Một cựu nhân viên hai năm trong nghề chở gas đã
hé lộ những bí mật về thực trạng kinh doanh và sử dụng gas tại nội thành
Hà Nội hiện nay.
Chúng tôi xin trích lại nguyên văn bức thư của độc giả này:
Tôi là người đã từng có
2 năm trong nghề chở gas tại Hà Nội. Tôi rất đau xót khi được biết
thông tin về vụ nổ gas khiến 2 cháu nhỏ bị tử nạn. Tôi xin chia sẻ đến
quý độc giả và người tiêu dùng những thông tin thực tế về thực trạng
kinh doanh và sử dụng gas tại nội thành Hà Nội hiện nay.
Trong 2 năm (từ năm
2009 đến 2010) tôi lăn lộn làm nhân viên chở gas cho 9 cửa hàng gas tại
các quận nội thành Hà Nội. Đúc rút 2 năm ấy tôi xin chia sẻ đến quý vị
ba vấn đề quan trọng nhất.
Làm ăn chụp giật
Tất cả 9 cửa hàng tôi
làm, các hộ kinh doanh này đều sang chiết gas trái phép. Họ sang chiết
gas từ các bình gas giá thấp như gas Vạn Lộc, gas Gia Định sang bình gas
Shell (xanh lam), gas Total (vàng), gas Elf (bình đỏ).
Họ sử dụng những niêm
phong giả giống niêm phong chính hãng để chụp lên bình gas sang chiết.
Mỗi lần như vậy họ “ăn” chênh lệch giá từ 30.000~50.000 đồng/bình. Các
bình gas Shell, Total, Elf cũ tồn tại ở các cửa hàng không được đổi bình
mới từ công ty sản xuất, mà chúng sẽ luôn được sử dụng quay vòng tại các cửa hàng hay hộ gia đình.
Nhiều cửa hàng gas dùng bình gas cũ, quá "đát". (Ảnh minh họa)
Do đó, các bình gas này ngày càng xuống
cấp, độ an toàn giảm, những gioăng cao su giữ kín gas sẽ hở gây nguy
hiểm cho người tiêu dùng. Các hộ kinh doanh này, chủ yếu sử dụng cách
làm thủ công đơn giản khi sang chiết gas, không có thiết bị an toàn.
Thực tế đã chứng minh có nhiều trường hợp cháy nổ tại các cửa hàng gas
mà nguyên nhân chính là sang chiết gas trái phép.
Nhân viên giao gas cố tình tạo nguy cơ cháy nổ
Khi giao gas, nắm bắt
tâm lý kém hiểu biết về thiết bị sử dụng gas của người tiêu dùng (chủ
yếu phụ nữ và người già) nên nhân viên giao gas hay nói rằng van gas,
dây gas bị hỏng, có hở mùi để người tiêu dùng phải thay với giá quá cao
so với thực tế, trong khi van gas và dây gas vẫn sử dụng tốt.
Lợi dụng khi chủ nhà
không để ý, các nhân viên này còn vặn hở gas ở bình hay bẻ van gas. Có
những nhân viên chuẩn bị cả kim sắt để chọc thủng dây dẫn gas hoặc dùng
dao cứa dây để tạo vết nứt. Sau đó, họ báo với chủ nhà rằng thiết bị gas
bị hỏng và buộc chủ nhà phải thay với giá rất đắt. Một số trường hợp
nhân viên cố tình làm hỏng bếp gas của chủ nhà để mang bếp về sửa lấy
tiền.
Tuy nhiên, trong quá
trình sửa họ đã lắp thiếu các chi tiết của bếp, thậm chí một số cố tình
lắp thiếu bộ phận cảm ứng nhiệt của bếp điện (có chức năng tự ngắt, đóng
đường dẫn gas), làm bếp mất khả năng tự ngắt an toàn trong quá trình
đun nấu như tràn nước hay gió lùa.
Đặc biệt nguy hiểm hơn,
như trường hợp nhân viên dùng dao cứa dây cao su để tạo vết nứt, nhưng
nếu chủ nhà không thay dây như mong muốn, nhân viên đó vẫn để nguyên vết
nứt ra về, phó mặc cho chủ nhà, dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Tôi xin đưa ra ví dụ
như với van an toàn của hãng GOLDSUN với giá bán thực tế là 100.000
đồng/chiếc nhân viên và cửa hàng gas có thể bán đủ các mức giá từ
200.000 ~ 400.000 đồng/chiếc. Thậm chí có nhân viên đã thay van với giá
960.000 đồng/chiếc. Còn dây dẫn gas giá thực tế từ 20.000 ~ 50.000
đồng/chiếc (chiều dài 1m) thì họ có thể thay từ
100.000đồng~300.000đồng/chiếc.
Việc cho nhân viên thay
thiết bị gas có 30% hoa hồng khi trừ đi chi phí mà chủ hộ mua thiết bị
gas ban đầu khiến cho các nhân viên này có thêm hành vi sai trái, thiếu
đạo đức, gây thiệt hại và nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Ví dụ như, van gas chủ
cửa hàng nhập với giá 50.000đồng/chiếc. Nếu nhân viên thay là
350.000đồng/chiếc. Thì nhân viên sẽ được (350.000 -50.000)/3 = 100.000
đồng/chiếc. Vậy chủ cửa hàng thực tế sẽ thu (350.000 - 100.000 = 250.000
đồng/chiếc (lãi 200.000 đồng/chiếc so với giá bán thực tế 50.000
đồng/chiếc).
Kiến thức được trang bị chưa đầy đủ
- Bảo dưỡng gas: Các
cửa hàng gas từ khi mọc ra như nấm đã có hình thức bảo dưỡng gas miễn
phí cho các hộ gia đình. Nhưng thực tế trong quá trình thực hiện, một số
nhân viên của các cửa hàng gas khi vào nhà dân thường lau chùi bếp rất
qua loa, thậm chí không có bảo dưỡng mà chỉ mục đích dán số của cửa hàng
mình đè lên số của các cửa hàng khác để tranh thị phần.
Một số khác có hành vi
sai trái như làm hỏng van gas, dây gas, để thay lấy tiền hoặc làm mất uy
tín cửa hàng gas khác. Thậm chí có những trường hợp nhân viên cửa hàng
gas còn trộm cắp tài sản như điện thoại, tiền bạc của người dân mà sau khi những nhân viên này ra về chủ nhà mới phát hiện mất đồ.
- Một số các cửa hàng
gas, phương tiện chở gas cũ nát, không an toàn, khi chạy trên đường gây
lên tiếng nổ khó chịu cho người dân. Một số nhân viên chở gas phóng
nhanh vượt ẩu gây tai nạn cho người đi đường. Thực tôi tôi đã được thấy
một tổ dân phố làm đơn lên chính quyền để có biện pháp xử lý cửa hàng
gas có nhân viên phóng nhanh vượt ẩu, đi xe gây tiếng nổ gây khó chịu và
nguy hiểm cho người dân nơi họ sinh sống.
- Một số cửa hàng khi tuyển nhân viên mới không có đào tạo bài bản về những kiến thức sử dụng gas
và giải quyết sự cố về gas cho nhân viên. Do đó xảy ra một số vụ tai
nạn do nhân viên mới không nắm vững kỹ thuật trong quá trình thay gas
hay sử lý sự cố dò gas dẫn đến chính nhân viên đó gây ra cháy nổ cho hộ
gia đình sử dụng.
- Đa phần các đại lý và
các cửa hàng gas mà tôi biết, họ đều thiếu sự hướng dẫn cụ thể cho
ngưòi tiêu dùng các quy tắc sử dụng gas an toàn. Đặc biệt là không chú
trọng hướng dẫn người tiêu dùng các biện pháp xử lý khi rò rỉ gas, là
nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy nổ mà chính xuất phát từ sự không
hiểu biết của người dùng và sự thiếu trách nhiệm của nhà cung cấp.
Nguyên nhân cháy nổ gas
- Do người sử dụng sau
khi tắt bếp đã không tắt hết công tắc đóng mở gas về đúng vị trí tắt hết
gas, khiến cho gas rò rỉ ra ngoài. Hoặc trong quá trình đun nấu không
giám sát thường xuyên, dẫn đến khi xảy ra một số trường hợp như nước
tràn xuống bếp hay gió lùa làm tắt bếp (đối với những bếp gas không có
hệ thống cảm ứng nhiệt tự ngắt an toàn) khiến cho lửa tắt nhưng công tắc
bếp vẫn mở làm gas thoát ra ngoài.
- Do dây dẫn: bị nứt
hay thủng do chuột cắn hay các nhân khác, hoặc các kẹp nối dây dẫn gas ở
đầu bếp và van an toàn bị lỏng khiến gas rò rỉ ra ngoài.
- Do van gas dùng lâu ngày, hoặc các tác nhân bên ngoài tác động làm van gas rò rỉ.
- Do dùng bếp cũ lâu ngày, đồng thời quá trình sau khi ngừng sử dụng không khoá van gas, dẫn đến gas rò rỉ ra ngoài qua bếp.
Tất cả những nguyên
nhân khiến gas rò rỉ như trên kết hợp với tác nhân tia lửa điện (bật tắt
công tắc điện, bật bếp v.v...) do người sử dụng tạo ra từ sự không hiểu
biết khi xử lý sự cố đã vô tình khiến cho gas phát nổ.
Dùng nước xà phòng kiểm tra rò rỉ gas
Tôi đề nghị mọi người phải thật sự ý thức và nghiêm túc thực hiện những quy tắc sử dụng gas an toàn và xử lý sự cố rò rỉ gas:
- Khi mua bình gas,
phải chọn những bình gas mới, còn nguyên niêm phong cổ bình, đặc biệt
đối các hãng gas như Shell, Total, Elf phải lấy gas tại các đại lý chính
hãng. Khi thay gas, khách hàng cần đề nghị nhân viên vặn chặt van an
toàn của bình gas và giám sát chặt chẽ quá trình thay gas của nhân viên.
- Trong quá trình đun nấu, người sử dụng phải giám sát thường xuyên, để nếu có xảy ra sự cố còn kịp thời xử lý.
- Sau khi sử dụng cần
tắt hết bếp (đặc biệt lưu ý với những bếp đánh lửa bằng điện, phải kiểm
tra vị trí tắt của công tắc bếp). Đồng thời khóa van an toàn ngay sau
khi ngừng sử dụng.
- Kiểm tra định kỳ dây dẫn gas, van
an toàn, các điểm nối dây dẫn gas ở bếp và ở van an toàn bằng cách quét
nước xà phòng. Tuyệt đối không dùng bật lửa để dò tìm, nếu phát hiện có
hiện tượng rạn nứt dây gas hay hở van gas phải khóa van gas và thông
báo cho đại lý hoặc nhà phân phối để thay thế.
- Nên sử dụng loại bếp
gas có bộ phận cảm ứng nhiệt tự động ngắt gas khi nước tràn hoặc gió lùa
làm tắt lửa. Nếu bếp không có bộ phận cảm ứng nhiệt thì khi đun phải
thường xuyên chú ý để kịp thời tắt công tắc bếp nếu bếp bị tắt. Chỉ bật
lại bếp khi không còn mùi gas trong khu vực bếp.
- Đối với dây gas nên 1 năm thay một lần. Còn van gas, 2 năm thay một lần.
Xử lý sự cố rò rỉ gas
Bước 1: Khi phát hiện
có mùi gas phải lập tức tắt các nguồn lửa, khoá van bình gas. Tuyệt đối
không đóng hoặc ngắt công tắc điện, quạt điện làm phát sinh tia lửa điện
gây cháy nổ khí gas.
Bước 2: Mở thoáng cửa
ra vào thông với gian bếp, dùng các dụng cụ thủ công như quạt tay, bìa
cát tông để quạt đẩy khí gas ra ngoài.
Bước 3: Quét nước xà phòng lên van an toàn và dây dẫn gas để tìm chỗ rò rỉ, tuyệt đối không dùng bật lửa để dò tìm.
Bước 4: Gọi điện cho nhà cung cấp để xử lý sự cố.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng?
Trong quá trình làm tại các cửa hàng, khi các chủ
hộ kinh doanh giao việc sang chiết gas trái phép cho tôi, tôi đã không
đồng tình và xin nghỉ. Tuy nhiên, vì sự an toàn của người tiêu dùng, tôi
đã gọi điện đến 2 đội quản lý thị trường nơi 3 cửa hàng sang chiết gas
trái phép mà tôi biết.
Tôi đã cung cấp đầy đủ
địa chỉ, thời gian các cửa hàng này thực hiện việc sang chiết. Tuy
nhiên, tôi đã không thấy sự can thiệp nào của các cơ quan chức năng này.
Và theo như tôi biết, hiện nay, các cửa hàng này vẫn đang thực hiện
việc sang chiết gas trái phép, gây nguy hiểm cho người dân.
Tôi rất muốn qua vụ nổ
gas hôm 03/11 tại Hà Nội, các cơ quan chức năng cần nâng cao hơn nữa
trách nhiệm với người dân. Phải có cơ chế giám sát thường xuyên đến hoạt
động kinh doanh của các hộ kinh doanh gas, có chế tài xử lý mạnh các
cửa hàng sang chiết gas trái phép.
Trên đây là những tâm
huyết của tôi, mong muốn có ý kiến được đóng góp để trước hết người tiêu
dùng có những kiến thức để trong quá trình sử dụng gas được an toàn,
đồng thời góp phần xây dựng một thị trường gas an toàn và lành mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn những nhận xét đóng góp chân tình