Tòa án CH Séc phán quyết: việc giúp dì là làm chui


Kiểm tra ở cửa hàng của người Việt Nam (ảnh minh họa)




















Công ty gia đình là một mô hình hoạt động quen thuộc của người Việt Nam và châu Á. Nhưng tại Séc, mô hình kinh tế đó có thể gặp trở ngại về mặt pháp luật. Mới đây tòa án tỉnh Brno đã quyết định phạt một cửa hàng Việt Nam 15000 CZK vì việc cháu giúp dì bán hàng. Họ coi đó là việc thuê người làm chui. Làm sao cho các cửa hàng Việt Nam tránh được những vi phạm này? Có cần phải làm hợp đồng lao động với người nhà không? Nếu các bạn có kinh nghiệm hay có lời khuyên cho những người có hoàn cảnh tương tự, xin các bạn hãy tham gia vào bình luận ở dưới bài.

Ở một số hoàn cảnh nhất định thì việc giúp đỡ những người họ hàng trong viêc kinh doanh có thể rất  tốn kém, vì bị coi là làm việc bất hợp pháp. Phán quyết của Tòa án tỉnh ở Brno đã xác nhận điều này. Đây là phán quyết đầu tiên ở Cộng hòa Séc, có thể minh chứng cho việc làm chui giữa những người có quan hệ họ hàng.
Một phụ nữ trẻ phải trả khoản tiền phạt 15 nghìn vì đã phục vụ khách hàng trong một cửa hàng của người Việt Nam khi người chủ cửa hàng là dì của cô vắng mặt. Theo các nhân viên thanh tra giữa họ không có bất kỳ hợp đồng nào. Lập luận rằng không có khoản thù lao nào trong việc giúp đỡ tạm thời đó cũng không giúp được gì cho 2 người phụ nữ này.
Các thanh tra viên cho rằng đó là làm việc bất hợp pháp ẩn nấp đằng sau những lý do dịch vụ ngắn hạn và miễn phí và Tòa án tỉnh ở Brno đã xác nhận khẳng định này.
Đây là một quyết định quan trọng trong các vụ kiện về trợ giúp lao động giữa họ hàng. Trong những trường hợp trước đây, nhà nước không thể chứng minh tại tòa án, rằng đó thực sự là một công việc bất hợp pháp. Tòa án Hành chính Tối cao trong hai vụ tranh chấp đã bảo vệ những người kinh doanh cá thể ở Praha và Brno và quyết định họ không phải trả tiền phạt. Tòa phán rằng nếu muốn trừng phạt những người kinh doanh cá thể về việc tạo việc làm bất hợp pháp nhà nước phải chứng minh điều đó.
Tôi chỉ trông coi giúp
Tòa án Brno đã xử vụ ở Znojmo. Các nhân viên thanh tra đã đến cửa hàng vào giờ ăn trưa, khi người cháu gái đang ở trong cửa hàng một mình.
Hai người phụ nữ sau đó đã thanh minh rằng đó chỉ là việc giúp đỡ trong khuôn khổ gia đình. "Việc giúp đỡ đó đã được thực hiện phù hợp với các mối quan hệ trong khuôn khổ gia đình, khi mà hoạt động này có thể được thực hiện bởi bất cứ một ai đó khác", người phụ nữ trẻ đã nói vậy và rằng thực tế là cô ấy chỉ giúp trông coi cửa hàng miễn phí.
Sau cuộc kiểm tra đó trên cơ sở bị đe dọa phạt, chủ cửa hàng đã ký hợp đồng với cháu gái về thực hiện công việc với khoản thù lao là 50 cua-ron.
Nhưng những nhân viên của Sở thanh tra lao động nhà nước đã quyết định rằng người phụ nữ phải trả tiền phạt 15.000 cua-ron. Theo họ sự giúp đỡ của người cháu gái rõ ràng là một công việc bất hợp pháp và thỏa mãn tất cả các điều kiện đặc trưng cho việc làm chui.
Theo họ tại đây đã tồn tại mối quan hệ giữa chủ lao động và người làm công. Người cháu phải làm theo hướng dẫn của chủ của hàng và không thể hành động một cách độc lập. "Ít nhất là vào ngày xảy ra vụ kiểm tra cô ấy đã phục vụ khách hàng, tính tiền và đưa hàng cho khách. Thực tế là mối quan hệ dì – cháu giữa họ không thể thay đổi được bất cứ điều gì. Luật về lao động cũng như bất kỳ quy định pháp lý nào khác đều không quy định ngoại lệ với việc cấm làm việc bất hợp pháp cho mối quan hệ họ hàng này," các nhân viên thanh tra đã quyết định như vậy.
Người phụ nữ trẻ sau đó cũng không thành công với vụ kiện tại Tòa án tỉnh ở Brno. Tòa này đã xác nhận, rằng cô phải trả khoản tiền phạt 15.000 cua-ron do làm việc bán hàng bất hợp pháp. Các thẩm phán đã phán quyết, rằng đó là một mối quan hệ lao động bình thường đáp ứng tất cả các điều kiện của một công việc phụ thuộc theo Bộ luật Lao động.
Một nhân viên bán hàng bình thường
Cái gọi là công việc phụ thuộc được thực hiện trong một mối quan hệ thứ bậc giữa người sử dụng lao động và người lao động lệ thuộc, thay mặt cho người sử dụng lao động, và người lao động thực hiện trực tiếp theo các hướng dẫn của người sử dụng lao động. Một công việc như vậy phải được thực hiện với thỏa thuận về tiền công hay thù lao, do người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả, trong giờ làm việc tại nơi làm việc của người sử dụng lao động hoặc tại một địa điểm được thỏa thuận khác.
Theo các thẩm phán tất cả những điều kiện trên đều được đáp ứng và họ quyết định rằng "người phụ nữ đã bán hàng trong cửa hàng vào giờ làm việc, với giới hạn là cô ấy sẽ thực hiện công việc này ngay trong cửa hàng khi mà người chủ cửa hàng vắng mặt, và tòa án cũng không nghi ngờ gì về việc công việc đó đã được thực hiện với một khoản thù lao đã thỏa thuận."
Quyết định của tòa đã viết: "Trong trường hợp này đó là một công việc bất hợp pháp, vì rằng người phụ nữ với người sử dụng lao động của cô ấy đã không có bất kỳ hợp đồng hoặc thỏa thuận nào theo các quy định pháp lý về lao động, tuy nhiên cô ấy đã thực hiện công việc này (đã làm một nhân viên bán hàng bình thường)".
Tác giả: Tomáš Fránek
Nguồn: aktualne.cz
Người dịch: Phạm Hiển, vietinfo.eu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình