Chuyện về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Công Cậy
“Nơi đây, binh công xưởng Nguyễn Công Cậy đã từng sản xuất và chiến đấu” là dòng chữ khắc trên vách núi đá mà du khách có thể bắt gặp khi lên thuyền xuôi dòng nước tham quan danh thắng Tam Cốc - Bích Động (Hoa Lư, Ninh Bình). Tìm hiểu về lịch sử của tấm bia di tích này, tôi được biết thêm nhiều điều về một người anh hùng đã có những đóng góp lặng thầm mà ý nghĩa trong hành trình 75 năm của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam...
CHÀNG TRAI HÀ NỘI VÀ QUẢ THỦY LÔI ĐẦU TIÊN
Binh công xưởng Nguyễn Công Cậy, vốn có tên ban đầu là Xưởng V16 thuộc Ban Vũ khí Dân quân Khu 2, đóng quân trong dãy hang Tam Cốc, làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Gia Khánh (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Khi Nguyễn Công Cậy về đây làm việc, lập chiến công và sau đó hy sinh oanh liệt, tên chàng trai Hà Nội này đã được đặt cho binh công xưởng.
Ngược dòng lịch sử trở về những năm 40 của thế kỷ trước, như nhiều thanh niên Hà Nội khi đó, chàng trai 16 tuổi Nguyễn Công Cậy rời gia đình vào học tại Trường Kỹ nghệ thực hành. Sau vài năm vào Vinh làm công nhân, anh trở ra Hà Nội mở cửa hàng sắt của riêng mình. Sau năm 1945, thực dân Pháp lăm le trở lại xâm lược nước ta. Lúc này, ở hầu hết các đơn vị, địa phương trên cả nước, từ các khu, tỉnh, thành đến các chi đội, dưới sự chỉ đạo của Cục Quân giới, hàng trăm binh công xưởng đã được tổ chức và đi vào hoạt động. Ở Hà Nội, Xưởng vũ khí Phan Đình Phùng cũng được thành lập. Nguyễn Công Cậy nhanh chóng hòa mình với phong trào cách mạng khi quyết định hiến cơ sở sản xuất của mình cho xưởng vũ khí này và tự nguyện trở thành một công nhân Quân giới. Tại đây, vốn kiến thức và kinh nghiệm đã giúp Nguyễn Công Cậy cùng đồng đội sản xuất được hàng trăm quả mìn, lựu đạn kịp thời phục vụ cho bộ đội và tự vệ Hà Nội chiến đấu trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
Bước sang năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, tổ chức trận càn quy mô lớn lên Chiến khu Việt Bắc, vì vậy, các binh công xưởng phải tổng di chuyển về nhiều nơi nhằm bảo toàn lực lượng và tiếp tục sản xuất, phục vụ chiến đấu. Xưởng Phan Đình Phùng cũng dần phân tán lực lượng, Nguyễn Công Cậy và một số đồng chí về Xưởng V16. Tại đây, anh cùng các cộng sự hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt: Chế tạo quả thủy lôi đầu tiên. Cũng nhờ chiến công này, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng khi mới 22 tuổi.
Chuyện kể lại, vào một ngày năm 1948, Xưởng V16 nhận được điện của cấp trên: Tập trung nghiên cứu, sản xuất gấp thủy lôi cho bộ đội đánh tàu địch trên sông. Đây là một thử thách lớn đối với một binh công xưởng mà thiết bị kỹ thuật còn thô sơ với số ít máy tiện, máy khoan, bễ lò rèn, lò đúc gang hạng nhỏ, không có mẫu để nghiên cứu, vị trí đóng quân nằm sâu trong lòng núi... Tuy nhiên, đốc công Nguyễn Công Cậy cùng đồng sự vẫn quyết tâm vượt mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Đại tá Trương Vĩnh Thăng, nguyên Hiệu trưởng Trường 255 (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô, Tổng cục Kỹ thuật), từng có thời gian công tác cùng Nguyễn Công Cậy tại Xưởng V16, nhớ lại: “Anh Nguyễn Công Cậy luôn tràn đầy nhiệt huyết và lòng quyết tâm khi ngày đêm tích cực tìm tòi, nghiên cứu. Chúng tôi đã chứng kiến biết bao đêm anh không ngủ, ghi chép các phép tính trên những trang giấy poluya, kín đặc chữ và số đến nỗi tưởng như không còn chỗ để ghi thêm được nữa.”
Và “trời không phụ lòng người”, sau một tháng mày mò, đốc công Nguyễn Công Cậy cùng đồng đội đã cho ra đời quả thủy lôi đầu tiên, vỏ bằng tôn, trong nhồi thuốc nổ mạnh. Quả thủy lôi này được mang ra thử nghiệm ngay trên sông Đáy, nơi hằng ngày có nhiều tàu chiến Pháp qua lại. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, người công nhân phụ trách điểm hỏa đã kích nổ sớm. Tuy không diệt được tàu địch nhưng đã gây kinh hoàng cho quân Pháp về điều mà chúng chưa bao giờ ngờ tới: Việt Minh đã chế tạo được thủy lôi!
“DÒNG TÊN ANH KHẮC VÀO ĐÁ NÚI”
Sau lần thử nghiệm đầu tiên trên sông Đáy, Xưởng V16 đã có kinh nghiệm để chế tạo hàng loạt thủy lôi phục vụ chiến đấu. Đây cũng là tiền đề để V16 cùng các xưởng khác trong vùng rừng núi Ninh Bình ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, chủng loại vũ khí. Xưởng V16 sau đó được gọi là Binh công xưởng 57.
Tuy nhiên, cũng vào lúc này, nhận thấy mức độ nguy hiểm của các binh công xưởng đối với cuộc xâm lược của mình, giặc Pháp quyết định tấn công, xóa sổ các binh công xưởng, nhằm chặn đứng nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Minh ở Hà Nội và các vùng lân cận. Trước tình hình đó, một ủy ban bảo vệ liên xưởng được thành lập, tận dụng lợi thế địa hình hiểm trở sẵn có để đối phó với địch. Riêng Xưởng 57 và 58 thành lập chung một ban chỉ huy chiến đấu với việc chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch bố trí lực lượng, sơ tán máy móc thiết bị, sơ tán nhân dân, hiệp đồng với địa phương, trang bị vũ khí và hướng dẫn dân quân sử dụng vũ khí đánh địch. “Anh Nguyễn Công Cậy được phân công đặc trách ủy viên quân sự trực tiếp chỉ huy tuyến phòng thủ trong cùng trên đường bộ dẫn vào xưởng. Anh đã lên sơ đồ một bãi mìn điện với những quả mìn do chính anh thiết kế và chỉ đạo sản xuất” - Đại tá Trương Vĩnh Thăng cho biết.
Rạng sáng ngày 11/10/1948, giặc Pháp mở cuộc tấn công “Nước đục” vào binh công xưởng nhưng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của các lực lượng vòng ngoài gồm dân quân, bộ đội địa phương, tự vệ, công nhân cùng một phân đội của Trung đoàn 34, khiến chúng buộc phải rút về căn cứ. Nhận định địch sẽ quay trở lại tấn công với quy mô lớn hơn nên các lực lượng vẫn tích cực chuẩn bị phòng ngự, đánh trả. Đúng như dự đoán, ngày 19/12/1948, quân Pháp chia thành nhiều mũi, cả bằng đường bộ và đường thủy, tìm cách đánh vào khu vực của hai xưởng.
Khi trận chiến đang diễn ra quyết liệt, phát hiện dây hệ thống truyền nổ mìn bị đứt vì pháo địch, từ vị trí chỉ huy, Nguyễn Công Cậy lao xuống, nhanh chóng nối lại đường dây trong khi pháo giặc vẫn liên tiếp dội xuống. Công việc vừa hoàn tất thì anh bị một mảnh đạn pháo găm sâu vào đùi. Do mất máu quá nhiều, người lính Quân giới Nguyễn Công Cậy đã anh dũng hy sinh khi vừa bước sang tuổi 23. Anh Phạm Văn Phong, sinh ra và lớn lên ở làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, hiện đang làm nghề chèo thuyền ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, xúc động kể với chúng tôi: “Binh công xưởng Nguyễn Công Cậy gồm 5 hang nằm sâu trong thung lũng. Cha tôi, 2 chú ruột và 3 người nữa trong làng làm việc ở binh công xưởng thời cụ Nguyễn Công Cậy. Lúc nhỏ, tôi được nghe kể nhiều về sự thông minh, chịu khó cũng như sự hy sinh anh dũng của cụ. Chiều hôm cụ hy sinh, thi hài được giấu dưới thuyền rồi được đồng đội chôn cất ngay dưới chân núi”.
Một thời gian ngắn sau, sự hy sinh anh dũng của đốc công Nguyễn Công Cậy đã được ghi nhận bằng việc cấp trên quyết định đổi tên Binh công xưởng 57 thành Binh công xưởng Nguyễn Công Cậy. Năm 2002, bằng nỗ lực của đồng đội và các cơ quan chức năng của Tổng cục CNQP, liệt sĩ Nguyễn Công Cậy đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Cũng trong thời gian này, tấm bia ghi danh người anh hùng và Binh công xưởng 57-V16 đã được gắn trên vách đá. Để từ đó, có thêm một điểm di tích lịch sử với những câu chuyện về một người anh hùng Quân giới được lưu truyền, giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế mỗi dịp ghé thăm danh thắng Tam Cốc - Bích Động.
BÍCH TRANG