12,7m, với tầm bắn khoảng 24km.
Súng điện sử bao gồm các rãnh song song và sử dụng dòng điện và từ trường, thay vì các chất hoá học, để sản sinh ra năng lượng cần thiết nhằm bắn đi các băng đạn.
Hải quân Mỹ tiết lộ rằng một nguyên mẫu súng điện từ do lĩnh vực tư nhân chế tạo đang đuợc sử dụng nghiệm tại một trung tâm ở Bắc Virginia. Một đoạn video ngắn chứng tỏ sức mạnh phi thường của vũ khí mới cũng được công bố.
Các nhà khoa học hiện đang tập trung vào việc đo vòng đời của nòng súng và sự nguyên vẹn cấu trúc của nó vì loại súng này có thể bắn đạn đi với vận tốc tên tới 9.000km/h, hơn gấp 7 lần vận tốc âm thanh.
Trong 5 năm tới, các nhà khoa học cần phát triển hệ thống làm mát cho phép súng có khả năng bắn liên tục. Các quan chức hải quân mong muốn súng điện từ có thể bắn 10 phát đạn trong một phút hoặc bắn tên lửa bay xa tới 400km.
Theo các nhà nghiên cứu hải quân, tầm xa và tốc độ cao của súng điện từ cho phép các tàu chiến hỗ trợ các binh sĩ tham gia các sứ mệnh đổ bộ và tấn công các tàu của đối phương từ khoảng cách an toàn. Họ cũng khẳng định rằng súng điện từ có thể bảo vệ khỏi các tên lửa đạn đạo và hành trình.
Được phát triển kể từ năm 2005, súng điện từ cho tới nay đã tiêu tốn của quân đội Mỹ 240 triệu USD. Hải quân Mỹ cần chi một khoản kinh phí tương tự để tiếp tục chương trình cho tới năm 2017, khi vũ khí mới sẵn sàng để đưa vào sử dụng.
Một nguyên mẫu súng điện từ thứ 2 dự kiến sẽ được chuyển giao cho hải quân Mỹ để thử nghiệm vào tháng 4 năm nay.
General Atomics, một trong 2 công ty tư nhân cung cấp nguyên mẫu súng điện từ, đã đầu tư 20 triệu USD vào dự án.
Xem video:
 
An BìnhTheo Telegraph
Bookmark and Share

Thiên tài và hội chứng asperger



Một người hài hước như Einstein có thể là bệnh nhân tự kỷ?
Hai nhà bác học nổi tiếng là Newton và Einstein bị nghi ngờ là đã mắc bệnh điên, lập dị, tự kỷ, gọi chung là hội chứng Asperger. Vấn đề này đang được tranh cãi, và giả thuyết những bộ óc thiên tài thường gắn liền với các vấn đề bất thường về tâm lý được nhiều người tin.
Hội chứng Asperger là một bệnh sinh học thần kinh, do nhà bác học Áo Hans Asperger tìm ra năm 1944. Ông mô tả nhiều người trẻ tuổi có trí thông minh và ngôn ngữ phát triển bình thường nhưng mắc phải một dạng tự kỷ, dẫn đến kém khả năng giao tiếp trong xã hội.

Hai nhà bác học nổi tiếng là Newton và Einstein bị nghi ngờ là đã mắc bệnh điên, lập dị, tự kỷ, gọi chung là hội chứng Asperger. Vấn đề này đang được tranh cãi, và giả thuyết những bộ óc thiên tài thường gắn liền với các vấn đề bất thường về tâm lý được nhiều người tin.
Hội chứng Asperger là một bệnh sinh học thần kinh, do nhà bác học Áo Hans Asperger tìm ra năm 1944. Ông mô tả nhiều người trẻ tuổi có trí thông minh và ngôn ngữ phát triển bình thường nhưng mắc phải một dạng tự kỷ, dẫn đến kém khả năng giao tiếp trong xã hội.
Những người bị hội chứng Asperger có thể biểu hiện nhiều dạng rối loạn thần kinh từ nhẹ đến nặng như kém giao tiếp trong cộng đồng, thích đơn độc và thường có các thay đổi về tính cách... Họ thường xuyên bị ám ảnh, lo lắng về các vấn đề mình quan tâm nhưng lại thờ ơ với những sinh hoạt khác của xã hội, gặp khó khăn trong việc hiểu và diễn tả các ngôn ngữ thông dụng trong cuộc sống. Dù sự phát triển về ngôn ngữ có vẻ bình thường nhưng họ không hiểu được những câu nói phức tạp, gặp khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ ở từng ngữ cảnh khi giao tiếp. Asperger được mô tả như một bệnh tâm thần kích động, hoạt động thái quá của bệnh tự kỷ và tình trạng mất khả năng học tập ngôn ngữ.
Vị giác, khứu giác của người bị hội chứng Asperger thường nhạy cảm và dễ bị âm thanh, ánh sáng gây kích động. Họ cảm nhận thế giới quanh mình rất khác biệt, vì thế cách xử sự có vẻ kỳ quặc, lập dị do sự khác biệt trong hoạt động của hệ thần kinh, chứ không phải là bất lịch sự hoặc do hậu quả của một nền giáo dục không chu đáo.
Những người mắc chứng Asperger dễ trở thành nạn nhân của sự bắt nạt hoặc chọc ghẹo nhưng đôi khi lại có chỉ số thông minh đặc biệt xuất sắc trong một số lĩnh vực.
Hai nhà bác học lừng danh thế giới Einstein và Newton cũng được đưa lên "tầm ngắm" của các nhà khoa học vì một số biểu hiện bất thường trong cuộc sống. Các công trình nghiên cứu ở Đại học tổng hợp Cambridge và Oxford đã cho rằng cả hai ông đều có tính lập dị, là biểu hiện của hội chứng Asperger.
Einstein hay lẩm bẩm liên tục một câu nói, thích sống cô đơn, không giỏi trong giao tiếp, là một diễn giả nói năng lẩm cẩm, người nghe chẳng ai hiểu được.
Có một giai thoại liên quan đến tính lẩm cẩm của Eistein: Vốn dĩ Einstein rất thương mèo. Con mèo ông nuôi sinh được 4 mèo con. Ông bèn gọi thợ sửa nhà đến, bảo đục cho một lỗ lớn và 4 lỗ nhỏ để ban đêm mèo mẹ, mèo con có thể vào phòng ngủ của ông. Người thợ ngạc nhiên: "Thưa giáo sư, tôi nghĩ chỉ cần đục một lỗ lớn là đủ vì mèo mẹ vào được, tất nhiên mèo con cũng vào được". Lúc đó, nhà bác học mới thấy mình quả là khờ. Đấy cũng là một biểu hiện của hội chứng Asperger.
Còn Newton nổi tiếng với chuyện ngồi dưới gốc cây, bị trái táo rơi trúng người và nhờ đó tìm ra thuyết vạn vật hấp dẫn. Trong cuộc sống, ông là người nói năng khó khăn, thường quên ăn, thờ ơ, lãnh đạm. Tính lập dị còn thể hiện ở chỗ khi ông thuyết giảng, tuy không còn ai nghe nhưng ông vẫn tiếp tục giảng trong một giảng đường không người. Đến tuổi 50, ông mắc bệnh thần kinh dẫn đến tình trạng chán nản và hoang tưởng.
Lời biện minh cho các thiên tài
Nhiều người nghi ngờ giả thuyết cho rằng tính lập dị và đãng trí của hai nhà bác học trên là do hội chứng Asperger. Mặt khác, theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Simon Baron Cohen (Anh), những người bị hội chứng Asperger có thể trở thành nhân vật xuất chúng nếu họ xác định được mục tiêu thích hợp trong cuộc sống.
Theo nhà tâm lý học Glen Elliot tại Đại học California (Mỹ), thiên tài có thể lạc lõng nhưng không tự kỷ. Vì quá giỏi nên họ thường bực mình, cáu gắt khi thấy mọi người chậm hiểu, do đó tạo ra tâm lý cô lập và khó gần. Tuy nhiên, Einstein là người có khiếu hài hước nên có lẽ ông không thể là người bị hội chứng Asperger. Chuyện kể rằng có một nữ phóng viên trẻ hỏi ông: "Xin giáo sư vui lòng giải thích thật đơn giản về Thuyết tương đối để mọi người có thể hiểu được". Nhà bác học hóm hỉnh đáp: "Rất dễ, cô đứng chờ người yêu một giờ, cô sẽ thấy thời gian trôi qua rất chậm. Rồi khi người yêu đến, cô đi chơi với người yêu trong một giờ, cô sẽ thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Đó chính là thuyết tương đối trong vũ trụ".
Ngoài sự nghiệp khoa học lẫy lừng (giải Nobel vật lý năm 1921), cuộc đời Einstein còn có 3 sự kiện quan trọng ít người biết đến:
Từ chối làm Tổng thống: Einstein là người Đức gốc Do Thái nên sau khi tổng thống đầu tiên của Israel qua đời, ông đã được mời về làm tổng thống thứ hai của quốc gia này vào năm 1952, Nhưng nhà bác học đã từ chối với lý do: "Tôi lấy làm xấu hổ thừa nhận rằng mình không thể đảm đương chức vụ ấy. Cả đời tôi làm việc về những vấn đề khách quan, vì vậy tôi thiếu năng lực bẩm sinh và kinh nghiệm để ứng xử hợp lý với con người cũng như nhiệm vụ quản lý".
Đấu tranh cho hòa bình: Một tuần trước khi qua đời, ông đã viết lá thư cuối cùng gửi cho Bertrand Russell, đồng ý đưa tên ông vào danh sách bản tuyên ngôn thúc đẩy thế giới từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân. Điều đó phù hợp với mục tiêu cống hiến suốt cuộc đời của ông, đó là đấu tranh cho hòa bình thế giới.
Dâng hiến bộ não cho nghiên cứu khoa học: Einstein qua đời ngày 18/4/1955. Trước khi chết, ông đã có nguyện vọng hiến dâng bộ não của mình cho khoa học. Sau khi mất, não của ông đã được các nhà khoa học lấy ra khỏi hộp sọ, ngâm trong formalin rồi đo đạc, chụp ảnh, cắt thành 240 khối nhỏ ngâm trong celloidin để nghiên cứu. Từ những kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học Canada đã kết luận: Phần lập luận toán học trong não của Einstein rộng hơn 15% và không chia thành nếp gấp như người bình thường.
Nhiều người cho rằng, dù hai nhà bác học Newton và Einstein có bị hội chứng Asperger đi chăng nữa thì họ chính là những người "điên" vĩ đại của nhân loại.
DS Trương Tất Thọ

Video hài

“GIANG HỒ ÐẤT CẢNG” VÀ SỰ THỰC VỀ MỐI LIÊN KẾT NGẦM

(NCTG) “Có một sự thực đang diễn ra ở Hải Phòng là đang tồn tại một sự liên kết ngầm giữa chính quyền cơ sở và thế giới tội phạm. Chính quyền đã dung dưỡng và sử dụng những thành phần này như một công cụ để thay mình giải quyết những vụ việc như cưỡng chế đất đai, kiện cáo…, thậm chí cả trấn áp đe dọa”.
Một ngôi nhà dân tại Hải Phòng bị chính quyền “giải tỏa” thông qua sự thực hiện của “giang hồ”

Chiều mùng 5 Tết, bạn gọi điện: “Đi Nam Định, ra Hà Nội, lên Bắc Ninh rồi vòng về Quảng Ninh, làm mạch bài về lễ hội mày ơi! Cả nước đang lên đồng. Chửi bỏ mẹ cái bọn mị dân bằng thuốc lú tôn giáo đi”. Mình bảo: “Chán rồi. Năm nào chả thế, kệ xác nó đi”.

Mùng 7 (Âm lịch), mình bắt xe từ Thanh Hóa đi Hải Phòng. Xe khách vắng tanh, lưa thưa chừng mười lăm nhân mạng, kể cả mình. Sinh viên vẫn còn nghỉ Tết, người đi làm thuê kiêng đi ngày lẻ vì sợ xúi quẩy cả năm. Mình thì ngược lại, “ngày xấu” thì ít hành khách, xe rộng, nằm ngủ khỏe. Trời rả rích mưa cùng với cái lạnh 9 độ C khiến cho người ta có cảm giác nặng nề, buồn chán, dù đang còn chút ít không khí Tết. Gần bảy giờ tối, ra đến Hải Phòng, trời vẫn lất phất mưa. Vừa bước ra khỏi xe đã thấy lạnh thấu xương. Gã bạn đón mình ngay bến xe. Con Camry lặng lẽ lăn trên đường, phố sá thưa vắng, đang là giờ mọi gia đình ăn tối và xem thời sự.

Gã sinh năm 1972, tuổi Tý, hơn mình hàng chục tuổi. Ông bà thường bảo: “Con trai tuổi Tý thì tài”, công nhận gã có tài thật, nhưng hình như bao nhiêu cái tài thì gã đều dốc hết để sử dụng vào thế giới ngầm. Môi giới nhà đất, mở nhà hàng quán ăn, kinh doanh quán karaoke, bảo kê các bến xe trên địa bàn TP Hải Phòng, thậm chí có thời gã còn tham gia buôn pháo và súng ống gì gì đấy, và dĩ nhiên cũng không ngại máu me,… đám đàn em của gã đôi lúc ngồi nhậu, cao hứng rỉ tai mình thế. Mình không quan tâm đến điều đó lắm. Mình chỉ quan tâm rằng gã là bạn mình và chơi được, thế thôi.

Chưa thấy khi nào mà cụm từ “giang hồ đất Cảng” lại hot như hiện nay, chỉ cần gõ Google thì sẽ ra: 2.600.000 kết quả / 0.20s – con số đủ nói lên tất cả. Mình không biết những người có gốc gác cội nguồn Hải Phòng sẽ có thái độ phản ứng như thế nào về vấn đề này, nhưng nếu có thì chắc chắn rằng giới “giang hồ đất Cảng” (chữ dùng của báo chí?) sẽ phải biết ơn vô cùng một bộ phận của giới truyền thông báo chí, những cây bút-phóng viên mục Pháp luật (hay phá luật) đã PR miễn phí và nhiệt thành nhất, quảng bá “danh hiệu đất Cảng” đến tất cả độc giả trong lẫn ngoài nước với những pha cướp-đâm-chém-bắn-xử-giết như phim hành động. Thiết nghĩ ở đâu cũng có cái phức tạp của riêng nó, đâu cứ ở Hải Phòng, báo chí trong nước đôi khi đã thổi phồng lên quá đà.

Gã bạn mình là dân “cộm cán” ở Hải Phòng, quen biết cũng nhiều. Gã chơi tất, đủ mọi hạng người.

Biết ý định chuyến đi của mình, gã hỏi ngay: “Lại vụ đất cát ở Tiên Lãng chứ gì? Đang nóng đấy, chú mày viết đi. Nhưng muốn xuống đấy thì phải để tao đưa đi hoặc gọi điện trước đã. Bọn thằng Dũng “sẹo” đang ở đấy. Bọn nó được nhờ “bảo vệ” địa bàn. Thằng này tao biết, trước chơi với nhau. Cũng thuộc thành phần “không sợ máu” đấy”.

Ai nhờ? Sao lại thế nhỉ?” – mình ngạc nhiên. “Chuyện dài lắm, nói không hết ngay một lúc được”.

Mình đã đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác và bị cuốn hút sâu vào câu chuyện của gã bạn kể. Mà có lẽ nếu nói ra thì không chỉ riêng mình mà bất kỳ ai cũng phải ngạc nhiên, mà rằng: sao lại thế được nhỉ, không thể, không lẽ nào,… Nhưng sự thực vẫn là sự thực, không thể không tin, nhất là sự thực đó được kể bởi chính người trong cuộc.

Đám giang hồ Dũng “sẹo” đã được nhờ (thuê) để “bảo vệ” (bảo kê) địa bàn – hiện trường sau vụ cưỡng chế nhà ông Vươn.

Cụ thể là ai thuê?” – mình gặng hỏi. Gã bạn nhìn mình, cười: “Mày làm báo mà chả có tí nhạy bén nào. Thế còn ai vào đây nữa? Chính bọn cán bộ ở Tiên Lãng”.

Cũng qua câu chuyện của bạn mà mình còn biết thêm một điều rằng: đã từ lâu lắm rồi, ở Hải Phòng đã và đang tồn tại một sự liên kết ngầm giữa chính quyền địa phương và dân trong giới giang hồ, mà theo lời gã bạn là “để xử những thằng cộm cán, không chịu nghe theo pháp luật” (!). Và phải chăng đó cũng là lý do vì sao “giang hồ đất Cảng” hoành hành dọc ngang, bất chấp luật pháp? Những vụ cướp giết vẫn xảy ra như cơm bữa trên địa bàn? Họ đã được “đỡ lưng” bởi một thế lực ngầm.

Sự thực thì vụ giang hồ phá tan nhà ông Vươn và vơ vét sạch tài sản không phải là “ca” đầu tiên xảy ra ở Hải Phòng. Trước đó, đã rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra nhưng với mức độ không nghiêm trọng bằng, hoặc người dân bị đe dọa nên vụ việc rơi vào im lặng.

Mày có muốn xem một vụ giang hồ vừa được thuê xử đẹp không?”.

Ai thuê? Ở đâu?”.

Bọn trên quận thuê. Mới gần đây thôi, nhưng trước cả vụ Tiên Lãng. Bọn giang hồ phá, còn công an… đứng bảo vệ vòng ngoài”.


Khi chính quyền và giang hồ “cùng làm”...

Mình thực sự bàng hoàng trước hiện trường “vụ giang hồ vừa được thuê xử đẹp” mà bạn nói. Ở vị trí mà bạn nói trước kia là 4 hộ dân với 4 căn hộ trong đó có 2 nhà 3 tầng, 2 nhà 2 tầng giờ chỉ còn là bãi trống còn trơ lại gạch, mảng bê-tông bị đập vỡ tan hoang, mà mới nhìn người ta ngỡ là đất giải phóng mặt bằng cho… dự án! Qua tìm hiểu được biết, đây là vị trí của các hộ dân có số nhà 562, 564, 566, 568 trên đường Ngô Gia Tự, phường Thành Tô, thuộc quận Hải An, TP Hải Phòng. Các hộ trên bị “giang hồ xử” vào ngày 23-12-2011 (trước cả “ca” ông Vươn ở Tiên Lãng). “Những hộ này không có sổ đỏ. Dọc cả khu phố Ngô Gia Tự này hơn 800 hộ cũng không có sổ đỏ. Nhưng các hộ kia họ biết điều, không bướng như mấy nhà này” – gã bạn châm thuốc hút.

Ghê nhỉ. Nhưng sao họ không kiện?”.

Kiện á? Có mà kiện củ khoai. Trên hỏi thì bảo đó là đất dự án, các nhà này lấn chiếm. Xong. Hôm đó vẫn có công an và… công văn hẳn hoi. Mà cÒn có gan để kiện không?”.

Mình choáng. Gọi điện cho mấy gã bạn ngay tắp lự: “Có vụ này găng lắm. Vào cuộc thôi”. Sau một hồi. Trả lời: “Lấy tư liệu hết về đây đi”.

Một tuần sau, mình trở lại Hải Phòng. Mình tìm gặp trực tiếp vị chủ tịch quận tên Hưởng. Mình đề cập ngay đến vấn đề “giải tỏa” 4 hộ dân một cách bất bình thường trên. Sau một hồi vòng vo, vị chủ tịch trả lời thản nhiên: “Đó là đất nhà ở trao đi bán lại nhiều lần, chúng tôi giải tỏa để làm dự án”. “Vậy sao hơn 800 hộ dân còn lại trên cùng trục đường đều không có sổ đỏ nhưng không giải tỏa luôn? Và sao giải tỏa lại không đền bù tài sản trên đất, dù đã có luật?”. Ngập ngừng một lát, vị chủ tịch quận trả lời: “Chúng tôi phát hiện đến đâu thì xử lý đến đấy, xử lý một lúc thì làm sao được, quận còn có nhiều việc phải làm”. Sau đó, ông chủ tịch quận hứa sẽ “nhanh chóng gửi toàn bộ hồ sơ công văn vụ cưỡng chế cho báo chí”, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm gì.

Có một sự thực đang diễn ra ở Hải Phòng là đang tồn tại một sự liên kết ngầm giữa chính quyền cơ sở và thế giới tội phạm. Chính quyền đã dung dưỡng và sử dụng những thành phần này như một công cụ để thay mình giải quyết những vụ việc như cưỡng chế đất đai, kiện cáo,… thậm chí cả trấn áp đe dọa. Và dường như chính điều này đã khiến người dân – nạn nhân của những vụ việc nói trên lo sợ những thành phần này trả thù hơn là sợ luật pháp. Đến lượt mình, chính được sự dung dưỡng, “đỡ lưng” ngầm của chính quyền mà giới “giang hồ đất Cảng” mới thả sức hoạt động. Đó cũng là lý do giải thích vì sao mà hiện nay, Hải Phòng là một điểm nóng về tội phạm và an ninh trật tự xã hội trong cả nước.

Không biết với tư cách người đứng đầu và chịu trách nhiệm quản lý an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, Giám đốc Công an, Đại tá Đỗ Hữu Ca có biết được sự thực này? Và khi đã biết thì liệu ông có muốn viết sách về nó không?!...
Bài và ảnh: Hoàng Sơn, từ Hà Nội
 

Hiện tượng 'những bậc cha mẹ quái gở'

Sự quá bảo hộ và quá can thiệp trong quá trình phát triển của trẻ dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng ở bình diện tâm lý của các em và xã hội, thậm chí còn làm nảy sinh hiện tượng "những bậc phụ huynh quái gở".

Nó đã trở thành mối quan ngại sâu sắc đối với những nhà giáo dục, những nhà tâm lý học nhi đồng cũng như trong vấn đề xã hội học, luật pháp đối với vị thành niên…. Cụ thể là những hiện tượng khá phổ cập trong nhiều gia đình:
Hiện tượng "quá bảo hộ"
Thuật ngữ này được Nhật Bản sử dụng đầu tiên vào năm 1970, được hiểu là: "Quá nuông chiều, tránh né những gì em bé tỏ ra không thích khi đối mặt và sẵn sàng thỏa mãn quá mức cần thiết đối với những gì các em tỏ ra thích thú".
"Nó tạo ra nhiều ảo tưởng cho các em kèm theo những dục vọng không hề kềm của của người lớn, dẫn đến những trường hợp tạo cho các em những hành vi không tốt, thậm chí bất lương, thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp dẫn đến kết quả hoàn toàn ngược lại với lương tâm của các bậc làm cha mẹ”.
Chẳng hạn, một hình ảnh thường thấy trong các gia đình Việt Nam: khi em bé chập chững bước đi những bước đầu đời, vấp phải một cái gì đó té ngã, thì người mẹ vội chạy lại ôm bé và cố dỗ dành cho bé khỏi khóc: “Tại hòn đá làm con mẹ đau này! Mẹ đánh cái hòn đá này cho xem!...”.
Như thế vô tình gieo vào trí óc thơ dại của bé rằng: việc em vấp ngã trong những bước đầu tiên này, không phải do khả năng non nớt từ chính bản thân em, mà chỉ tại những cái đáng trách từ ngoại cảnh. Lần sau, khi bé té ngã, bé sẽ cố khóc thật to chờ mẹ đến cứu và lập lại những động tác trên để bênh vực bé.
Ngược lại, người viết cũng đã nhiều lần quan sát ở những cặp vợ chồng dẫn con đi phố chơi: bé vấp ngã, hai vợ chồng nọ vẫn thản nhiên đi tiếp, tự bé loay hoay một lúc rồi tự đứng lên, không hề khóc.
Thái độ “không can thiệp” thoạt xem có vẻ “thờ ơ” này được các nhà tâm lý học nhi đồng đánh giá cao: đó là thái độ tôn trọng của cha mẹ đối với các bé trong cuộc hành trình của bé tìm hiểu thế giới quanh mình, các bé là chủ thể của hành vi chính mình và tự chịu trách nhiệm về nó. Tự mình té thì tự mình đứng lên, đó là bài học giản đơn của thiên nhiên.
Từ bài học đơn giản này, các bé sẽ tự mình nghiệm ra cái nội lực có sẵn trong bản thân mình, tính tự lập, tự chịu trách nhiệm và phát huy nó trong những bước sau này trong cuộc đời.
Mặt khác, hiện tượng “quá bảo hộ” còn xảy ra ở những cấp độ sâu hơn và xa hơn, nhiều bậc cha mẹ không nhận thức được những tiến trình tâm - sinh lý khác nhau của các bé qua các giai đoạn từ ấu nhi đến tuổi teen và tuổi dậy thì.
Thậm chí khi con mình đã thành người trưởng thành, các bà mẹ vẫn khư khư giữ lấy quan niệm “Dù con có lớn như thế nào nào đi nữa, con vẫn cứ là con của mẹ!” và vẫn cứ tiếp tục cư xử với con mình như vốn từng ngày xưa bú mớm nâng niu.
Đây không chỉ là một hiện tượng mà gần như là một hiện trạng gắn liền với bản năng của người mẹ, tình yêu thương của người mẹ thường không chấp nhận sự tách lìa khỏi con mình từ giai đoạn “lìa vú mẹ” như hai cá thể biệt lập, mặc dù điều này là cực kỳ cần thiết để con mình có thể trưởng thành như một cá thể độc lập và có khả năng đối phó với những nghịch cảnh của cuộc đời.
Trong nhiều trường hợp thực tiễn cho thấy, sự “quá bảo hộ” này dẫn đến sự cản trở tiến trình phát triển tâm lý của các em và phá hỏng việc hình thành nhân cách của các em, cái nhân cách mà các em đáng lẽ ra phải có như cha mẹ từng mong đợi.
Hơn thế nữa, quá bảo hộ cũng trực tiếp tạo cho các em một cái vỏ bản ngã kiên cố, quy mọi giá trị quan về bản thân mình như là một trung tâm của vũ trụ, khiến các em tự cho mình là một cái gì đặc biệt khác người.
Giữa bản thân các em (với những định kiến gia đình vây quanh) và cuộc sống xã hội bị chướng ngại bởi một cái hàng rào tâm lý, khiến các em khó khăn trong việc hình thành một tương giao thực sự với xã hội.
Các em không có cơ hội xác định vị trí và tính cách của minh qua tấm gương giao tiếp với xã hội: các em dễ lẫn lộn lòng tự hào hãnh diện, lòng tự trọng với sự kiêu ngạo, tự mãn, tính vị kỷ…
Các em cũng không có cơ hội tự đánh giá bản thân mình, chính mình là ai và mình thực sự mong muốn điều gì trong cuộc sống (vốn có tính cách xã hội), các em chỉ sống trong một cái ảo tưởng về bản thân và không chấp nhận tất cả những gì khác với ảo tưởng đó.
Các em cũng đánh mất cơ hội chịu trách nhiệm và tu sửa bản thân, vì khuynh hướng trội vượt trong bản ngã các em luôn luôn qui trách vào người khác hơn là tự nhìn lại bản thân mình. Đây mới chính là điều đáng quan ngại nhất cho các nhà giáo dục, xã hội học…
Một hiện tượng khác rất gần với hiện tượng quá bảo hộ, thường được đồng hóa với hiện tượng này, trên thực tế cũng gây nên những bức xúc và đáng quan ngại không kém.
Hiện tượng "quá can thiệp"
Thuật ngữ “quá can thiệp”, như ngữ nghĩa của nó, là sự can thiệp quá mức cần thiết về mặt tinh thần gây ra sự quá tải và mệt mỏi cho một đối tượng nào đó, thường được dùng trong những vấn đề giữa cha mẹ và con trẻ với tư cách như là những “người bảo hộ và người được bảo hộ (trẻ em vị thành niên)”.
Ở Nhật Bản, một nước Á đông với những truyền thống rất gần với Việt Nam, nhiều vấn đề giáo dục và luật pháp đã được đặt ra đối với quan hệ giữa “Cha mẹ-người bảo hộ” và “Con cái - người được bảo hộ”, trong đó vấn đề “quá can thiệp” được đặt ra khi: “Cha mẹ - người bảo hộ không thừa nhận con cái-người được bảo hộ như là một chủ thể nhân vị, có khả năng tư duy, có quyền đưa ra những ý tưởng, cũng như có quyền phát triển bản ngã, nhân cách riêng cùng với tính tự chủ và tự lập, trường hợp này các em chỉ được xem như là những búp bê, chỉ được quyền làm theo ý muốn và sự kiểm soát của cha mẹ”.
Mặt khác, vấn đề quá can thiệp cũng được đặt ra khi cha mẹ, với tư cách là người bảo hộ, quá nuông chiều những sở thích không hạn định của con trẻ, sẵn sàng cung ứng và thỏa mãn quá mức cần thiết những ham muốn vượt khả năng và giới hạn của con trẻ, tạo ra những gánh nặng quá tải, để các em rơi vào tình trạng không còn có thể tự mình chịu trách nhiệm chính những điều các em muốn.
Trong thực tế cuộc sống, không ai thương con cái bằng cha mẹ, chính tình thương vô hạn này thường đặt các bậc cha mẹ vào vị thế chịu mọi trách nhiệm về mọi hành vi con mình như là một “giám thị”, mong mỏi tạo dựng con cái theo hình ảnh và kinh nghiệm chính bản thân mình.
Theo đó bậc làm cha mẹ thường tạo ra những cấm đoán, những luật tắc, những phán xét riêng, nhiều khi xâm phạm cả quyền riêng tư của các em, để dẫn dắt con cái đi theo con đường mình mong muốn, được xem như là “lẽ đương nhiên”.
Tuy nhiên, khi sự bảo hộ và sự can thiệp trở thành quá bảo hộ và quá can thiệp, nó sẽ dẫn đến hệ quả ngược lại với tình yêu thương và kỳ vọng, khiến nhiều người phải đặt ravấn đề “quyền làm người” của con trẻ.
Đó là những trường hợp mà bậc cha mẹ tự đặt cho mình quyền “giám hộ vĩnh viễn”, đi quá xa trong quan niệm và hành xử như thể con cái như là “vật sở hữu” của mình, dồn nhét vào các em những cách suy nghĩ, giá trị quan của mình, thậm chí dạy cho các em những mánh khóe người lớn và sử dụng các em như là phương tiện để thỏa mãn những mục đích và thực thi bản ngã của người lớn.
Không quá đáng khi nói các em được xem như “vật sở hữu”, vì ở đây dù muốn dù không, chính các vị phụ huynh này đã tước đi của con em mình quyền được phát triển nhân cách của một chủ thể con người, tước đi của các em những cơ hội để tự định hình và định hướng, khẳng định chính mình trong xã hội, tự chịu trách nhiệm trước tha nhân, như là một chủ thể tự mình đứng trên đôi chân của chính minh và suy nghĩ bằng tư duy của mình.
Hoài bão, ước mơ trong thế giới hồn nhiên của các em, hãy để các em tự định đoạt, tự mình ma sát với xã hội, tự mình tìm ra câu trả lời thích hợp, tự chính mình lấy kinh nghiệm sau vấp ngã, và tự mình đứng lên sửa lại mình, chịu trách nhiệm về chính bản thân mình…
Không một bậc cha mẹ nào có thể “dạy” cho các em được những điều này, mà chính các em phải tự thể nghiệm lấy bằng cuộc sống của chính mình. Nhất là ở tuổi dậy thì, lứa tuổi bắt đầu biết phản kháng với những gì không phải là mình.
Các bậc cha mẹ chỉ có thể góp ý bàn bạc riêng với các em trong tình yêu thương, chứ không thể “can thiệp” hoặc “quá can thiệp” một cách thô bạo vào thế giới riêng của các em được nữa.
Thực tế cũng cho thấy sự quá bảo hộ và quá can thiệp trong quá trình phát triển của trẻ, dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng ở bình diện tâm lý của các em, cũng nhưng những hệ quả nghiêm trọng khác được đặt ra trên bình diện xã hội.
Năm 1979, trong bối cảnh của một xã hội công nghiệp phát triển cao độ, các nhà giáo dục Nhật Bản đặt ra nhiều vấn đề về “Mẫu nguyên bệnh” (những bệnh chứng phát xuất từ người mẹ, trong cùng cách nói kiểu dân gian Việt Nam: “con hư tại mẹ”).
Song song với quá trình công nghiệp hóa này, đơn vị gia đình Nhật càng lúc càng trở nên ít con (nhiều nhất là một), thời gian giữa mẹ và con tiếp xúc nhau được kéo dài hơn, hiện tượng quá bảo hộ và quá can thiệp cũng xảy ra song song do tình cảm ràng buộc của mẹ con.
Điều này dẫn đến những kết quả ngoài mong muốn: Các em phát triển khiếm khuyết ý chí riêng của mình, các em chỉ quen thuận theo ý chí của người mẹ. Khi đã hoàn toàn trưởng thành và đã thực thụ sống cuộc sống cuộc sống riêng của mình, các em không có ý chí tự lập và vươn lên, các em dễ sụp đổ dù chỉ với những thất bại đơn giản và dễ dàng mất định hướng trong cuộc sống xã hội, quá trình hội nhập xã hội của các em là một quá trình khác thường đầy rẫy những khó khăn và thất bại tự tạo…
Ở một mức độ nào đó, sự quá can thiệp và quá bảo hộ của người mẹ đi quá xa dẫn đến một hiện tượng khác:
Hiện tượng "Những bậc cha mẹ quái gở"
Năm 2008, hiện tượng này (tiếng Anh là Monster Parents) được dựng thành phim trong bộ phim truyền hình Nhật Bản cùng tên. Ở Mỹ cũng xuất hiện thuật ngữ “những bậc cha mẹ kiểu máy bay lên thẳng” (Helicopter Parents).
Đây là những thuật ngữ được dùng để nói về những bậc phụ huynh quá bảo hộ và quá can thiệp vào cuộc sống con em mình, họ thường đặt ra quá nhiều yêu sách hoặc kiện tụng tranh chấp hoặc gây áp lực với nhà trường và các thầy cô giáo, hay với những cơ quan chức năng khác.
Hiện tượng này tăng cùng với hiện tượng quá bảo hộ và quá can thiệp trong cuộc sống xã hội đương đại trong những năm gần đây. Các bậc phụ huynh này xem con em họ như là trung tâm vũ trụ, từ đó phàn nàn và gây khó khăn đủ thứ với nhà trường và các cơ quan có liên hệ với con em họ.
Ở Mỹ, thường thì nhà trường hoặc các cơ quan liên hệ đều có luật sư cố vấn riêng, nên thường thì “những bậc cha mẹ kiểu máy bay lên thẳng” này chỉ phí công kiện cáo vô ích thôi, chẳng ai quan tâm.
Như thế, vấn đề quá bảo hộ, quá can thiệp và “những bậc cha mẹ quái gở” đã trở thành một vấn đề xã hội lớn đối với Nhật Bản, một quốc gia tiên tiến với công nghiệp hóa cao độ, cũng là một quốc gia nặng truyền thống Á đông rất gần gũi với truyền thống Việt Nam mà người viết nêu ra đây để chúng ta dễ hình dung. Những hiện tượng này gắn liền với xã hội công nghiệp đương đại cùng với quá trình đô thị tập trung phát triển vô cùng phức tạp của xã hội này.
Việt Nam tuy chưa chưa đến giai đoạn phát triển phức tạp như ở Nhật và Mỹ, nhưng chúng ta cũng không thể bàng quan với vấn đề này, một vấn đề vốn đã tiềm ẩn trong tư duy của các gia đình truyền thống.
Theo nghiên cứu của giáo sư Ono của đại học Osaka, thì hiện tượng này nổi bật lên và gia tăng ở Nhật vào cuối thập niên 90, khi đấy nhiều bậc phụ huynh kiện cáo nhà trường “phạm luật” vào đòi hỏi những yêu sách kỳ quái cho con em họ.
Cũng xuất phát từ đó, từ ngữ “những bậc phụ huynh quái gở” với “monsuta” mượn từ tiếng Anh “monster” (quái vật) được giới truyền thông Nhật sử dụng với hàm ý phủ nhận tư cách bảo hộ của những phụ huynh này.
Theo điều tra tổng kết năm 2006 với 10.000 trường tiểu học và trung học ở Nhật Bản, thì 29,8% các hiệu trưởng trung học trả lời rằng “giáo dục bị trở ngại nghiêm trọng bởi những yêu sách vị kỷ của những phụ huynh kiểu này”, 48,9 % các hiệu trưởng trả lời là “khá nghiêm trọng”.
Như thế kết quả 78,7 % các hiệu trưởng trung học đã đưa ra vấn đề về các “phụ huynh quái gở” đã làm trở ngại giáo dục học đường với mục đích cá nhân của họ. Cũng như thế đối với các trường tiểu học bị trở ngại “nghiêm trọng” là 25,7 %, khá nghiêm trọng là 52,1%, kết quả tương tự như trên là 77,8% đã trở thành vấn đề.
Lê Thị Mận