Tôi vô cùng ngạc nhiên, khi nhận được một thiệp mời đám cưới gởi qua
đường bưu điện, danh tánh nhà trai, nhà gái và cả cô dâu chú rể đều xa
lạ. Gần nửa giờ ngồi “điểm danh” tất cả bà con, bè bạn xa gần, vợ chồng
tôi và mấy đứa con cũng chẳng tìm ra “tông tích” họ là ai. Nghe bạn bè
kể lại, một số không ít người Việt mình thích có nhiều thực khách tham
dự tiệc cưới của con cháu. Khách càng đông càng chứng tỏ được thế giá
của gia đình. Vì vậy có người chỉ gặp ai ở đâu đó một lần thoáng qua,
cũng có thể trở thành “quan viên” hai họ. Hơn nữa, ở cái vương quốc nhỏ
bé và hiền lành này, muốn tìm ai, cứ việc mở cuốn điện thoại niên giám
hoặc vào guleside gõ cái tên là có ngay số phone và địa chỉ. Cũng có thể
là do một ông bà khách nào đó được mời nhưng hồi báo không thể tham dự
được nên vợ chồng tôi được chọn để “điền vào chỗ trống cho có đầy đủ ý
nghĩa” chăng?
Địa điểm tổ chức tiệc cưới là một nhà hàng Tàu sang trọng nằm ngoại ô
thành phố Oslo, không xa nơi tôi ở. Ngày đám cưới còn hơn một tháng,
nhưng lại đúng vào ngày mà vợ chồng tôi phải sang London thăm vợ chồng
cô con gái và mừng thôi nôi thằng cu cháu ngoại. Vé máy bay đã “búc”
rồi. Vợ chồng cô con gái cũng đã lấy hè để đón chúng tôi. Nên dù có biết
cha mẹ hay cô dâu chú rể có tên trong thiệp mời chăng nữa, chúng tôi
cũng không thể tham dự được, huống hồ lại là một người nào đó không
quen. Thấy tôi phân vân, bà xã cầm tấm thiệp màu hồng vất vào kệ sách,
lắc đầu bảo “forget it!”
Sáng thứ Bảy, một tuần sau đó, khi đang sửa soạn hành lý, nghe điện
thoại reo, tôi bốc máy lên nghe, nhưng không thể nhận ra người bên kia
đầu dây. Một người đàn bà, tự giới thiệu tên Bích, rất lễ phép khi hỏi
đúng cả tên lẫn họ của tôi.
- Vâng, đúng là tôi, nhưng chị có thể nói rõ hơn về chị không ạ, vì xin lỗi tôi không nhớ ra.
- Em là Bích Kiều đây, Lê Thị Bích Kiều, mà khi mới sang Na-uy, anh
làm thông dịch giúp em đó. Tên em trong thiệp mời đám cưới là Yvonne
Bich, chắc anh chị đã nhận được. Em đổi tên này sau khi có quốc tịch
Na-uy.
Tôi giật mình nhớ ra ngay. Mặc dù trong thời gian làm thông dịch,
giúp khá nhiều bà con người Việt mới đến định cư, có biết bao nhiêu cái
tên làm sao nhớ hết. Hơn nữa cũng đã hơn 25 năm rồi còn gì. Nhưng đặc
biệt, Lê Thị Bích Kiều thì tôi không thể nào quên. Sau khi thăm hỏi,
Bích Kiều xin được đến thăm vợ chồng tôi vào lúc bốn giờ chiều. Cô bảo,
gặp nhau sẽ có biết bao nhiêu điều muốn nói.
o O o
Thời gian còn ở trại tỵ nạn Bataan bên Phi Luật Tân, tôi may mắn được
chọn làm phụ giảng cho các lớp học tiếng Nauy. Được thầy cô dạy kèm
riêng, và nhờ phụ giúp mỗi ngày trong các lớp học cũng như làm thông
dịch bất đắc dĩ cho những thuyền nhân mới đến đảo, nên tôi có một số vốn
liếng tiếng Na-uy, một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với hầu hết người
Việt nam lúc ấy. Và cũng nhờ cái vốn bì bõm này, khi sang định cư ở
Na-uy, tôi được chọn làm thông dịch tạm thời cho Phòng Xã Hội và Sở Cảnh
Sát thị xã, nơi gia đình tôi tạm cư. Thời gian này Na-uy nhận một số
lượng khá đông thuyền nhân được tàu Na-uy vớt trên biển và một số trường
hợp nhân đạo khác.
Nói là thông dịch chứ thực ra chỉ giúp bà con làm hồ sơ, khai lý lịch
ở Sở Cảnh sát, xin trợ cấp ở Phòng Xã Hội, hoặc gặp bác sĩ, nha sĩ, hay
vào bệnh viện khám và chữa bệnh. Cũng qua công việc này, tôi mới thấy
rõ Na-uy là một quốc gia giàu lòng nhân đạo, mở rất rộng vòng tay, đối
xử quá tốt với những người tỵ nạn mà họ cứu vớt, cưu mang. Công việc
nhàn nhã mà lương bổng cũng khá, lại còn được cơ hội trau dồi ngôn ngữ
mới, nên sau này, khi đã được chính thức nhận vào học và đi làm trong
ngành ngân hàng bưu điện, tôi vẫn xin giữ cái “job” phụ này, nhưng chỉ
làm thêm ngoài giờ hành chánh.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều vui ấy, tôi cũng bị “tai nạn nghề
nghiệp” không ít. Đặc biệt khi phải thông dịch cho những bà con mà tàu
của họ bị bọn hải tặc tấn công. Nghe họ kể những cảnh nghiệt ngã, thương
tâm trên biển, tôi vừa không nén được xúc động vừa ngại ngùng khi phải
thông dịch lại bằng tiếng Na-uy. Hơn nữa lúc ấy tôi cũng chưa có đủ ngôn
từ để diễn đạt những điều “tế nhị”.
Ngày ấy có một Viện Tâm Thần dành riêng cho người tỵ nạn, nằm trong
Viện Đại Học Oslo, do bác sĩ Hauff, cũng là một giáo sư tâm lý học, điều
hành. Ông là vị bác sĩ có lòng nhân hậu và rất tận tâm với nghề nghiệp.
Những người tỵ nạn gặp điều không may, bị hải tặc đánh đập hãm hiếp,
hay bị mất người thân trên đường vượt biển, đều được ông tận tình thăm
nom, chăm sóc cũng như can thiệp Cơ quan Di Trú cho ưu tiên bảo lãnh gia
đình và Sở Xã Hội cấp thêm nhiều phương tiện sinh hoạt, giải trí. Tôi
sợ nhất là những lúc phải làm thông dịch để ông tâm tình, khuyên giải,
an ủi nạn nhân, mà thời gian có khi kéo dài cả một vài ngày. Bởi vốn
liếng tiếng Na-uy còn quá nghèo nàn, làm sao tôi có thể truyền đạt được
những gì ông muốn nói. Có lần nghe ông dặn dò trước khi làm việc:
- Đây không phải một cuộc nói chuyện bình thường mà là một ca điều
trị. Có điều, những bệnh nhân này chúng ta không chữa bằng thuốc mà chữa
bằng ngôn ngữ.
Mà ngôn ngữ của tôi thuộc loại ăn đong, thì làm sao giúp ông chữa loại
bệnh đặc biệt trầm kha này. Nhiều lần tôi xin từ chối, nhận mình không
đủ khả năng, nhưng Phòng Xã Hội không tìm được người thông dịch khác, và
bác sĩ Hauff cứ gật đầu bảo là ông tin tưởng ở tôi. Cuối cùng tôi phải
yêu cầu ông nói thật chậm và dùng những từ ngữ tương đối đơn giản để tôi
hiểu rõ, và nhất là không hiểu lầm, những gì ông nói.
o O o
Một hôm tôi được Văn Phòng Xã Hội cho biết, phải đi theo bà Kari
Mette ra phi trường Fornebu đón một người tỵ nạn đặc biệt, được Na-uy
nhận nhân đạo từ một trại tỵ nạn Thái Lan. Người này được đưa thẳng từ
Thái Lan đến Na-uy, mà không qua trại tỵ nạn chuyển tiếp Bataan, như
những người khác. Bà Kari Mette làm việc cho một nhà thờ công giáo,
nhưng vì có nhiều khả năng và uy tín, nên được yêu cầu kiêm nhiệm đại
diện cho Sở Tỵ Nạn trong khu vực thị xã.
Chúng tôi được vào tận cửa gate máy bay. Người mà chúng tôi đón hôm
nay là một cô con gái trẻ, ngồi trên xe lăn, trên người choàng một tấm
chăn mỏng, được một cô tiếp viên hàng không đẩy ra giao cho chúng tôi
cùng túi hành lý nhỏ và một phong bì đựng hồ sơ có in huy hiệu Cao Ủy Tỵ
Nạn LHQ. Trông cô ta tiều tụy, xanh xao. Tôi giới thiệu và dịch vài lời
chào mừng của bà Kari Mette. Khi đưa tay nhận bó hoa hồng từ bà Kari
Mette, cô gật đầu, lí nhí hai tiếng cám ơn. Theo sau bà Kari Mette, tôi
đẩy cô gái theo một lối đi riêng, không phải qua kiểm soát. Một chiếc xe
tản thương và cô ý tá chờ sẵn bên ngoài. Khi phụ dìu cô gái lên nằm
trên một băng ca trong xe, tôi mới biết là cô ta đang mang bầu. Theo yêu
cầu của cô ý tá, tôi ngồi luôn trên xe tản thương, tháp tùng về bệnh
viện. Bà Kari Mette lái xe chạy theo sau.
Ở phòng nhận bệnh, khi nghe bà Kari Mette nói chuyện với vị bác sĩ,
tôi mới biết cô gái này có tên Lê thị Bích Kiều, 21 tuổi, bị hải tặc
giam giữ ở một hoang đảo ngoài khơi Thái Lan gần một năm, trước khi được
một lực lượng tuần cảnh phối họp với hải quân Thái cứu thoát. Cô ta
đang mang thai hơn năm tháng, sức khỏe rất yếu. Việc ưu tiên phải làm là
giúp cô sớm hồi phục sức khỏe và bảo vệ thai nhi.
Khi trả lời một số câu hỏi của bác sĩ, cô luôn nhìn tôi bằng đôi mắt
thật buồn và ái ngại, Một vài câu hỏi cô ngại ngần không muốn trả lời.
Tôi từ tốn bảo cô cứ yên tâm, nếu điều nào chưa muốn nói ra, cô không
cần thiết phải trả lời, tôi sẽ liệu cách để nói lại với bác sĩ. Nhưng
sau đó, tôi mới hiểu ra, người cô ngại chính là tôi chứ không phải ông
bác sĩ. Mặc dù trước khi bắt đầu làm việc, tôi đã nói với cô là những
người làm thông dịch như tôi đều phải ký giấy cam kết taushetsplikt (bổn
phận bảo mật những điều tai nghe mắt thấy). Cô được y tá đưa vào phòng
tắm rửa và thay áo quần bệnh viện. Khi trở ra, cô tươi tỉnh hơn, bây giờ
nhìn kỹ tôi thấy cô có khuôn mặt khá xinh, dù đôi mắt thật buồn. Theo
cô y tá đưa cô lên một phòng riêng ở tầng ba, tôi bảo y tá bật cao đầu
chiếc giường và đỡ cô ngồi dậy theo yêu cầu của cô, dịch cho cô nghe
những điều dặn dò của bác sĩ, hỏi cô thích ăn uống những gì để tôi nói
lại với cô y tá, rồi chào cô ra về, sau khi chúc cô ăn ngon và tối nay
có một giấc ngủ thật bình yên. Cô nhìn tôi, nói cám ơn rồi vội vàng cúi
xuống. Thoáng qua đôi mắt, tôi biết cô băn khoăn lo lắng, khi phải ở lại
một mình. Tôi ghi số điện thoại trên mảnh giấy nhỏ đưa cô y tá. Bảo là
trường hợp bệnh nhân hay y tá cần điều gì, cứ gọi cho tôi.
Kể từ hôm ấy, ngoài bổn phận thông dịch tôi còn là người thân quen
duy nhất của cô. Hôm nào cô ngỏ ý thèm các thức ăn Việt nam, tôi bảo bà
xã tôi làm rồi mang đến cho cô, cùng mấy tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong, và
tập truyện của ông Duyên Anh mà cô thích đọc.
Sau một tuần lễ, sức khỏe của cô khá hơn, nhưng y tá cho biết tâm trí
chưa ổn định, cô thường giật mình thức giấc rồi la hét, khóc lóc lúc
nửa đêm. Cứ vài ngày, bác sĩ Hauff từ Viện Tâm Thần đến thăm, cho cô
quà, an ủi và khuyên cô hãy đọc sách, xem TV, cần nghĩ tới đứa bé sắp
chào đời, dù gì nó cũng là giọt máu của mình. Có điều gì cần, hoặc cảm
thấy nặng nề trong lòng, cô cứ nói ra mỗi lần ông đến thăm.
Cô không phải đến Sở Cảnh Sát để làm hồ sơ di trú như những người tị
nạn khác, mà do yêu cầu của Sở Tỵ Nạn, vị trưởng phòng Cảnh sát ngoại
kiều đã đích thân đến bệnh viện để gặp cô sáng hôm sau. Qua làm việc,
tôi được biết cô gái sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Trước 75, mẹ cô là cô
giáo và cha là một sĩ quan cấp tá, bị mất tích tại Đà Nẵng khi Vùng I di
tản. Vượt biên từ Rạch Giá cùng vị hôn phu. Anh là con trai lớn của một
người bạn cùng khóa Võ Bị với cha cô. Chiếc thuyền nhỏ chở theo 47
người, ra khơi ba ngày thì gặp hai chiếc ghe đánh cá của Thái Lan chặn
lại. Cả bọn gần 20 tên mang dao búa và cả súng nữa, xông lên thuyền uy
hiếp. Anh tài công bị giết đầu tiên bằng búa đánh vào đầu, một vài thanh
niên khỏe mạnh có ý chống cự, liền bị chém chết. Chúng chia nhau lục
soát trên tàu và trên từng người để cướp vàng bạc, đồng hồ. Trước khi
rời khỏi thuyền, chúng phá hỏng máy, và bắt theo khoảng mười cô gái. Khi
hai tên trong bọn kéo Kiều đi, người vị hôn phu của Kiều xông đến định
giật lại Kiều, bị chúng bắn bị thương rồi đạp xuống biển, trước tiếng la
khóc thất thanh của Kiều cùng những cô gái khác.
Vừa mới lên tàu, bọn hải tặc luân phiên hãm hiếp những cô gái bị
chúng bắt theo. Tiếng van xin la khóc quyện vào âm thanh của những ngọn
sóng dường như cũng đang thét gào phẫn nộ. Chỉ duy nhất có Kiều được
thoát, không bị hiếp, nhưng bị cột cả hai tay vào phía sau phòng lái, và
phải chứng kiến hành động dã man, bỉ ổi của bọn dã thú, cùng những
khuôn mặt sợ hải đau đớn uất hận tột cùng của những cô gái nạn nhân.
- Tại sao cô lại được tha, không bị chúng hiếp? Anh cảnh sát ngạc nhiên hỏi.
- Làm sao được tha. Có lẽ thấy tôi có chút nhan sắc, nên tên thuyền
trưởng dành riêng tôi cho hắn. Khi ấy hắn đang lái tàu! Cô gái sụt sùi.
Tối hôm ấy, cô đã bị cướp đi đời con gái. Qua một ngày kinh hãi, biết
mình không thể chống cự, cô đã nằm im phó thác cho số phận. Trong khi
thân xác bị dày vò, cô nghĩ đến cảnh người yêu vừa bị giết tức tưởi trưa
nay, cắn chặt lưỡi giữa hai hàm răng ứa máu.
Tay thuyền trưởng hải tặc không đánh đập hành hạ cô như những cô gái
khác. Hắn săn sóc, mang cho cô một tô cháo cá nóng, nhỏ nhẹ dỗ dành cô
ăn, nhưng cô không thể nào nuốt nổi, dù bụng đang đói. Nằm thiếp đi cả
một ngày trong phòng lái, khi nghe tiếng ồn ào gọi nhau của bọn hải tặc,
giật mình thức dậy, cô thấy tàu cặp vào một hòn đảo.
Sau khi ra lệnh cho đám thuộc hạ quăng neo, tay thuyền trưởng cõng cô
trên lưng, lội vào bờ. Cô ngạc nhiên rùng mình khi không thấy các cô
gái khác. Số phận họ ra sao? Cô bịt kín hai tai, nhưng tiếng van xin kêu
khóc hãi hùng của ngày hôm qua như muốn vỡ tung đầu óc. Cô tưởng tượng
họ bị hiếp cho đến chết, rồi quăng xác xuống biển. Thật thảm thương tội
nghiệp. Nhưng dù sao họ cũng không phải sống cả một đời thừa thãi trong
nỗi dày vò, mặc cảm và vô vọng như cô. Biển xanh sẽ ôm ấp vỗ về cả thân
xác lẫn linh hồn họ. Là cánh hoa tả tơi duy nhất còn sót lại sau một
ngày đêm dông bão, cô ví mình chẳng khác nào rác rưởi tắp vào một nơi
hoang vắng. Cô tự hỏi, đó có phải là điều may mắn?
Anh cảnh sát ngồi bất động nghe cô kể, thỉnh thoảng ngước mặt lên
trần nhà để giấu những giọt nước mắt. Tôi thầm tội nghiệp cho anh ta,
một người sinh ra và lớn lên trên một vương quốc an bình, giàu có, hà cớ
gì phải khóc cho nỗi đau thương, bất hạnh của dân tộc tôi. Chúng tôi
dừng lại khi thấy cô gái sụt sùi. Tôi đứng dậy đi lấy mấy tờ giấy soft
cho cô lau nước mắt và mời cô một ly nước saft.
- Rồi đời sống của cô trên đảo ra sao trước khi cô được cứu thoát? Anh cảnh sát hỏi.
- Tôi được đưa vào một cái hang đá khá lớn, có sẵn một số thức ăn, nước
uống và cả áo quần cùng nhiều vật dụng mà có lẽ bọn họ cướp được từ
những lần trước.
Đó là một đảo hoang. Một trong những “hậu trạm”. Cứ bốn, năm hôm, có
khi cả tuần lễ, bọn hải tặc trở về đây nghỉ ngơi đôi ngày, chia chác
“chiến lợi phẩm”, rồi lại ra đi. Tiếp tục những chuyến làm ăn khác, hoặc
vào bờ lấy thêm nhiên liệu, lương thực. Tay thuyền trưởng cao lớn, tóc
phủ tới lưng, cả ngày chỉ mặc một cái quần short ố vàng, phơi tấm thân
trần đen đúa với đầy những hình xâm. Không biết vì nghĩ là cô không hiểu
tiếng Thái hay là bản tính ít nói, cả ngày hắn lầm lì, chỉ thỉnh thoảng
mỉm cười. Hắn luộc tôm cá tươi ép cô ăn và bắt cô uống rượu. Miệng hắn
lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Đôi mắt đỏ ngầu. Rượu giúp hắn trở thành
con hổ đói cuồng bạo trên tấm thân liễu yếu của cô. Hắn lột hết áo quần
cô, làm nhiều cách hầu tạo kích thích, nhưng cả thân xác và tâm hồn cô
đã trở thành gỗ đá, lạnh lùng, không còn cảm giác. Chỉ biết nhắm mắt
chịu đựng đau đớn, để cho hắn ta mặc tình hành hạ.
Bọn họ ra đi từ lúc trời chưa sáng. Khi cô thức dậy chung quanh vắng
lặng, ngoài tiếng sóng biển rì rào. Cảm giác da thịt rã rời. Phải ngồi
khá lâu mới đứng dậy được. Cô chui ra khỏi hang, trèo xuống hốc núi tìm
đường ra biển. Hôm nay trời nắng, biển êm. Nhìn biển mênh mông, trong
gió nghe như có tiếng gọi tên mình, cô giật mình nghĩ tới người yêu và
những cô gái đồng hành bất hạnh. Cô xăn quần lội xuống, vốc một vốc nước
rửa mặt. Nước biển làm rát khóe mắt, nhưng giúp cô tỉnh táo. Bỗng cô
nghĩ đến cái chết. Chỉ cần lội ra xa để cho sóng cuốn đi là cô sẽ gặp
lại người tình ở đâu đó dưới đáy đại dương và sóng biển có thể rửa bớt
phần nào nhơ nhớp trên tấm thân, mà bao nhiêu lần, mẹ đã ôm cô dặn dò
phải cố giữ gìn, trước lúc từ biệt ra đi. Chợt nhớ tới mẹ, nhớ các em,
cô đứng bất động nghe lòng dạ bồi hồi.
Gió từ biển khơi thổi tới như muốn an ủi vỗ về, giúp cô tìm lại một
chút yên ả. Cô bước lên đi dọc theo bờ biển. Tiếp tục nghĩ đến mẹ và hai
đứa em nhỏ dại. Giờ này không biết họ ra sao. Có biết mình đang lưu lạc
trên một hoang đảo xa lạ giữa trời biển mênh mông với tấm thân hoen ố ê
chề. Hay là vẫn đang hy vọng đứa con gái, người chị của mình đã đến
được một xứ thiên đường nào, để có thể cứu sống cả gia đình đang ở bước
đường cùng. Bao nhiêu vốn liếng chắt chiu dành dụm được, kể cả chiếc
nhẫn cưới và sợi dây chuyền vàng mà bà ngoại đã đeo lên cổ mẹ ngày vu
quy, cũng chỉ đủ gom góp mua một cây vàng, và phải năn nỉ lắm mới được
đóng trước một nửa cho chủ tàu, nửa còn lại khi nào đến nơi sẽ trả. Sau
ngày cha cô vĩnh viễn không về, cùng nhiều đồng đội gởi xác thân ở một
nơi vô danh nào đó, rồi cả miền Nam đang trù phú, hạnh phúc một thời,
bỗng dưng trở nên đói nghèo, chia ly tan tác, cũng như những gia đình sĩ
quan công chức khác, mẹ con cô đã trải qua bao tháng năm cùng cực. Cô
đã phải bỏ học, phụ mẹ buôn tảo bán tần, mà cả nhà vẫn bữa đói bữa no.
Nghĩ đến tương lai mịt mờ của mấy đứa con, mẹ bàn với cô, chỉ còn cách
duy nhất, là cô phải ra đi. Bao lần tìm được mối, nhưng lo cho thân gái
dặm trường, có biết bao điều bất trắc, cuối cùng bà rất vui mừng khi có
người yêu của cô, cũng là con của một người bạn cùng khóa với chồng,
cùng đi với con gái. Trước ngày đi, hai gia đình gặp nhau, tổ chức một
lễ đính hôn rất vội vàng, đơn giản.
Cô bước đi những bước vô hồn trên những bọt sóng xô bờ, hình dung tới
tuổi ấu thơ và cả một thời cùng gia đình sống trong hạnh phúc. Nhớ mấy
năm cha cô được đổi về làm huấn luyện viên trường Võ Bị Đà Lạt, nơi ông
đã gặp mẹ cô, khi còn là một sinh viên sĩ quan trai trẻ, từng đứng trên
đỉnh Lâm Viên với hào khí ngút trời. Nơi ông cùng bè bạn đồng môn, đã
quỳ xuống vũ đình trường trong ngày mãn khóa, giữa không khí uy linh,
đưa tay thề quyết bảo vệ núi sông. Cô cũng nhớ tới đám bạn bè một thời
nhỏ dại. Không biết những cánh chim non hồn nhiên ngày ấy, giờ tản mác
trôi dạt về đâu sau cơn bão lửa. Cũng như cô, tất cả đã mất rồi, cả một
bầu trời xanh bao la với bao nhiêu ước vọng thuở nào. Không bao giờ còn
tìm lại được!
Đầu óc mơ hồ, tưởng mình đang đi tìm dấu vết tuổi thơ bên bờ hồ Xuân
Hương thơ mộng. Khi nghiêng mình để tìm ngôi nhà Thủy Tạ, nơi lần đầu hò
hẹn người yêu, cô bỗng giật mình nhận ra tảng đá trên hoang đảo, nơi cô
bị giam lỏng từ mấy hôm nay. Giấc mơ xưa ngắn ngủi vỡ tan như bọt biển.
Ngồi bệt xuống cát, thẫn thờ gọi mẹ, gọi em, và gọi tên người tình. Cô
gọi đến khan cả cổ, để chỉ nghe tiếng mình dội lại từ đại dương mênh
mông xa thẳm, không tìm thấy chân trời. Cô đã bật khóc.
o O o
Tôi định đưa tay bảo cô ngừng kể, để tôi kịp dịch lại cho anh cảnh
sát, đang hồi hộp ngồi chờ, nhưng chợt thấy cô cũng đang khóc. Anh cảnh
sát đứng lên nháy mắt, làm dấu cho tôi cùng bước ra ngoài để cho cô được
tự nhiên. Khi trở vào, anh cảnh sát nhờ tôi hỏi, nếu cô muốn bảo lãnh
cho mẹ và các em còn ở Việt Nam, anh sẽ trình lên Sở Ngoại Kiều, lập hồ
sơ cho cô được ưu tiên. Có thể trong vòng từ sáu đến tám tháng, cô sẽ
được đoàn tụ với gia đình. Suy nghĩ một chập, cô lắc đầu:
- Em chưa chuẩn bị được tâm lý, không muốn mẹ và các em sẽ đau buồn
vì những gì em đã trải qua, và nhất là cái thai trong bụng, em vẫn còn
đang giấu mẹ. Chờ sinh đẻ xong, em mới bình tĩnh mà quyết định được. Mặc
dù em rất nhớ mẹ và các em.
Ngần ngừ một lúc cô ngõ ý muốn được Phòng Xã Hội cho mượn một số tiền để
gởi về giúp gia đình, sau này đi làm cô sẽ trả. Anh cảnh sát gật đầu,
hứa sẽ nói việc này với Phòng Xã Hội. Anh bắt tay cô, chúc sớm bình
phục, gặp nhiều may mắn, và hẹn sẽ trở lại thăm cô để xin hỏi thêm cô ít
điều bổ túc hồ sơ.
Hai hôm sau, qua điện thoại từ Phòng Xã Hội, tôi đến nhận số tiền
10.000 kroner (khoảng 1.200 USD), để giao lại cho cô và yêu cầu cô ký
tên vào biên nhận. Tôi cũng mang đến biếu cô mấy trái xoài chua, lần
trước cô bảo là cô rất thèm. Gặp lại tôi, cô tỏ ra mừng rỡ. Lần đầu tiên
tôi thấy cô nhoẻn miệng cười. Cô bảo cô rất buồn và thấy cô đơn, vì
không có tôi cô chẳng biết nói chuyện cùng ai. Cô ngạc nhiên và thoáng
một chút xúc động khi tôi đưa cho cô số tiền của Phòng Xã Hội, và bảo đó
là tiền cô được cấp, chứ không phải mượn. Tôi giải thích thêm về những
trợ cấp khác dành cho người tỵ nạn lúc ban đầu và hằng tháng sau này,
cũng như trợ cấp việc sinh đẻ và nuôi con. Tôi bảo cô yên tâm, đừng bận
tâm gì về chuyện tiền bạc. Cô càng vui và tỏ ra thân thiện hơn khi nghe
tôi bảo trước đây tôi cũng là lính, sau gần 8 năm tù trở về, vợ con cũng
khốn cùng như gia đình cô. Tôi kể chuyện gia đình tôi vượt biên nhưng
may mắn được tàu Na-uy vớt, mới đến Na-uy tám tháng, nhưng mọi việc tạm
thời ổn định. Cô nhớ tới cha cô, đôi mắt sáng lên và say sưa kể cho tôi
nghe những ngày cô theo cha ra đơn vị, hoặc cùng mẹ vào trường Võ Bị
tham dự các buổi lễ ra trường. Khi tôi đứng dậy cáo từ, cô viết tên và
địa chỉ của mẹ cô, nhờ tôi gởi hết số tiền còn nguyên trong bì thơ về
cho mẹ. Trong mắt cô sáng lên niềm vui.
Một lần cô ngỏ ý muốn học tiếng Na-uy để giết thì giờ. Tôi bảo là ở
Na-uy vừa mới có cuốn tự điển Nauy-Việt, tôi sẽ liên lạc Phòng Xã Hội để
xin cho cô. Hai hôm sau, tôi mang cuốn tự điển đến, chỉ cho cô cách sử
dụng, nói và viết vài câu đơn giản. Cô khá thông minh nên hiểu rất
nhanh. Cô còn nhờ tôi viết cho cô vài câu tiếng Na-uy. Trong đó có một
câu cô bảo là lời một bản nhạc nào đó mà cô rất thích: “Ngày mai, tôi
muốn bỏ đi thật xa”.
o O o
Khi được biết là sẽ sinh con trai, cô vui lắm, nhưng ngay sau đó tôi
thấy cô ngồi thẫn thờ, suy nghĩ mông lung. Gần tới ngày cô sinh, tôi xin
phép cô cho bà xã tôi đến thăm, để hướng dẫn chỉ vẽ cho cô ít nhiều
kinh nghiệm sinh đẻ mà vợ tôi đã trải qua. Hơn nữa, khi sinh đẻ, có một
người đàn bà thân quen bên cạnh cũng an tâm. Biết cô ái ngại, nên tôi
nói trước là vợ tôi hoàn toàn không biết gì về hoàn cảnh của cô, và tất
nhiên tôi không hề tiết lộ điều gì. Tôi sẽ nói với vợ tôi là chồng cô
còn ở trại tị nạn Thái Lan, sẽ được định cư sau. Ngần ngừ một lúc, cuối
cùng cô gật đầu. Cuối tuần, vợ chồng tôi đến thăm. Vợ tôi mang đến cho
cô một ít thức ăn Việt nam và mấy bộ áo quần con nít. Đàn bà dễ thông
cảm với nhau, nhất là vợ tôi sinh mấy đứa con cũng không có mặt chồng,
vì tôi bận tham dự hành quân, không về kịp. Tôi ra ngoài, để cho hai
người đàn bà dễ nói chuyện sinh đẻ. Cô sinh vào ban đêm, lúc trời đã vào
đông. Tuyết rơi kín cả khung trời. Vợ chồng tôi đến phòng sinh lúc cô
đau bụng. Vợ tôi ở bên cạnh cô, còn tôi ngồi ngoài phòng đợi. May mắn là
cô sinh rất nhanh.
Khoảng hơn 30 phút, tôi đã nghe tiếng con nít khóc. Khi mọi việc đã
xong, nghe tiếng vợ gọi, tôi bước vào chúc mừng cô. Thằng bé đang nằm
trên ngực mẹ. Tôi thấy cô khóc. Không biết đó là những giọt nước mắt xót
xa hay hạnh phúc.
Sau một tuần ở bệnh viện, mẹ con cô chuyển đến một khách sạn, được
phòng xã hội mướn cho cô tạm trú một thời gian, vì chưa tìm được căn nhà
thích hợp cho cô. Khách sạn khá sang trọng, nằm không xa bệnh viện, để
tiện cho các y tá đến thăm và chăm sóc mẹ con cô.
Mấy ngày sau, tôi đến khách sạn cô ở. Không phải để thăm cô mà để làm
thông dịch cho bác sĩ Hauff và nhân viên phòng xã hội. Họ mang đến cho
con cô nhiều quà tặng. Ai cũng ngạc nhiên và thích thú khi thấy cô biết
nói vài câu ngắn bằng tiếng Na-uy. Bác sĩ Hauff hỏi là cô có cần ông
giúp điều gì nữa không, cô bập bẹ trả lời: “tôi sẽ nói với ông sau”. Tuy
không đúng hẳn, nhưng mọi người đều hiểu được.
Ngày đầy tháng, vợ tôi nhớ và nhắc tôi đến thăm mẹ con cô. Chúng tôi
ghé siêu thị chọn mua một món quà mừng thằng bé. Bấm chuông phòng, cửa
không mở. Gõ nhẹ cũng không thấy lên tiếng. Tôi đến văn phòng khách sạn
hỏi. Họ cho biết là cô vừa mới chuyển đi. Tôi gọi hỏi Phòng Xã Hội, họ
cho biết là cô đã chuyển đi một thành phố rất xa, và theo yêu cầu của
cô, họ không tiết lộ địa chỉ mới cho bất cứ một ai. Sau một thoáng ngạc
nhiên, tôi chợt nhớ đến lời một bài ca nào đó mà cô đã nhờ tôi viết ra
bằng tiếng Na-uy và chỉ cho cô đọc đi đọc lại nhiều lần: “ngày mai, tôi
muốn bỏ đi thật xa”. Trên đường về, bà xã tôi thắc mắc tại sao cô lại
chuyển đi sớm và không cho chúng tôi hay. Tôi lắc đầu, mặc dù tôi đã vừa
mới hiểu ra.
Từ hôm ấy, tôi không bao giờ gặp lại cô. Vài lần nhớ tới cô, tôi định
hỏi thăm qua một số người quen ở các thành phố khác, hoặc gọi cho Sở Tỵ
Nạn. Nhưng rồi tôi quyết định không tìm, vì có lẽ cô không muốn gặp lại
tôi, một người biết quá nhiều về cô.
o O o
Bích Kiều đến đúng giờ hẹn. Khi thấy chiếc taxi đỗ ngay trước cổng nhà,
vợ chồng tôi chạy ra đón. Tôi cũng nóng lòng muốn xem lại dung nhan của
người con gái xinh đẹp nhưng găp phải điều bất hạnh của hai mươi lăm năm
trước. Bây giờ chắc tuổi cũng đã 45, 46. Vợ chồng tôi ngạc nhiên khi
thấy Bích Kiều vẫn còn trẻ đẹp. Cặp kiếng cận làm tăng nét tao nhã quí
phái. Cô ôm chầm chúng tôi, rồi lấy kiếng xuống để chùi nước mắt.
- Không ngờ Kiều bây giờ còn đẹp hơn hồi xưa nhiều lắm. Sao đi có một
mình ên còn ảnh thì giấu kỹ ở đâu rồi không cho trình diện?
Câu nói đùa của bã xã tôi làm cô bớt xúc động, nở nụ cười sau một thoáng thẹn thùng:
- Em vẫn còn độc thân mà! Hôm nay xuống đây nhờ anh chị làm mai đây.
Chúng tôi đi quanh khu vườn sau nhà. Bà xã muốn khoe mấy cụm hồng
vàng vừa mới nở hoa, trước khi dắt tay cô bước vào phòng khách. Tôi mang
nước ra mời và ngồi nghe hai người đàn bà nói chuyện trang điểm, phấn
son xong mới lên tiếng:
- Vậy là Kiều đang ở Trondheim. Tôi thấy địa chỉ trong tấm thiệp cưới.
Ngày ấy, tự dưng Kiều biến mất, làm bọn tôi cứ nghĩ là nàng trích tiên
đã ngao ngán cảnh trần gian mà bay lại về trời rồi chứ. Cô cười bẽn lẽn:
- Hôm nay đến cũng để xin lỗi anh chị đây. Ngày ấy lòng em còn đau
xót lắm, nên muốn đi đến một nơi thật xa, không muốn gặp bất cứ người
Việt nào và nhất là những ai đã biết về mình. Mặc dù em rất thương quí
và mang ơn anh chị.
Tôi cười:
- Tôi biết, nên chỉ thương chứ có nỡ lòng nào mà trách. Chắc Kiều còn
nhớ cái câu tiếng Na-uy “Ngày mai tôi muốn bỏ đi thật xa” mà Kiều nhờ
tôi viết ra và chỉ cho Kiều đọc đi, đọc lại bao nhiêu lần. Khi ấy Kiều
bảo rất thích câu ấy trong một bài hát mà Kiều hay hát? Nhờ đó mà tôi
hiểu được, nên không có ý tìm Kiều.
o O o
Đúng là cô đã đi thật xa, một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi thành phố
Ålesund. Ở đó không có một người Việt nào sinh sống. Chính quyền và dân
chúng rất tốt. Mẹ con cô được chăm sóc chu đáo. Một năm sau cô bảo lãnh
mẹ và hai cậu em sang đoàn tụ. Gia đình sống trong hạnh phúc. Đứa bé lớn
lên trong vòng tay yêu thương của mọi người. Cháu được đặt tên Trần huy
Bách, và trong giấy khai sanh có cha là Trần Huy Trác. Tên người vị hôn
phu của Kiều. Anh đã bị chính cha ruột của thằng bé giết chết thảm
thương rồi vất xác xuống biển. Kiều giấu kín mẹ và các em điều đau
thương này, nên đến lúc qua đời, mẹ cô vẫn tin đứa cháu ngoại duy nhất
của mình là con của Trác. Bà mất đột ngột sau cơn bệnh tim, khi sang
Na-uy được mười sáu năm.
Được chính phủ trợ cấp, cho học bổng, và nhờ mẹ giúp trông con cùng
mọi việc trong nhà, nên Kiều và hai em được đi học. Cả ba chị em đều
xong đại học. Hai cậu em đang là kỹ sư, còn cô làm y tá trong bệnh viện.
Khi hai cậu em được nhận vào trường NTH, một đại học kỹ thuật bách khoa
nổi tiếng tại thành phố Trondheim, miền trung Na-uy, cả nhà đã di
chuyển về đây sau sáu năm ở Ålesund. Cháu Huy Bách, con của Kiều cũng
vừa tốt nghiệp ở trường này mùa hè năm ngoái.
- Vợ chồng tôi mừng cho Kiều, cho sự thành công của mẹ con Kiều cùng
hai cậu em, và cũng xin chia buồn về việc bà cụ đã ra đi. Tiếc là chúng
tôi không có dịp được gặp bà.
Đang vui, bỗng Kiều xúc động:
- Tất cả đều nhờ mẹ em. Cả một đời thiệt thòi, chịu đựng vất vả với
con cháu. Em vẫn ân hận là em đã phải nói dối với bà về chuyện của cháu
Bách.
- Tôi nghĩ Kiều làm như thế là đúng. Ít nhất là không làm đau lòng
thêm những người ruột thịt vốn đã chịu quá nhiều nhục nhằn, khốn khổ.
Tôi tin là bác ra đi thanh thản, không có trách gì Kiều về sự việc ấy
đâu. Tôi nói để an ủi.
Bà xã tôi nãy giờ không hiểu hết những gì chúng tôi trao đổi, hỏi Kiều:
- Sao cô lại không giữ tên Kiều mà lấy tên Bích. Tôi thấy tên Bích
Kiều đẹp lắm. Ngày xưa gần nhà tôi ở Nha Trang cũng có tiệm uốn tóc Bích
Kiều. Mấy cô con gái đều đẹp. Tôi quen cả hai chị em.
- Dạ, em thấy cuộc đời nàng Kiều của ông Nguyễn Du sao mà ba chìm bảy
nổi quá, mà dường như cũng đã vận vào em, em sợ nên đổi tên Bích, cũng
là chữ lót của em.
Tôi cười phụ họa:
- Nàng Kiều nào cũng đã chết rồi. Bây giờ, đang ngồi trước mặt tôi là
Bích. Một cô Bích hoàn toàn khác. Chúng tôi rất mừng được như vậy. Xin
lỗi, đáng lẽ ra không nên gọi cô là Kiều nữa. từ bây giờ chúng tôi gọi
tên Bích nghe.
- Có sao đâu anh. Hai đứa em của em cũng gọi em là chị Kiều mà. Ngoài
gia đình, chỉ có anh chị là biết cái tên này của em. Chuyện xưa cũng đã
qua rồi. Em muốn anh chị cứ gọi em là Kiều như ngày trước. Hơn nữa, em
biết, ngày ấy anh chị cũng thương yêu cô Kiều đó lắm, phải vậy không?
Cả ba chúng tôi đều cười.
Kiều nhìn đồng hồ trên tường, khi nghe tiếng chuông báo giờ. Không
biết vì không muốn nhắc lại chuyện cũ, hay là sợ không còn nhiều thời
gian, cô bắt đầu một câu chuyện khác. Cô mở xách tay lấy ra mấy tấm ảnh
đưa cho chúng tôi xem. Ảnh của Bách, con trai cô vừa chụp với cô vợ
tương lai trong ngày lễ đính hôn hơn ba tháng trước. Một cô gái Việt
nam. Cả hai cô cậu đều đẹp, mũi cao, đôi mắt to, vầng trán thoáng lên
nét thông minh.
- Hai cháu rất xứng đôi vừa lứa! Vợ chồng tôi khen.
Cô cho biết cô dâu tương lai là một dược sĩ vừa mới tốt nghiệp, con
gái út của vợ chồng một vị giáo sư trước 75, được con bảo lãnh sang
Na-uy, và bây giờ lớn tuổi đã về hưu. Ông bà đang sống ở Oslo. Gia đình
nề nếp, đạo đức, có năm người con, tất cả đều thành đạt. Cô nhờ vợ chồng
tôi, tuổi tác ngang với cha mẹ cô dâu, đứng ra thay mặt nhà trai trong
ngày đám cưới. Nhưng điều quan trọng hơn, theo cô, là để cho cháu Bách,
và chính cô nữa, được tự tin, ấm áp hơn về phía gia đình mình. Bởi vợ
tôi là người chứng kiến khi Bách ra đời, còn tôi là người đồng hương duy
nhất biết rõ về Bách, về những tình huống để có Bách hiện diện trên thế
gian này.
- Sự có mặt của anh chị trong ngày đám cưới cháu Bách, là một kỷ niệm
thiêng liêng quý giá đối với mẹ con em. Bởi vì khi nhìn thấy anh chị,
em sẽ có cảm giác như là đang có anh Trác bên cạnh. Xin lỗi anh chị, em
cũng đã nói dối với cháu Bách, anh là người duy nhất ở Na-uy này biết
chuyện Trác, và tội nghiệp, cháu Bách vẫn tin anh Trác là ba của nó. Em
thường bắt gặp cháu đứng thật lâu trước tấm ảnh của anh Trác trên bàn
thờ.
- Vậy nhỡ cháu Bách hỏi tôi về Trác, tôi biết nói gì với cháu?
Nghĩ ngợi một lúc, Kiều lên tiếng:
- Em chỉ nói với cháu Bách, là ngày xưa anh ở trong quân đội, nên
biết ba của anh Trác là ông nội cháu, thế thôi. Chứ lúc ấy anh Trác còn
nhỏ lắm. Em thiết tha mong anh chị giúp em. Vì trong lúc này, em cảm
thấy thật lo sợ và cô đơn. Những hình ảnh hãi hùng ấy cứ tưởng đã quên
được từ lâu rồi, vậy mà bây giờ nó lại hiện lên liên tục, ngay cả trong
giấc ngủ của em. Thú thực, ban đầu em không có ý định gặp anh chị, nhưng
càng gần ngày đám cưới cháu, em càng thấy lòng bất an. Cuối cùng bất
ngờ em đã nghĩ đến anh chị, người đã biết tường tận hoàn cảnh của mẹ con
em, bỗng dưng em thấy nhẹ nhàng, như vừa giải tỏa được những gì cứ phải
chôn giấu, đè nặng mãi trong lòng.
Nhớ tới hai người em trai của cô, vợ tôi hỏi:
- Còn hai cậu em của cô bây giờ ra sao. Đã có gia đình riêng hay vẫn ở chung với cô?
- Cậu lớn sống chung với cô bạn gái người Na-uy hơn hai năm thì chia
tay, còn cậu út vẫn chưa lập gia đình. Tuy nhiên, hai cậu đều ở riêng.
o O o
Cuối cùng, vợ chồng tôi quyết định hủy bỏ chuyến đi London. Phải gọi
sang xin lỗi và giải thích cho vợ chồng cô con gái, bảo đây là một việc
ba má cần làm để giúp cho những người bất hạnh có thể tìm lại ít nhiều
hạnh phúc. Lễ thành hôn được tổ chức buổi sáng thứ Bảy. Chúng tôi đến
khách sạn Royal Christiania khi trời vừa mới trải qua một cơn mưa hạ.
Ánh nắng bắt đầu chói chang rọi qua những tàn cây tạo thành những vệt
lung linh trên các bãi cỏ xanh điểm những chấm vàng rực rỡ của hoa
løvetann đang mùa nở rộ. Họ nhà trai dùng khách sạn này, nơi mẹ con Kiều
và hai cậu em đang ở mấy hôm nay, làm “điểm xuất phát”. Từ Trondheim
xuống, nên họ chỉ có bốn người. Thêm một cậu người Na-uy ở Oslo, bạn học
của Bách làm phụ rể. Vợ chồng tôi đến với hai cô con gái và ba đứa
cháu, để bưng các mâm lễ vật, theo yêu cầu của Kiều.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp Bách. Cậu bé ra đời vào một đêm đông tuyết
giá, trong nỗi cô đơn và xót xa của mẹ, chỉ có vợ chồng tôi, hai người
đồng hương xa lạ, có mặt và nghe tiếng khóc đầu đời, bây giờ là một
thanh niên tuấn tú, có học, chân thật hiền lành. Điều làm chúng tôi ngạc
nhiên là Bách nói tiếng Việt rất giỏi. Bất giác, tôi nhớ tới những điều
Kiều kể với vị cảnh sát ngoại kiều trước kia trong bệnh viện. Đầu óc
như mơ hồ có tiếng sóng biển thét gào phẫn nộ, và hình dung tới gã hải
tặc Thái Lan có mái tóc phủ xuống lưng, trên người đầy những hình xâm
với đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu trong men rượu. Bỗng tôi giật mình với
cảm giác như vừa làm điều phạm tội. Cố gắng hướng tâm trí tới những điều
thánh thiện, tốt đẹp khác để xua đuổi hết những hình ảnh đen tối ấy vào
giờ phút mọi người đang cần có niềm vui và hạnh phúc.
Lễ thành hôn đã diễn ra tốt đẹp. Ông bà sui của Kiều đều là nhà giáo,
hiểu biết và tôn trọng nề nếp cũ. Mọi nghi thức hôn lễ theo tập tục do
ông bà hướng dẫn khá tỉ mỉ. Con cháu đều thành đạt, lễ phép. Tôi mừng
cho Kiều, và nhất là cho cháu Bách đã may mắn là con rể của gia đình
này. Có lẽ thấu hiểu hoàn cảnh của Kiều với lòng mến mộ, sau khi lạy ông
bà trên bàn thờ gia tộc, ông giáo hướng dẫn cô dâu chú rể đến dâng rượu
và xin lạy mẹ của Bách hai lạy. Ông giải thích, một lạy cảm tạ công ơn
sinh thành dưỡng dục của mẹ, mất chồng từ khi còn rất trẻ, nhưng không
bước thêm một bước nào nữa mà dành hết cuộc đời cho đứa con duy nhất của
mình. Một lạy xin mẹ nhận thay cha, để hai con tưởng nhớ đến người cha
bất hạnh, sớm lìa đời khi chưa thấy mặt con. Khi vợ chồng cháu Bách mời
rượu, nói những lời cám ơn thật cảm động, Kiều âu yếm nhìn hai con, định
nói điều gì, nhưng rồi nghẹn ngào, sau một lúc mới nở được nụ cười
trong ràn rụa nước mắt. Tôi thấy lòng bâng khuâng. Thầm mong đó không
phải là những giọt nước mắt xót xa mà là niềm vui của hạnh phúc.
Không khí bỗng lắng xuống. Mọi người đều xúc động. Kiều ngước lên,
đúng vào lúc tôi quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt của chính mình.
© Phạm Tín An Ninh