Giới lãnh đạo có cần thông minh lắm không?


Bookmark and Share bạn có thể chia sẻ tới 333 trang web
Về phương diện trí thức, giới lãnh đạo Việt Nam có hai đặc điểm nổi bật:

Thứ nhất, trên danh nghĩa, ai cũng có bằng cấp thật cao. Năm ngoái, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ở Úc, có làm một thống kê về bằng cấp của chính phủ Việt Nam trong tương quan so sánh với chính phủ Úc và Mỹ và đi đến kết luận: Việt Nam có trình độ cao nhất! Ở Úc, trong số 28 thành viên chính phủ, chỉ có một người duy nhất có bằng tiến sĩ, 5 người có bằng thạc sĩ, còn lại là cử nhân. Ở Mỹ, trong nội các của Tổng thống Barack Obama gồm 23 thành viên, có 7 tiến sĩ, 8 thạc sĩ và 8 cử nhân. Việt Nam, ngược lại, trong 26 thành viên chính phủ khóa trước, có 13 tiến sĩ, 3 thạc sĩ và 10 cử nhân. Nguyễn Văn Tuấn làm bảng đối chiếu:

Trong danh sách 4 phó thủ tướng và 22 bộ trưởng được công bố vào đầu tháng 8 năm 2011, tỉ lệ những người có bằng tiến sĩ vẫn y nguyên: 13, tức chiếm 50%; tỉ lệ thạc sĩ tăng thêm một và cử nhân giảm một:


Cử nhân

Thạc sĩ

Tiến sĩ

Phó thủ tướng (4 người)

1

2

1

Bộ trưởng (22 người)

8

2

12

Tổng cộng

9

4

13

Tỉ lệ

35%

15%

50%

Như vậy, nếu năm 2010, trình độ học vấn của nội các chính phủ Việt Nam đã cao hơn Úc và Mỹ thì năm 2011 này, khoảng cách ấy lại càng xa thêm nữa. Nếu năm 2010, nói theo Nguyễn Văn Tuấn, “Con số 50% bộ trưởng có bằng tiến sĩ cho thấy nước ta đúng là nước có trình độ học vấn cao, có lẽ cao nhất thế giới” thì năm 2011 này, cái vị trí “cao nhất” ấy lại càng được củng cố thêm nữa.

Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt.

Mặt khác, cũng về phương diện trí thức, giới lãnh đạo Việt Nam lại có thêm đặc điểm thứ hai này: Dốt.

Xin nói ngay chữ “dốt” ấy không phải là của tôi. Đó là ý kiến chung của rất nhiều trí thức ở trong nước. Cứ vào các blog ở trong nước, chúng ta sẽ thấy ngay có vô số bài viết bàn về “dân trí” và “quan trí”, ở đó, hầu như ai cũng có một nhận định chung: vấn đề mà Việt Nam đang đối điện hiện nay không phải là dân trí thấp. Mà là quan trí thấp. Thấp đến đáng kinh ngạc. Nghe những lời phát biểu của các ông nghị trong Quốc Hội cũng như của nhiều bộ trưởng và thứ trưởng, không ai không thấy nghẹn ngào. Rồi nhìn vào các chính sách của họ lâu nay lại càng thấy nghẹn ngào hơn nữa: Nếu chúng không quái gở thì cũng hoàn toàn vô hiệu.

Nhưng tại sao lại có hiện tượng nghịch lý như thế? Tại sao một chính phủ có nhiều người có bằng cấp cao nhất thế giới mà lại bị chê là dốt nát và bất lực như thế?

Thật ra, câu hỏi không có gì khó. Thứ nhất, nên nhớ đến nạn bằng giả và câu “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” ở Việt Nam. Thứ hai, ngay cả bằng cấp, ở một số người, là thật và đúng chất lượng thì điều đó cũng không giải thích được gì cả: bằng cấp, dù là tiến sĩ, chỉ là một bảo đảm về khả năng nghiên cứu. Mà nhà lãnh đạo thì lại không cần những khả năng đó. Đó là khả năng của các chuyên gia và chuyên viên, những người phụ giúp cho các nhà lãnh đạo.

Một nhà lãnh đạo cần những khả năng khác.

Mới đây, trên huffingtonpost.com, Gary Hart, cựu nghị sĩ (từ 1975 đến 1987) và cựu ứng viên Tổng thống Mỹ năm 1984 và 1988, giáo sư tại một số trường đại học lớn như Oxford và Yale, tác giả của 19 cuốn sách về chính trị và luật pháp, có viết một bài bình luận ngắn nhưng khá sâu sắc về khả năng của người lãnh đạo: “Một tổng thống có cần thông minh?” (Should a President Be Intelligent)

Theo Hart, ngày nay công việc lãnh đạo càng ngày càng khó khăn. Họ phải đối diện với vô số vấn đề. Mà vấn đề nào cũng phức tạp. Chuyện kinh tế, chẳng hạn, không giới hạn trong nước, mà mở rộng gần như toàn cầu. Chuyện an ninh cũng vậy. Nó không phải chỉ là vấn đề số máy bay, vũ khí, ngân sách hay quân số. Mà bao gồm mọi biến động chính trị ở khắp nơi. Không có một nhà lãnh đạo nào, dù thông minh đến mấy, có thể biết hết những điều đó được. Cho nên điều cần nhất ở nhà lãnh đạo là khả năng phán đoán tốt và khả năng lựa chọn những người giỏi và thích hợp nhất để lắng nghe ý kiến. Dĩ nhiên, để làm được những điều có vẻ đơn giản như thế, nhà lãnh đạo phải có nhiều lịch duyệt, đi nhiều và biết nhiều. Gary cũng nhắc: cả Franklin Roosevelt, Harry Truman và John Kennedy đều không phải là những đại trí thức. Nhưng họ vẫn đóng góp được thật nhiều và được xem là những tổng thống vĩ đại.

Trong bài “Dumb, dumber, dumbest?” đăng trên Politico.com ngày 22/10/2011, Roger Simon cũng nhấn mạnh một sự thật lịch sử quan trọng: Adlai Stevenson (1900-1965), chính trị gia cuối cùng tự nhận và được nhìn nhận là trí thức đã thất cử trước Dwight Eisenhower một cách thảm hại. Trong các tổng thống sau đó, có khá nhiều người bị xem là thiếu trí thức (dĩ nhiên là theo tiêu chuẩn của Mỹ!) nhưng họ lại rất thành công. Nổi bật nhất là Tổng thống Ronald Reagan, người, nếu thiếu cố vấn, có thể vấp hết nhầm lẫn này sang nhầm lẫn khác. Goerge W. Bush cũng vậy. Tên ông, Bushism, trở thành tiêu biểu cho việc nói nhịu và nói những câu chữ vô nghĩa. Lúc ông chưa thắng cử, các đối thủ của ông thường nhìn ông một cách diễu cợt. Khi ông trở thành tổng thống rồi, nhiều đối tác của ông trên thế giới cũng tiếp tục nhìn ông, từ sau lưng, một cách diễu cợt. Thế nhưng, cuối cùng, ông lại trở thành Tổng thống Mỹ trong suốt hai nhiệm kỳ, điều mà bố ông, Tổng thống George H.W. Bush, không làm được. Và cũng là điều Tổng thống Barack Obama hiện nay, một người vốn nổi tiếng thông minh và uyên bác, cũng chưa chắc đã làm được.

Không cần trí thức và cũng không cần quá thông minh, một nhà lãnh đạo cần gì nhất? Hart Gary kết luận bài viết ngắn của mình bằng nhận định: Một nhà lãnh đạo phải có khả năng nhìn xa hơn hầu hết những người khác, khả năng làm nảy sinh những ý tưởng và chính sách mới và sáng tạo để đối phó với những thử thách mới và cần có khả năng thuyết phục mọi người chấp nhận những ý tưởng và chính sách ấy.

Nói như thế thì còn quá sơ lược. Nhưng bàn kỹ hơn thì lại dài quá.

Thôi, để dịp khác. Từ từ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình