Video 14-8-2012

Bài văn lạ

Thánh Gióng

Bài văn của một nữ học sinh trung học phổ thông với đề bài phân tích truyện Thánh Gióng vừa được phát tán trên mạng, được xem như “bài văn lạ” mới, gây xôn xao cộng đồng. Nguyên văn bài viết như sau (xin đăng nguyên văn, kể cả một số từ tạm gọi là “lỗi từ vựng” của thế hệ 9X):


“Truyền thuyết kể lại thật ấn tượng khi Thánh Gióng ba tuổi chưa biết nói cười nhưng khi giặc Ân đến thì thoắt cái vươn vai để trở thành người lớn trong phút chốc, ngay sau đó thì đã dùng gậy sắt, cưỡi ngựa sắt uýnh tan giặc. Wow, thậm chí ông còn dùng cả bụi tre làm vũ khí! Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương Anh hùng, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác. Chắc là ông tuy thành người lớn nhưng tuổi vẫn trẻ con nên dễ ngượng trước đám đông, hoặc có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ! Em hâm mộ ông, à… anh ấy lắm (mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?)! Nếu anh ấy mà không bay mất chắc ối người hâm mộ sẽ chết mê chết mệt. Ôi, anh Gióng thật manly, thật cool - thần tượng của em!
Nhưng em không chỉ hâm mộ mà còn thương anh ấy lắm, mới ba tuổi ranh, chưa biết gì mà đã buộc phải thành người lớn, phải làm chuyện người lớn trong khi chưa kịp hưởng tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi ômai như tụi em…Thật buồn, thật ghét chiến tranh đã cướp đi mất tuổi thơ của anh ấy!
Em thì ngược lại, em có tuổi thơ và thời con trẻ đầy đủ đến phát chán.Thực sự thì em chỉ mong cái tuổi thơ này kết thúc nhanh nhanh và thành người lớn cùng thần tượng của em sớm nhất có thể vì quá tuổi thơ của chúng em quá nhiều lý do để bực bội.
Này nhé: Tuổi thơ lúc nào cũng phải đi học, điểm kém thì bị chửi mắng, thậm chí dính chưởng của phụ huynh, muốn học giỏi thì lại phải quay cóp khi đi thi, em thì lại vụng nên quay toàn bị lộ. Lớp em tụi nó quay siêu lắm, có đứa còn được nhà trang bị điện thoại xịn để nhắn đầu bài, đứa thì móc với giám thị quăng phao cho. Em không biết dùng phao, chết đuối phải roài, hic hic…
Tuổi thơ lúc nào cũng bắt đi sở thú. Đi riết chán ốm vì chẳng có gì để xem. Có mấy con thú ốm nhom cứ đứng vậy hoài. Mà nghe nói một con voi mới tự nhiên lăn đùng ra chết, người ta bảo nó bị bệnh hiểm nghèo, em nghĩ là nó đói thôi. Ba em dạo này làm ăn chứng khoán hay đất đai gì đó mà về quặu nhà hoài, kêu làm ăn thế này thì có mà chết đói cả lũ! Đấy, người còn chết đói nữa là voi… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ chán chết vì muốn đi chơi chẳng biết đi đâu và đi bằng gì. Xe công cộng thì vừa bẩn vừa hôi, lại chen chúc và luôn chậm giờ, chẳng nhẽ lúc nào cũng bắt gia đình cho quá giang. Em thích đi chơi ngoài thiên nhiên lắm mà không có chỗ nào đi, lại dơ và nguy hiểm nên mẹ không cho. Mà sao cứ đi xa là người lớn lại sợ trẻ con làm chuyện bậy bạ nhỉ? Sao họ cứ suy bụng ta ra bụng người thế? Đi gần thì có mỗi chỗ duy nhất là siêu thị. Dạo này kinh tế khó khăn nên chẳng ai mua gì, cứ đi vào chơi cho mát. Chỗ khu game thì lúc nào cũng phải xếp hàng, tiếng động ẩm ĩ nhức hết cả đầu, haizzz… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ thật chán vì không có gì để xem. Ca nhạc thì nhảm, lại chẳng có bài vui cho lứa tuổi tụi em. Cứ suốt ngày yêu nhau, bỏ nhau nhảm pà cố! Mà trong mấy cuộc thi Talent trên Ti vi thì tụi trẻ con cũng toàn bắt chước người lớn mới được giải cao đấy thôi, ai mà coi trọng con nít! Phim Việt thì vừa chán vừa toàn chuyện người lớn, mấy cái phim Mỹ hành động thì hay, vậy mà cái hay nhất chuẩn bị chiếu thì lại bị cấm mất vì nghe nói quá bạo lực. Mấy đứa bạn nhà giàu nó còn được bay qua Thái, qua Sin xem chứ em thì potay. Mà lạ thật, trẻ con bên ấy giàu hơn nhưng lại thích bạo lực hơn ở nhà mình nhỉ? Ôi, ước gì em được như Phù Đổng, ước gì em  nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ thì lúc nào cũng bắt đọc sách. Em cũng thích đọc lắm, nhất là mấy cuốn Manga vẽ tranh đẹp cực! Đọc lời và chữ nhiều đang chán, đọc truyện tranh đang thích thì mẹ lại cấm vì bảo trong đó toàn cảnh phản cảm của con nít làm chuyện người lớn…huhu. Nếu mà thế gọi là làm chuyện người lớn thì em cũng thích làm người lớn. Thích thế nhưng mà rất khó, mấy đứa con trai cùng lớp thỉnh thoảng cứ hay rủ đi chơi xa, vào nhà nghỉ làm chuyện người lớn. Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm, nhỏ L. lớp kế bên đi chơi riết rồi tự nhiên có em bé đó, kỳ lắm. Nhưng ở nhà cũng ghê thấy mồ à, mấy cha hàng xóm mắc dịch và biến thái cứ hay gạ qua nhà làm chuyện người lớn rồi cho tiền, cho kẹo... Sao làm trẻ con khổ thế!? Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Mà làm người lớn cũng dễ ợt chứ có gì đâu. Em nghe nói nhỏ kia chưa đến 18 đã khai man để có bạn trai sớm. Mà vừa mấy bữa trước thấy nó còn ốm nhom trên ti vi, nghe dì Năm nói nó giải phẫu thẩm mĩ vòng 1 siêu khủng, nâng mũi dọc dừa, mất mấy ngàn đô lận, thế rồi thành hotgirl, được người ta rủ đi chơi mà trả tới hai chục ngàn đô lận. Cho nên chắc em sẽ phấn đấu thành hotgirl trước, rồi sau đó sẽ đăng ký vô mấy cuộc thi Miss sìtyn để kiếm vận may. Làm người lớn vừa có giá, vừa tự do chẳng ai quản lý. Mẹ cấm đoán em chắc chỉ vì thiếu tiền, chứ em mà kiếm được mấy cha đại gia thì sẽ bao cả nhà ăn chơi nhòe luôn.
Đấy, sao cứ phải thời chiến mới trở thành người lớn lẹ được? Mà nói rồi mới nhớ và tiếc thần tượng của em. Giá anh Gióng mà không bay về trời thì ở lại thành đại gia là chắc. Đẹp trai, tiền thưởng nhiều như thế thì thiếu gì hotgirl xin chết?
Vậy xét cho cùng thì đâu ai cần tuổi thơ nhỉ? Em chỉ muốn làm một việc gì có ý nghĩa, em muốn học tập Thánh Gióng nhanh để trở thành người lớn, em chỉ muốn có nhiều tiền, nhưng làm thế nào nhỉ? Haizzzz…”.


Nhận xét của giáo viên: "Bài không những lạc đề mà tư tưởng có vấn đề! Đề nghị gia đình chú ý giáo dục! 0 điểm”.

Mỵ Châu & Trọng Thủy

Sau đây là 1 bài tập làm văn hoàn toàn có thật của 1 bạn học sinh tên M lớp 10A3 trường THPT VĐ. Bài viết đã gây náo loạn hội đồng nhà trường và những hình thức kỉ luật vô cùng nghiêm khắc đã được đưa ra với học sinh đã viết bài văn này. Sau đây mời các bạn cùng thưởng thức bài văn mang đậm chất teen này nhé !

Đề bài: Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó.

Bài làm:

Chúng ta đều được biết Trọng Thủy rất hối hận về những việc mình đã gây ra nên chàng đã tự tử ở giếng Loa Thành. Thế nhưng đó chưa phải là kết thúc của câu chuyện. Giếng nước Loa Thành có đường thông với Thủy cung, chính vì thế khi trong Trọng Thủy nhảy xuống, chàng đã đến được Thủy cung.

Canh giữ Thủy cung rất to và đẹp là những tên bảo vệ lực lưỡng, súng dao kiếm giắt đầy quanh người. Chàng muốn bước vào nhưng những tên bảo vệ không cho, bắt chàng phải giao nộp lệ phí.

Không chịu được điều phi lý này, chàng đã giao chiến với bọn bảo vệ tham tiền bất lương. Chẳng là, khi còn ở trên dương gian, chàng đã được các bậc tiền bối như Tiên Phong, Hồng lão bang chủ truyền thụ võ công nên chàng không ngại bất cứ tên nào. Liên tục tung những tuyệt chiêu trong bộ: "Giáng long thập bát chưởng", "Giáng long hữu hối", "Phi long tại thiên".

Cổng thành Thủy cung như bị 1 phen chao đảo bởi sức công phá nặng nề của các tuyệt kĩ của chàng. Nhưng bọn bảo bảo vệ cũng đâu phải là tay vừa. Chúng khéo léo tránh chưởng của chàng để rồi khi Trọng Thủy rút về phục hồi nội lực, chúng lại lấy sung máy, AKA, tiểu liên ra giã. Trọng Thủy phải sử dụng "Lăng ba vi bộ" của sư huynh Đoàn dự để né.

Cuối cùng, nhân lúc lũ bảo vệ đã thấm mệt và không để ý, Trọng Thủy vận lực bắn 1 chiêu Kamejoko kinh thiên động địa làm chúng tan xác. Sau khi đã trấn hết tiền bạc và tư trang của bọn bảo vệ, chàng bước vào long cung.

Thật may mắn cho Trọng Thủy làm sao khi chàng đến long cung vào đúng dịp "1000 năm Long cung – Hà Nội". Trong thành tấp nập người đi lại mà chàng cũng không rõ là Hà Lội 1 hay 2 hay 3 hay 4 hay 5 hay vân vân và vân vân. Chàng thấy đường phố thật đông vui và nhộn nhịp với rất nhiều con quái vật sắt 4 chân chạy như bị công an đuổi trên đường ( mãi sau chàng mới biết đó gọi là ôtô ).

Thời gian đầu, do không có công việc và chỗ ở ổn định, chàng phải sống chui lủi dưới gầm cầu Chương Dương dưới sự quản lý gắt gao của các đại ca Năm Căn, Hưng sẹo, Cờ rít tian nô Rônanđô, Liôna Métxi…

Sau này, bằng tài năng của mình, Trọng Thủy đã được các đại ca yêu mến và cân nhắc cho lên hang lính cao trong hội. Chàng càng nổi tiếng hơn nữa khi về nhất nhiều lần trong các cuộc thi đua xe, đá lửa trên cầu Long Biên mừng đại lễ 1000 năm Long Cung.

Thế nhưng, chàng chỉ được giới truyền thong biết đến khi là leader – người lãnh đạo của hội "Phản đối chính sách bắt học sinh đi học trong 10 ngày đại lễ". Chàng đã cùng với các học sinh thân yêu biểu tình, gây sứp ép lên bộ GD-ĐT Long Cung.

Thế nhưng do chưa có đường lỗi Cách mạng đúng đắn và sự chuẩn bị kĩ càng từ Bộ, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Trọng Thủy phải "chạy án" liên tục để không bị bắt giam. Từ đó, chàng đã trở thành người của công chúng, ai ai cũng biết đến chàng.

Một lần nọ, chàng được mời xem cuộc thi hoa hậu mừng đại lễ với tư cách khách mời V.I.P và chàng đã gặp lại Mị Châu tại đây. Nàng xinh đẹp hơn gấp bội phần và thật tình cờ nàng là thí sinh của cuộc thi và cũng thật bất ngờ nàng đã trở thành hoa hậu.

Thế nhưng chức hoa hậu này của nàng do một tên phú hộ mua cho nên nàng phải thuận theo hắn. Trọng Thủy không chịu, chính vì thế 2 bên quyết đấu. Đầu tiên, họ thi bắn CF – Ngã tư tử thần HeadShot. Do ngày nào tên phú ông cũng luyện nên Trọng Thủy thua nhanh chóng, thua trắng 13-0.

Ván thứ hai, họ thi đánh DOTA. Trọng Thủy với team của mình MYM ( tạm dịch Meet your Maker) với các thành viên khác thi đấu với team của phú ông. Với chiến thuật Triple lane hợp lí và sự dẫn dắt tài tình của đội trưởng Trọng Thủy, đội họ đã thắng 2-1.

Ván cuối, họ thi đấu để so sánh độ "Hà". Vốn là đệ tử ruột của thím Hà nên Trọng Thủy chiến thắng áp đảo phú ông với hai siêu phẩm "Umxilabum" và "Người tình maiyahi" và chàng đã lấy lại được Mị Châu.

Hai vợ chồng quá vui sướng trong ngày gặp lại nên quyết định sẽ cùng nhau lên Mỹ Đình xem pháo hoa mừng đại lễ. Thế nhưng thật không may, xe chở họ đã bị phát nổ cùng với hai container chứa pháo hoa. Trọng Thủy và Mị Châu chết tan xác.. Câu chuyện kết thúc thật có hậu phải không các bạn ?

Xin nhắc lại 1 lần nữa rằng bài viết trên là hoàn toàn có thật! Tuy chỉ được điểm 2 nhưng nó đã để lại 1 dấu ấn vô cùng ấn tượng trong các Giáo viên và Hội đồng kỉ luật của nhà trường !


Trẻ dễ rối loạn tiêu hóa nếu ăn dặm sớm

Mong con có đủ chất, nhiều phụ huynh nghiền thức ăn cho bé ăn từ khi trẻ mới 3-4 tháng tuổi. Hậu quả, một số bé phải nhập viện vì tiêu chảy, táo bón hoặc nôn trớ.

Khi hệ tiêu hóa chưa ổn định, việc ăn dặm sớm có thể khiến bé bị táo bón, tiêu chảy, nôn trớ. Ảnh minh họa: Thiên Chương
Mang con 5 tháng tuổi đến khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, khám, chị Xuân nhà ở quận 11 cho hay sữa mẹ không có, sợ sữa công thức không đủ chất, chị mua thuốc ăn về xay nhuyễn đút cho con. Một tuần sau khi được mẹ bổ sung dinh dưỡng, bé không thể đi tiêu được.
Con gái 4 tháng tuổi của chị Thủy ở quận Tân Phú cũng được đưa đến bệnh viện vì bị tiêu chảy gần một tuần không khỏi sau khi được cho ăn dặm.
"Tôi cho cháu ăn khoai tây, cà rốt, cải xanh được xay rất nhuyễn và chế biến rất kỹ nhưng không hiểu sao lại như vậy", phụ huynh này nói.
Tại Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, nhiều phụ huynh đưa con đến khám hoặc gọi điện nhờ tư vấn "không hiểu sao thức ăn chế biến hợp vệ sinh nhưng các bé được cho ăn dặm lại bị tiêu chảy hoặc nôn trớ".
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, ông thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tương tự và điểm chung của các bé là đều được người lớn cho ăn dặm sớm.
"Hầu hết phụ huynh đều có tâm lý muốn con cứng cáp, sợ con thiếu chất nên cho ăn dặm mà không biết hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh để tiếp nhận thức ăn. Điều này dẫn đến việc bé bị rối loạn tiêu hóa", bác sĩ Phúc nói.
Cũng theo bác sĩ Phúc, khi dinh dưỡng chưa thể được dung nạp, các bé thường có biểu hiện trớ, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Một số bé có biểu hiện quấy khóc từng cơn có thể do cơn đau bụng gây nên.
"Thời điểm ăn dặm phù hợp cho trẻ là khi các bé được 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé đã đủ chức năng tiếp nhận thức ăn. Các biểu hiện để biết bé đã sẵn sàng cho việc ăn dặm là lưỡi của bé đẩy thức ăn ra, bé biết phản xạ xoay đầu theo hướng của thìa", bác sĩ Phúc nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện Dinh dưỡng khuyên, khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, phụ huynh nên cho bé ăn bột, sau đó là các loại thịt, cá, rau xanh xay nhuyễn trộn với vài giọt dầu thực vật.
"Không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong một lần mà tăng dần từ 50, 80 ml đến 100 ml dung dịch thức ăn dặm trong mỗi lần ăn", bà Lâm nói.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên, khi cho trẻ ăn dặm, phụ huynh nên theo dõi các phản ứng của bé để phòng hiện tượng dị ứng thức ăn; theo dõi phân để biết bé có bị rối loạn tiêu hóa hay không, từ đó cân chỉnh lại các thành phần dinh dưỡng phù hợp.
Khi thấy trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, cần đưa bé đến bệnh viện để được chữa trị và tư vấn. Không nên liên tục đổi sữa vì có thể làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa nặng hơn.


Ăn cái này thì phải bỏ cái kia. Ăn vã cơm thì khỏi ăn thức ăn, quý nhau mà múc bát cơm cho đầy quá bằng hại nhau. Cho trẻ ăn dặm có nghĩa là cắt khẩu phần sữa của nó. Muốn cho nó chậm lớn thì cứ việc cho chúng ăn nhiều những thứ khó tiêu hóa chưa phù hợp với bộ máy tiêu hóa của nó.

Chó có thể tiết lộ tính cách của chủ

Phần lớn người nuôi chó dữ thường tỏ ra không thân thiện và dễ nổi nóng hơn so với những người khác, các nhà tâm lý khẳng định.

Chó
Một con chó thuộc giống Rottweiler. Ảnh: vomfloodrottweilers.com.
Deborah Wells và Peter Hepper, hai nhà nghiên cứu của Đại học Belfast ở Bắc Ireland, tuyển mộ 147 người nuôi chó từ những lớp học tâm lý ở Bắc Ireland. Những người này đều nuôi những con chó thuộc giống chó chăn cừu Đức, Rottweiler, chó săn Labrador hay chó săn lông vàng Scotland. Nhóm nghiên cứu yêu cầu họ điền vào phiếu điều tra về tính cách, Livescience đưa tin.
“Chó chăn cừu Đức, Rottweiler nổi tiếng vì sự hung dữ, trong khi chó Labrador và chó săn lông vàng tỏ ra điềm đạm hơn”, bà Wells nói.
Kết quả phân tích các phiếu điều tra cho thấy những người sở hữu chó hung dữ tỏ ra dễ nổi nóng và thiếu sự cảm thông với đồng loại hơn so với chủ của những con chó điềm đạm.
Hai nhà nghiên cứu nhận định rằng, rất có thể những người nóng tính có xu hướng chọn những con chó dữ để huấn luyện chúng.
"Có lẽ những người nóng tính và thiếu sự thông cảm với người khác thích những con vật nuôi có tính cách giống họ", Wells nhận xét.
Tuy nhiên, Wells cũng đoán quá trình lựa chọn chó có thể chịu tác động của các yếu tố khác. Chẳng hạn, một số người thích nuôi chó to, chứ không quan tâm tới mức độ hung dữ của chó.
“Nếu một người nóng tính sở hữu một con chó dữ thì chúng ta không nên kết luận một cách vội vàng rằng con vật đó sẽ là một hiểm họa đối với xã hội”, Wells bình luận.
Một nghiên cứu khác, được công bố trên tạp chí Anthrozoos hồi tháng 5, chứng minh rằng những người thích tranh cãi thường nuôi chó dữ.

Những kiểu “mù văn hóa” trong thế giới hiện đạ

Xoá nạn mù chữ là mục tiêu của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, mù chữ không phải là vấn nạn duy nhất. Có những kiểu “mù văn hoá” không thể giải quyết chỉ qua con đường giáo dục.
Có những kiểu “mù văn hóa" tác hại không kém gì trình độ dân trí thấp nhưng nhiều cộng đồng không ý thức được sự tồn tại của nó. Đây là vấn đề mà các quốc ra đều gặp phải và thực chất mỗi người trong chúng ta đều có ít nhất một kiểu “mù” trong số 20 kiểu mù dưới đây.

Mù kiến thức nông nghiệp
Tình trạng này thường xảy ra đối với những người dân sống ở thành thị. Nếu một người dân thành phố đọc được thông tin “90% đất nông nghiệp mất vì hạn hán”, họ sẽ vẫn bàng quan bởi họ không hiểu hết vai trò của nghề nông, về sự phụ thuộc chặt chẽ của con người vào nông nghiệp.Vì vậy mà nhiều người không biết bảo vệ đất đai khiến diện tích đất ô nhiễm, sa mạc hoá ngày càng gia tăng và diện tích đất nông nghiệp ở các quốc gia ngày càng thu hẹp.
Mù công nghệ
Một người mù công nghệ sẽ gặp rắc rối trong việc học cách sử dụng những sản phẩm mới. Học thứ gì đó mới mẻ, đối với người lớn, thường diễn ra khó khăn và chậm chạp. Nhưng nếu những người này gặp thất bại cả trong những việc đơn giản dù đã được hướng dẫn tận tình, họ có thể đang mắc chứng mù công nghệ.Không biết cách sử dụng những sản phẩm công nghệ hiện đại khiến những người này khó lòng bắt kịp với cuộc sống hiện đại.
Mù tin học
Đây là một dạng phổ biến của mù công nghệ. Có những người không biết sử dụng máy tính ở trình độ cơ bản dù đã được hướng dẫn cách sử dụng, họ thường găp nhiều khó khăn cản trở trong cuộc sống, để lỡ nhiều cơ hội tìm việc, khó cải thiện năng suất và chất lượng công việc mà mình đang làm. Thậm chí mù tin học được coi là một dạng khuyết tật của con người trong cuộc sống số hôm nay.Mù phân tích
Một người có thể hiểu được những gì mình vừa đọc xong nhưng không thể phát hiện ra những thông tin không thoả đáng, thiếu chính xác. Những người cả tin này dễ dàng tin vào thông tin được đưa ra.Họ trở thành đối tượng của những chiêu trò truyền thông, câu khách, và thậm chí còn là mục tiêu béo bở của những kẻ chuyên lừa đảo trên mạng.
Mù văn hoá
Mỗi chúng ta được sinh ra trong một môi trường văn hoá nhất định. Mù văn hoá là khái niệm dùng để chỉ những người ngơ ngác và lạ lẫm với chính nền văn hoá bản địa của mình.Dấu hiệu của mù văn hoá là hiểu sai hoặc hoàn toàn không hiểu những kiến thức nền cơ bản, những thành ngữ, tục ngữ, ví von được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Những người như vậy thường cảm thấy bất an, tiêu cực và dễ rơi vào mất cân bằng tâm lý.
Mù sinh thái học
Con người có thể ngày càng tách mình ra khỏi thiên nhiên, chủ động cải tạo thiên nhiên để phục vụ những nhu cầu, mục đích của mình nhưng thực chất chúng ta vẫn luôn luôn phụ thuộc vào thiên nhiên và những nguồn tài nguyên của nó. Việc bảo vệ thế giới tự nhiên cũng là cách để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.Những ai thiếu kiến thức về sinh thái học sẽ dễ dàng có những hành động tiêu cực đối với thiên nhiên, làm gia tăng mức độ phá hoại thiên nhiên để làm lợi nhanh chóng cho bản thân mình.
Mù cảm xúc
Những người này không thể hiểu và lý giải nổi những cảm xúc của bản thân và những người xung quanh. Họ không nhận ra rằng mình đang giận dỗi hoặc căng thẳng bất thường và vì vậy họ không kịp nhận ra để điều chỉnh hành vi của bản thân.Vì họ không giỏi phán đoán cảm xúc của người khác nên thường buồn vui không đúng lúc đúng chỗ và khiến những người xung quanh thấy khó chịu. Những người này gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân và thường bị coi là lập dị, kỳ quái.
Họ có dấu hiệu của chứng rối loạn tâm lý, khi nghe một chuyện buồn, họ có thể phá ra cười dù thật tâm họ rất đau đớn.
Mù tài chính
Những người nào thường cảm thấy bồn chồn, lo lắng khi nói tới vấn đề tiền bạc có lẽ đang phải chịu đựng tình trạng mù năng lực quản lý tài chính. Họ tiêu tiền vô tội vạ, dùng tiền lương cả tháng để đi mua những thứ đồ đắt tiền dù các hoá đơn chuẩn bị tới kỳ thanh toán.Họ không tiết kiệm tiền cho tương lai. Rất nhiều người trưởng thành và đặc biệt là ngươi trẻ bị mù năng lực quản lý tài chính. Họ vẫn cảm thấy cầm cự được với cách tiêu tiền của mình nhưng đó là cảm giác bình yên giả tạo.
Một người có đầu óc tính toán đáng lẽ sẽ nhảy dựng lên vì lo lắng. Những người mù năng lực tài chính thường chịu cảnh nghèo đói, khổ sở khi về già.
Mù chức năng
Khoảng 20% người trưởng thành bị mắc chứng mù chức năng. Họ có thể nghe, đọc và hiểu tốt nhưng phản ứng với thông tin kém.Khi phải nghe những bài phỏng vấn, những bản tin thời sự dài trên truyền hình, họ không hiểu được đại ý của toàn bộ thông tin. Họ có thể vừa nghe thấy người bạn nhắc “Bậu cửa thấp, cẩn thận kẻo cộc đầu”. Họ nghe, gật gù và hiểu nhưng không thể nhắc bản thân cần phải làm gì và ngay sau đó liền bị cộc đầu.
Mù sức khoẻ
Những người thuộc nhóm này không thể hiểu nổi những thông tin cơ bản về sức khoẻ, vì vậy họ không tạo được những thói quen tốt cho mình. Những người này dễ dàng tin vào những quảng cáo dược phẩm và những bài thuốc lang băm, vì vậy họ dễ phải gánh chịu những tác hại lâu dài về sức khoẻ.Những bậc phụ huynh mù kiến thức sức khoẻ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên chất lượng cuộc sống của con cái và một phần không nhỏ những ca tử vong ở trẻ sơ sinh là do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ.
Mù sức khoẻ tinh thần
Đây là một dạng của mù sức khoẻ: Khi người ta không ý thức được những bất ổn trong tâm lý của mình và khiến cho những vấn đề tâm lý gặp phải càng lúc càng trở nên trầm trọng và khó giải quyết.
Khi người chồng nghe thấy vợ doạ tự tử mà không lo lắng, hoặc người mẹ thấy con ăn uống thất thường mà nghĩ đó chỉ là một giai đoạn tạm thời rồi sẽ qua, đây là những ví dụ điển hình của mù sức khoẻ tinh thần.
Mù thông tin
Mù thông tin là khi người ta không nhận ra được sự hạn chế trong vốn hiểu biết của mình. Những người mù thông tin sẵn sàng tranh luận về một vấn đề mà khoa học đã chứng minh được từ lâu.Họ không nhận ra mình đang trở nên ngốc nghếch khi tranh cãi về một việc đã quá rõ ràng đối với những người am hiểu. Những người mù thông tin không nhận ra thiếu sót và hạn chế trong kiến thức của bản thân.
Sự thật là hơn 60% người trưởng thành đều rơi vào tình trạng mù thông tin trong nhiều tình huống của cuộc sống.
Mù truyền thông
Chúng ta dựa trên các phương tiện truyền thông để thu nhận được nhiều thông tin về thế giới xung quanh. Nhưng các công ty truyền thông vì muốn thu được lợi nhuận cao nhất mà nhiều khi sẵn sàng tung những tin giật gân, lá cải để thu hút một lượng khán giả lớn hơn.Thực tế, thông tin được phản ánh thông qua một phương tiện truyền thông bất kỳ đều có độ lệch nhất định so với những gì diễn ra trong thực tế bởi nó đã được phản ánh qua lăng kính của một cá nhân, một tổ chức và tính khách quan đã bị mất đi ít nhiều.
Những người mù truyền thông cũng giống như những người mù phân tích, họ luôn tin vào những điều nghe đươc trên TV và đọc được trong sách báo.
Mù tính toán
Những người thiếu khả năng tính toán số học cơ bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Khi đứng trước quầy thanh toán, họ chỉ biết chờ hoá đơn rồi trả tiền, nếu có sai sót nào trong bảng giá như chai sữa tươi bị đội giá lên gấp đôi, họ vẫn sẽ điềm nhiên trả tiền mà không nhận ra mình đang là nạn nhân.Dù những trường hợp như thế này tương đối ít, nhưng hơn 50% những người trưởng thành đều rơi vào trạng thái mù tính toán một lúc nào đó trong cuộc sống
Mù chủng tộc
Đây là tình trạng không hiểu thấu đáo những vấn đề liên quan tới chủng tộc và nạn phân biệt chủng tộc. Một học sinh da màu luôn đinh ninh mỗi khi bị trượt một môn nào đó rằng mình trượt vì giáo viên môn đó không ưa người da màu hoặc những người luôn nghĩ rằng “người phương Tây tài giỏi”, “người da trắng giàu có thượng lưu” đều rơi vào nhóm mù chủng tộc này.Họ dễ dàng tin vào những định kiến và không muốn gia tăng hiểu biết của bản thân.
Mù chữ
Đây là dạng mù phổ biến nhất mà mọi người biết đến. Có vài cấp độ mù chữ khác nhau nhưng nhờ vào chính sách xóa mù chữ ở nhiều quốc gia mà số lượng người mù chữ đã giảm đi đáng kể trong 50 năm qua.Giờ đây, người dân ở những quốc gia nghèo nhất cũng có được một cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn bởi họ có thể đọc được hướng dẫn sử dụng thuốc và không uống nhầm phải chai thuốc có ghi “Độc dược”.
Mù khoa học
Khoa học là cái khung vững chãi kiến tạo nên cuộc sống của con người. Cho tới nay, khoa học càng lúc càng tiến gần tới chân lý và thường giúp cải thiện cuộc sống con người.Tuy vậy, trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi kiến thức của chúng ta không đủ để lý giải về một hiện tượng nào đó dẫn tới việc ta suy nghĩ thiếu khoa học, thậm chí là phản khoa học. Tuy vậy, những người cứ mở miệng ra là nói “khoa học đã chứng minh rồi”, “các nhà khoa học nói thế” cũng chưa chắc đã am hiểu về khoa học hơn bạn.
Mù thống kê
Những người này dễ dàng hiểu những con số có cùng bản chất theo những cách khác nhau và hiểu không chính xác. Cũng giống như mù phân tích và mù tính toán, những người mù thống kê khiến mình trở nên ngốc nghếch khi thấy thông tin “tỉ lệ người dị ứng với đậu nành là 10%” và “90% chúng ta không bị dị ứng với đậu nành” là tương đối khác nhau.Ở con số thứ nhất, người mù thống kê thấy lo lắng mỗi khi ăn đậu nành, nhưng với con số thứ hai, họ lại tin rằng mình sẽ rơi vào phần đa số nên cứ vô tư ăn đi. Nhưng thực chất hai con số trên là một. Những người này nếu không tỉnh táo sẽ dễ bị lôi kéo vào trò cờ gian bạc bịp và trở thành con mồi béo bở.
Mù chuyển nghĩa
Mù chuyển nghĩa là khi người ta không thể chuyển thông điệp từ hình thức này sang hình thức khác. Ví dụ, một người xem xong một bức ảnh nhưng cảm thấy khó khăn không biết miêu tả lại bằng lời như thế nào hoặc không thể viết vài dòng về nó.Những người này thường gặp vấn đề khó khăn khi phải thu thập và tổng hợp thông tin trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây, khi chúng ta phải không ngừng thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau, khả năng tổng hợp thông tin sẽ giúp chúng ta hiểu vấn đề dễ dàng và thấu đáo hơn.
Mù hình ảnh
Mù hình ảnh là hiện tượng khi người ta không thể hiểu hoặc xử lý thông tin một cách bình thường nếu nó được truyền phát dưới dạng hình ảnh. Những người này phải cố gắng mới hiểu được ý nghĩa của các dòng chữ trên áp phích hoặc thông điệp được truyền tải bởi hình ảnh poster.Một ví dụ điển hình của mù hình ảnh là khi một chiếc bánh qui vỡ ra làm đôi, một đứa trẻ 2-3 tuổi sẽ nghĩ rằng hai mẩu bánh sẽ nhiều hơn một chiếc bánh quy “lành lặn”.

Hạnh phúc xót xa


Tôi vô cùng ngạc nhiên, khi nhận được một thiệp mời đám cưới gởi qua đường bưu điện, danh tánh nhà trai, nhà gái và cả cô dâu chú rể đều xa lạ. Gần nửa giờ ngồi “điểm danh” tất cả bà con, bè bạn xa gần, vợ chồng tôi và mấy đứa con cũng chẳng tìm ra “tông tích” họ là ai. Nghe bạn bè kể lại, một số không ít người Việt mình thích có nhiều thực khách tham dự tiệc cưới của con cháu. Khách càng đông càng chứng tỏ được thế giá của gia đình. Vì vậy có người chỉ gặp ai ở đâu đó một lần thoáng qua, cũng có thể trở thành “quan viên” hai họ. Hơn nữa, ở cái vương quốc nhỏ bé và hiền lành này, muốn tìm ai, cứ việc mở cuốn điện thoại niên giám hoặc vào guleside gõ cái tên là có ngay số phone và địa chỉ. Cũng có thể là do một ông bà khách nào đó được mời nhưng hồi báo không thể tham dự được nên vợ chồng tôi được chọn để “điền vào chỗ trống cho có đầy đủ ý nghĩa” chăng?
Địa điểm tổ chức tiệc cưới là một nhà hàng Tàu sang trọng nằm ngoại ô thành phố Oslo, không xa nơi tôi ở. Ngày đám cưới còn hơn một tháng, nhưng lại đúng vào ngày mà vợ chồng tôi phải sang London thăm vợ chồng cô con gái và mừng thôi nôi thằng cu cháu ngoại. Vé máy bay đã “búc” rồi. Vợ chồng cô con gái cũng đã lấy hè để đón chúng tôi. Nên dù có biết cha mẹ hay cô dâu chú rể có tên trong thiệp mời chăng nữa, chúng tôi cũng không thể tham dự được, huống hồ lại là một người nào đó không quen. Thấy tôi phân vân, bà xã cầm tấm thiệp màu hồng vất vào kệ sách, lắc đầu bảo “forget it!”
Sáng thứ Bảy, một tuần sau đó, khi đang sửa soạn hành lý, nghe điện thoại reo, tôi bốc máy lên nghe, nhưng không thể nhận ra người bên kia đầu dây. Một người đàn bà, tự giới thiệu tên Bích, rất lễ phép khi hỏi đúng cả tên lẫn họ của tôi.
- Vâng, đúng là tôi, nhưng chị có thể nói rõ hơn về chị không ạ, vì xin lỗi tôi không nhớ ra.
- Em là Bích Kiều đây, Lê Thị Bích Kiều, mà khi mới sang Na-uy, anh làm thông dịch giúp em đó. Tên em trong thiệp mời đám cưới là Yvonne Bich, chắc anh chị đã nhận được. Em đổi tên này sau khi có quốc tịch Na-uy.
Tôi giật mình nhớ ra ngay. Mặc dù trong thời gian làm thông dịch, giúp khá nhiều bà con người Việt mới đến định cư, có biết bao nhiêu cái tên làm sao nhớ hết. Hơn nữa cũng đã hơn 25 năm rồi còn gì. Nhưng đặc biệt, Lê Thị Bích Kiều thì tôi không thể nào quên. Sau khi thăm hỏi, Bích Kiều xin được đến thăm vợ chồng tôi vào lúc bốn giờ chiều. Cô bảo, gặp nhau sẽ có biết bao nhiêu điều muốn nói.
o O o
Thời gian còn ở trại tỵ nạn Bataan bên Phi Luật Tân, tôi may mắn được chọn làm phụ giảng cho các lớp học tiếng Nauy. Được thầy cô dạy kèm riêng, và nhờ phụ giúp mỗi ngày trong các lớp học cũng như làm thông dịch bất đắc dĩ cho những thuyền nhân mới đến đảo, nên tôi có một số vốn liếng tiếng Na-uy, một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với hầu hết người Việt nam lúc ấy. Và cũng nhờ cái vốn bì bõm này, khi sang định cư ở Na-uy, tôi được chọn làm thông dịch tạm thời cho Phòng Xã Hội và Sở Cảnh Sát thị xã, nơi gia đình tôi tạm cư. Thời gian này Na-uy nhận một số lượng khá đông thuyền nhân được tàu Na-uy vớt trên biển và một số trường hợp nhân đạo khác.
Nói là thông dịch chứ thực ra chỉ giúp bà con làm hồ sơ, khai lý lịch ở Sở Cảnh sát, xin trợ cấp ở Phòng Xã Hội, hoặc gặp bác sĩ, nha sĩ, hay vào bệnh viện khám và chữa bệnh. Cũng qua công việc này, tôi mới thấy rõ Na-uy là một quốc gia giàu lòng nhân đạo, mở rất rộng vòng tay, đối xử quá tốt với những người tỵ nạn mà họ cứu vớt, cưu mang. Công việc nhàn nhã mà lương bổng cũng khá, lại còn được cơ hội trau dồi ngôn ngữ mới, nên sau này, khi đã được chính thức nhận vào học và đi làm trong ngành ngân hàng bưu điện, tôi vẫn xin giữ cái “job” phụ này, nhưng chỉ làm thêm ngoài giờ hành chánh.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều vui ấy, tôi cũng bị “tai nạn nghề nghiệp” không ít. Đặc biệt khi phải thông dịch cho những bà con mà tàu của họ bị bọn hải tặc tấn công. Nghe họ kể những cảnh nghiệt ngã, thương tâm trên biển, tôi vừa không nén được xúc động vừa ngại ngùng khi phải thông dịch lại bằng tiếng Na-uy. Hơn nữa lúc ấy tôi cũng chưa có đủ ngôn từ để diễn đạt những điều “tế nhị”.
Ngày ấy có một Viện Tâm Thần dành riêng cho người tỵ nạn, nằm trong Viện Đại Học Oslo, do bác sĩ Hauff, cũng là một giáo sư tâm lý học, điều hành. Ông là vị bác sĩ có lòng nhân hậu và rất tận tâm với nghề nghiệp. Những người tỵ nạn gặp điều không may, bị hải tặc đánh đập hãm hiếp, hay bị mất người thân trên đường vượt biển, đều được ông tận tình thăm nom, chăm sóc cũng như can thiệp Cơ quan Di Trú cho ưu tiên bảo lãnh gia đình và Sở Xã Hội cấp thêm nhiều phương tiện sinh hoạt, giải trí. Tôi sợ nhất là những lúc phải làm thông dịch để ông tâm tình, khuyên giải, an ủi nạn nhân, mà thời gian có khi kéo dài cả một vài ngày. Bởi vốn liếng tiếng Na-uy còn quá nghèo nàn, làm sao tôi có thể truyền đạt được những gì ông muốn nói. Có lần nghe ông dặn dò trước khi làm việc:
- Đây không phải một cuộc nói chuyện bình thường mà là một ca điều trị. Có điều, những bệnh nhân này chúng ta không chữa bằng thuốc mà chữa bằng ngôn ngữ.
Mà ngôn ngữ của tôi thuộc loại ăn đong, thì làm sao giúp ông chữa loại bệnh đặc biệt trầm kha này. Nhiều lần tôi xin từ chối, nhận mình không đủ khả năng, nhưng Phòng Xã Hội không tìm được người thông dịch khác, và bác sĩ Hauff cứ gật đầu bảo là ông tin tưởng ở tôi. Cuối cùng tôi phải yêu cầu ông nói thật chậm và dùng những từ ngữ tương đối đơn giản để tôi hiểu rõ, và nhất là không hiểu lầm, những gì ông nói.
o O o
Một hôm tôi được Văn Phòng Xã Hội cho biết, phải đi theo bà Kari Mette ra phi trường Fornebu đón một người tỵ nạn đặc biệt, được Na-uy nhận nhân đạo từ một trại tỵ nạn Thái Lan. Người này được đưa thẳng từ Thái Lan đến Na-uy, mà không qua trại tỵ nạn chuyển tiếp Bataan, như những người khác. Bà Kari Mette làm việc cho một nhà thờ công giáo, nhưng vì có nhiều khả năng và uy tín, nên được yêu cầu kiêm nhiệm đại diện cho Sở Tỵ Nạn trong khu vực thị xã.
Chúng tôi được vào tận cửa gate máy bay. Người mà chúng tôi đón hôm nay là một cô con gái trẻ, ngồi trên xe lăn, trên người choàng một tấm chăn mỏng, được một cô tiếp viên hàng không đẩy ra giao cho chúng tôi cùng túi hành lý nhỏ và một phong bì đựng hồ sơ có in huy hiệu Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ. Trông cô ta tiều tụy, xanh xao. Tôi giới thiệu và dịch vài lời chào mừng của bà Kari Mette. Khi đưa tay nhận bó hoa hồng từ bà Kari Mette, cô gật đầu, lí nhí hai tiếng cám ơn. Theo sau bà Kari Mette, tôi đẩy cô gái theo một lối đi riêng, không phải qua kiểm soát. Một chiếc xe tản thương và cô ý tá chờ sẵn bên ngoài. Khi phụ dìu cô gái lên nằm trên một băng ca trong xe, tôi mới biết là cô ta đang mang bầu. Theo yêu cầu của cô ý tá, tôi ngồi luôn trên xe tản thương, tháp tùng về bệnh viện. Bà Kari Mette lái xe chạy theo sau.
Ở phòng nhận bệnh, khi nghe bà Kari Mette nói chuyện với vị bác sĩ, tôi mới biết cô gái này có tên Lê thị Bích Kiều, 21 tuổi, bị hải tặc giam giữ ở một hoang đảo ngoài khơi Thái Lan gần một năm, trước khi được một lực lượng tuần cảnh phối họp với hải quân Thái cứu thoát. Cô ta đang mang thai hơn năm tháng, sức khỏe rất yếu. Việc ưu tiên phải làm là giúp cô sớm hồi phục sức khỏe và bảo vệ thai nhi.
Khi trả lời một số câu hỏi của bác sĩ, cô luôn nhìn tôi bằng đôi mắt thật buồn và ái ngại, Một vài câu hỏi cô ngại ngần không muốn trả lời. Tôi từ tốn bảo cô cứ yên tâm, nếu điều nào chưa muốn nói ra, cô không cần thiết phải trả lời, tôi sẽ liệu cách để nói lại với bác sĩ. Nhưng sau đó, tôi mới hiểu ra, người cô ngại chính là tôi chứ không phải ông bác sĩ. Mặc dù trước khi bắt đầu làm việc, tôi đã nói với cô là những người làm thông dịch như tôi đều phải ký giấy cam kết taushetsplikt (bổn phận bảo mật những điều tai nghe mắt thấy). Cô được y tá đưa vào phòng tắm rửa và thay áo quần bệnh viện. Khi trở ra, cô tươi tỉnh hơn, bây giờ nhìn kỹ tôi thấy cô có khuôn mặt khá xinh, dù đôi mắt thật buồn. Theo cô y tá đưa cô lên một phòng riêng ở tầng ba, tôi bảo y tá bật cao đầu chiếc giường và đỡ cô ngồi dậy theo yêu cầu của cô, dịch cho cô nghe những điều dặn dò của bác sĩ, hỏi cô thích ăn uống những gì để tôi nói lại với cô y tá, rồi chào cô ra về, sau khi chúc cô ăn ngon và tối nay có một giấc ngủ thật bình yên. Cô nhìn tôi, nói cám ơn rồi vội vàng cúi xuống. Thoáng qua đôi mắt, tôi biết cô băn khoăn lo lắng, khi phải ở lại một mình. Tôi ghi số điện thoại trên mảnh giấy nhỏ đưa cô y tá. Bảo là trường hợp bệnh nhân hay y tá cần điều gì, cứ gọi cho tôi.
Kể từ hôm ấy, ngoài bổn phận thông dịch tôi còn là người thân quen duy nhất của cô. Hôm nào cô ngỏ ý thèm các thức ăn Việt nam, tôi bảo bà xã tôi làm rồi mang đến cho cô, cùng mấy tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong, và tập truyện của ông Duyên Anh mà cô thích đọc.
Sau một tuần lễ, sức khỏe của cô khá hơn, nhưng y tá cho biết tâm trí chưa ổn định, cô thường giật mình thức giấc rồi la hét, khóc lóc lúc nửa đêm. Cứ vài ngày, bác sĩ Hauff từ Viện Tâm Thần đến thăm, cho cô quà, an ủi và khuyên cô hãy đọc sách, xem TV, cần nghĩ tới đứa bé sắp chào đời, dù gì nó cũng là giọt máu của mình. Có điều gì cần, hoặc cảm thấy nặng nề trong lòng, cô cứ nói ra mỗi lần ông đến thăm.
Cô không phải đến Sở Cảnh Sát để làm hồ sơ di trú như những người tị nạn khác, mà do yêu cầu của Sở Tỵ Nạn, vị trưởng phòng Cảnh sát ngoại kiều đã đích thân đến bệnh viện để gặp cô sáng hôm sau. Qua làm việc, tôi được biết cô gái sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Trước 75, mẹ cô là cô giáo và cha là một sĩ quan cấp tá, bị mất tích tại Đà Nẵng khi Vùng I di tản. Vượt biên từ Rạch Giá cùng vị hôn phu. Anh là con trai lớn của một người bạn cùng khóa Võ Bị với cha cô. Chiếc thuyền nhỏ chở theo 47 người, ra khơi ba ngày thì gặp hai chiếc ghe đánh cá của Thái Lan chặn lại. Cả bọn gần 20 tên mang dao búa và cả súng nữa, xông lên thuyền uy hiếp. Anh tài công bị giết đầu tiên bằng búa đánh vào đầu, một vài thanh niên khỏe mạnh có ý chống cự, liền bị chém chết. Chúng chia nhau lục soát trên tàu và trên từng người để cướp vàng bạc, đồng hồ. Trước khi rời khỏi thuyền, chúng phá hỏng máy, và bắt theo khoảng mười cô gái. Khi hai tên trong bọn kéo Kiều đi, người vị hôn phu của Kiều xông đến định giật lại Kiều, bị chúng bắn bị thương rồi đạp xuống biển, trước tiếng la khóc thất thanh của Kiều cùng những cô gái khác.
Vừa mới lên tàu, bọn hải tặc luân phiên hãm hiếp những cô gái bị chúng bắt theo. Tiếng van xin la khóc quyện vào âm thanh của những ngọn sóng dường như cũng đang thét gào phẫn nộ. Chỉ duy nhất có Kiều được thoát, không bị hiếp, nhưng bị cột cả hai tay vào phía sau phòng lái, và phải chứng kiến hành động dã man, bỉ ổi của bọn dã thú, cùng những khuôn mặt sợ hải đau đớn uất hận tột cùng của những cô gái nạn nhân.
- Tại sao cô lại được tha, không bị chúng hiếp? Anh cảnh sát ngạc nhiên hỏi.
- Làm sao được tha. Có lẽ thấy tôi có chút nhan sắc, nên tên thuyền trưởng dành riêng tôi cho hắn. Khi ấy hắn đang lái tàu! Cô gái sụt sùi.
Tối hôm ấy, cô đã bị cướp đi đời con gái. Qua một ngày kinh hãi, biết mình không thể chống cự, cô đã nằm im phó thác cho số phận. Trong khi thân xác bị dày vò, cô nghĩ đến cảnh người yêu vừa bị giết tức tưởi trưa nay, cắn chặt lưỡi giữa hai hàm răng ứa máu.
Tay thuyền trưởng hải tặc không đánh đập hành hạ cô như những cô gái khác. Hắn săn sóc, mang cho cô một tô cháo cá nóng, nhỏ nhẹ dỗ dành cô ăn, nhưng cô không thể nào nuốt nổi, dù bụng đang đói. Nằm thiếp đi cả một ngày trong phòng lái, khi nghe tiếng ồn ào gọi nhau của bọn hải tặc, giật mình thức dậy, cô thấy tàu cặp vào một hòn đảo.
Sau khi ra lệnh cho đám thuộc hạ quăng neo, tay thuyền trưởng cõng cô trên lưng, lội vào bờ. Cô ngạc nhiên rùng mình khi không thấy các cô gái khác. Số phận họ ra sao? Cô bịt kín hai tai, nhưng tiếng van xin kêu khóc hãi hùng của ngày hôm qua như muốn vỡ tung đầu óc. Cô tưởng tượng họ bị hiếp cho đến chết, rồi quăng xác xuống biển. Thật thảm thương tội nghiệp. Nhưng dù sao họ cũng không phải sống cả một đời thừa thãi trong nỗi dày vò, mặc cảm và vô vọng như cô. Biển xanh sẽ ôm ấp vỗ về cả thân xác lẫn linh hồn họ. Là cánh hoa tả tơi duy nhất còn sót lại sau một ngày đêm dông bão, cô ví mình chẳng khác nào rác rưởi tắp vào một nơi hoang vắng. Cô tự hỏi, đó có phải là điều may mắn?
Anh cảnh sát ngồi bất động nghe cô kể, thỉnh thoảng ngước mặt lên trần nhà để giấu những giọt nước mắt. Tôi thầm tội nghiệp cho anh ta, một người sinh ra và lớn lên trên một vương quốc an bình, giàu có, hà cớ gì phải khóc cho nỗi đau thương, bất hạnh của dân tộc tôi. Chúng tôi dừng lại khi thấy cô gái sụt sùi. Tôi đứng dậy đi lấy mấy tờ giấy soft cho cô lau nước mắt và mời cô một ly nước saft.
- Rồi đời sống của cô trên đảo ra sao trước khi cô được cứu thoát? Anh cảnh sát hỏi.
- Tôi được đưa vào một cái hang đá khá lớn, có sẵn một số thức ăn, nước uống và cả áo quần cùng nhiều vật dụng mà có lẽ bọn họ cướp được từ những lần trước.
Đó là một đảo hoang. Một trong những “hậu trạm”. Cứ bốn, năm hôm, có khi cả tuần lễ, bọn hải tặc trở về đây nghỉ ngơi đôi ngày, chia chác “chiến lợi phẩm”, rồi lại ra đi. Tiếp tục những chuyến làm ăn khác, hoặc vào bờ lấy thêm nhiên liệu, lương thực. Tay thuyền trưởng cao lớn, tóc phủ tới lưng, cả ngày chỉ mặc một cái quần short ố vàng, phơi tấm thân trần đen đúa với đầy những hình xâm. Không biết vì nghĩ là cô không hiểu tiếng Thái hay là bản tính ít nói, cả ngày hắn lầm lì, chỉ thỉnh thoảng mỉm cười. Hắn luộc tôm cá tươi ép cô ăn và bắt cô uống rượu. Miệng hắn lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Đôi mắt đỏ ngầu. Rượu giúp hắn trở thành con hổ đói cuồng bạo trên tấm thân liễu yếu của cô. Hắn lột hết áo quần cô, làm nhiều cách hầu tạo kích thích, nhưng cả thân xác và tâm hồn cô đã trở thành gỗ đá, lạnh lùng, không còn cảm giác. Chỉ biết nhắm mắt chịu đựng đau đớn, để cho hắn ta mặc tình hành hạ.
Bọn họ ra đi từ lúc trời chưa sáng. Khi cô thức dậy chung quanh vắng lặng, ngoài tiếng sóng biển rì rào. Cảm giác da thịt rã rời. Phải ngồi khá lâu mới đứng dậy được. Cô chui ra khỏi hang, trèo xuống hốc núi tìm đường ra biển. Hôm nay trời nắng, biển êm. Nhìn biển mênh mông, trong gió nghe như có tiếng gọi tên mình, cô giật mình nghĩ tới người yêu và những cô gái đồng hành bất hạnh. Cô xăn quần lội xuống, vốc một vốc nước rửa mặt. Nước biển làm rát khóe mắt, nhưng giúp cô tỉnh táo. Bỗng cô nghĩ đến cái chết. Chỉ cần lội ra xa để cho sóng cuốn đi là cô sẽ gặp lại người tình ở đâu đó dưới đáy đại dương và sóng biển có thể rửa bớt phần nào nhơ nhớp trên tấm thân, mà bao nhiêu lần, mẹ đã ôm cô dặn dò phải cố giữ gìn, trước lúc từ biệt ra đi. Chợt nhớ tới mẹ, nhớ các em, cô đứng bất động nghe lòng dạ bồi hồi.
Gió từ biển khơi thổi tới như muốn an ủi vỗ về, giúp cô tìm lại một chút yên ả. Cô bước lên đi dọc theo bờ biển. Tiếp tục nghĩ đến mẹ và hai đứa em nhỏ dại. Giờ này không biết họ ra sao. Có biết mình đang lưu lạc trên một hoang đảo xa lạ giữa trời biển mênh mông với tấm thân hoen ố ê chề. Hay là vẫn đang hy vọng đứa con gái, người chị của mình đã đến được một xứ thiên đường nào, để có thể cứu sống cả gia đình đang ở bước đường cùng. Bao nhiêu vốn liếng chắt chiu dành dụm được, kể cả chiếc nhẫn cưới và sợi dây chuyền vàng mà bà ngoại đã đeo lên cổ mẹ ngày vu quy, cũng chỉ đủ gom góp mua một cây vàng, và phải năn nỉ lắm mới được đóng trước một nửa cho chủ tàu, nửa còn lại khi nào đến nơi sẽ trả. Sau ngày cha cô vĩnh viễn không về, cùng nhiều đồng đội gởi xác thân ở một nơi vô danh nào đó, rồi cả miền Nam đang trù phú, hạnh phúc một thời, bỗng dưng trở nên đói nghèo, chia ly tan tác, cũng như những gia đình sĩ quan công chức khác, mẹ con cô đã trải qua bao tháng năm cùng cực. Cô đã phải bỏ học, phụ mẹ buôn tảo bán tần, mà cả nhà vẫn bữa đói bữa no. Nghĩ đến tương lai mịt mờ của mấy đứa con, mẹ bàn với cô, chỉ còn cách duy nhất, là cô phải ra đi. Bao lần tìm được mối, nhưng lo cho thân gái dặm trường, có biết bao điều bất trắc, cuối cùng bà rất vui mừng khi có người yêu của cô, cũng là con của một người bạn cùng khóa với chồng, cùng đi với con gái. Trước ngày đi, hai gia đình gặp nhau, tổ chức một lễ đính hôn rất vội vàng, đơn giản.
Cô bước đi những bước vô hồn trên những bọt sóng xô bờ, hình dung tới tuổi ấu thơ và cả một thời cùng gia đình sống trong hạnh phúc. Nhớ mấy năm cha cô được đổi về làm huấn luyện viên trường Võ Bị Đà Lạt, nơi ông đã gặp mẹ cô, khi còn là một sinh viên sĩ quan trai trẻ, từng đứng trên đỉnh Lâm Viên với hào khí ngút trời. Nơi ông cùng bè bạn đồng môn, đã quỳ xuống vũ đình trường trong ngày mãn khóa, giữa không khí uy linh, đưa tay thề quyết bảo vệ núi sông. Cô cũng nhớ tới đám bạn bè một thời nhỏ dại. Không biết những cánh chim non hồn nhiên ngày ấy, giờ tản mác trôi dạt về đâu sau cơn bão lửa. Cũng như cô, tất cả đã mất rồi, cả một bầu trời xanh bao la với bao nhiêu ước vọng thuở nào. Không bao giờ còn tìm lại được!
Đầu óc mơ hồ, tưởng mình đang đi tìm dấu vết tuổi thơ bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng. Khi nghiêng mình để tìm ngôi nhà Thủy Tạ, nơi lần đầu hò hẹn người yêu, cô bỗng giật mình nhận ra tảng đá trên hoang đảo, nơi cô bị giam lỏng từ mấy hôm nay. Giấc mơ xưa ngắn ngủi vỡ tan như bọt biển. Ngồi bệt xuống cát, thẫn thờ gọi mẹ, gọi em, và gọi tên người tình. Cô gọi đến khan cả cổ, để chỉ nghe tiếng mình dội lại từ đại dương mênh mông xa thẳm, không tìm thấy chân trời. Cô đã bật khóc.
o O o
Tôi định đưa tay bảo cô ngừng kể, để tôi kịp dịch lại cho anh cảnh sát, đang hồi hộp ngồi chờ, nhưng chợt thấy cô cũng đang khóc. Anh cảnh sát đứng lên nháy mắt, làm dấu cho tôi cùng bước ra ngoài để cho cô được tự nhiên. Khi trở vào, anh cảnh sát nhờ tôi hỏi, nếu cô muốn bảo lãnh cho mẹ và các em còn ở Việt Nam, anh sẽ trình lên Sở Ngoại Kiều, lập hồ sơ cho cô được ưu tiên. Có thể trong vòng từ sáu đến tám tháng, cô sẽ được đoàn tụ với gia đình. Suy nghĩ một chập, cô lắc đầu:
- Em chưa chuẩn bị được tâm lý, không muốn mẹ và các em sẽ đau buồn vì những gì em đã trải qua, và nhất là cái thai trong bụng, em vẫn còn đang giấu mẹ. Chờ sinh đẻ xong, em mới bình tĩnh mà quyết định được. Mặc dù em rất nhớ mẹ và các em.
Ngần ngừ một lúc cô ngõ ý muốn được Phòng Xã Hội cho mượn một số tiền để gởi về giúp gia đình, sau này đi làm cô sẽ trả. Anh cảnh sát gật đầu, hứa sẽ nói việc này với Phòng Xã Hội. Anh bắt tay cô, chúc sớm bình phục, gặp nhiều may mắn, và hẹn sẽ trở lại thăm cô để xin hỏi thêm cô ít điều bổ túc hồ sơ.
Hai hôm sau, qua điện thoại từ Phòng Xã Hội, tôi đến nhận số tiền 10.000 kroner (khoảng 1.200 USD), để giao lại cho cô và yêu cầu cô ký tên vào biên nhận. Tôi cũng mang đến biếu cô mấy trái xoài chua, lần trước cô bảo là cô rất thèm. Gặp lại tôi, cô tỏ ra mừng rỡ. Lần đầu tiên tôi thấy cô nhoẻn miệng cười. Cô bảo cô rất buồn và thấy cô đơn, vì không có tôi cô chẳng biết nói chuyện cùng ai. Cô ngạc nhiên và thoáng một chút xúc động khi tôi đưa cho cô số tiền của Phòng Xã Hội, và bảo đó là tiền cô được cấp, chứ không phải mượn. Tôi giải thích thêm về những trợ cấp khác dành cho người tỵ nạn lúc ban đầu và hằng tháng sau này, cũng như trợ cấp việc sinh đẻ và nuôi con. Tôi bảo cô yên tâm, đừng bận tâm gì về chuyện tiền bạc. Cô càng vui và tỏ ra thân thiện hơn khi nghe tôi bảo trước đây tôi cũng là lính, sau gần 8 năm tù trở về, vợ con cũng khốn cùng như gia đình cô. Tôi kể chuyện gia đình tôi vượt biên nhưng may mắn được tàu Na-uy vớt, mới đến Na-uy tám tháng, nhưng mọi việc tạm thời ổn định. Cô nhớ tới cha cô, đôi mắt sáng lên và say sưa kể cho tôi nghe những ngày cô theo cha ra đơn vị, hoặc cùng mẹ vào trường Võ Bị tham dự các buổi lễ ra trường. Khi tôi đứng dậy cáo từ, cô viết tên và địa chỉ của mẹ cô, nhờ tôi gởi hết số tiền còn nguyên trong bì thơ về cho mẹ. Trong mắt cô sáng lên niềm vui.
Một lần cô ngỏ ý muốn học tiếng Na-uy để giết thì giờ. Tôi bảo là ở Na-uy vừa mới có cuốn tự điển Nauy-Việt, tôi sẽ liên lạc Phòng Xã Hội để xin cho cô. Hai hôm sau, tôi mang cuốn tự điển đến, chỉ cho cô cách sử dụng, nói và viết vài câu đơn giản. Cô khá thông minh nên hiểu rất nhanh. Cô còn nhờ tôi viết cho cô vài câu tiếng Na-uy. Trong đó có một câu cô bảo là lời một bản nhạc nào đó mà cô rất thích: “Ngày mai, tôi muốn bỏ đi thật xa”.
o O o
Khi được biết là sẽ sinh con trai, cô vui lắm, nhưng ngay sau đó tôi thấy cô ngồi thẫn thờ, suy nghĩ mông lung. Gần tới ngày cô sinh, tôi xin phép cô cho bà xã tôi đến thăm, để hướng dẫn chỉ vẽ cho cô ít nhiều kinh nghiệm sinh đẻ mà vợ tôi đã trải qua. Hơn nữa, khi sinh đẻ, có một người đàn bà thân quen bên cạnh cũng an tâm. Biết cô ái ngại, nên tôi nói trước là vợ tôi hoàn toàn không biết gì về hoàn cảnh của cô, và tất nhiên tôi không hề tiết lộ điều gì. Tôi sẽ nói với vợ tôi là chồng cô còn ở trại tị nạn Thái Lan, sẽ được định cư sau. Ngần ngừ một lúc, cuối cùng cô gật đầu. Cuối tuần, vợ chồng tôi đến thăm. Vợ tôi mang đến cho cô một ít thức ăn Việt nam và mấy bộ áo quần con nít. Đàn bà dễ thông cảm với nhau, nhất là vợ tôi sinh mấy đứa con cũng không có mặt chồng, vì tôi bận tham dự hành quân, không về kịp. Tôi ra ngoài, để cho hai người đàn bà dễ nói chuyện sinh đẻ. Cô sinh vào ban đêm, lúc trời đã vào đông. Tuyết rơi kín cả khung trời. Vợ chồng tôi đến phòng sinh lúc cô đau bụng. Vợ tôi ở bên cạnh cô, còn tôi ngồi ngoài phòng đợi. May mắn là cô sinh rất nhanh.
Khoảng hơn 30 phút, tôi đã nghe tiếng con nít khóc. Khi mọi việc đã xong, nghe tiếng vợ gọi, tôi bước vào chúc mừng cô. Thằng bé đang nằm trên ngực mẹ. Tôi thấy cô khóc. Không biết đó là những giọt nước mắt xót xa hay hạnh phúc.
Sau một tuần ở bệnh viện, mẹ con cô chuyển đến một khách sạn, được phòng xã hội mướn cho cô tạm trú một thời gian, vì chưa tìm được căn nhà thích hợp cho cô. Khách sạn khá sang trọng, nằm không xa bệnh viện, để tiện cho các y tá đến thăm và chăm sóc mẹ con cô.
Mấy ngày sau, tôi đến khách sạn cô ở. Không phải để thăm cô mà để làm thông dịch cho bác sĩ Hauff và nhân viên phòng xã hội. Họ mang đến cho con cô nhiều quà tặng. Ai cũng ngạc nhiên và thích thú khi thấy cô biết nói vài câu ngắn bằng tiếng Na-uy. Bác sĩ Hauff hỏi là cô có cần ông giúp điều gì nữa không, cô bập bẹ trả lời: “tôi sẽ nói với ông sau”. Tuy không đúng hẳn, nhưng mọi người đều hiểu được.
Ngày đầy tháng, vợ tôi nhớ và nhắc tôi đến thăm mẹ con cô. Chúng tôi ghé siêu thị chọn mua một món quà mừng thằng bé. Bấm chuông phòng, cửa không mở. Gõ nhẹ cũng không thấy lên tiếng. Tôi đến văn phòng khách sạn hỏi. Họ cho biết là cô vừa mới chuyển đi. Tôi gọi hỏi Phòng Xã Hội, họ cho biết là cô đã chuyển đi một thành phố rất xa, và theo yêu cầu của cô, họ không tiết lộ địa chỉ mới cho bất cứ một ai. Sau một thoáng ngạc nhiên, tôi chợt nhớ đến lời một bài ca nào đó mà cô đã nhờ tôi viết ra bằng tiếng Na-uy và chỉ cho cô đọc đi đọc lại nhiều lần: “ngày mai, tôi muốn bỏ đi thật xa”. Trên đường về, bà xã tôi thắc mắc tại sao cô lại chuyển đi sớm và không cho chúng tôi hay. Tôi lắc đầu, mặc dù tôi đã vừa mới hiểu ra.
Từ hôm ấy, tôi không bao giờ gặp lại cô. Vài lần nhớ tới cô, tôi định hỏi thăm qua một số người quen ở các thành phố khác, hoặc gọi cho Sở Tỵ Nạn. Nhưng rồi tôi quyết định không tìm, vì có lẽ cô không muốn gặp lại tôi, một người biết quá nhiều về cô.
o O o
Bích Kiều đến đúng giờ hẹn. Khi thấy chiếc taxi đỗ ngay trước cổng nhà, vợ chồng tôi chạy ra đón. Tôi cũng nóng lòng muốn xem lại dung nhan của người con gái xinh đẹp nhưng găp phải điều bất hạnh của hai mươi lăm năm trước. Bây giờ chắc tuổi cũng đã 45, 46. Vợ chồng tôi ngạc nhiên khi thấy Bích Kiều vẫn còn trẻ đẹp. Cặp kiếng cận làm tăng nét tao nhã quí phái. Cô ôm chầm chúng tôi, rồi lấy kiếng xuống để chùi nước mắt.
- Không ngờ Kiều bây giờ còn đẹp hơn hồi xưa nhiều lắm. Sao đi có một mình ên còn ảnh thì giấu kỹ ở đâu rồi không cho trình diện?
Câu nói đùa của bã xã tôi làm cô bớt xúc động, nở nụ cười sau một thoáng thẹn thùng:
- Em vẫn còn độc thân mà! Hôm nay xuống đây nhờ anh chị làm mai đây.
Chúng tôi đi quanh khu vườn sau nhà. Bà xã muốn khoe mấy cụm hồng vàng vừa mới nở hoa, trước khi dắt tay cô bước vào phòng khách. Tôi mang nước ra mời và ngồi nghe hai người đàn bà nói chuyện trang điểm, phấn son xong mới lên tiếng:
- Vậy là Kiều đang ở Trondheim. Tôi thấy địa chỉ trong tấm thiệp cưới. Ngày ấy, tự dưng Kiều biến mất, làm bọn tôi cứ nghĩ là nàng trích tiên đã ngao ngán cảnh trần gian mà bay lại về trời rồi chứ. Cô cười bẽn lẽn:
- Hôm nay đến cũng để xin lỗi anh chị đây. Ngày ấy lòng em còn đau xót lắm, nên muốn đi đến một nơi thật xa, không muốn gặp bất cứ người Việt nào và nhất là những ai đã biết về mình. Mặc dù em rất thương quí và mang ơn anh chị.
Tôi cười:
- Tôi biết, nên chỉ thương chứ có nỡ lòng nào mà trách. Chắc Kiều còn nhớ cái câu tiếng Na-uy “Ngày mai tôi muốn bỏ đi thật xa” mà Kiều nhờ tôi viết ra và chỉ cho Kiều đọc đi, đọc lại bao nhiêu lần. Khi ấy Kiều bảo rất thích câu ấy trong một bài hát mà Kiều hay hát? Nhờ đó mà tôi hiểu được, nên không có ý tìm Kiều.
o O o
Đúng là cô đã đi thật xa, một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi thành phố Ålesund. Ở đó không có một người Việt nào sinh sống. Chính quyền và dân chúng rất tốt. Mẹ con cô được chăm sóc chu đáo. Một năm sau cô bảo lãnh mẹ và hai cậu em sang đoàn tụ. Gia đình sống trong hạnh phúc. Đứa bé lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người. Cháu được đặt tên Trần huy Bách, và trong giấy khai sanh có cha là Trần Huy Trác. Tên người vị hôn phu của Kiều. Anh đã bị chính cha ruột của thằng bé giết chết thảm thương rồi vất xác xuống biển. Kiều giấu kín mẹ và các em điều đau thương này, nên đến lúc qua đời, mẹ cô vẫn tin đứa cháu ngoại duy nhất của mình là con của Trác. Bà mất đột ngột sau cơn bệnh tim, khi sang Na-uy được mười sáu năm.
Được chính phủ trợ cấp, cho học bổng, và nhờ mẹ giúp trông con cùng mọi việc trong nhà, nên Kiều và hai em được đi học. Cả ba chị em đều xong đại học. Hai cậu em đang là kỹ sư, còn cô làm y tá trong bệnh viện. Khi hai cậu em được nhận vào trường NTH, một đại học kỹ thuật bách khoa nổi tiếng tại thành phố Trondheim, miền trung Na-uy, cả nhà đã di chuyển về đây sau sáu năm ở Ålesund. Cháu Huy Bách, con của Kiều cũng vừa tốt nghiệp ở trường này mùa hè năm ngoái.
- Vợ chồng tôi mừng cho Kiều, cho sự thành công của mẹ con Kiều cùng hai cậu em, và cũng xin chia buồn về việc bà cụ đã ra đi. Tiếc là chúng tôi không có dịp được gặp bà.
Đang vui, bỗng Kiều xúc động:
- Tất cả đều nhờ mẹ em. Cả một đời thiệt thòi, chịu đựng vất vả với con cháu. Em vẫn ân hận là em đã phải nói dối với bà về chuyện của cháu Bách.
- Tôi nghĩ Kiều làm như thế là đúng. Ít nhất là không làm đau lòng thêm những người ruột thịt vốn đã chịu quá nhiều nhục nhằn, khốn khổ. Tôi tin là bác ra đi thanh thản, không có trách gì Kiều về sự việc ấy đâu. Tôi nói để an ủi.
Bà xã tôi nãy giờ không hiểu hết những gì chúng tôi trao đổi, hỏi Kiều:
- Sao cô lại không giữ tên Kiều mà lấy tên Bích. Tôi thấy tên Bích Kiều đẹp lắm. Ngày xưa gần nhà tôi ở Nha Trang cũng có tiệm uốn tóc Bích Kiều. Mấy cô con gái đều đẹp. Tôi quen cả hai chị em.
- Dạ, em thấy cuộc đời nàng Kiều của ông Nguyễn Du sao mà ba chìm bảy nổi quá, mà dường như cũng đã vận vào em, em sợ nên đổi tên Bích, cũng là chữ lót của em.
Tôi cười phụ họa:
- Nàng Kiều nào cũng đã chết rồi. Bây giờ, đang ngồi trước mặt tôi là Bích. Một cô Bích hoàn toàn khác. Chúng tôi rất mừng được như vậy. Xin lỗi, đáng lẽ ra không nên gọi cô là Kiều nữa. từ bây giờ chúng tôi gọi tên Bích nghe.
- Có sao đâu anh. Hai đứa em của em cũng gọi em là chị Kiều mà. Ngoài gia đình, chỉ có anh chị là biết cái tên này của em. Chuyện xưa cũng đã qua rồi. Em muốn anh chị cứ gọi em là Kiều như ngày trước. Hơn nữa, em biết, ngày ấy anh chị cũng thương yêu cô Kiều đó lắm, phải vậy không?
Cả ba chúng tôi đều cười.
Kiều nhìn đồng hồ trên tường, khi nghe tiếng chuông báo giờ. Không biết vì không muốn nhắc lại chuyện cũ, hay là sợ không còn nhiều thời gian, cô bắt đầu một câu chuyện khác. Cô mở xách tay lấy ra mấy tấm ảnh đưa cho chúng tôi xem. Ảnh của Bách, con trai cô vừa chụp với cô vợ tương lai trong ngày lễ đính hôn hơn ba tháng trước. Một cô gái Việt nam. Cả hai cô cậu đều đẹp, mũi cao, đôi mắt to, vầng trán thoáng lên nét thông minh.
- Hai cháu rất xứng đôi vừa lứa! Vợ chồng tôi khen.
Cô cho biết cô dâu tương lai là một dược sĩ vừa mới tốt nghiệp, con gái út của vợ chồng một vị giáo sư trước 75, được con bảo lãnh sang Na-uy, và bây giờ lớn tuổi đã về hưu. Ông bà đang sống ở Oslo. Gia đình nề nếp, đạo đức, có năm người con, tất cả đều thành đạt. Cô nhờ vợ chồng tôi, tuổi tác ngang với cha mẹ cô dâu, đứng ra thay mặt nhà trai trong ngày đám cưới. Nhưng điều quan trọng hơn, theo cô, là để cho cháu Bách, và chính cô nữa, được tự tin, ấm áp hơn về phía gia đình mình. Bởi vợ tôi là người chứng kiến khi Bách ra đời, còn tôi là người đồng hương duy nhất biết rõ về Bách, về những tình huống để có Bách hiện diện trên thế gian này.
- Sự có mặt của anh chị trong ngày đám cưới cháu Bách, là một kỷ niệm thiêng liêng quý giá đối với mẹ con em. Bởi vì khi nhìn thấy anh chị, em sẽ có cảm giác như là đang có anh Trác bên cạnh. Xin lỗi anh chị, em cũng đã nói dối với cháu Bách, anh là người duy nhất ở Na-uy này biết chuyện Trác, và tội nghiệp, cháu Bách vẫn tin anh Trác là ba của nó. Em thường bắt gặp cháu đứng thật lâu trước tấm ảnh của anh Trác trên bàn thờ.
- Vậy nhỡ cháu Bách hỏi tôi về Trác, tôi biết nói gì với cháu?
Nghĩ ngợi một lúc, Kiều lên tiếng:
- Em chỉ nói với cháu Bách, là ngày xưa anh ở trong quân đội, nên biết ba của anh Trác là ông nội cháu, thế thôi. Chứ lúc ấy anh Trác còn nhỏ lắm. Em thiết tha mong anh chị giúp em. Vì trong lúc này, em cảm thấy thật lo sợ và cô đơn. Những hình ảnh hãi hùng ấy cứ tưởng đã quên được từ lâu rồi, vậy mà bây giờ nó lại hiện lên liên tục, ngay cả trong giấc ngủ của em. Thú thực, ban đầu em không có ý định gặp anh chị, nhưng càng gần ngày đám cưới cháu, em càng thấy lòng bất an. Cuối cùng bất ngờ em đã nghĩ đến anh chị, người đã biết tường tận hoàn cảnh của mẹ con em, bỗng dưng em thấy nhẹ nhàng, như vừa giải tỏa được những gì cứ phải chôn giấu, đè nặng mãi trong lòng.
Nhớ tới hai người em trai của cô, vợ tôi hỏi:
- Còn hai cậu em của cô bây giờ ra sao. Đã có gia đình riêng hay vẫn ở chung với cô?
- Cậu lớn sống chung với cô bạn gái người Na-uy hơn hai năm thì chia tay, còn cậu út vẫn chưa lập gia đình. Tuy nhiên, hai cậu đều ở riêng.
o O o
Cuối cùng, vợ chồng tôi quyết định hủy bỏ chuyến đi London. Phải gọi sang xin lỗi và giải thích cho vợ chồng cô con gái, bảo đây là một việc ba má cần làm để giúp cho những người bất hạnh có thể tìm lại ít nhiều hạnh phúc. Lễ thành hôn được tổ chức buổi sáng thứ Bảy. Chúng tôi đến khách sạn Royal Christiania khi trời vừa mới trải qua một cơn mưa hạ. Ánh nắng bắt đầu chói chang rọi qua những tàn cây tạo thành những vệt lung linh trên các bãi cỏ xanh điểm những chấm vàng rực rỡ của hoa løvetann đang mùa nở rộ. Họ nhà trai dùng khách sạn này, nơi mẹ con Kiều và hai cậu em đang ở mấy hôm nay, làm “điểm xuất phát”. Từ Trondheim xuống, nên họ chỉ có bốn người. Thêm một cậu người Na-uy ở Oslo, bạn học của Bách làm phụ rể. Vợ chồng tôi đến với hai cô con gái và ba đứa cháu, để bưng các mâm lễ vật, theo yêu cầu của Kiều.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp Bách. Cậu bé ra đời vào một đêm đông tuyết giá, trong nỗi cô đơn và xót xa của mẹ, chỉ có vợ chồng tôi, hai người đồng hương xa lạ, có mặt và nghe tiếng khóc đầu đời, bây giờ là một thanh niên tuấn tú, có học, chân thật hiền lành. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là Bách nói tiếng Việt rất giỏi. Bất giác, tôi nhớ tới những điều Kiều kể với vị cảnh sát ngoại kiều trước kia trong bệnh viện. Đầu óc như mơ hồ có tiếng sóng biển thét gào phẫn nộ, và hình dung tới gã hải tặc Thái Lan có mái tóc phủ xuống lưng, trên người đầy những hình xâm với đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu trong men rượu. Bỗng tôi giật mình với cảm giác như vừa làm điều phạm tội. Cố gắng hướng tâm trí tới những điều thánh thiện, tốt đẹp khác để xua đuổi hết những hình ảnh đen tối ấy vào giờ phút mọi người đang cần có niềm vui và hạnh phúc.
Lễ thành hôn đã diễn ra tốt đẹp. Ông bà sui của Kiều đều là nhà giáo, hiểu biết và tôn trọng nề nếp cũ. Mọi nghi thức hôn lễ theo tập tục do ông bà hướng dẫn khá tỉ mỉ. Con cháu đều thành đạt, lễ phép. Tôi mừng cho Kiều, và nhất là cho cháu Bách đã may mắn là con rể của gia đình này. Có lẽ thấu hiểu hoàn cảnh của Kiều với lòng mến mộ, sau khi lạy ông bà trên bàn thờ gia tộc, ông giáo hướng dẫn cô dâu chú rể đến dâng rượu và xin lạy mẹ của Bách hai lạy. Ông giải thích, một lạy cảm tạ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ, mất chồng từ khi còn rất trẻ, nhưng không bước thêm một bước nào nữa mà dành hết cuộc đời cho đứa con duy nhất của mình. Một lạy xin mẹ nhận thay cha, để hai con tưởng nhớ đến người cha bất hạnh, sớm lìa đời khi chưa thấy mặt con. Khi vợ chồng cháu Bách mời rượu, nói những lời cám ơn thật cảm động, Kiều âu yếm nhìn hai con, định nói điều gì, nhưng rồi nghẹn ngào, sau một lúc mới nở được nụ cười trong ràn rụa nước mắt. Tôi thấy lòng bâng khuâng. Thầm mong đó không phải là những giọt nước mắt xót xa mà là niềm vui của hạnh phúc.
Không khí bỗng lắng xuống. Mọi người đều xúc động. Kiều ngước lên, đúng vào lúc tôi quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt của chính mình.
© Phạm Tín An Ninh

Một lớp chuyên văn có 5 thủ khoa, 3 á khoa ĐH-CĐ

(Dân trí) - Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, lớp 12A6 chuyên Văn Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc có 8 học sinh đỗ thủ khoa, á khoa các trường.
 >> Ngôi trường làng 7 năm liền có thủ khoa ĐH
 >> 3 chàng thủ khoa cùng học một lớp

Đó là em Trần Thị Huyền và Nguyễn Thị Châu Loan cùng đỗ thủ khoa Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội với số điểm 25,5;

Hai em Nguyễn Thị Hiền Anh và Phạm Thị Huyền Quyên cùng đạt 26 điểm, đỗ thủ khoa ĐH Luật Hà Nội. 
Dự thi vào ngành Giáo dục tiểu học, em Nguyễn Tình Thương đỗ thủ khoa Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Phúc.
Trong lớp còn có 2 á khoa ĐH Sư phạm Hà Nội và 1 á khoa ĐH KHXH&NV, trong đó có em Nguyễn Thế Hưng - HS nam duy nhất trong lớp.
 
Tập thể lớp 12A6 chuyên Văn Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc. 100% HS trong lớp đều đỗ ĐH, CĐ.
Tập thể lớp 12A6 chuyên Văn Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc. 100% HS trong lớp đều đỗ ĐH, CĐ.
 
Được biết, lớp 12A6 có 28 học sinh trong đó có 27 nữ. Tất cả 28 HS trong lớp đều đỗ các trường ĐH, CĐ.

HS lớp 12A3 phần đông là con nhà nông dân. Đặc biệt, em Phạm Thị Huyền Quyên có hoàn cảnh khó khăn, bố em bị bệnh viêm màng não.

Tại sao đầu tư chán Việt Nam?

Con số thống kê Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam vừa công bố cho thấy đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào nước này trong bảy tháng đầu năm chỉ ở mức 8,3 tỷ đô la, bằng 66,9% so với cùng kì năm 2011.
Thị trường Việt Nam
Việt Nam đang lộ yếu kém về đầu tư, công nghệ và quản trị
Sự suy giảm từ 19,9 tỷ đôla năm 2010 xuống con số đáng thất vọng như vừa nêu trong lúc FDI toàn cầu tăng từ 1,24 ngàn đến 1,6 nghìn tỉ trong cùng thời gian cho thấy FDI tại Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng thế giới.
Sự tụt hạng đầu tư của Việt Nam ở châu Á cùng thời gian cũng chứng minh môi trường kinh doanh nước này đang mất điểm trong mắt giới đầu tư, so với nước cùng khu vực như Indonesia, tăng từ vị trí 21 lên 9 một cách ngoạn mục.
Vậy giới quan sát đang cho rằng những lí do chính nào ngoài lí do 'suy thoái kinh tế toàn cầu' được 'ưa chuộng' của chính phủ Việt Nam khiến giới đầu tư nước ngoài trở nên ngán ngẩm việc đầu tư ở Việt Nam đến vậy?

Đăng kí nhiều, không sử dụng hết

Thông số FDI được đăng kí tại Việt Nam, thường chênh lệch xa với lượng FDI được chính thức đưa vào sử dụng vì tốc độ giải ngân yếu kém.
Việc đưa vốn đầu tư vào chính thức sử dụng tại Việt Nam là một thử thách đối với tập đoàn nước ngoài (FIEs) vì các thủ tục giấy tờ cũng như các điều khoản qui định đầu tư rắc rối, không rõ ràng.
Các dự án lên đến hàng tỉ đôla thậm chí sau khi đã hoàn thành các thủ tục, vẫn phải đối mặt với công đoạn “khó nuốt nhất” của quy trình đầu tư: 'giải phóng mặt bằng', được quản lý bởi các chính quyền địa phương nghèo vốn.
Một ví dụ tiêu biểu trong thời gian gần đây nhất đó là dự án hợp tác đầu tư của tập đoàn thép Tata của Ấn Độ với Tập đoàn thép quốc gia Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Dự án 5 tỷ đô la đã phải nằm “bất động” trong bốn năm liền vì sự chậm chạp của tỉnh Hà Tĩnh trong việc giải phóng mặt bằng với lời bào chữa “không đủ ngân sách”.
Đây là lý do khiến phía Ấn Độ mất kiên nhẫn đến nỗi đích thân Thủ tướng Manmohan Singh phải “nhắc khéo” về dự án với Chủ tịch Trương Tấn Sang trong cuộc gặp năm 2011 tại New Dehi.
Kết quả là trong tháng 8, phía Việt Nam đã bắt Tata phải trích thêm một khoản 100 triệu đôla nữa để trả tiền giải phóng mặt bằng, gấp hơn ba lần so với 30 triệu đô la qui ước ban đầu, nhằm ‘thúc đẩy’ tiến trình dự án.

Lao động rẻ đã lỗi thời

Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nhận được thông điệp từ Ấn Độ về vụ Tata đầu tư vào Hà Tĩnh
Kinh tế gia Raphael Cecchi của hãng phân tích đầu tư ONDD tại Bỉ nói trong một cuộc Bấm phỏng vấn với BBC rằng, một trong hai thế mạnh lớn nhất của Việt Nam đó là lực lượng lao động đông đảo với giá rẻ.
Tuy nhiên ngay cả ông và giới phân tích trên thế giới cũng thống nhất rằng, trước nhu cầu thị trường toàn cầu ngày càng tinh vi và thâm dụng vốn cũng như tốc độ tăng giá lao động trong nước nói riêng, thế mạnh này sẽ bị xói mòn rất nhanh.
Giới quan sát nói Việt Nam sẽ khó đón nhận những làn sóng FDI khổng lồ trong tương lai với đội ngũ lao động kém trình độ, chủ yếu bắt nguồn từ những bất cập trong nền giáo dục vốn thiếu sự tự do để cạnh tranh, chuyên môn hóa của nước này.
Một ví dụ cụ thể là vào năm 2011, Intel , hãng sản xuất chip điện tử hàng đầu của Mỹ, đã gặp trở ngại trong việc đầu tư vào Việt Nam khi số công nhân đủ trình độ tuyển dụng chỉ bằng một phần nhỏ số lượng yêu cầu.
Hãng Intel vào thời điểm đó đã gạt qua một bên lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam, tuyên bố rằng đó không phải là điều họ tìm kiếm.
Trong những năm trước, khi giá lao động Trung Quốc tăng nhanh, nhiều ý kiến đã cho rằng Việt Nam sẽ là điểm dừng chân tiếp theo của những nhà đầu tư muốn hướng về Châu Á.
Cho tới nay, Trung Quốc, với giá lao động tối thiểu cao hơn Việt Nam rất nhiều, vẫn là điểm dừng chân hàng đầu cho các tập đoàn công nghệ khổng lồ của thế giới như Samsung, Apple nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng lao động.
Họ đã đưa đội ngũ lao động cao cấp lên làm nòng cốt cho nền kinh tế trong lúc vẫn đảm bảo giá cả, chất lượng và năng suất sản xuất ở mức cạnh tranh so với thị trường lao động quốc tế từ rất sớm.

Điện cúp, đường tắc

Chính phủ Việt Nan quyết tâm duy trì vị trí ưu thế về chính sách cho doanh nghiệp nhà nước
Bài viết của kinh tế gia Geoffrey Cain trên tờ Foreign Policy (FP) trong tháng 7/2012 có đoạn:”Việt Nam của năm 2012 là xứ sở mà chính phủ ra quyết định xây dựng các công trình cảng ở những nơi kì quái hoặc đường xá không có ý nghĩa kinh tế nào.”
Vấn đề cơ sở hạ tầng không được đầu tư đúng nơi, đúng lúc và đúng mức độ đang là vấn đề gây quan ngại với giới đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là khi vấn đề mất điện và giao thông đình trệ có những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp đặt xưởng sản xuất tại Việt Nam liên tục kêu ca là 'chới với' vì không có điện để sản xuất, nhất là trong thời điểm mùa hè, dẫn đến thiệt hại về cả năng suất cũng như chi phí sản xuất.
Báo chí nêu như với Samsung, vụ mất điện 10 phút đã có thể biến các sản phẩm dang dở thành 'phế thải', gây tốn kém lên đến hàng chục triệu đô la.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì liên tục lên tiếng than lỗ vì thiếu nước, chi phí mua điện ngoài tăng cao, cũng như các nguồn điện chậm tiến độ như một phần các lí do cho vấn đề bất cập năng lượng.
Trong khi đó, EVN vẫn đầu tư vào các ngành không liên quan như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.

'Ngại' doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp Nhà Nước (DNNN), bị coi là trở ngại lớn nhất với sự phát triển của khu vực tư doanh, vốn được cho là nòng cốt và tương lai của nền kinh tế Việt Nam, mà còn là lá chắn nguồn FDI từ bên ngoài suốt nhiều năm qua.
Ngân hàng HSBC hôm 1/8 nói sai lầm lớn nhất của Việt Nam là tập trung 40% tổng sản lượng doanh thu quốc doanh (GDP) vào các tập đoàn nhà nước kém hiệu quả, tạo ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường nhưng lại đòi hỏi sự hỗ trợ khổng lồ để tiếp tục tồn tại.
Các doanh nghiệp này, bị các nhà đầu tư lên án là với số vốn lớn mạnh đã ra sức thao túng vị trí 'đầu tàu của ngành', chiếm thế độc quyền bằng cách mở rộng đa ngành để tạo khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của các tập đoàn nước ngoài, ảnh hưởng đến mức FDI tiềm năng đổ vào Việt Nam những năm qua.
Trong cùng bài trên FP, Geoffrey Cain viết về doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: "Họ thật là một đám phiền toái, chẳng ai (nhà đầu tư nước ngoài) muốn dính vào họ."
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục khẳng định Doanh nghiệp Nhà Nước vẫn là nòng cốt của nền kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước từ đây đến năm 2015.

Có điều chính ông này là người bị dư luận lên án vì đã bỏ ngoài tai những cảnh báo của các chuyên gia về tác hại của mô hình DNNN nhiều năm trước khi Vinashin, Vinalines đổ vỡ.

Lạm phát: nỗi ám ảnh kinh hoàng

Lạm phát trong năm 2012 đã giảm xuống mức đáng kể, thế nhưng những dư âm và hậu quả của mức lạm phát lên đến 23% của năm 2011 vẫn còn tồn đọng trong nền kinh tế hiện tại và tâm lí các nhà đầu tư.
Một phần nguyên nhân cho tình trạng suy giảm lượng FDI trong năm 2012, đó là các biến động tâm lý của nhà đầu tư trong thời điểm một năm trước đó.
Trong bối cảnh lạm phát Việt Nam lên đến mức cao nhất Châu Á năm 2011, các khách hàng nước ngoài cũng như các công ty nước ngoài trở nên lãnh đạm hẳn với thị trường Việt Nam và tìm cách chuyển dần sang các nước lân cận trong suốt thời gian sau đó.
Nguyên nhân cho sự lãnh đạm đó là sự mất đi lợi thế cạnh tranh giá cả trong nước trước áp lực lạm phát khiến yêu cầu tăng lương của nhân viên, chi phí vật liệu, lãi suất cao ngất ngưởng và các ngân hàng đua nhau siết vốn.
Nguồn FDI vào ngành bất động sản trong nước cũng giảm xuống rõ rệt trước một thời gian dài chứng kiến sự sụp đổ của ngành này cùng những món nợ xấu còn tồn đọng ở thời điểm hiện tại.
Quan hệ VIệt Nhật
Những tiến triển trong quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước lân cận đang mở ra những nguồn FDI tiềm năng mới.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rõ rệt trong việc hạ lạm phát, giới quan sát vẫn đang 'nín thở' theo dõi tốc độ giảm lãi suất của nước này bởi khả năng tái lạm phát nếu lãi suất được giàm không đúng mực.
Kinh tế gia Raphael Cecchni nhận đinh rằng, Việt Nam, trước nỗ lực giải quyết mức lạm phát đang phải hi sinh tăng trưởng thường niên và giá trị tiền đồng, vốn cũng là điều đang khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng sẽ giảm độ hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

FDI sẽ quay trở lại ?

Các động thái của Nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy nỗ lực của phía chính quyền trong việc tái khẳng định tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Giới phân tích cho rằng, nỗ lực rõ rệt nhất, đó là việc tái ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tín dụng và hạ mức lạm phát một cách quyết liệt kể từ Nghị Định số 11 năm 2011.
Các đề án tái cơ cấu ngân hàng cũng như Doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây cũng đang được đánh giá là có những tác động tích cực lên tâm lí đầu tư nước ngoài.
Vấn đề giải ngân trong báo cáo của Cục thống kê cũng được các chuyên gia cho là tốt hơn so với cùng kì năm ngoái, chứng tỏ sự tiến bộ trong công tác quản lí nguồn FDI.
Sự gia tăng trong các mối quan hệ song phương gần đây giữa Việt Nam và các nước Nhật, Mỹ, Nga cũng được cho là đang mở đường cho những nguồn FDI đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, có một điều mà giới quan sát đồng thuận, đó là Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề hiện hữu trong cơ cấu đã và đang khiến các khối đầu tư tỉ đô quay mặt đi.

Cái gì cũng... Nhất


(phần thêm do Lê Khả Sỹ góp nhặt ở dưới) 
 Lâu nay hình như Việt Nam không chỉ là tên gọi của một nước trên bản đồ. Việt Nam còn là một khái niệm mà nội hàm của nó là tập hợp của những cái “nhất”.
Sau những cái nhất như lạc quan nhất thế giới, xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chùa to nhất Đông Nam Á, cáp treo dài nhất Đông Nam Á, nay thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bổ sung thêm một cái nhất nữa, đó là “Phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương thấp nhất khu vực”.
Cái nhất này là một trong những cơ sở để ông thứ trưởng lập luận cho mức phí 1.000 đồng/km lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, vốn đang gây ra rất nhiều phản ứng của các chủ phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Đại để là, mức phí này là thấp nhất khu vực rồi, không thể thấp hơn được nữa.
Tạm coi thông tin ông đưa ra là chính xác, chúng ta sẽ “điểm danh” thêm nhiều cái nhất nữa của Việt Nam hiện nay. Đầu năm nay, TS Antonio Emilio của Viện REIT (Philippines) đã đưa ra năm cái “nhất” là đặc trưng của kinh tế Việt Nam so với khu vực, đó là: lạm phát cao nhất, lãi suất cao nhất, thâm hụt thương mại cao nhất, đồng nội tệ yếu nhất nguồn vốn lệ thuộc nhiều nhất vào dòng vốn bên ngoài (nguồn: báo điện tử Tầm Nhìn thuộc LH Các hội KH&KT VN, 9-2).
Nếu tính thu nhập đầu người năm 2010 thì Việt Nam chỉ hơn được Lào, Campuchia và Myanmar, chưa bao giờ đủ sánh vai với Singapore (37.597,3 USD), Brunei (35.623 USD), Malaysia (8.209,4 USD), Thái Lan (4.042,8 USD), Indonesia (2.246,5 USD) và Philippines (1.847,4 USD) (theo báo Dân Trí).
Với những số liệu kinh tế cơ bản như vậy, việc thu phí đường cao tốc thấp nhất khu vực có phải là điều đáng đem ra để biện minh không?
Trong khi phí được thu dùng để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường thì chưa ai quên Việt Nam còn một cái nhất nữa, đó là danh hiệu con đường đắt nhất hành tinh, với 45 triệu USD/km cho tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội), thời giá năm 2005 và sau đó bị tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàn Cầu phá kỷ lục vào năm 2009. (Nguồn: báo Lao Động và Dân Trí)
Và còn một con số chưa biết có phải là nhất khu vực hay nhất thế giới hay không vì chưa được thống kê chính xác, đó là tỉ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Năm 2010, khi thảo luận về dự án đường sắt cao tốc, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đã đưa ra con số 30%-40% và dù con số chính xác là bao nhiêu, Chính phủ cũng đã ghi nhận có sự thất thoát này trong nhiều văn bản. Điều đó có nghĩa là nếu không có thất thoát thì mức phí đã có thể thấp hơn, thậm chí là thấp hơn rất nhiều. (Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp)
Đối với riêng ông Trường, trong khi ông đang vui mừng vì mức phí mà ngành giao thông của ông đặt ra với các chủ phương tiện là thấp nhất khu vực, mong ông đừng quên số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam đang ở vào hàng cao nhất thế giới.
HỮU LONG
 ----------------------------
Xin thêm: (nhớ đâu nói đấy)

Nói phét nhất
Mua quan bán chức nhiều nhất
Nịnh bợ xun xoe để thăng tiến giỏi nhất
Ăn chặn của dân tàn bạo nhất
Khai gian khai láo để moi rút công quỹ  giỏi nhất
Công trình kém chất lượng nhiều nhất
Vô luân thường đạo lý nhất
Cường hào nhiều nhất
Nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, quán ba, sàn nhảy nhiều nhất
Sân golf chiếm đất canh tác mầu mỡ nhiều nhất
Ăn uống xài phí nhiều nhất
Hội họp nhiều nhất
Chủ tịch nhiều nhất
Trung tâm, câu lạc bộ nhiều nhất
Các “nhà” nhiều nhất
“Thơ Đường luật” thịnh hành nhất
Lễ hội nhiều nhất và tiêu tốn nhất
Lãng phí nhiều nhất
Tham ô công quỹ nhiều nhất
Hứa hão nhiều nhất
Hội thảo nhiều nhất
Bao che tinh vi và trắng trợn nhất
Ô dù nhiều nhất
Giỏi “thí tốt” nhất
Đặc quyền đặc lợi nhiều nhất
“Giáo sư tiến sĩ” nhiều nhất và vô dụng nhất
“Cố vấn cố véo”, “chuyên da (gia) chuyên thịt”  nhiều nhất và vô tích sự nhất
Thầy dùi dốt nát và giỏi thao túng cấp trên nhất
Quan nha lộng quyền nhất
“Cửa cao hơn nhà” nhiều nhất
“Cá mè một lứa”, ”bánh đúc bày sàng” nhiều nhất
Dân chủ quá trớn nhất
Ngộ tin nhất, mà lòng tin cũng giảm mạnh nhất
Nói nhưng không làm phổ biến nhất
Chui luồn trèo leo giỏi nhất
Đồng lương của người lao động còm nhất
Mức sống của thường dân thấp nhất
Dân phải đóng góp nhiều nhất
Tai nạn giao thông nhiều nhất
Đồng tiền Việt Nam mất giá nhanh nhất
Giá hàng tiêu dùng tăng nhiều nhất
Phẩm giá con người giảm mạnh nhất Lì lợm nhất
Coi thường dư luận nhất
Lừa đảo giỏi nhất
Doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ nhiều nhất
Dối trên lừa dưới giỏi nhất
Tranh ngôi tranh quyền gian manh nhất
Bồi bút nhiều nhất
Đạo văn nhiều nhất
Xâm phạm bản quyền nhiều nhất và trắng trợn nhất
Diễn viên, người mẫu, ca sĩ  bán trôn nuôi miệng nhiều nhất
Chống người thi hành công vụ tự do nhất
Ăn trộm, móc túi giỏi nhất
Làm hàng đểu giỏi nhất
Mê tín dị đoan, đồng bóng bói toán, đốt vàng mã nhiều nhất

"Buôn Thần bán Thánh" trắng trợn nhất
Đặt điều vu oan giáng họa giỏi nhất !