Sự quá bảo hộ và quá can thiệp trong quá trình phát triển của trẻ dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng ở bình diện tâm lý của các em và xã hội, thậm chí còn làm nảy sinh hiện tượng "những bậc phụ huynh quái gở".
Nó đã trở thành mối quan ngại sâu sắc đối với những
nhà giáo dục, những nhà tâm lý học nhi đồng cũng như trong vấn đề xã hội
học, luật pháp đối với vị thành niên…. Cụ thể là những hiện tượng khá
phổ cập trong nhiều gia đình:
Hiện tượng "quá bảo hộ"
Thuật ngữ này được Nhật Bản sử dụng đầu tiên vào năm 1970, được hiểu là: "Quá
nuông chiều, tránh né những gì em bé tỏ ra không thích khi đối mặt và
sẵn sàng thỏa mãn quá mức cần thiết đối với những gì các em tỏ ra thích
thú".
"Nó
tạo ra nhiều ảo tưởng cho các em kèm theo những dục vọng không hề kềm
của của người lớn, dẫn đến những trường hợp tạo cho các em những hành vi
không tốt, thậm chí bất lương, thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp dẫn
đến kết quả hoàn toàn ngược lại với lương tâm của các bậc làm cha mẹ”.
Chẳng hạn, một hình ảnh thường thấy trong các gia đình
Việt Nam: khi em bé chập chững bước đi những bước đầu đời, vấp phải một
cái gì đó té ngã, thì người mẹ vội chạy lại ôm bé và cố dỗ dành cho bé
khỏi khóc: “Tại hòn đá làm con mẹ đau này! Mẹ đánh cái hòn đá này cho
xem!...”.
Như thế vô tình gieo vào trí óc thơ dại của bé rằng:
việc em vấp ngã trong những bước đầu tiên này, không phải do khả năng
non nớt từ chính bản thân em, mà chỉ tại những cái đáng trách từ ngoại
cảnh. Lần sau, khi bé té ngã, bé sẽ cố khóc thật to chờ mẹ đến cứu và
lập lại những động tác trên để bênh vực bé.
Ngược lại, người viết cũng đã nhiều lần quan sát ở
những cặp vợ chồng dẫn con đi phố chơi: bé vấp ngã, hai vợ chồng nọ vẫn
thản nhiên đi tiếp, tự bé loay hoay một lúc rồi tự đứng lên, không hề
khóc.
Thái độ “không can thiệp” thoạt xem có vẻ “thờ ơ” này
được các nhà tâm lý học nhi đồng đánh giá cao: đó là thái độ tôn trọng
của cha mẹ đối với các bé trong cuộc hành trình của bé tìm hiểu thế giới
quanh mình, các bé là chủ thể của hành vi chính mình và tự chịu trách
nhiệm về nó. Tự mình té thì tự mình đứng lên, đó là bài học giản đơn của
thiên nhiên.
Từ bài học đơn giản này, các bé sẽ tự mình nghiệm ra
cái nội lực có sẵn trong bản thân mình, tính tự lập, tự chịu trách nhiệm
và phát huy nó trong những bước sau này trong cuộc đời.
Mặt khác, hiện tượng “quá bảo hộ” còn xảy ra ở những
cấp độ sâu hơn và xa hơn, nhiều bậc cha mẹ không nhận thức được những
tiến trình tâm - sinh lý khác nhau của các bé qua các giai đoạn từ ấu
nhi đến tuổi teen và tuổi dậy thì.
Thậm chí khi con mình đã thành người trưởng thành, các bà mẹ vẫn khư khư giữ lấy quan niệm “Dù con có lớn như thế nào nào đi nữa, con vẫn cứ là con của mẹ!” và vẫn cứ tiếp tục cư xử với con mình như vốn từng ngày xưa bú mớm nâng niu.
Đây không chỉ là một hiện tượng mà gần như là một hiện
trạng gắn liền với bản năng của người mẹ, tình yêu thương của người mẹ
thường không chấp nhận sự tách lìa khỏi con mình từ giai đoạn “lìa vú
mẹ” như hai cá thể biệt lập, mặc dù điều này là cực kỳ cần thiết để con
mình có thể trưởng thành như một cá thể độc lập và có khả năng đối phó
với những nghịch cảnh của cuộc đời.
Trong nhiều trường hợp thực tiễn cho thấy, sự “quá bảo
hộ” này dẫn đến sự cản trở tiến trình phát triển tâm lý của các em và
phá hỏng việc hình thành nhân cách của các em, cái nhân cách mà các em
đáng lẽ ra phải có như cha mẹ từng mong đợi.
Hơn thế nữa, quá bảo hộ cũng trực tiếp tạo cho các em
một cái vỏ bản ngã kiên cố, quy mọi giá trị quan về bản thân mình như là
một trung tâm của vũ trụ, khiến các em tự cho mình là một cái gì đặc
biệt khác người.
Giữa bản thân các em (với những định kiến gia đình vây
quanh) và cuộc sống xã hội bị chướng ngại bởi một cái hàng rào tâm lý,
khiến các em khó khăn trong việc hình thành một tương giao thực sự với
xã hội.
Các em không có cơ hội xác định vị trí và tính cách
của minh qua tấm gương giao tiếp với xã hội: các em dễ lẫn lộn lòng tự
hào hãnh diện, lòng tự trọng với sự kiêu ngạo, tự mãn, tính vị kỷ…
Các em cũng không có cơ hội tự đánh giá bản thân mình,
chính mình là ai và mình thực sự mong muốn điều gì trong cuộc sống (vốn
có tính cách xã hội), các em chỉ sống trong một cái ảo tưởng về bản
thân và không chấp nhận tất cả những gì khác với ảo tưởng đó.
Các em cũng đánh mất cơ hội chịu trách nhiệm và tu sửa
bản thân, vì khuynh hướng trội vượt trong bản ngã các em luôn luôn qui
trách vào người khác hơn là tự nhìn lại bản thân mình. Đây mới chính là
điều đáng quan ngại nhất cho các nhà giáo dục, xã hội học…
Một hiện tượng khác rất gần với hiện tượng quá bảo hộ,
thường được đồng hóa với hiện tượng này, trên thực tế cũng gây nên
những bức xúc và đáng quan ngại không kém.
Hiện tượng "quá can thiệp"
Thuật ngữ “quá can thiệp”, như ngữ nghĩa của nó, là sự
can thiệp quá mức cần thiết về mặt tinh thần gây ra sự quá tải và mệt
mỏi cho một đối tượng nào đó, thường được dùng trong những vấn đề giữa
cha mẹ và con trẻ với tư cách như là những “người bảo hộ và người được
bảo hộ (trẻ em vị thành niên)”.
Ở Nhật Bản, một nước Á đông với những truyền thống rất
gần với Việt Nam, nhiều vấn đề giáo dục và luật pháp đã được đặt ra đối
với quan hệ giữa “Cha mẹ-người bảo hộ” và “Con cái - người được bảo
hộ”, trong đó vấn đề “quá can thiệp” được đặt ra khi: “Cha
mẹ - người bảo hộ không thừa nhận con cái-người được bảo hộ như là một
chủ thể nhân vị, có khả năng tư duy, có quyền đưa ra những ý tưởng, cũng
như có quyền phát triển bản ngã, nhân cách riêng cùng với tính tự chủ
và tự lập, trường hợp này các em chỉ được xem như là những búp bê, chỉ
được quyền làm theo ý muốn và sự kiểm soát của cha mẹ”.
Mặt khác, vấn đề quá can thiệp cũng được đặt ra khi
cha mẹ, với tư cách là người bảo hộ, quá nuông chiều những sở thích
không hạn định của con trẻ, sẵn sàng cung ứng và thỏa mãn quá mức cần
thiết những ham muốn vượt khả năng và giới hạn của con trẻ, tạo ra những
gánh nặng quá tải, để các em rơi vào tình trạng không còn có thể tự
mình chịu trách nhiệm chính những điều các em muốn.
Trong thực tế cuộc sống, không ai thương con cái bằng
cha mẹ, chính tình thương vô hạn này thường đặt các bậc cha mẹ vào vị
thế chịu mọi trách nhiệm về mọi hành vi con mình như là một “giám thị”,
mong mỏi tạo dựng con cái theo hình ảnh và kinh nghiệm chính bản thân
mình.
Theo đó bậc làm cha mẹ thường tạo ra những cấm đoán,
những luật tắc, những phán xét riêng, nhiều khi xâm phạm cả quyền riêng
tư của các em, để dẫn dắt con cái đi theo con đường mình mong muốn, được
xem như là “lẽ đương nhiên”.
Tuy nhiên, khi sự bảo hộ và sự can thiệp trở thành quá
bảo hộ và quá can thiệp, nó sẽ dẫn đến hệ quả ngược lại với tình yêu
thương và kỳ vọng, khiến nhiều người phải đặt ravấn đề “quyền làm người”
của con trẻ.
Đó là những trường hợp mà bậc cha mẹ tự đặt cho mình
quyền “giám hộ vĩnh viễn”, đi quá xa trong quan niệm và hành xử như thể
con cái như là “vật sở hữu”
của mình, dồn nhét vào các em những cách suy nghĩ, giá trị quan của
mình, thậm chí dạy cho các em những mánh khóe người lớn và sử dụng các
em như là phương tiện để thỏa mãn những mục đích và thực thi bản ngã của
người lớn.
Không quá đáng khi nói các em được xem như “vật sở hữu”,
vì ở đây dù muốn dù không, chính các vị phụ huynh này đã tước đi của
con em mình quyền được phát triển nhân cách của một chủ thể con người,
tước đi của các em những cơ hội để tự định hình và định hướng, khẳng
định chính mình trong xã hội, tự chịu trách nhiệm trước tha nhân, như là
một chủ thể tự mình đứng trên đôi chân của chính minh và suy nghĩ bằng
tư duy của mình.
Hoài bão, ước mơ trong thế giới hồn nhiên của các em,
hãy để các em tự định đoạt, tự mình ma sát với xã hội, tự mình tìm ra
câu trả lời thích hợp, tự chính mình lấy kinh nghiệm sau vấp ngã, và tự
mình đứng lên sửa lại mình, chịu trách nhiệm về chính bản thân mình…
Không một bậc cha mẹ nào có thể “dạy” cho các em được
những điều này, mà chính các em phải tự thể nghiệm lấy bằng cuộc sống
của chính mình. Nhất là ở tuổi dậy thì, lứa tuổi bắt đầu biết phản kháng
với những gì không phải là mình.
Các bậc cha mẹ chỉ có thể góp ý bàn bạc riêng với các
em trong tình yêu thương, chứ không thể “can thiệp” hoặc “quá can thiệp”
một cách thô bạo vào thế giới riêng của các em được nữa.
Thực tế cũng cho thấy sự quá bảo hộ và quá can thiệp
trong quá trình phát triển của trẻ, dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm
trọng ở bình diện tâm lý của các em, cũng nhưng những hệ quả nghiêm
trọng khác được đặt ra trên bình diện xã hội.
Năm 1979, trong bối cảnh của một xã hội công nghiệp
phát triển cao độ, các nhà giáo dục Nhật Bản đặt ra nhiều vấn đề về “Mẫu
nguyên bệnh” (những bệnh chứng phát xuất từ người mẹ, trong cùng cách
nói kiểu dân gian Việt Nam: “con hư tại mẹ”).
Song song với quá trình công nghiệp hóa này, đơn vị
gia đình Nhật càng lúc càng trở nên ít con (nhiều nhất là một), thời
gian giữa mẹ và con tiếp xúc nhau được kéo dài hơn, hiện tượng quá bảo
hộ và quá can thiệp cũng xảy ra song song do tình cảm ràng buộc của mẹ
con.
Điều này dẫn đến những kết quả ngoài mong muốn: Các em
phát triển khiếm khuyết ý chí riêng của mình, các em chỉ quen thuận
theo ý chí của người mẹ. Khi đã hoàn toàn trưởng thành và đã thực thụ
sống cuộc sống cuộc sống riêng của mình, các em không có ý chí tự lập và
vươn lên, các em dễ sụp đổ dù chỉ với những thất bại đơn giản và dễ
dàng mất định hướng trong cuộc sống xã hội, quá trình hội nhập xã hội
của các em là một quá trình khác thường đầy rẫy những khó khăn và thất
bại tự tạo…
Ở một mức độ nào đó, sự quá can thiệp và quá bảo hộ của người mẹ đi quá xa dẫn đến một hiện tượng khác:
Hiện tượng "Những bậc cha mẹ quái gở"
Năm 2008, hiện tượng này (tiếng Anh là Monster
Parents) được dựng thành phim trong bộ phim truyền hình Nhật Bản cùng
tên. Ở Mỹ cũng xuất hiện thuật ngữ “những bậc cha mẹ kiểu máy bay lên
thẳng” (Helicopter Parents).
Đây là những thuật ngữ được dùng để nói về những bậc
phụ huynh quá bảo hộ và quá can thiệp vào cuộc sống con em mình, họ
thường đặt ra quá nhiều yêu sách hoặc kiện tụng tranh chấp hoặc gây áp
lực với nhà trường và các thầy cô giáo, hay với những cơ quan chức năng
khác.
Hiện tượng này tăng cùng với hiện tượng quá bảo hộ và
quá can thiệp trong cuộc sống xã hội đương đại trong những năm gần đây.
Các bậc phụ huynh này xem con em họ như là trung tâm vũ trụ, từ đó phàn
nàn và gây khó khăn đủ thứ với nhà trường và các cơ quan có liên hệ với
con em họ.
Ở Mỹ, thường thì nhà trường hoặc các cơ quan liên hệ
đều có luật sư cố vấn riêng, nên thường thì “những bậc cha mẹ kiểu máy
bay lên thẳng” này chỉ phí công kiện cáo vô ích thôi, chẳng ai quan tâm.
Như thế, vấn đề quá bảo hộ, quá can thiệp và “những
bậc cha mẹ quái gở” đã trở thành một vấn đề xã hội lớn đối với Nhật Bản,
một quốc gia tiên tiến với công nghiệp hóa cao độ, cũng là một quốc gia
nặng truyền thống Á đông rất gần gũi với truyền thống Việt Nam mà người
viết nêu ra đây để chúng ta dễ hình dung. Những hiện tượng này gắn liền
với xã hội công nghiệp đương đại cùng với quá trình đô thị tập trung
phát triển vô cùng phức tạp của xã hội này.
Việt Nam tuy chưa chưa đến giai đoạn phát triển phức
tạp như ở Nhật và Mỹ, nhưng chúng ta cũng không thể bàng quan với vấn đề
này, một vấn đề vốn đã tiềm ẩn trong tư duy của các gia đình truyền
thống.
Theo nghiên cứu của giáo sư Ono của đại học Osaka, thì
hiện tượng này nổi bật lên và gia tăng ở Nhật vào cuối thập niên 90,
khi đấy nhiều bậc phụ huynh kiện cáo nhà trường “phạm luật” vào đòi hỏi
những yêu sách kỳ quái cho con em họ.
Cũng xuất phát từ đó, từ ngữ “những bậc phụ huynh quái
gở” với “monsuta” mượn từ tiếng Anh “monster” (quái vật) được giới
truyền thông Nhật sử dụng với hàm ý phủ nhận tư cách bảo hộ của những
phụ huynh này.
Theo điều tra tổng kết năm 2006 với 10.000 trường tiểu
học và trung học ở Nhật Bản, thì 29,8% các hiệu trưởng trung học trả
lời rằng “giáo dục bị trở ngại nghiêm trọng bởi những yêu sách vị kỷ của
những phụ huynh kiểu này”, 48,9 % các hiệu trưởng trả lời là “khá
nghiêm trọng”.
Như thế kết quả 78,7 % các hiệu trưởng trung học đã
đưa ra vấn đề về các “phụ huynh quái gở” đã làm trở ngại giáo dục học
đường với mục đích cá nhân của họ. Cũng như thế đối với các trường tiểu
học bị trở ngại “nghiêm trọng” là 25,7 %, khá nghiêm trọng là 52,1%, kết
quả tương tự như trên là 77,8% đã trở thành vấn đề.
|
Lê Thị Mận