Hàng ngàn người Nhật "tị nạn" ở những quán net: Cánh cửa hy vọng nào mở ra cho cuộc đời họ?

Thu nhập thấp, công việc không ổn đinh, không nhà cửa, những nơi công cộng lại khó có thể qua đêm những điều này đã tạo nên làn sóng mà báo chí Nhật gọi là "người tị nạn quán net"


Nền kinh tế thứ ba thế giới, bậc nhất về công nghệ toàn cầu, là quốc gia được cả thế giới thán phục bởi tinh thần Võ sĩ đạo. Ấy thế, một làn sóng ngầm trong xã hội Nhật Bản đang lan truyền chóng mặt. Rất nhiều mảnh đời, rất nhiều số phận rời bỏ thực tại, lẩn trốn đâu đó trong những bức vách của các quán net nội đô thành phố. Người ta gọi đó là dân tị nạn quán net.
4 mét vuông, nhiều cuộc đời
Ông Masata 39 tuổi, là một webmaster làm việc tại Tokyo. Tới đây, Masata đã làm việc được hơn bốn năm. Không phải vì Masata không thể thuê nhà, nhưng vì những mâu thuẫn với hàng xóm Masata chọn tới ở hẳn ở quán net Maboo. Masata cho biết, ông đã từng thuê một vài căn hộ, nhưng thật khó để có thể làm quen và sinh sống với hàng xóm. "Bạn biết đấy, ở các vùng quê con người ở đó có phần cởi mở hơn, còn ở đây, thành phố lớn như Tokyo không ai quan tâm tới ai cả, họ chỉ quan tâm tới bản thân" – Masata chia sẻ. Hoàn toàn tự do và không phải gặp mặt ai, mình có thể làm gì tùy thích đó là một lý do để Masata trở thành dân "tị nạn quán net".

Cách đó vài dãy phòng là Hitomi, 23 tuổi; cô đang có công việc về đêm, cũng chọn ở lại Maboo làm nơi ở thường xuyên. Năm 16 tuổi, cha mẹ nhận ra cô đã đủ tuổi để tự lo cho bản thân, Hitomi quyết định đi làm. Cô ra khỏi nhà để bố mẹ có thể tập trung chăm lo cho hai em ở nhà. Hitomi không thích sự cô đơn nhưng vẫn mong muốn có những khoảng không riêng cho bản thân. Những bức vách ở Maboo đã mang lại cho cô điều đó. Các cabin ở Maboo không quá dày, nóng, cabin để hở và người ở cabin bên này vẫn có thể nghe được những âm thanh từ bên kia vọng sang. "Có thể được sống hạnh phúc, tận hưởng niềm vui, bạn có thể coi đó là ước mơ của tôi" – Hitomi nói.


Fumiya, 26 tuổi, một bảo vệ đêm ở công trường xây dựng đang kết thúc bữa ăn tối là mì hộp và tìm giây phút giải trí với trò chơi Phantasy Star Online 2. Anh đã tìm một số căn hộ cho thuê phù hợp với thu nhập của mình, nhưng cuộc sống đắt đỏ ở Tokyo đã không đáp ứng được mong muốn đó. Fumiya cũng chọn quán net làm nơi ở. Fumiya cảm thấy cuộc sống ở Maboo không quá tiện nghi nhưng vẫn đủ. Có Internet, anh có thể tìm việc. Bữa ăn hàng ngày có thể là mì gói hoặc những hộp thức ăn giá 300 yên ở siêu thị, có nước uống, có thể vệ sinh cá nhân. Như vậy là đủ với Fumiya nhưng anh thi thoảng không thực sự thoải mái. "Bạn có thể nghe thấy tiếng ngáy, tiếng ồn từ các cabin bên cạnh, tôi đã không thực sự nghỉ ngơi, thi thoảng tôi bị đánh thức bởi tiếng rửa bát"
.
Masata, Fumiya hay Hitomi đang là những câu chuyện phổ biến của cư dân tị nạn quán nét được nhắc tới ở Nhật. Bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ trước nhưng giờ đây làn sóng này đang mở rộng ở Nhật Bản.
Những con số kể chuyện
Theo số liệu điều tra thực tế của Bộ y tế Lao động Nhật Bản lứa tuổi 20 chiếm tỷ lệ cao nhất là 26,5%, đứng vị trí số 2 là lứa tuổi 50 – chiếm 23,1%, đứng vị trí thứ ba là độ tuổi 30-19%, những người ở lứa tuổi 10 chiếm 9,8%, số người tuổi 60 chiếm 8,7%.
Makoto Kawazoe – Liên hiện công đoàn trẻ, cho biết có tới 38% dân số Nhật Bản là những người lao động thời vụ. Những người này có thu nhập ít hơn hẳn so với những người làm việc toàn thời gian. Ở Nhật cũng rất khó để kiếm được trợ cấp thất nghiệp. "Ở đất nước chúng tôi, một khi mất việc bạn không thể tồn tại" – Makato cho biết.

Cũng theo số liệu của Bộ y tế - Lao động Nhật Bản, 49% số người được hỏi cho biết, họ không đủ khả năng thanh toán tiền đặt cọc và những chi phí ban đầu cho việc thuê nhà, 28% thừa nhận không có mức thu nhập ổn định để trả tiền thuê nhà hàng tháng, 23% số người không tìm được người đứng ra bảo lãnh khi thuê nhà.
Sự suy thoái kinh tế đã buộc các Công ty Nhật cắt giảm chi phí. Bên cạnh biện pháp cho sa thải nhân công, các công ty chọn thay lao động chính thức bằng lao động hợp đồng ngắn hạn, làm bán thời gian… nhiều công ty còn tuyển dụng lao động không chính thức. Có lẽ thế nhiều số phận như Masata, Hitomi hay Fumiya đã chọn Maboo làm nhà theo giờ.
Tương lai có ở đằng sau cánh cửa?
Tadayuki Sakai, 41 tuổi, nở nụ cười tươi khi ông nhớ lại ngày ông gửi đơn thôi việc tới ông chủ, kết thúc công việc ông đã làm suốt 20 năm qua, một nhân viên kinh doanh. Sau khi ông Sakai bỏ vị trí nhân viên giao dịch, ông chuyển tới Maboo, nơi ông hiện đang làm việc điều hành điện thoại tạm thời cho một người bạn. Mặc dù sống trong một cabin 4 mét vuông nhưng ông Sakai đã tuyên bố rằng ông hạnh phúc hơn nhiều: "Tôi không bao giờ muốn trở thành một nhân viên bán hàng một lần nữa."
Trở lại với Masata, anh nói: "Ngồi tại đây, tôi muốn giải thoát mình khỏi những lo lắng hàng ngày. Nhưng thực tế thì không phải vậy, anh phải giao tiếp với những người khác. Anh không thể tự mình lớn lên được, anh không thể thành đạt. Tôi tự hỏi, liệu cả cuộc đời tôi rồi sẽ như thế này? Maboo có thể là một chỗ ổn trong một thời gian nhưng không phải nơi để sống. Tôi đã không hạnh phúc với cuộc sống của mình như trước kia. Tôi đã chạy trốn khỏi thực tế và tôi đã kết thúc ở đây ư? Ở những nơi như thế này, bạn không thể trở nên phụ thuộc vào nó. Và vì thế, tôi sẽ tìm cách trở ra khỏi đây càng sớm càng tốt".

11 dấu hiệu của người thiếu trí tuệ cảm xúc

Nguồn Dân trí.com.vn, copy cho dễ tìm
Khi chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) lần đầu tiên đặt ra, nó được ví như mắt xích còn thiếu trong một phát hiện đặc biệt: những người có chỉ số IQ trung bình lại thực hiện công việc tốt hơn 70% so với những người có chỉ số IQ cao nhất. Sự bất thường này đã phá tan niềm tin rằng IQ là thứ duy nhất quyết định sự thành công.

Giờ đây, nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí tuệ xúc cảm là yếu tố phân biệt giữa những người xuất sắc và số đông còn lại. Sự liên kết này mạnh mẽ đến nỗi 90% số người thành công hàng đầu đều có EQ cao
Trí tuệ cảm xúc là một thứ tương đối trừu tượng với mỗi chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta quản lý hành vi, định hướng trong sự phức tạp của xã hội và đưa ra những quyết định cá nhân để đạt được kết quả tích cực.
Mặc dù EQ rất quan trọng, song bản chất vô hình của nó khiến bạn khó biết được chỉ số của mình và cần làm gì để cải thiện. Mặc dù có những bài test EQ đã được kiểm chứng khoa học, nhưng đa phần bạn sẽ phải trả tiền cho chúng. Do đó, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu để xác định những hành vi là dấu hiệu của chỉ số EQ thấp. Và dưới đây là những hành vi mà bạn sẽ muốn tránh.

1. Dễ bị stress

Khi bạn dồn nén cảm xúc của mình, chúng sẽ nhanh chóng biến thành căng thẳng, stress và lo âu. Những cảm xúc không được giải toả sẽ khiến tâm trí và cơ thể trở nên căng cứng.
Trí tuệ cảm xúc giúp bạn quản lý stress dễ dàng hơn vì nó cho phép bạn phát hiện và giải quyết những tình huống khó khăn trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Những người không sử dụng các kỹ năng trí tuệ cảm xúc của mình sẽ dễ tìm đến những phương pháp khác kém hiệu quả hơn để quản lý tâm trạng. Họ sẽ dễ bị lo ấu, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, thậm chí cả ý tưởng tự tử gấp đôi so với những người khác.

2. Khó bảo vệ quyền lợi của mình

Những người có chỉ số EQ cao là những người rất biết cách cân bằng giữa lòng tốt, sự thông cảm và tử tế với khả năng bảo vệ quyền lợi của mình và thiết lập ranh giới. Sự kết hợp khéo léo này là điều lý tưởng trong việc giải quyết mâu thuẫn.
Với phần lớn mọi người khi gặp trở ngại, họ thường có hành vi tiêu cực hoặc gây hấn. Còn những người có trí thông minh cảm xúc vẫn giữ được sự cân bằng và bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tránh xa những phản ứng cảm xúc hồ đồ. Điều này cho phép họ vô hiệu hóa những khó khăn và những người “khó chịu” mà không tạo ra kẻ thù.

3. Hạn chế vốn từ để diễn tả cảm xúc bản thân

Ai cũng có cảm xúc, nhưng chỉ một số ít người có thể xác định chính xác những cảm xúc đó như chúng xảy ra. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 36% dân số làm được điều này, và đây là một vấn đề vì những cảm xúc không được gọi tên thường sẽ bị hiểu sai, dẫn đến những lựa chọn bất hợp lý và những hành động phản tác dụng.
Những người có chỉ số EQ cao là bậc thầy về cảm xúc của mình vì họ hiểu chúng và họ có thể sử dụng kho từ vựng lớn về cảm xúc để làm điều đó. Trong khi nhiều người chỉ có thể diễn tả cảm giác của mình là "tồi tệ", thì những người có trí tuệ cảm xúc có thể chỉ ra rằng họ đang cảm thấy "cáu kỉnh", "thất vọng", "chán nản" hay "lo lắng". Càng lựa chọn từ ngữ cụ thể bao nhiêu, bạn sẽ càng biết chính xác mình đang cảm thấy như thế nào, điều gì gây ra nó, và nên làm gì đối với nó.

4. Định kiến và cố chấp

Những người có chỉ số EQ thấp rất nhanh có định kiến và sau đó họ thu thập những bằng chứng ủng hộ ý kiến ​​của mình và phớt lờ mọi bằng chứng chứng minh điều ngược lại.
Thông thường họ sẽ tranh cãi tới cùng để bảo vệ lý lẽ của mình. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người lãnh đạo, vì các ý tưởng chưa được suy nghĩ thấu đáo của họ có thể trở thành chiến lược của cả nhóm.
Người có trí tuệ xúc cảm dành thời gian xem xét kỹ những lập luận của mình vì họ biết những phản ứng ban đầu thường bị cảm xúc chi phối. Họ để những ý tưởng của mình có thời gian phát triển, cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra và suy xét các lập luận phản bác có thể có. Sau đó họ truyền đạt ý tưởng của mình theo cách hiệu quả nhất, có tính đến nhu cầu và ý kiến ​​của người nghe.

5. Thù dai ghét lâu

Những cảm xúc tiêu cực đi kèm với sự hằn thù thực ra là một phản ứng stress. Chỉ nghĩ về một sự kiện nào đó cũng đưa cơ thể của bạn vào chế độ “chiến đấu hay bỏ chạy” - một cơ chế sinh tồn buộc bạn phải đứng lên và chiến đấu hoặc chạy thật nhanh khi đối mặt với mối đe dọa.
Khi một mối đe dọa sắp xảy ra, phản ứng này là thiết yếu cho sự sống còn của bạn, nhưng khi mối đe dọa đã lùi xa trong quá khứ, thì việc giữ lại kiểu stress này sẽ tàn phá trên cơ thể bạn và để lại những hậu quả xấu về sức khỏe qua thời gian.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu tại Đại học Emory đã chỉ ra rằng stress lâu ngày góp phần làm tăng huyết áp và bệnh tim. Giữ sự hằn thù trong lòng có nghĩa là bạn đang tự ôm lấy stress, và những người thông minh về mặt cảm xúc luôn tránh điều này bằng mọi giá. Rũ bỏ sự hận thù không chỉ làm cho bạn cảm thấy tốt hơn ngay lúc đó mà còn cải thiện sức khỏe của bạn.

6. Không học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ

Người có trí tuệ xúc cảm luôn giữ khoảng cách với những sai lầm của họ, nhưng không có nghĩa là họ sẽ quên chúng. Bằng cách giữ một khoảng cách an toàn với những sai lầm của mình, nhưng vẫn đủ để rút kinh nghiệm từ chúng, họ có thể thích nghi và điều chỉnh để thành công trong tương lai.
Dằn vặt quá nhiều về những sai lầm trong quá khứ khiến bạn lo lắng và xấu hổ, còn quên hẳn chúng đi lại dễ khiến bạn lặp lại chính những lỗi lầm của mình. Chìa khóa để cân bằng nằm ở khả năng của bạn biến thất bại thành những viên gạch lót đường cho thành công. Điều này tạo cho bạn thói quen tự đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.

7. Thường cảm thấy bị hiểu nhầm

Khi thiếu trí tuệ cảm xúc, bạn sẽ rất khó giao tiếp với những người khác. Bạn cảm thấy bị hiểu lầm vì bạn không đưa ra những thông điệp theo cách mà mọi người có thể hiểu được.
Kể cả khi đã tập luyện, người có trí tuệ cảm xúc biết rằng họ không luôn truyền đạt mọi ý tưởng một cách hoàn hảo. Họ nắm bắt được khi nào người khác không hiểu họ đang nói gì, điều chỉnh cách tiếp cận của họ và diễn đạt lại ý tưởng của họ theo một cách dễ hiểu hơn.

8. Không biết điều gì khiến mình bị “chạm nọc”

Mỗi người đều có những điều khiến họ dễ nổi giận - những tình huống hoặc những con người khiến họ bị “chạm nọc” và dễ dàng bùng nổ. Những người có EQ cao tìm hiểu rõ những yếu tố này và dùng nó để tránh những tình huống hoặc những con người trước khi điều tệ hại xảy ra.

9. Không biết cách tức giận

Trí tuệ cảm xúc không có nghĩa phải luôn tỏ ra dễ thương, mà là quản lý cảm xúc của bạn để đạt được kết quả tốt nhất. Đôi khi điều này đồng nghĩa với việc cho mọi người thấy bạn đang khó chịu, đang buồn chán hoặc thất vọng.
Luôn luôn che giấu cảm xúc dưới cái vỏ hạnh phúc và tích cực không phải là một cách tốt. Người thông minh về cảm xúc là người biết sử dụng những cảm xúc tiêu cực và tích cực một cách có chủ đích trong những tình huống thích hợp.

10. Đổ lỗi cho người khác về cảm xúc của mình

Cảm xúc đến từ bên trong mỗi người. Thật dễ dàng khi đổ lỗi những cảm xúc của bạn cho hành động của người khác, nhưng bạn mới là người phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc của mình. Không ai có thể khiến bạn cảm thấy bất cứ điều gì mà bạn không muốn. Mọi suy nghĩ theo cách khác sẽ chỉ cản trở bạn.

11. Dễ “xù lông nhím”

Nếu hiểu rõ mình là ai, người khác sẽ khó có cơ hội nói hoặc làm điều gì đó khiến bạn ấm ức. Người có EQ cao sẽ rất tự tin và cởi mở, khiến họ mạnh mẽ hơn. Họ thậm chí có thể tự trào phúng về mình hoặc để cho người khác trêu chọc vì họ có thể phân biệt giữa sự hài hước và sự coi thường.
Không như IQ, EQ có thể dễ dàng thay đổi. Khi bạn đào tạo bộ não bằng cách thực hành những hành vi EQ mới, nó sẽ tạo thành những chu trình cần thiết để biến chúng thành thói quen. Khi bộ não củng cố việc sử dụng các hành vi mới này, những kết nối hỗ trợ các hành vi xấu cũ sẽ mất dần. Không bao lâu, bạn sẽ bắt đầu tự động đáp ứng với môi trường xung quanh bằng trí thông minh cảm xúc.
Cẩm Tú
Theo Huffingtonpost

Bí ẩn của những người ngủ ít


 Bạn sẽ làm gì nếu bạn có thêm 60 ngày rảnh rỗi trong một năm?
Hãy hỏi Abby Ross, một nhà tâm lý học về hưu ở Miami, Florida, một 'người ngủ ít'. Bà chỉ cần ngủ có bốn tiếng mỗi đêm, do đó bà có rất nhiều thời gian rảnh rỗi trong khi phần còn lại của thế giới vẫn còn chìm trong giấc ngủ.

'Có hai cuộc sống'

"Có thêm nhiều thời gian trong ngày là một điều tuyệt vời - tôi cảm thấy tôi có thể sống hai cuộc sống," bà nói.
Những người ngủ ít như bà Ross không bao giờ cảm thấy uể oải cũng như họ không bao giờ ngủ nướng.
Họ dậy sớm - thường là khoảng bốn hay năm giờ sáng - và đầy hứng khởi để bắt đầu một ngày mới.
Margaret Thatcher có lẽ là một trong những người như vậy - bà từng có câu nói nổi tiếng rằng bà chỉ cần ngủ có bốn tiếng mỗi đêm trong khi Mariah Carey thì nói cô cần ngủ đến 15 tiếng mỗi đêm.
Điều gì khiến cho một số người có giấc ngủ hiệu quả đến tuyệt vời như vậy trong khi những người khác thì dành cả nửa ngày để chợp mắt? Và liệu chúng ta có thể thay đổi thói quen ngủ để cho giấc ngủ của chúng ta hiệu quả hơn?
Hồi năm 2009, một người phụ nữ đến phòng thí nghiệm của Ying-Hui Fu tại Đại học California ở San Francisco than thở rằng bà luôn thức dậy quá sớm.
Lúc đầu, Fu nghĩ rằng người phụ nữ này là một người thức dậy quá sớm - tức là bà đi ngủ sớm và dậy sớm. Tuy nhiên, theo lời bà thì bà đi ngủ vào khoảng nửa đêm và thức dậy vào lúc 4h sáng và cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo. Và một số thành viên trong gia đình bà cũng gặp tình trạng như vậy, bà cho biết.
Fu và các đồng nghiệp của bà đã so sánh bản đồ gene của các thành viên khác nhau trong gia đình người phụ nữ này. Họ phát hiện ra một đột biến nhỏ ở một gene có tên DEC2, vốn hiện diện trong những người ngủ ít nhưng lại không thấy ở những thành viên có giấc ngủ bình thường cũng như ở 250 tình nguyện viên.
Khi các nhà khoa học này cho sản sinh loài chuột có đột biến tương tự thì những con chuột này cũng ngủ ít hơn nhưng vẫn hoạt động như những con chuột bình thường ở những chức năng cơ thể và chức năng nhận thức.

Tại sao ngủ đủ giấc quan trọng?

Ngủ quá ít thường có ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Nó có thể gây ra chứng trầm cảm, tăng cân và khiến bệnh nhân gặp nguy cơ đột quỵ và tiểu đường cao hơn.
"Giấc ngủ thật sự rất quan trọng, nếu bạn ngủ đủ giấc bạn có thể tránh được nhiều chứng bệnh, trong đó có cả bệnh mất trí nhớ," Fu nói. "Nếu ai đó bị mất chừng hai giờ ngủ mỗi ngày, chức năng nhận thức của họ sẽ bị suy yếu nghiêm trọng gần như ngay lập tức."
Tuy nhiên tại sao giấc ngủ quan trọng như vậy vẫn là một điều bí ẩn. Nhận thức chung của các nhà khoa học là bộ não con người cần giấc ngủ để dọn dẹp sắp xếp lại và bảo trì mọi thứ do não bộ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi trong ngày. Trong khi chúng ta ngủ, não bộ chúng ta sẽ hồi phục lại những hư tổn trong tế bào, đào thải chất độc tích lũy trong ngày, củng cố nguồn cung cấp năng lượng và giúp bộ nhớ nghỉ ngơi.

Rõ ràng những người có đột biến gien DEC2 cũng có thể thực hiện những chức năng dọn dẹp như vậy trong khoảng thời gian ngắn hơn. "Đơn giản là giấc ngủ của họ hiệu quả hơn những người còn lại trong số chúng ta," Fu cho biết. "Nhưng làm sao mà họ lại có khả năng đó? Đó là vấn đề mấu chốt."
Kể từ khi phát hiện ra đột biến gien DEC2, nhiều người đã nói rằng họ chỉ ngủ có vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, Fu cho biết. Phần lớn những người này bị chứng mất ngủ, bà nói. "Chúng tôi không tập trung vào những người bị khó ngủ vốn khiến họ ngủ không đủ giấc mà chúng tôi muốn tập trung vào những người chỉ ngủ chỉ có vài tiếng nhưng tinh thần vẫn minh mẫn."

'Lạc quan và hăng say'

Trong số tất cả những người có giấc ngủ ngắn mà Fu đã nghiên cứu đều có triển vọng tích cực. "Theo những gì mà họ kể lại," bà nói, "thì họ cảm thấy tràn đầy năng lượng, rất lạc quan. Điều rất bình thường là tất cả họ đều cảm thấy họ muốn làm việc hăng say nhất có thể nhưng chúng tôi vẫn không nắm chắc bằng cách nào hay liệu điều này có liên quan gì đến đột biến gene hay không."
Ross có lẽ nằm trong tuýp người này. "Tôi luôn cảm thấy rất sảng khoái mỗi khi tôi thức dậy," bà nói. Bà đã ngủ chỉ từ bốn đến năm tiếng mỗi ngày từ lúc nào bà cũng không thể nhớ nổi.
"Những lúc vào buổi sáng - khoảng năm giờ sáng - là khoảng thời gian tuyệt vời. Không khí thật yên bình và tĩnh lặng và bạn có thể làm được nhiều việc. Tôi ước chi có nhiều cửa hàng mở cửa vào lúc đó. Tuy nhiên tôi có thể mua sắm trên mạng, hoặc tôi có thể đọc - có rất nhiều thứ để đọc trong cuộc sống này. Hoặc tôi có thể đi ra ngoài và tập thể dục trước khi mọi người thức dậy hay nói chuyện với những người ở các múi giờ khác nhau."
Thời gian ngủ ngắn giúp cho bà hoàn tất chương trình đại học chỉ trong vòng hai năm rưỡi cũng như cho bà thời gian để học thêm nhiều kỹ năng mới.
Chẳng hạn như, chỉ ba tuần sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, Ross quyết định dành một buổi sáng sớm của bà để chạy quanh khu nhà. Bà mất hết 10 phút. Vào ngày kế tiếp bà tiếp tục chạy và chạy thêm được một quãng nữa.
Bà tăng dần thời gian chạy và cuối cùng bà có thể hoàn thành không chỉ một mà 37 cuộc chạy marathon trong vòng ba năm. "Tôi có thể thức dậy và tập thể dục và đến khi những người khác thức dậy thì mọi việc đã xong," bà cho biết.

Hồi còn nhỏ, Ross nhớ bà dậy rất sớm cùng với bố, một người cũng dậy rất sớm. "Những buổi sáng sớm của chúng tôi đã cho cha con tôi khoảng thời gian rất đặc biệt," bà kể. Giờ đây, ngay cả khi bà ngủ nướng - mà bà nói chỉ xảy ra một vài lần - chồng bà nghĩ rằng bà đã chết.

Điều chỉnh thời gian thức giấc

Sau đó, Fu đã sắp xếp lại bộ gene của một số gia đình khác cũng ngủ ít. Đó chỉ mới là khởi đầu để hiểu về đột biến gene dẫn đến tình trạng này nhưng về mặt nguyên tắc một ngày nào đó nó có thể giúp cho những người khác cũng có thể ngủ ít được.
Cho đến khi đó, liệu có điểm yếu nào đối với giấc ngủ trong số phần còn lại của chúng ta?
Neil Stanley, một chuyên viên tư vấn giấc ngủ độc lập, nói rằng có. "Cách hiệu quả nhất để cải thiện giấc ngủ là điều chỉnh lại thời gian thức giấc vào buổi sáng."
Stanley cho rằng khi cơ thể chúng ta đã quen với thời gian mà nó cần thức dậy thì chúng ta có thể sử dụng thời gian có được để ngủ một cách hiệu quả nhất có thể.
"Các nghiên cứu chỉ ra rằng cơ thể chúng ta đã chuẩn bị thức dậy một tiếng rưỡi trước khi chúng ta thật sự thức dậy. Cơ thể chúng ta muốn có sự thường xuyên do đó nếu chúng ta thay đổi thói quen ngủ thì cơ thể không có dấu hiệu gì để biết khi nào nó cần chuẩn bị để thức dậy."
Bạn có thể giúp cho cơ thể của mình bằng cách bỏ qua những định kiến của xã hội về giấc ngủ, ông nói.
"Có quan niệm cho rằng ngủ ít là điều tốt và nên được khuyến khích - chúng ta thường ca ngợi những tấm gương như Margaret Thatcher và những giám đốc điều hành hàng đầu vốn không cần ngủ nhiều. Thật ra, thời lượng giấc ngủ cần thiết đối với bạn được quyết định ở yếu tố di truyền cũng như chiều cao của bạn vậy. Một số người chỉ cần ngủ rất ít trong khi những người khác cần ngủ đến 11 hay 12 tiếng mới khỏe được."
Stanley nói rằng rất nhiều người gặp vấn đề về giấc ngủ thật ra không có bệnh gì hết. Họ nghĩ rằng họ cần phải ngủ trong bao nhiêu đó thời gian.
"Nếu tất cả chúng ta đều biết được thời gian ngủ của mình và sống tương thích thì chúng ta có thể tạo nên khác biệt lớn đối với chất lượng cuộc sống của chúng ta," ông nói.