Hi hữu trẻ suýt chết vì… nghịch rắn độc chết

 Thấy con rắn cạp nia nhỏ, bé Tuấn Anh (Nam Bình, Ninh Bình) dùng gậy đánh chết rắn. Nhưng thay vì vứt rắn đi, cậu bé mải mê “khám phá” , nghịch ngợm con rắn đã chết, không may, răng rắn cắm vào tay cậu bé…

Dù chỉ là vết răng rắn rất nhỏ nhưng cậu bé này đã phải trải qua 8 ngày điều trị ở khoa Nhi (BV Bạch Mai), trải qua 4 - 5 lần chết hụt vì ngừng thở, ngừng tim mới qua cơn nguy kịch.

Hi hữu trẻ suýt chết vì… nghịch rắn độc chết
Chỉ vì vết răng nhỏ của con rắn đã chết phập vào tay, cậu bé này  đã trải qua 8 ngày điều trị với nhiều lần ngừng thở, dọa ngừng tim... Ảnh: H.Hải
Anh Phạm Văn Kha, bố bé Tuấn Anh cho biết, tối 21/7 anh cho con lên nhà bác chơi. Ăn tối xong, 3 chị em cùng đi chơi với nhau, không hiểu làm thế nào lại bắt được một con rắn cạp nia nhỏ và 3 bé dùng gậy đánh chết rắn. Nghĩ rắn đã chết, không còn nguy hiểm, Tuấn Anh “khám phá” con vật, dùng tay cạy miệng rắn, không may bị răng rắn cắm vào ngón trỏ của tay phải.
Nghĩ là rắn đã chết, vết cắm không sâu nên về nhà, cậu bé cũng không nói lại gì với người lớn. Nhưng đến 2h sáng 22/7, Tuấn Anh cứ lịm dần đi, gọi hỏi thì không thể nói được, gia đình mới vội đưa vào bệnh viện Ninh Bình cấp cứu. Xác định cháu bé bị ngộ độc nọc độc rắn, bệnh viện đã chuyển thẳng bệnh nhi ra TT Chống độc (BV Bạch Mai) và sau đó bé được chuyển về khoa Nhi.
“Bệnh nhi này nhập viện trưa 22/7 trong tình trạng rất nặng, đã bị liệt cơ hô hấp dẫn đến ngưng thở, co giật rất nặng, không nói được. Ngay lập tức, bệnh nhi được thở máy, truyền dịch, dùng thuốc chống co giật, tiêm kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tuy nhiên tiên lượng rất khó khăn bởi những người bị liệt cơ hô hấp do nọc độc rắn gây ra nguy cơ tử vong đến 70 - 80%”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.
Dù được cấp cứu, thở máy, truyền dịch ngay lập tức nhưng vì đã liệt cơ hô hấp nên phản xạ ho của bệnh nhi gần như không có, khiến việc thở máy cũng khó khăn. Nhiều lần bệnh nhi bị tắc ống nội khí quản. Rồi có lần bệnh nhân đã dọa ngừng tim, phải dùng thuốc trợ tim.
Trải qua 8 ngày điều trị, bệnh nhi mới vượt qua được nguy kịch nhưng vẫn còn rất khó nói chuyện, phát âm.
“Tuy vậy, đến nay đã hoàn toàn có thể khẳng định bé đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch vì nọc độc rắn. Thời điểm bé nhập viện, chúng tôi không tin nổi là sẽ cứu được cháu bởi tình trạng ngộ độc quá nặng, liên tục ngừng thở, ngừng tim…”, BS Dũng nói
PGS Dũng cho biết, tai nạn rắn cắn gặp rất nhiều ở trẻ em, chủ yếu gặp ở các bé không may bị rắn cắn. Còn đây là trường hợp hi hữu, bị ngộ độc nọc rắn sau khi rắn đã chết.
“Các loại rắn độc vừa chết, nọc độc vẫn còn nguyên trên vùng khoang miệng, răng, nước bọt của rắn nên nếu không may bị răng rắn cắm vào như trường hợp cậu bé này cũng không khác gì bị rắn còn sống cắn”, TS Dũng nói. Vì thế, nếu không may bị rắn cắn, ngoài việc sơ cứu tại chỗ như bóp chảy máu, ga rô chỗ rắn cắn thì người nhà cần khẩn trương đưa trẻ đến viện ngay khi trẻ còn tỉnh táo, càng điều trị sớm cơ hội qua khỏi càng cao. Còn để xảy ra tình trạng liệt cơ hô hấp thì việc điều trị khó khăn, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người bệnh.

Nhắm mắt để ghi nhớ tốt hơn

Để tăng cường khả năng nhớ, con người chỉ cần thư giãn và nhắm mắt sau khi tiếp nhận thông tin.
Chỉ cần nghỉ ngơi và nhắm mắt trong 10 phút sau khi tiếp nhận thông tin, ký ức tạm thời của chúng ta sẽ trở thành ký ức dài hạn. Ảnh: blogspot.com.
Livescience cho biết, các nhà khoa học của Đại học Edinburgh ở Scotland yêu cầu 33 người trong độ tuổi 61 đến 87 nghe hai câu chuyện ngắn kèm và yêu cầu tình nguyện viên ghi nhớ càng nhiều chi tiết càng tốt. Sau đó các chuyên gia chia tình nguyện viên thành hai nhóm rồi cho phép họ nghỉ ngơi trong 10 phút trước khi kể lại hai câu chuyện. Trong giờ giải lao, một nhóm ngồi yên và nhắm mắt trong một căn phòng tối, còn nhóm kia chơi một trò trên máy tính.
Những người này được chia thành 2 nhóm: trong khi một nhóm tạm nghỉ, thì nhóm còn lại chơi trò chơi tìm điểm khác biệt trên máy vi tính. Cuối cùng họ sẽ phải kể lại câu chuyện mà họ nghe được.
Kết quả cho thấy nhóm nghỉ ngơi nhớ được nhiều chi tiết hơn so với nhóm chơi game.
Một tuần sau, nhóm nghiên cứu lại yêu cầu tình nguyện viên kể lại hai câu chuyện. Số lượng chi tiết mà những người nghỉ ngơi nhớ vẫn lớn hơn hẳn so với những người kia.
"Nghiên cứu của chúng tôi củng cố giả thuyết cho rằng quá trình ghi nhớ không chấm dứt ngay khi não tiếp nhận thông tin. Những hoạt động của con người ngay sau khi tiếp nhận thông tin ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ghi nhớ và lưu trữ của não", Michaela Dewar, nhà tâm lý học của Đại học Edinburgh, phát biểu.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, trong khoảng thời gian 10 phút nghỉ ngơi não bộ sẽ củng cố những ký ức mới nhất để biến chúng thành ký ức dài hạn. Nếu không có quá trình củng cố này, con người sẽ dễ dàng quên hẳn những ký ức tạm thời.

Cậu bé cứ ra sáng là bị mù


Do mắc một chứng bệnh hiếm gặp, cậu bé Harvey Webb, 3 tuổi người Anh bị mù khi tiếp xúc với ánh sáng và phải đeo kính râm loại đặc biệt mới có thể nhìn được thế giới xung quanh.

Bệnh Achromatopsia khiến cậu bé Harvey luôn phải đeo loại kính râm đặc biệt chỉ cho 10% ánh sáng lọt qua mọi lúc, mọi nơi, trừ khi ngủ. Ảnh: Carters News
Theo tờ Daily Mail, cậu bé Harvey được chẩn đoán mắc hội chứng Achromatopsia khi đến khám tại Viện mắt Moorfields ở London hồi tháng 12/2009. Bố mẹ của em bắt đầu cảm thấy không ổn khi con trai của họ gặp vấn đề về sự tập trung.
Hội chứng Achromatopsia là bệnh về võng mạc, trong đó các tế bào chịu trách nhiệm về sự nhạy cảm ánh sáng và màu sắc trong mắt không hoạt động. Căn bệnh này có tỷ lệ người mắc phải là 1/35.000 người và hiện vô phương cứu chữa.
Mắc căn bệnh này đồng nghĩa với việc Harvey bị mù màu hoàn toàn và cậu bé chỉ nhìn thấy thế giới trong 2 màu đen và trắng. Hơn thế nữa, mắt của Harvey bị lóa hoàn toàn (tương tự như bị mù) khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khiến cậu bé không thể tham gia các hoạt động ngoài trời với bạn bè cùng trang lứa và cần sự hỗ trợ thêm trong lớp học.
Tiến sĩ Tony Moore, chueyen gia tư vấn tại Viện mắt Moorfields cho hay: “Các hoạt động của Harvey sẽ gặp trở ngại vì thị lực của cậu bé. Harvey cũng sẽ kém tự tin hơn khi ở ngoài trời vì sự nhạy cảm ánh sáng cực điểm của đôi mắt mình. Mọi việc sẽ vô cùng tồi tệ khi đôi mắt của cậu bé tiếp xúc với ánh sáng rực rỡ”.

Em gái của Harvey - bé Megan, 3 tháng tuổi cũng được chẩn đoán mắc bệnh như anh trai. Ảnh: Carters News
Các bác sĩ đã yêu cầu Harvey đeo một loại kính râm đặc biệt, chỉ cho 10% ánh sáng lọt qua hầu như mọi lúc, mọi nơi, trừ khi ngủ. Bố mẹ cậu bé cũng thường xuyên che phủ rèm cửa tại nhà của họ để tạo môi trường ánh sáng yếu, giúp cậu con trái bé bỏng có thể nhìn thấy mặt họ.
Em gái của Harvey – bé Megan, 3 tháng tuổi – cũng vừa được chẩn đoán mắc bệnh về mắt như anh trai. Dẫu vậy, cô bé chưa cần đeo các loại kính đặc biệt như Harvey.
Hiện tại cả 2 anh em Harvey và Megan đều đang được cho tham gia các thử nghiệm tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh Achromatopsia do hội từ thiện Chiến đấu vì thị lực tài trợ một phần.

Gặp trang web hoặc mail lỗi font

Nhờ có người gặp lỗi font trên FC mình lại khám phá ra cách chỉnh mã của các trình duyệt web. Khi vào 1 trang web nào đó thông thường trình duyệt sẽ tự tìm mã để hiển thị . Nhưng cũng có trang vì lý do nào đó (có lẽ là khai báo mã) không được hỗ trợ tìm mã. Hoặc tùy trình duyệt ví dụ trang http://www.thongtinberlin.de/ được IE hỗ trợ còn Firefox và opera lại không. Để sử lý tình huống không hỗ trợ tìm mã phải làm thủ công.
1 với IE vào menu view > encoding chọn mã nào phù hợp hoặc auto select là xem được.
 2 với firefox menu view > character encoding chọn mã hoặc auto-select (giống IE)
 3 với opera menu page > encoding chọn mã hoặc automatic selection .
Tuy vậy một trang lại có nhiều mã chỉ được hỗ trợ một mã thôi. Lúc này muốn đọc phài nhờ đến unikey . Quét chọn đoạn cần chuyển mã, kích chuột phải chọn copy, kích chuột phài vào biểu tượng chữ V của unikey chọn chuyển mã nhanh. Rồi mở trình soạn thảo văn bản nào đó kích chuột phải chọn paste thế là đọc được

Tưởng con động kinh hóa ra bị rối loạn nhịp tim

Thấy con hay bị ngất, lát sau lại bình thường, chị Huệ (Hải Phòng) liền đưa đi khám thì được chẩn đoán bị động kinh. Thế nhưng, chỉ đến đợt cấp cứu vừa rồi, chị mới té ngửa khi biết hóa ra con bị rối loạn nhịp tim.

Suốt 2 năm liền, Duy, con trai chị được điều trị theo phác đồ bệnh động kinh. Gần đây, có người mách uống mật kỳ đà có tác dụng tốt với bệnh của con, chị cũng thử làm theo. Không ngờ uống xong, con lên cơn co giật, ngất, chị vội vàng đưa đi cấp cứu. Sau đó, vì tình trạng nặng, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
"Tôi đã rất bất ngờ khi bác sĩ kết luận con bị rối loạn nhịp tim, chứ không phải động kinh. Biết được bệnh chính xác của con, tôi vừa mừng lại vừa lo vì bệnh viện sẽ áp dụng phương pháp mới điều trị cho cháu", chị Huệ chia sẻ.
Trước đó, con trai chị từng đi cấp cứu vì bị viêm màng não khi mới 2 tháng tuổi. Hậu quả để lại là di chứng về vận động, cháu đi lệch, liệt một tay. Theo các bác sĩ, đây có thể là lý do khiến bệnh của trẻ bị chẩn đoán nhầm thành động kinh.
Duy được bác sĩ khám lại sau ca can thiệp đốt triệt vùng bệnh lý ngày 24/7. Ảnh: Nam Phương.
Duy là một trong hai bệnh nhi bị rối loạn nhịp tim đầu tiên ở Việt Nam vừa được các bác sĩ BV Nhi Trung ương can thiệp thành công bằng kỹ thuật mới - đốt triệt vùng bệnh lý với sóng radio cao tần. Bằng cách đưa ống điện cực vào buồng tim, các chuyên gia đã loại bỏ đường dẫn truyền nhĩ thất bất thường, nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.
Cháu bé thứ hai được điều trị bằng phương pháp này là Lê Văn Giáp, 8 tuổi, cũng ở Hải Phòng. Trong 2 năm, trẻ nhập viện tỉnh 6 lần, được điều trị bằng thuốc nhưng kết quả không khả quan, cơn nhịp tim nhanh tái phát.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: "Sau can thiệp, chúng tôi đã kiểm tra lại, trẻ hồi phục tốt, không có biến chứng. Dự kiến 1-2 hôm nữa, hai cháu có thể xuất viện".
Theo ông, việc cấp cứu và điều trị bằng các can thiệp thông thường trước đây thường có kết quả hạn chế. Bệnh nhân phải tái nhập viện nhiều lần. Kỹ thuật đốt triệt với sóng radio cao tần hiện là biện pháp điều trị hữu hiệu và an toàn tối ưu, được áp dụng ở nhiều nước phát triển.
Trong 1-2 ngày tới, hai bệnh nhi đầu tiên được can thiệp bằng kỹ thuật mới này có thể được xuất viện. Ảnh: Nam Phương.
Rối loạn nhịp tim nhanh là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp ở trẻ. Nó có thể gây suy tuần hoàn, suy hô hấp và suy đa tạng, thậm chí gây di chứng não, tử vong. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, bệnh này ở trẻ chưa được chú ý, như trường hợp bệnh nhân Duy còn bị chẩn đoán nhầm thành động kinh. Các bác sĩ cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh này.
"Trong hơn một năm trở lại đây, chúng tôi gặp nhiều trẻ bị rối loạn nhịp tim, thậm chí phát hiện cả trường hợp ở trẻ sơ sinh. Nhiều bé vào viện vì suy hô hấp, tuần hoàn", giáo sư Liêm nói.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do bẩm sinh hoặc sau phẫu thuật, nhất là sau mổ tim.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim không đặc hiệu. Với trẻ lớn, biểu hiện có thể chỉ là cảm giác đánh trống ngực, tức ngực, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn thì ngất, thậm chí là chết đột tử. Trong khi ở trẻ nhỏ, các biểu hiện thường kín đáo như: biếng ăn, bỏ bú, da tái, chân lạnh, vã mồ hôi, khó thở, thở nhanh, xỉu. Có trường hợp, trẻ được đưa đến viện thì hết cơn rối loạn nhịp tim nhanh.
"Bệnh tiềm ẩn bên trong cơ thể, có thể xuất hiện đột ngột ở bất kỳ độ tuổi nào, hay xuất hiện trong 3 tháng đầu sơ sinh. Ngoài ra, không phải trường hợp nào, bệnh biểu hiện cũng nặng, có trẻ chỉ thoáng qua, có trẻ lại bị nặng. Có trẻ sơ sinh sau khi điều trị bệnh giảm nhưng đến 5-7 tuổi hoặc khi bước vào giai đoạn dậy thì lại bộc phát", thạc sĩ Hải cho biết.
Phương pháp đốt triệt bằng sóng radio cao tần được xem là phương pháp an toàn nhất hiện nay. Tỷ lệ thành công lên tới 95-98%, biến chứng rất thấp.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, khoảng 80 cháu đang chờ can thiệp bằng phương pháp này. Chi phí cho một ca như thế ở nước ngoài khoảng 10.000-30.000 đôla Mỹ, trong khi ở đây là 50-70 triệu đồng.

Không được mang vàng miếng khi xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu

Chịu khó động não một chút nhé

11:27 AM, 26/07/2012
(Chinhphu.vn) – Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Ảnh minh họa
Cụ thể, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh đang được xây dựng, Ngân hàng nhà nước dự kiến quy định: Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Nếu mang theo vàng trang sức, vàng mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan và phải nộp thuế theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đối với việc mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành, chứng minh thư biên giới, dự thảo quy định rõ: Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng và vàng mỹ nghệ, mà chỉ được phép mang theo vàng trang sức đeo trên người và không phải khai báo với cơ quan Hải quan.
Mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh trong trường hợp định cư
Trong trường hợp định cư, dự thảo quy định cá nhân nước ngoài được phép định cư ở Việt Nam không được phép mang theo vàng miếng khi nhập cảnh. Trường hợp mang theo vàng nguyên liệu, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan và phải nộp thuế theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đối với cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan và phải nộp thuế theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 01kg trở lên phải có Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân đó cư trú cấp, đồng thời phải khai báo với cơ quan Hải quan và nộp thuế theo quy định pháp luật.
Thủ tục cấp giấy phép mang vàng khi xuất cảnh
Cá nhân Việt Nam muốn xin cấp Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh theo diện định cư phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1  bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân đó cư trú.
Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép cho cá nhân. Trong trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố phải có văn bản giải thích lý do.
Dự thảo Thông tư giải thích rõ: Vàng trang sức là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác.
Vàng mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang trí mỹ thuật, như các loại: khung ảnh, tượng và các loại khác. 
Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.

Dùng quạt điện khi ngủ hại sức khỏe


Mệt mỏi, chóng mặt, khô da, đau họng... là những triệu chứng mà người dùng quạt điện trong lúc ngủ thường mắc phải, theo một nghiên cứu mới đây ở Nhật Bản.

Nhằm tiết kiệm năng lượng, ngày càng nhiều gia đình sử dụng quạt điện thay vì máy điều hòa không khí để làm mát. Đặc biệt vào mùa hè, thời tiết oi bức nên mọi người thường đặt quạt thật gần mình trong lúc ngủ. Tuy nhiên nghiên cứu mới đây cảnh báo tình trạng này kéo dài có thể gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe cho người sử dụng.
Dùng quạt điện cả đêm khi ngủ gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe. Ảnh: LM.
Dùng quạt điện suốt thời gian ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Ảnh minh họa: LS.
Phản ánh về việc này, một khách hàng 35 tuổi ở Tokyo (Nhật) cho biết, từ khi còn nhỏ chị đã dùng quạt máy khi ngủ. Các vấn đề sức khỏe bắt đầu vào mùa hè năm ngoái, sau một một đêm ngủ như vậy, lúc tỉnh dậy chị cảm thấy nửa thân dưới lạnh toát, nhất là bàn chân, kèm theo cảm giác mệt mỏi, khát nước, chóng mặt và chán ăn. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 4 giờ liền.
"Năm nay tôi định sẽ tiếp tục dùng quạt để tiết kiệm điện, nhưng đã đến lúc tôi phải sử dụng nó một cách khôn ngoan hơn", chị nói trên trang Yourhealth.
Có đến 53% trong số 1.000 người tham gia một cuộc thăm dò ý kiến cho biết họ từng gặp phải những vấn đề về sức khỏe mà nghi ngờ nguyên nhân là do sử dụng quạt điện. Tất cả những người này đều có dùng quạt điện, thậm chí dùng nhiều giờ liền khi ngủ. Trong số này, hơn một nửa nói là cảm thấy mệt mỏi, còn lại bị khô da, khô cổ họng và cảm giác cơ thể lạnh toát. Cuộc khảo sát trên được thực hiện bởi Realfleet Co, một công ty bán các thiết bị gia dụng có trụ sở tại Tokyo.
Bác sĩ Osamu Nishizaki, Giám đốc viện Nishizaki ở Chuo Ward, Tokyo lý giải: "Việc để cơ thể tiếp xúc với không khí thổi từ quạt trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến cơ chế điều tiết nhiệt tự nhiên của cơ thể, từ đó gây ra những vấn đề về sức khỏe".
Cụ thể ông chỉ ra, khi dùng quạt máy, sự bốc hơi nước trên da sẽ làm giảm nhiệt độ bề mặt, từ đó làm giảm nhiệt độ ở các nội tạng thông qua cơ chế tuần hoàn máu. Chính triệu chứng này gây ra cảm giác mệt mỏi và chán ăn.
Theo một nghiên cứu khác của Công ty Panasonic, khi cơ thể tiếp xúc với quạt trần ở tốc độ 1m/giây sẽ làm cho nhiệt độ trên da giảm khoảng 3 độ C. "Vì thế sẽ tốt hơn nếu chúng ta chỉ dùng quạt làm mát trong vòng 10 phút, sau đó đi tắm. Không nên phơi cơ thể trực tiếp dưới quạt điện lâu hơn khoảng thời gian đó", bác sĩ Osamu nói.
Ngoài ra ông cũng khuyên, để hạn chế những triệu chứng khó chịu, mọi người nên đặt quạt hướng vào tường hoặc lên trần nhà để không khí được lưu thông tốt hơn thay vì thổi trực tiếp vào người.

Một phụ nữ Trung Quốc tố cáo chính quyền địa phương cưỡng bách triệt sản



Nhiều phụ nữ từ Trung Quốc sang Hong Kong sinh con để tránh chính sách 1 con ở Trung Quốc


Một phụ nữ 46 tuổi ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc phản đối và cáo buộc các giới chức địa phương đã cưỡng bức bà phải triệt sản, như một hành động để trả đũa vì bà đã đến khiếu nại với cơ quan chức năng.
Đầu năm nay, bà Mao Nguyên Xuân đã tới chính quyền địa phương để khiếu nại về cái chết của con gái bà.
Bà Mao cho biết con gái bà đã chết trong một cuộc cãi vã với bạn trai.
Người này sau đó được lệnh phải bồi thường 6.260 đô la (tức 40.000 nhân dân tệ) để không phải ngồi tù.
Bà Mao nói với Ban tiếng Trung đài VOA rằng sau vụ khiếu nại, bà đã bị đưa đến một phòng khám, bị lôi lên bàn mổ, và bị cưỡng bức triệt sản.
Đài VOA cũng phỏng vấn chồng bà Mao, ông Bành Ô Cẩu.
Ông nói vợ ông đã ngồi thụp xuống sàn không cho tiến hành triệt sản, nhưng cuối cùng đã bị lôi qua 6, 7 căn phòng để đưa lên bàn mổ.
Bà Mao cho hay là sau khi gia đình bà phản đối việc bị chính quyền ngược đãi, chính quyền địa phương đã đề nghị thanh toán viện phí cho bà.
Chồng bà cho biết gia đình đã buộc phải chấp nhận bồi thường và lời xin lỗi của chính quyền.
Bà Mao nói bà vẫn còn đau nhưng sẽ không đi khám bác sĩ nữa.

Đèn pha hỗ trợ lái xe nhìn xuyên mưa

Hệ thống đèn pha thông minh có khả năng tăng tầm nhìn xa dưới trời mưa, tuyết khi xe di chuyển trong đêm.

Ý tưởng bắt nguồn từ tính chất trời rạc của các hạt nước trong mưa, và con người chỉ nhìn thấy vật thể khi có ánh sáng phản xạ từ vật thể đó chiếu tới mắt. Dựa trên nguyên lý này, các nhà nghiên cứu tại Carnegie Mellon phát triển một hệ thống đèn pha có khả năng hạn chế tia sáng chiếu tới các hạt nước phía trước đèn khiến chúng gần như biến mất trong đêm trước mắt người quan sát.
Hệ thống đặc biệt gồm một camera tốc độ cao có khả năng tính toán chính xác vị trí hạt nước khi chúng rơi xuống trong vòng vài mili-giây. Bộ điều khiển trung tâm theo đó khử đi các tia sáng chiếu tới những hạt nước này.
Bộ điều khiển trung tâm theo đó khử đi các tia sáng chiếu tới hạt nước.
"Trong mưa bão, hệ thống đèn pha này sẽ giúp tài xế có cảm giác giống như đang đi dưới mưa phùn. Mắt thường sẽ không nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy. Bởi các hạt mưa không bị soi sáng nên lái xe không nhìn thấy mưa hoặc tuyết”, Phó giáo sư ngành robot Srinivasa Narasimhan nói.
Các nhà khoa học có thể điều chỉnh rọi sáng của đèn pha trong vòng 13 mili-giây. Tốc độ đó đủ đệ loại bỏ khoảng 70 -80% số lượng hạt nước trong mưa, cường độ chiếu sáng trung bình của đèn giảm 5-6%.
Một ưu điểm khác của hệ thống này là có thể phát hiện mắt của tài xế lái xe theo hướng ngược chiều và loại bỏ các tia sáng chiếu tới. Vì thế sẽ không cần phải thay đổi chế độ pha, cốt khi đi trên đường.
Narasimhan cho biết, nhóm nghiên cứu cần giảm thời gian phản ứng xuống một nửa nếu để đèn đạt được hiệu quả trong điều kiện tuyết rơi và mưa đá tốc độ cao.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận rằng hệ thống đèn pha này chỉ giảm chứ không loại bỏ được hoàn toàn tất cả các hạt nước khỏi tầm nhìn của lái xe. Theo người phát ngôn của trường, các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng họ sẽ tạo ra hệ thống đầu tiên lắp được trên xe trong vòng 3 năm tới.



Đây mới là ý tưởng nhưng khó khả thi hơn các công nghệ sử dụng kính đặc biệt. Vì đèn phải có tia chiếu nhằm tránh các hạt nước dầy đặc là không tưởng