Xem nghệ sĩ vẽ tranh chỉ bằng 1 nét vẽ

-
Một họa sĩ người Singapore đã có cách thức rất độc đáo để vẽ lại những bức tranh nghệ thuật nổi tiếng: chỉ sử dụng một đường xoắn ốc liền nét.
Phải mất hàng ngàn nét vẽ để có thể tạo nên những bức ảnh ấn tượng và đẹp mắt, đặc biệt là những kiệt tác thế giới. Nhưng Chan Hwe Chong, một họa sĩ người Singapore, chỉ cần 1 đường vẽ liền nét theo kiểu xoắn ốc để hoàn thiện một bức vẽ.

Chan Hwe Chong thường lấy cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong lịch sử để vẽ nên những tác phẩm theo cách độc đáo của mình, như bức tranh Mona Lisa của Leconardo da Vinci, hay bức tranh tự họa của Van Gogh…


Bức tranh Mona Lisa nổi tiếng được Chong vẽ chỉ bằng 1 nét xoắn ốc

Người nghệ sĩ 33 tuổi này nói: “Về cơ bản, để mô tả ngắn gọn cách thức vẽ của tôi là kiểm soát ngoài bút và hiển thị chính xác từng nét vẽ. Mang lại sức mạnh cho một nét vẽ đơn giản”

“Ngay khi bắt đầu, chúng ta phải tự hỏi làm thế nào để kiểm soát chính xác đường bút để có thể trình diễn ý tưởng của mình chỉ bằng một đường bút”.

Chong thực hiện điều tương tự với bức chân dung tự họa của Van Gogh

Chong đã liên hệ những đường vẽ ấn tượng của mình với một con nhện đang giăng tơ: “Nó không đơn giản như chúng ta nghĩ. Tôi đã phải trải qua nhiều lần thử và thất bại rất nhiều, phải luyện tập rất nhiều để có thể làm chủ được nét vẽ”.


Cận cảnh 1 bức vẽ bằng cách thức đặc biệt của Chong

Chong cho biết chỉ cần 1 nét vẽ sai cũng khiến cho tác phẩm bị hư và phải vẽ lại từ đầu. Một bức vẽ không chỉ yêu cầu kỹ năng khéo léo mà còn đòi hỏi rất nhiều ở sự tập trung và tính kiên nhẫn. Một bức tranh có thể mất nhiều tháng liền để hoàn tất.


Một bức tranh nổi tiếng của Johannes Vermeer được Chong vẽ lại theo phong cách của mình

Ngoài khả năng vẽ ấn tượng, trong những lúc rảnh rỗi, Chong có sở thích tạo hình nghệ thuật sắp đặt và thiết kế đồ họa.

Xem video quá trình vẽ tranh ấn tượng của Chan Hwe Chong:


 

Tên lửa không gây thương vong ra đời

.

Thuốc nổ mang đến sức công phá cho tên lửa, song một loại hỏa tiễn mới của quân đội Mỹ lại hạ gục mục tiêu bằng sóng điện từ.

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa
Một tên lửa đạn đạo liên lục địa được phóng tại Mỹ vào năm 2010. Ảnh: Innovation News Daily.
Những quân đội hiện đại cần rất nhiều thiết bị điện tử để phát hiện kẻ thù, phối hợp hành động của các đơn vị và dẫn đường cho vũ khí.
Để vô hiệu hóa những thiết bị điện tử quân sự, người ta cần những máy bay phức tạp để gây nhiễu hoặc tiêu diệt những người vận hành thiết bị điện tử. Nhưng trong tương lai, binh sĩ có thể bắn một quả tên lửa vi sóng để vô hiệu hóa thiết bị điện tử của đối phương mà không gây thương vong cho người. Đó là loại vũ khí mà không quân Mỹ và tập đoàn sản xuất máy bay Boeing vừa công bố, Innovation News Daily đưa tin.
Loại tên lửa mới đã chứng tỏ khả năng phóng hàng loạt đợt sóng và tiêu diệt nhiều mục tiêu trong thử nghiệm đầu tiên tại một căn cứ không quân của Mỹ. Những thử nghiệm tiếp theo sẽ chứng tỏ khả năng phá hoại các thiết bị điện tử bằng vi sóng. Do vi sóng từ tên lửa có năng lượng lớn, nó có thể đốt cháy những hệ thống phòng không phức tạp nhất, các trung tâm chỉ huy, phi cơ phản lực và máy bay không người lái.
“Thử nghiệm này đặt nền tảng cho sự ra đời của một loại vũ khí không gây thương vong nhưng cực kỳ hiệu quả”, Keith Coleman, người quản lý dự án chế tạo tên lửa vi sóng của hãng Boeing, phát biểu.
Có lẽ tên lửa vi sóng không giúp quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân tại Afghanistan, song chúng có thể trở nên hữu dụng hơn trong những tình huống giống như cuộc chiến tại Libya, nơi máy bay và tên lửa của liên quân quốc tế tấn công vào những mục tiêu quân sự của lực lượng Moammar Gadhafi, đồng thời cố gắng giảm thiểu thương vong cho dân thường. Thậm chí chúng còn có thể hạ gục nhiều phi cơ không người lái và có người lái của đối phương trước khi các phi cơ cất cánh. Hiện chưa rõ chúng có thể tấn công phi cơ đang bay hay không.
Vi sóng (hay sóng vi ba) là loại sóng điện từ có bước sóng siêu ngắn (tức tần số siêu cao). Chúng được tạo ra bởi các bộ dao động điện từ có tần số siêu cao.

Cười

- Tôi muốn mua một vài loại vitamin cho con tôi.
- Loại nào thưa bà? A, B hay C?
- Thứ nào cũng được, nó chưa biết chữ.

12.000 lô đất nền Đà nẵng bị… ế

 .
Theo Cty CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang trong thời kỳ hình thành đáy mới, một số phân khúc đã giảm sâu so với đầu năm, đặc biệt với đất nền.
Số lượng đất nền tung ra quý III chỉ bằng 1/4 - 1/5 quý trước nhưng vẫn tồn khoảng 12.000 lô đất nền. Phân khúc này đang chứng kiến sự giảm giá tiếp tục từ 2 - 5%, nhiều khu vực giảm đến 10%.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang chững lại.

Nguyên nhân do trước đây đa phần những nhà đầu cơ đến từ Hà Nội, TP HCM và một số ở Đà Nẵng mua đi bán lại, đẩy giá lên từng ngày. Sự tăng giá đột biến ấy không xuất phát từ nhu cầu thực tế mà do đầu cơ.

Ngoài ra, thị trường biệt thự nghỉ dưỡng cũng đang “nằm im”. Tỷ lệ bán của thị trường này chỉ đạt 53,8%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tận dụng năng lực bộ não



Bạn đã bao giờ tự hỏi mình bắt đầu quá trình học hỏi từ lúc nào chưa? Không phải từ lúc bạn ôm cặp đến cổng trường cấp I. Cũng không phải từ lúc chơi trò ghép chữ ở lớp mẫu giáo. Như triệu triệu sinh linh khác, bạn bắt đầu học từ... 8 tháng tuổi - mỗi ngày, bộ não trẻ 8 tháng tuổi của bạn đã lưu trữ được đến mười từ mới. Cho đến ngày trưởng thành, bạn đã có thể sử dụng được ít nhất là 60.000 từ.
Thêm vào đó, hàng trăm ngàn kỹ năng và kiến thức khác để sử dụng hằng ngày được lưu trữ trong bộ nhớ của bạn - từ ngày đầu bạn gặp người bạn đời cho đến các lối đi từ nhà đến công sở.
Học nhớ, học quên
Lưu trữ thông tin trong não, nói nôm na không khác mấy với việc bạn sắp xếp các loại tủ trong nhà. Ngay từ thời điểm tiếp cận một thông tin mới, bộ não đã tự động phân bố thông tin này vào vùng giác quan thích hợp - hình ảnh được lưu vào vùng vỏ não phụ trách hình ảnh, âm thanh lưu vào vùng vỏ não ghi nhận âm thanh... Tiếp đó, thông tin mới này lại được chuyển tiếp đến vùng thần kinh liên đới trong quá trình bộ não xử lý và đánh giá thông tin. Toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý và đánh giá này chỉ kéo dài trong một phần nhỏ của một giây.
Cấu trúc chủ đạo để nối kết các thông tin đơn lẻ mà não tiếp nhận thành bộ nhớ tổng hợp là một bộ phận não mang tên hippocampus, cơ quan chịu trách nhiệm việc hình thành, sắp xếp và lưu trữ bộ nhớ, nằm sâu trong hai vùng thùy não phải và trái. Tại cơ quan này, các chi tiết thông tin được não đánh giá không có giá trị bị đào thải, còn các chi tiết được đánh giá là cần thiết kết hợp với các thông tin liên quan (đã có mặt trong bộ nhớ) thành một khối tin tổng hợp có thể sử dụng trong tương lai.
Quá trình mà thi ca nhạc họa dành cho cái tên bay bổng là “lục tìm ký ức”, với ngành não học được gọi đơn giản là quá trình truy xuất và tái tạo thông tin từ bộ nhớ. Trong quá trình này thùy não trước đóng vai trò chủ xướng, rút tỉa từng chi tiết thông tin từ các thần kinh liên đới rồi đưa vào vùng “ký ức sống” nơi thông tin được dựng lại ở mức hoàn chỉnh nhất có thể được. Tiến trình tái tạo ký ức không luôn luôn hoàn hảo vì phải chịu tác động của nhiều yếu tố ngoại cảnh như tâm trạng, môi trường, tình huống... Khi không truy xuất được thông tin trong não một cách hoàn hảo, chúng ta hay phàn nàn về tình trạng giảm sút trí nhớ, hay đơn giản là đãng trí, mau quên.
Theo hai chuyên viên não học Jeff Brown và Mark Fenske - đồng tác giả cuốn sách Bộ não của người thắng cuộc, mỗi người đều có thể luyện tập để tăng cường trí nhớ - cụ thể là tăng khả năng lưu trữ và truy xuất thông tin từ não.
Một trong những phương pháp giúp truy xuất thông tin hiệu quả là xây dựng một bộ não hoạt bát: thay vì lưu trữ ký ức như một cuốn album hay một đoạn băng ngắn về những điều từng xảy ra, ta có thể lưu trữ ký ức mới trong mối tương quan với các ký ức cũ, xác định tầm quan trọng của ký ức mới dung nạp này trong ngữ cảnh của toàn bộ ký ức đã có trước đó. Bằng cách này, mỗi ký ức có một vị trí nhất định trong bộ nhớ, và khi cần truy xuất trí nhớ để giải quyết một vấn đề tương lai, bộ não sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi đã xác định được tầm quan trọng của thông tin cần xử lý.
Ngoài ra, tăng cường trải nghiệm sống cũng là một lựa chọn tốt, vì bộ não phản ứng hoạt bát hơn với các thông tin hoàn toàn mới, do đó quá trình thu nhận thông tin trở nên nhạy bén hơn, đồng thời “nguyên liệu” cho việc truy xuất thông tin cũng dồi dào hơn. Các phương pháp luyện trí nhớ khác như lặp lại thông tin cần nhớ, luyện tập một kỹ năng cũng được đánh giá cao.
Đặc biệt, “học quên”, theo nhà nghiên cứu Kensinger, là phương pháp hữu hiệu không kém việc học nhớ - “lựa chọn thông tin (cần nhớ) là cách tốt nhất để chúng ta tiết kiệm bộ nhớ, để khi cần truy xuất thông tin chúng ta không phải sàng lọc qua hàng loạt thông tin vô ích”.
Học sáng tạo
Chỉ trong vòng năm năm gần đây, số lượng khóa học sáng tạo tại các khoa kinh doanh khu vực đại học ở Mỹ đã tăng gấp đôi thời gian trước đó. Trên thị trường tuyển dụng, các công ty lớn như Sears, Hewlett-Packard và hàng loạt công ty trong nhóm Fortune 500 cũng đã không ngại ngần chi những khoản kinh phí lớn để chiêu dụ các chuyên viên tư vấn sáng tạo nhằm tăng tính cạnh tranh của mình.
Thoạt nghe, cụm từ “học sáng tạo” có thể khiến nhiều người bật cười, bởi theo cách hiểu thông thường, sáng tạo mang tính thiên phú hơn là kết quả của miệt mài luyện tập. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu não bộ nhận ra có những ngả đường dẫn đến sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi người, tôi luyện khả năng sáng tạo trở thành một thử thách có thể vượt qua được.
Theo tiến sĩ Daniel Goleman - tác giả cuốn Trí thông minh cảm xúc, quan niệm về những người có khả năng sáng tạo có não phải phát triển và thuận tay trái, có tính nghệ sĩ đã trở nên lỗi thời. “Một bộ óc sáng tạo thật sự truy xuất thông tin từ nhiều khu vực khác nhau trong toàn bộ não”, ông cho biết.
Một nghiên cứu não gần đây nhất cho thấy khi những người tham gia thí nghiệm bắt đầu một quá trình động não mang tính sáng tạo, hàng loạt sóng não được khởi động để nối kết các tế bào não nằm ở các khu vực khác nhau, tạo thành một mạng lưới thần kinh liên kết.
Tiến sĩ tâm lý Shelley Carson thuộc Đại học Harvard, tác giả cuốn sách Bộ não sáng tạo của bạn, cũng cho biết tiến trình sáng tạo không phụ thuộc nhiều vào khả năng thiên phú mà chủ yếu vào phong cách tư duy, điều mà mọi người đều có thể học cách cải thiện. Theo tác giả Carson, các bước đi cụ thể để cải thiện khả năng sáng tạo cá nhân bao gồm:
Bước 1: Thu nhận (thông tin). Cũng như việc một công ty sừng sỏ như IBM vẫn phải mời giới tin tặc đến để trình bày cho ban lãnh đạo công ty về cải tiến phần mềm, không ai có thể cải thiện khả năng sáng tạo của mình mà bỏ qua việc học hỏi và thu nhận thông tin mới với tâm thức mở. Một cách nhìn mới khi được thu nhận vào não sẽ nối kết những chi tiết tưởng chừng không liên quan trong bộ nhớ, đẩy chúng từ mức tiềm thức lên mức ý thức, tạo tiền đề cho ý tưởng mới.
Bước 2: Hình dung. Tập tưởng tượng - điều mà trẻ em làm một cách tự nhiên - chính là một bước đi quan trọng, vì khi vùng não hình ảnh được kích hoạt, một mạng lưới nối trung tâm lý luận (nằm bên não phải) với trung tâm xử lý thông tin từ các giác quan trở nên linh hoạt cao độ, giúp những ý tưởng tiềm ẩn được định hình rõ ràng hơn.
Bước 3: Nối kết. Ý tưởng sáng tạo có thể nảy nở khi chúng ta học cách tách mình ra khỏi mục tiêu tức thời, vì vùng thùy não phải - nơi tiềm thức và mơ mộng “ngự trị” - được kích hoạt trong khi vùng não duy lý được nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho những ý tưởng bất chợt được hình thành. Thiên tài Mozart từng tiết lộ ông hay tìm được các tứ nhạc giao hưởng mới khi chạy xe ngựa lang thang sau một ngày miệt mài luyện tập.
Bước 4: Lý luận. Sắp xếp những ý tưởng vừa chớm nở một cách cụ thể, suy nghĩ một cách thực tế về tính khả thi của những ý tưởng này - trả lời câu hỏi “làm thế nào để hiện thực hóa (ý tưởng)?” thay vì chỉ hình dung khái quát theo chủ quan. Đây là bước quan trọng để sàng lọc những ý tưởng thật sự có chất lượng khỏi các ý tưởng mù mờ.
Bước 5: Đánh giá. Tự kiểm tra các ý tưởng của mình bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn cần có để ý tưởng biến thành hiện thực. Luyện tập cách đánh giá bất kỳ một ý tưởng nào theo các tiêu chuẩn rõ ràng là cách tốt nhất để tránh tình cảnh “bong bóng vỡ” khi một ý tưởng hào nhoáng không trụ được trong đời thật.
Bước 6: Đắm mình (vào ý tưởng). Sau khi vượt qua được năm bước nói trên, tự cho phép mình đắm mình vào không gian của ý tưởng mới hình thành. Đây là tình trạng mà giới nghiên cứu tâm lý học gọi là “dòng chảy”, trong đó con người mất cảm giác về thời gian và không gian, chỉ còn tập trung vào ý tưởng trước mắt.

Tiến trình sáng tạo trong phim Avatar
Đạo diễn James Cameron (Mỹ) cho biết khi ấp ủ bộ phim Avatar, ông lấy cảm hứng “từ tất cả các cuốn truyện khoa học giả tưởng“ mà ông được đọc từ thời thơ ấu. Ông cũng nối kết những kiến thức công nghệ mới (cụ thể là mô phỏng ngành liên kết máy - não - BCI) với lý thuyết sinh thái học để tạo ra các nhân vật trong phim.
Cảnh trong phim Avatar - Ảnh: pic.phyrefile.com
Ngọn núi lơ lửng mang tên Hallelujah trong phim được thiết kế theo cảm hứng từ những ngọn núi vùng Huang Shan của Trung Quốc. Còn thế giới Pandora và những hình người của bộ lạc Na'vi, theo đạo diễn Cameron, được xây dựng phỏng theo một giấc mơ... mẹ ông (bà từng mơ thấy một phụ nữ màu xanh cao 4m trong giấc mơ của mình).
__________
(Dựa theo Bộ não của người thắng cuộc của Jeff Brown, Mark Fenske và Liz Neporent, Nhà xuất bản Da Capo xuất bản năm 2010).